Khởi hành từ Sài Gòn lúc 5 giờ, xe chúng tôi chạy xuyên qua hai tỉnh Kratie và Stung Treng của Campuchia, đích đến là Paksé, một thị xã thuộc tỉnh Champasack, Lào vào lúc 16 giờ cùng ngày.
1. Biên giới rồi biên giới!
Khởi hành từ Sài Gòn lúc 5 giờ, xe chúng tôi chạy xuyên qua hai tỉnh Kratie và Stung Treng của Campuchia, đích đến là Paksé, một thị xã thuộc tỉnh Champasack, Lào vào lúc 16 giờ cùng ngày.
Như vậy, chúng tôi đã đi chặng đường khoảng 650km theo Quốc lộ 13, từ Lộc Ninh qua cửa khẩu Hoa Lư. Con đường này nghe nói thông xe vào cuối năm 2015. Cửa khẩu Hoa Lư hôm chúng tôi qua nhộn nhịp xe hàng nối đuôi chờ thông quan. Tôi không biết từ Việt Nam đi qua là những hàng gì, nhưng từ Campuchia đưa qua Việt Nam là sắn, với đầy ắp những bao tải căng tròn.
Suốt con đường hơn 300km từ cửa khẩu Hoa Lư đến Stung Treng đúng nghĩa đồng khô cỏ cháy. Có lẽ đang vào mùa khô nên hai bên đường cây rừng xơ xác, không thấy màu xanh hay dòng sông nào chảy qua; có lẽ chỉ có cây trứng cá tồn tại một cách oai hùng giữa bạt ngàn màu vàng khô úa đó. Bạn tôi nói, vậy mà chỉ qua một mùa mưa thôi, mọi thứ sẽ khác!
Có thể gặp những chiếc xe chở hàng từ đời nảo nao chỉ có trong những bộ phim nói về Đông Dương thời Pháp thuộc hay những chiếc xe tả tơi gần hết mà họ vẫn còn sử dụng.
“Đặc sản” ở đây ngoài sắn còn có... gỗ. Những chiếc xe máy chở gỗ ào qua ngược lại, có cả phụ nữ chạy xe thồ gỗ. Chỉ một chiếc xe đang cột hàng loạt xe máy phía sau, bạn tôi cho biết, họ đưa xe máy (và người) vào rừng, nơi có gỗ, bỏ xuống rồi xe máy thồ gỗ về biên giới, có nơi thu mua gỗ.
Đứng ở con đường dọc bờ sông Me Kong, nhìn lòng sông đầy đá nổi nhấp nhô, bạn tôi giải thích đó là lý do không thấy một chiếc ghe, thuyền nào đi lại trên sông.
Qua cầu Stung Treng, hai bên đường có những đoạn đất đỏ mịt mù khi xe chạy qua là những khu rừng (có lẽ) tự đã và đang cháy. Tuy nhiên, qua cửa khẩu Domclo, nếu phía Campuchia còn thấy những cánh rừng đang cháy thì phần đất Lào cây xanh hơn, có sông và những chiếc cầu bắc qua.
2. Nam Lào
Hôm sau, chúng tôi có một ngày “cưỡi ngựa xem hoa” coi như gần hết... Nam Lào (Hạ Lào).
Nam Lào có 4 tỉnh: Champasack, Saravan, Attapeu và Sekong. Trừ Champasack, 3 tỉnh còn lại đều có cửa khẩu qua Việt Nam.
Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi tham quan trung tâm Paksé. Rồi bạn đưa đến một ngôi chùa ở ngã ba sông có tên là Am Xốp-sê, nơi hợp lưu của hai con sông Xedone và Mekong. Cái tên Paksé (Pắc-xế) cũng bắt nguồn từ hợp lưu sông này. Đi chung đoàn với chúng tôi có Thuận, một người Việt sống ở Lào 19 năm giải thích rằng, trong tiếng Lào Pak là “miệng”, Paksé là miệng sông, Am Xốp-xê - ngôi chùa nằm ở ngã ba sông nhìn xuống, trong tiếng Lào, “Xốp” có nghĩa có nghĩa là “môi”, Xốp-xê là môi sông.
Sau đó chúng tôi đi Attapeu cách Paksé 165km. Ghé ăn cơm trưa ở thị trấn Paksong, thuộc cao nguyên Bolovens, trong một vườn hoa do người Thái Lan xây dựng trên khu đất rộng 30 mẫu. Tại đây, vô vàn các loài hoa trồng trong nhà giống, ngoài trời... Ấn tượng nhất là vườn hoa hồng, đủ các màu trắng, vàng, hồng, đỏ, màu tro... Hoa nào hoa nấy to như cái... tô. Từ xa đã ngửi thấy mùi thơm ngát.
Dự án vườn hoa mới triển khai năm ngoái, còn đang trong quá trình hoàn thiện nhưng vẫn đón khách đến tham quan, ăn uống. Bạn tôi cho biết, Paksong chỉ cách Paksé khoảng 50km nhưng nhiệt độ hai nơi này chênh nhau đến 10oC.
Attapeu tiếp giáp với Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y, không lớn như Paksé. Như vậy, chúng tôi qua được ba tỉnh của Nam Lào, trong đó qua thị trấn Paksong có một đoạn thuộc tỉnh Sekong. Trên đường trở về lại Paksé, chúng tôi có ghé đến chùa Sakhe, ngôi chùa nổi tiếng của Attapeu nằm cạnh dòng sông Sekong. Hoàng hôn Hạ Lào thật đẹp khi nhìn mặt trời xuống chậm phía trước mặt. Hai bên đường là màu rừng thông xanh, tương phản với màu bông cỏ lau trắng nhuộm ánh hoàng hôn thành một màu liêu trai, huyền bí!
3. Ubon Ratchathani
Ngày hôm sau, chúng tôi thuê xe qua Thái Lan. Tài xế chở chúng tôi từ Paksé qua đất Thái Lan tên Hùng, 54 tuổi, người Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở Lào. Hùng chạy xe chở hàng từ năm 18 tuổi, chuyển sang xe du lịch 10 năm nay. Hùng nói được tiếng Việt, Lào, Thái, chạy xe chở khách thường xuyên qua các nước này. Từ Paksé đến biên giới Thái Lan khoảng 40km, qua cầu hữu nghị Nhật - Lào. Cửa khẩu Vang Tao nhộn nhịp khá khác biệt so với hai cửa khẩu tôi đã đi qua mấy ngày trước. Mọi thủ tục xuất/nhập cảnh Hùng đều làm hết. Chỉ cách nhau chưa đến 1km qua hai nơi làm việc của hải quan hai nước mà khác xa nhau vô cùng.
Vừa qua cửa khẩu là con đường thật rộng, đẹp trước mặt. Vừa ở bên kia xe chạy bên phải, qua bên này chạy bên trái nên cái nhìn của tôi phải một lúc mới... quen. Cảm nhận đầu tiên ngoài việc đường sá tốt, quy củ, bảng chỉ đường rõ ràng còn là trật tự. Hùng nói, họ chạy xe rất đúng quy định. Xe máy đi thế nào, nhỏ, lớn đi ra sao... rắp rắp tuân thủ dù không có cảnh sát đứng gác.
Ubon Ratchathani, thủ phủ của vùng Đông Bắc Thái Lan, cách Pakse khoảng 165km. Ubon Ratchathani có nhiều điểm tham quan như: Bảo tàng Quốc gia Ubon, Công viên Hoàng gia Thong Ximong..., nhưng vì không đủ thời gian nên chúng tôi chỉ chọn hai nơi, trung tâm mua sắm và chùa Wat Noong Bua, ngôi chùa có kiến trúc dát vàng rất độc đáo của vùng Đông Bắc.
Chúng tôi quay trở lại Paksé trong ngày. Vẫn còn kịp thời gian để những người trong đoàn đi massage, gội đầu... và ăn tối tại một quán bar bên dòng MeKong.
Ngày hôm sau, chúng tôi dành chút thời gian đi mua sắm ở chợ Paksé. Có rất nhiều người Việt ở đây nên việc mua bán rất dễ dàng bằng tiếng Việt.
10 giờ sáng, chúng tôi rời Paksé, trở về Việt Nam cũng với con đường đã đi mấy ngày trước.
Bốn ngày qua bốn nước, thật là một trải nghiệm hiếm có trong đời!
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN