10:02, 14/02/2020

Về một bài thơ viết trên phòng tuyến

Ngày 17-2-1979, khi tiếng súng của quân và dân các tỉnh biên giới vang lên chống trả quân bành trướng thì tôi đang bước vào học kỳ 2 của lớp 10 (khi đó các tỉnh phía bắc vẫn học hệ phổ thông 10 năm). Các gia đình hì hụi khơi lại hầm hào trú bom thời không quân Mỹ đánh phá. Cánh học sinh bảo nhau cố học, thi tốt nghiệp xong chờ sang năm đủ 18 tuổi thì lên đường đi bộ đội.

Ngày 17-2-1979, khi tiếng súng của quân và dân các tỉnh biên giới vang lên chống trả quân bành trướng thì tôi đang bước vào học kỳ 2 của lớp 10 (khi đó các tỉnh phía bắc vẫn học hệ phổ thông 10 năm). Các gia đình hì hụi khơi lại hầm hào trú bom thời không quân Mỹ đánh phá. Cánh học sinh bảo nhau cố học, thi tốt nghiệp xong chờ sang năm đủ 18 tuổi thì lên đường đi bộ đội. Trường ở ngay ven Quốc lộ 2 từ Hà Nội lên Lào Cai, Hà Giang, ngày đêm rầm rập xe kéo pháo, xe chở quân ngược lên biên giới khiến đám học sinh càng bồn chồn.


Năm đó tôi thi đậu vào Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi nhập học gần cuối năm 1979, tình hình biên giới đã tạm yên. Lũ sinh viên mới lơ ngơ suốt ngày nghe các anh chị khóa trên kể về không khí những ngày tháng 2 lịch sử của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi đó, nhà trường chủ trương cho các sinh viên năm thứ nhất và thứ hai qua Bắc Ninh tham gia xây dựng phòng tuyến Sông Cầu, phòng tuyến bảo vệ thủ đô. Đây cũng chính là nơi phòng tuyến sông Như Nguyệt xưa, thời anh hùng Lý Thường Kiệt đọc bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư...” đánh đuổi giặc Tống.

 

 

Rồi đêm văn nghệ sinh viên mùng 9 tháng Giêng năm sau tại khu ký túc xá Mễ Trì, nhóm ca khúc chính trị của khoa Văn trình bày bài hát tự biên “Anh không thể nào mang về cho em”. Không hiểu sao, tôi nghe chỉ đúng có 1 lần ấy mà đến nay vẫn nhớ nguyên bài. Bài hát có khúc dạo: “Tôi không thể nào mang về cho em; những cột mốc biên cương đổ máu. Tôi không thể nào mang về cho em; dáng đồng đội trong những giờ chiến đấu. Tôi không thể nào mang về cho em; khẩu súng tôi ghì nóng bỏng đất Hòa An...”.


Sau này tôi mới được biết, bài hát ấy được một sinh viên khoa Văn khóa trên lứa tụi tôi phổ nhạc từ một bài thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Nhà thơ nguyên là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội, tình nguyện nhập ngũ và đã thành danh trong kháng chiến chống Mỹ. Hòa bình lập lại, ông quay về mái trường xưa, tiếp tục học với khóa 22. Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới nổ ra, nhà thơ cũng có mặt trên công trường xây dựng phòng tuyến Sông Cầu. Trái tim nghệ sĩ đã thôi thúc ông viết ra những lời thơ như thế, đọc sang sảng trên công trường. Bài hát đó dự thi liên hoan ca khúc chính trị của tuổi trẻ thủ đô 1979 và đã giành giải nhất. Cánh sinh viên vẫn truyền nhau câu chuyện Ban giám khảo lần đầu nghe, không tin đây là ca khúc tự biên bởi lời và nhạc chuyên nghiệp quá, nhưng khi biết tác giả của lời thơ thì không ai bảo ai, đều nhất trí chấm giải nhất.


Khóa học đó và khóa trên nữa của khoa Văn thời đó có rất nhiều cựu sinh viên, các anh đang học thì tình nguyện đi vào chiến trường, sau năm 1975 quay trở lại giảng đường tiếp tục giấc mơ dang dở. Toàn những tên tuổi lẫy lừng trên văn đàn như: Hoàng Nhuận Cầm, Phạm Quốc Ca, Lâm Huy Nhuận... Bên Đại học Sư phạm Hà Nội I thì có Phạm Tiến Duật… Những đêm thơ sinh viên thời đó luôn đông nghẹt sinh viên của tất cả các khoa.


Về sau này, tôi đã sưu tầm được bài thơ “Tôi không thể nào mang về cho em” của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Xin giới thiệu với bạn đọc, để mọi người hiểu hơn về ý chí, tâm hồn một thế hệ sinh viên trong những ngày đất nước gian lao ấy.


Thủy Ngân

 

Tôi không thể nào mang về cho em

 

Tôi không thể nào mang về cho em
Trên những đồi biên cương chảy máu
Mắt đồng đội sau những ngày chiến đấu
Khẩu súng ghì nóng bỏng đất Hòa An.
 
Thương yêu quá! Việt Nam
Lựu đạn bay lẫn trong bầy chim sẻ
Con đứa lên rừng, đứa lần xuống bể
Ngày đất trời vỡ trứng Âu Cơ.
 
Sao thương quá ầu ơ
Lời ru ngủ suốt chân trời góc bể
Tay nào mẹ bồng, tay nào mẹ bế
Bàn tay nào đẫm lệ dỗ Nguyễn Du.
 
Chưa tay nào dỗ nín được Nguyễn Du
Sao tôi thương mùa thu trăng lu
Đêm sao mai lặng lờ cá đớp
Ngày mặt trời đổ rợp bóng cây.
 
Tâm hồn tôi màu mây
Quân phục xanh màu lá
Việt Nam! Tôi thương quá
Tôi thương quá! Việt Nam.
 
Trái tim thêm một tuổi
Đất tôi yêu ngàn ngày
Xin trao tôi khẩu súng
Khi mà chưa xuôi tay
Mẹ lại đưa ra trận
Khu vườn hoa mướp bay...
 
Việt Nam ôi yêu thương
Chữ vất vả, gian nan người quá thấu
Bao thế hệ trọn đời đi chiến đấu
Bao cuộc đời nhắc đến đã gương soi.
Sẽ còn in như dao khắc lòng tôi
Dáng đồng đội ngã trong giờ chiến đấu
Ngực áp sát cột biên cương đỏ máu
Mà môi cười tha thiết - Việt Nam ơi...
                                       
  Hoàng Nhuận Cầm