11:07, 19/07/2019

Thiết chế văn hóa cơ sở còn khó khăn

Mặc dù đã có sự quan tâm, nhưng thực trạng hoạt động của nhiều nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Mặc dù đã có sự quan tâm, nhưng thực trạng hoạt động của nhiều nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.


Là nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp của người dân trong thôn từ nhiều năm qua, nhưng Nhà văn hóa thôn Bình Trị (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) đang ở trong tình trạng xuống cấp. Bên trong hội trường chật hẹp; các trang thiết bị hư hỏng, cơ sở vật chất thô sơ, vách tường chỉ che tạm bợ bằng những tấm vải cũ. Thực trạng này khiến việc triển khai các hoạt động văn hóa văn nghệ, hội họp của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn. “Nhà văn hóa thôn xây dựng đã khá lâu, cơ sở vật chất thiếu thốn, không đảm bảo phục vụ người dân. Bình Trị là một thôn lớn với hơn 550 hộ, nhưng hội trường chỉ có sức chứa tối đa 100 người, nên mỗi lần tổ chức hội họp rất chật chội. Lâu nay, thôn cũng kiến nghị, nâng cấp hội trường nhưng vẫn chưa được giải quyết”, ông Nguyễn Hiệp - cán bộ văn hóa xã Ninh Bình cho biết.

 

Tình trạng xuống cấp của Nhà văn hóa thôn Bình Trị.

Tình trạng xuống cấp của Nhà văn hóa thôn Bình Trị.


Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Thạch Thành (xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) được đầu tư xây dựng khang trang. Thế nhưng, đó chỉ là bề ngoài, còn bên trong, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt văn hóa của người dân lại thiếu thốn, nghèo nàn. Để có thể vận động người dân tham gia các hoạt động, họp hành đầy đủ luôn là công việc khó đối với lãnh đạo thôn. “Bàn, ghế, quạt đều rất thiếu; hệ thống điện nước chập chờn; nhà vệ sinh không có nên rất hạn chế vấn đề họp hành chứ chưa nói đến các hoạt động văn nghệ, thể thao”, ông Nguyễn Bình - Trưởng thôn Thạch Thành chia sẻ.


Hiện toàn tỉnh có 74 trung tâm văn hóa thể thao cấp xã và 532 nhà văn hóa thôn. Để các địa phương hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những nhà văn hóa được đầu tư bài bản, hoạt động hiệu quả thì ở nhiều nơi thiết chế văn hóa vẫn chưa phát huy hết công năng. Thực tế cho thấy, nhà văn hóa xuống cấp, cơ sở vật chất hư hỏng, thiếu trang thiết bị là tình trạng khá phổ biến. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, tổ chức hoạt động nhà văn hóa cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng đều kiêm nhiệm và hầu hết chưa được đào tạo, bồi dưỡng về tổ chức hoạt động văn hóa. Điều này càng khiến cho vấn đề hiệu quả trong hoạt động của các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng vẫn còn là câu chuyện dài. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ trang bị đầy đủ từ thiết chế đến bộ máy tổ chức. Cùng với đó, sẽ thực hiện việc sáp nhập các trung tâm văn hóa xã với trung tâm học tập cộng đồng để bộ máy này đủ điều kiện hoạt động tốt hơn, đảm bảo chức năng học tập lẫn văn hóa”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.


Trước mắt, để nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng thực sự hoạt động hiệu quả, ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao công tác tổ chức hoạt động cho cán bộ văn hóa cấp huyện, xã, thôn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực xã hội hóa để sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất. Cùng với đó, thực hiện xây dựng quy chế quản lý, sử dụng cho các thiết chế văn hóa tại cơ sở. Từ đó, giúp thiết chế văn hóa thực sự phát huy công năng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí của người dân.


NHẬT QUỲNH