10:11, 24/11/2017

Sau cơn bão

Bão vừa đi qua, năm ngày không điện, nước và hàng trăm ngày sau đó để khắc phục những gì cơn bão gây ra, nó trở thành những câu chuyện lặp đi lặp lại. Riết giờ, thành phố tưởng là yên bình xinh đẹp nhất cũng oằn mình với thiên tai như bao nơi khác.

Bão vừa đi qua, năm ngày không điện, nước và hàng trăm ngày sau đó để khắc phục những gì cơn bão gây ra, nó trở thành những câu chuyện lặp đi lặp lại. Riết giờ, thành phố tưởng là yên bình xinh đẹp nhất cũng oằn mình với thiên tai như bao nơi khác.

 

Ngay ngã tư giao nhau của đường bộ và đường ray xe lửa, cô ngồi tựa lưng vào núi, dưới cái sạp nhỏ căng tấm bạt xanh, bây giờ cái sạp của cô cũng bay đâu mất trong bão. Cô đã đi vòng quanh đó khá xa mà cũng không tìm được, thôi thì mai ra chợ mua vài mét bạt làm cái khác, có gì mà buồn, người ta bay cả gia sản, cô có cái sạp nhỏ xíu này… Nhưng thứ cô đang tìm không hẳn chỉ là cái sạp...


Chợ tự phát nhỏ xíu chạy quanh vách núi, bên phải cô là đường ray tàu lửa, tàu qua khỏi ngã tư thì chạy giữa hai vách núi cao, ngày trước người ta cho nổ mìn để làm cái đường ray băng qua đó. Cũng lâu rồi, mưa bão, lũ về cũng sạt lở nhiều lần, rồi người ta nạo vét, sửa sang nhanh lắm. Cô thở dài, cũng mấy chục năm rồi, hồi những tiếng nổ ầm ầm từ vách núi, đá văng tứ tung, có người đàn ông nói với cô “bánh bèo cô làm ngon nhứt xứ”, lúc đó, cái chợ nhóm còn nằm tuốt phía trong, cô khoảng mười sáu mười bảy tuổi. Sau, đoạn đường ray đó làm xong rồi, người đàn ông đó tới quầy của cô, hỏi “mai mốt tui quay về tìm ăn bánh bèo của cô, tui hỏi ở đâu?”, cô e thẹn nói “thì cứ tới đây, tui bán tới già, tới chết!”. Rồi cả hai cùng cười. Mười mấy tuổi đầu, coi đó là lời hẹn ước, coi chàng trai với xấp bản vẽ trên tay là thần tượng, là người đàn ông trong mộng của mình, dẫu mình chẳng có gì ngoài rổ bánh bèo thức dậy sớm đổ bột rồi hấp lên, đem ra chợ bán mà chỉ trông chờ có một khách duy nhất. Vậy mà, mấy chục năm, cứ sợ người ta ghé lại tìm mình không ra, cô lần lữa lùi dần mãi ra ngay ngã tư, nơi đoàn tàu xình xịch ngày qua lại bao nhiêu lần, cô vẫn chỉ nhớ người đàn ông đó, chứ đàn ông quanh khu chợ này chẳng có ai tới khen “cái rổ bánh bèo của cô ngon nhứt xứ”.

 

 

Sáng nào cô cũng ngồi sên nhân bánh, mùi tôm, mùi thịt bằm, mùi hành sôi sùng sục trên bếp, cô đổ vô cái xô giữ nhiệt rồi cắp cái rổ bánh bèo ra ngồi ngay cái chòi có tấm bạt xanh, đợi những chuyến tàu. Rồi cô biết, thế nào cô cũng được gặp lại người đàn ông đó một lần. Đôi khi cô thấy mình ngớ ngẩn, đợi người thì đợi ở sân ga, chứ nếu anh có ngồi trên một trong những chuyến tàu đó thì chắc gì đã kịp nhìn thấy cô khi tàu vụt qua.  


Lần này bão lớn quá, đường ray bị một tảng đá to trên núi lăn xuống, hôm cô ra bán thì thấy xe cẩu tới cẩu đi. Nghe tiếng rền rền của máy, cô muốn nhìn quanh coi có ai trên tay cầm xấp bản vẽ không, như cái ngày người ta mới đục núi này để làm đường ray. Rồi cô tự cười như hàng vạn lần đã làm, chắc gì anh còn nhớ nữa mà cô mong? Vậy đó, làm sao cô biết trong tâm trí của người đàn ông đó suốt mấy chục năm qua có nhớ một “cô bánh bèo” bán trong cái chợ cóc ở thành phố du lịch này? Biết đâu họ thành giám đốc, thành chức vụ gì cao lắm, đi xe sang, được đưa đón ngoài kia, có còn là anh kỹ sư mới ra trường làm đau lòng thiếu nữ mười sáu tuổi ngày nào?


Con nít hay đàn bà, rốt cuộc thì cũng lụy tình và khờ dại như nhau!...


Hôm sau bão, ai cũng thần người trước những tài sản bị gió cuốn đi, điện thoại không, điện không, nước cũng không, cô lên xe đạp chạy dọc các con đường, cây đổ ngang đổ dọc, bảng hiệu nát bươm, chạy mãi rồi cô chạy ra tới biển. Bỗng bàng hoàng hình như lâu lắm rồi cô ngồi giữ cái góc tư ở chân núi đó mà không đi đâu, các bãi biển hoang sơ của cô bây giờ nhà cao tầng mọc lên san sát, nhưng bên đó cũng là những ô cửa kính vỡ, bão tàn phá ghê người.


Mọi thứ trở về dần dần với trật tự ban đầu, ai cũng lao vào cuộc sống mưu sinh vốn có, có người phải làm gấp ba gấp bốn để lấy lại những gì đã mất, khi ngoài kia gió đông bắt đầu tràn về, nghe trong ruột gấp gáp, thấy mùi Tết, mùi của sự chạy đua vội vã. Cô chùng lòng, Tết nay chắc buồn. Mà Tết này nữa là bao nhiêu cái Tết rồi, người ta nói Tết đoàn viên, sao giấc mơ của cô xa vời vợi đến vậy?


Mỗi buổi trưa bán xong, cô đạp xe ra đường biển, hình như cô phí gần hết đời mình ở ngay ngã tư đó, tưởng cả thế giới của mình ở đó. Một người bạn rủ cô “hay chiều bưng cóc ổi mía ghim ra dạo bờ biển bán cho khách du lịch, kiếm cũng được lắm!”. Cô tò mò đi theo bạn, bỏ xe, bỏ dép đi chân không dưới cát, nóng bỏng rát bàn chân.


Trước cô, có người đàn ông không nhìn biển mà nhìn ngược về những ngôi nhà cao tầng đang xây, đứng trầm ngâm như tính toán gì. Trên tay không có xấp bản vẽ nào, nhưng hình như đôi mắt đó, gương mặt đó không khác mấy những gì cô tìm kiếm. Cô có khựng lại, cố đứng nhìn, chỉ mong ông ấy quay lại thì có nhìn ra cô không? Chân cô như có ai đẩy, cô bước dần tới anh ta. Khi đứng ngang với anh ta, cô cũng quay nhìn về phía những tòa nhà, cô nghe trong cổ họng phát ra những tiếng khe khẽ, không hiểu là gì. Lòng cô hoang mang, có phải người đàn ông đã khen rổ bánh bèo của cô ngon nhứt xứ đây không? Có phải anh kỹ sư hồi mười sáu tuổi cô đã yêu rồi giữ luôn cái rổ bánh bèo mà chờ đợi đến bây giờ hay không? Cô không biết nữa, cô điên mất rồi!


Anh dừng nhìn những tòa nhà, quay nhìn cô, cái nhìn xa lạ đến ngờ vực, sau đó quay lưng bước đi. Môi cô mấp máy được từ “anh...” trong thảng thốt, rồi cô chợt nhớ ra là mình chưa từng biết tên anh, chỉ gọi bằng “anh kỹ sư”. Anh vẫn bước đi, cô dùng hết sức lực của mình dồn nén mấy chục năm, hét lên “Anh kỹ sư!”. Anh khựng lại mấy giây, rồi quay lại nhìn cô, trong giây phút đó, cô nghe trong tim mình vỡ òa... Nhưng sao ánh mắt anh vẫn lạnh lùng, vẫn xa lạ và ngờ vực đến thế kia? Rồi, anh lắc đầu và đi tiếp.


Hôm đó, cô nghe trong mình như có bão tố, nó mạnh hơn cơn bão số 12 vừa đi ngang thành phố xinh đẹp này của cô. Cô trở về chiếc sạp với tấm bạt xanh, ngồi khóc như đứa trẻ bị đòn oan, khóc như thiếu nữ bị phụ tình. Từng đoàn tàu xình xịch đi qua, người ta dọn chợ về hết mà cô chẳng hay biết gì.


Bên kia đường ray, có một người bỏ tay túi quần bước sang, gọi lớn “cô bánh bèo!”. Ánh mắt đó mới là ánh mắt quen...



Truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào