10:06, 25/06/2021

Trọn đời với kịch hát bài chòi

Cách đây 43 năm, lớp đào tạo diễn viên sân khấu kịch hát bài chòi đầu tiên của tỉnh được mở ra với gần 150 học viên. Nhưng để đi được hết con đường nghệ thuật truyền thống đầy thăng trầm vỏn vẹn chỉ có 3 người…

Cách đây 43 năm, lớp đào tạo diễn viên sân khấu kịch hát bài chòi đầu tiên của tỉnh được mở ra với gần 150 học viên. Nhưng để đi được hết con đường nghệ thuật truyền thống đầy thăng trầm vỏn vẹn chỉ có 3 người…


Duyên nghiệp


Trong căn nhà của NSƯT Bích Vương ở một con hẻm đường Đặng Tất (TP. Nha Trang), NSƯT Trần Nhật Lệ - nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh kể: “Tháng 8-1978, tôi cùng Bích Vương và anh Nguyễn Hữu Hạ nằm trong số gần 150 học viên đầu tiên về kịch hát bài chòi của Trường Nghiệp vụ nghệ thuật Phú Khánh đóng ở xã Diên Thủy (huyện Diên Khánh). Và cũng chỉ 3 chúng tôi còn sống với nghề đến tận bây giờ”.

 

Nghệ sĩ Bích Vương (bên trái ) và Trần Nhật Lệ trong buổi hội ngộ.

Nghệ sĩ Bích Vương (bên trái ) và Trần Nhật Lệ trong buổi hội ngộ.


Trong ký ức, mỗi nghệ sĩ đều có kỷ niệm riêng khi đến với nghề. Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Hạ cho biết: “Thời trẻ, tôi mê đi hát, biểu diễn phục vụ người dân địa phương. Vì thế, tôi được chọn vào đội văn nghệ của xã. Năm 1978, tôi được cử đi học lớp đào tạo diễn viên kịch hát bài chòi để về xây dựng phong trào văn nghệ cho địa phương. Nhưng duyên nghề đã đưa tôi trở thành diễn viên dân ca kịch bài chòi chuyên nghiệp”. Còn NSƯT Bích Vương đến với lớp học khi mới 14 tuổi và được xem là em út của lớp. Hồi ấy bà chỉ là cô bé thích hát cải lương, dân ca ở làng Bình Trị (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa). Trong 3 tháng, những người tham gia lớp đào tạo được các nghệ sĩ như Nguyễn Văn Khánh (cha của NSND Trà Giang), Hoàng Minh Tâm… trực tiếp dạy về làn điệu kịch hát bài chòi, kỹ thuật diễn xuất trên sân khấu. Rồi gần 150 người chọn được 10 gương mặt xuất sắc giới thiệu cho Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh. Họ tiếp tục được bồi dưỡng 6 tháng rồi tuyển chọn 6 người vào làm diễn viên của đoàn. Nhưng sau thời gian ngắn, chỉ còn 3 nghệ sĩ gắn bó trọn đời với sân khấu kịch hát bài chòi. “Ngay lần đầu tiên được xem “bài chòi cách mạng” tôi đã mê ngay. Giờ nghĩ lại, việc chúng tôi gắn bó với loại hình nghệ thuật này chỉ có thể vì niềm đam mê quá lớn”, NSƯT Trần Nhật Lệ chia sẻ.

 

NSƯT Bích Vương (giữa) - một trong 3 nghệ sĩ gạo cội của lớp đào tạo diễn viên dân ca kịch bài chòi đầu tiên.

NSƯT Bích Vương (giữa) - một trong 3 nghệ sĩ gạo cội của lớp đào tạo diễn viên dân ca kịch bài chòi đầu tiên.


Vui buồn với nghề


Các nghệ sĩ: Nguyễn Hữu Hạ, Trần Nhật Lệ, Bích Vương đều đã nghỉ hưu, nhưng khi nhìn lại hành trình nghệ thuật của mình, mỗi người đều cảm thấy tự hào. Những ai yêu mến sân khấu kịch hát bài chòi vẫn còn ấn tượng với các vai diễn: Nguyễn Hữu Chỉnh, Trần Vọng, ông Tường… do NSƯT Trần Nhật Lệ đảm nhận; nét diễn hài rất riêng của nghệ sĩ Nguyễn Hữu Hạ qua các vai: Cả Chỉnh, Hạ xồm… Còn với NSƯT Bích Vương, đó là hình ảnh cô đào thương trong các vai: Thoại Khanh, má Mười, cô giáo Huệ… Họ đã cùng trải qua thời hoàng kim của sân khấu kịch hát bài chòi trong những năm từ 1980 đến 1995. Lúc đó, Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh, sau này đổi tên là Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa thường xuyên đi lưu diễn khắp các tỉnh, thành trong nam, ngoài bắc. Đến đâu, đoàn cũng nhận được sự yêu mến của khán giả. Trong các hội thi, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, đoàn luôn nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Đặc biệt, họ đã vinh dự được biểu diễn phục vụ cho nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Chủ tịch nước Võ Chí Công, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng…


Với các nghệ sĩ, vinh quang nghề nghiệp cũng nhiều, nhưng gian khó cũng không ít. Đó là giai đoạn từ nửa sau những năm 90 của thế kỷ trước, khi loại hình nghệ thuật sân khấu biểu diễn nói chung và kịch hát bài chòi nói riêng đã giảm sức hút với khán giả. Cuộc sống của các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. “Nhìn những đồng nghiệp lần lượt rời đoàn, chúng tôi không khỏi hoang mang, nhưng lại càng quyết tâm bám trụ với nghề”, NSƯT Bích Vương chia sẻ.


Sống trọn đời với nghệ thuật kịch hát bài chòi, các nghệ sĩ Nguyễn Hữu Hạ, Trần Nhật Lệ, Bích Vương đã thực sự tìm được hạnh phúc của riêng mình. Để đến hôm nay, điều các nghệ sĩ thấy yên tâm chính là sự trưởng thành cả về chuyên môn lẫn “lửa nghề” của lớp diễn viên trẻ và niềm vui khi khán giả đã quay trở lại với sân khấu kịch hát bài chòi.


Giang Đình