10:02, 14/02/2020

Dấu ấn của một tác phẩm dân ca kịch bài chòi

Tác phẩm Chói rạng sơn hà của nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức vừa được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải duy nhất cho lĩnh vực sân khấu của cả nước. Đọc kịch bản dân ca bài chòi này mới cảm hết tấm lòng trung nghĩa sáng ngời của nữ tướng Bùi Thị Xuân và những trung thần nhà Tây Sơn.

Tác phẩm Chói rạng sơn hà của nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức vừa được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải duy nhất cho lĩnh vực sân khấu của cả nước. Đọc kịch bản dân ca bài chòi này mới cảm hết tấm lòng trung nghĩa sáng ngời của nữ tướng Bùi Thị Xuân và những trung thần nhà Tây Sơn.


Năm 2017, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức bắt tay vào viết kịch bản dân ca lịch sử Chói rạng sơn hà. Sau gần 1 năm nghiền ngẫm, suy tư tìm ý tưởng, ông cũng đã hoàn thành đứa con tinh thần của mình với 50 trang giấy. Kịch bản này đã được Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định dàn dựng và người trực tiếp đảm nhiệm vai trò đạo diễn chính là NSND Hoài Huệ. Đến tháng 5-2019, vở diễn này được đoàn đưa tới tham dự Liên hoan Sân khấu tuồng và ca kịch toàn quốc, tạo được dấu ấn khi đạt huy chương vàng; kịch bản đoạt giải tác giả xuất sắc nhất liên hoan. Thành công nối tiếp thành công, từ giải thưởng dành cho tác giả kịch bản, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức đã được UBND tỉnh trao giải A giải tặng thưởng văn học nghệ thuật tỉnh năm 2019.

 

 

Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức (bên phải) nhận giải A  giải tặng thưởng văn học nghệ thuật tỉnh cho kịch bản Chói rạng sơn hà.

Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức (bên phải) nhận giải A giải tặng thưởng văn học nghệ thuật tỉnh cho kịch bản Chói rạng sơn hà.


Chói rạng sơn hà kể lại một lát cắt lịch sử triều Tây Sơn trong khoảng 4 năm (1798 - 1802) dưới sự trì vì của hoàng đế Cảnh Thịnh. Sau khi hoàng đế Quang Trung mất được 6 năm, nội triều Tây Sơn đã có nhiều biến động. Thế lực của quân nhà Nguyễn ngày càng mạnh và đã đánh bại được nhà Tây Sơn để xưng vương, lấy niên hiệu Gia Long. Trong buổi suy tàn của nhà Tây Sơn, những kẻ nghịch thần, phản loạn được dịp lộng quyền nhưng vẫn còn đó những chiến tướng trung thành, một lòng dốc mình vì sự an nguy của xã tắc, giang sơn. Đó là Đại tư đồ Võ Văn Dũng, Thiếu phó Trần Quang Diệu (chồng của nữ tướng Bùi Thị Xuân) và Đô đốc Bùi Thị Xuân.


Trong khi những kẻ gian thần như: Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Văn Danh thừa cơ tiếm quyền và tìm mọi cách để tiêu diệt những quần thần trung nghĩa, thì với tấm lòng trung hiếu sáng ngời, vợ chồng Đô đốc Bùi Thị Xuân đã không quản ngại thân mình để xông pha ngoài trận tuyến. Kết cục, cả hai người đều rơi vào tay của quân nhà Nguyễn. Nhưng chính ở ranh giới đối mặt với cái chết, nghĩa vợ chồng, tình cảm gia đình bị đưa ra làm mồi nhử đầu hàng thì cũng là lúc tấm lòng trung thành với nhà Tây Sơn càng tỏa sáng. Hai vợ chồng Đô đốc Bùi Thị Xuân đã không hàng, kể cả việc đưa con nhỏ để gây áp lực. “Chỉ những kẻ vô nhân bất nghĩa/Mới mượn câu quyền biến để tiến thân”, “Sống thờ vua, chết cũng thờ vua/Trung hiếu đáp đền ơn tri ngộ/Ngàn thu vẹn nghĩa với non sông” (lời nữ tướng Bùi Thị Xuân). Ở cảnh kết, màn đối đáp của Đô đốc Bùi Thị Xuân ở pháp trường càng thể hiện cho khí phách, tấm lòng trung thành của nữ tướng dành trọn cuộc đời theo nhà Tây Sơn.


Kịch bản khép lại với cái kết đầy đau thương, nhưng đó là cái bi tráng mang tính ngợi ca về những con người có tấm lòng trung hiếu sáng ngời với núi sông muôn thuở. Để đến hôm nay và mãi về sau vẫn là tấm gương chiếu Chói rạng sơn hà. “Kịch bản này có thể xem là một trong những tác phẩm thành công của tôi. Điều đó không chỉ được thể hiện qua những giải thưởng, quan trọng hơn là nó đã tạo được dấu ấn và sự thừa nhận của khán giả, cũng như với những người trong nghề”, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức chia sẻ.


GIANG ĐÌNH