11:02, 15/02/2019

Khoảng trống trong thơ ca

Nhìn lại hoạt động thơ ca Khánh Hòa trong năm qua có thể xem là một năm sôi nổi. Nhiều tập thơ đã được xuất bản, hàng trăm bài thơ đã được giới thiệu với độc giả. Trong số đó có rất nhiều bài thơ, tập thơ nhận được những giải thưởng cao ở trong nước.

Nhìn lại hoạt động thơ ca Khánh Hòa trong năm qua có thể xem là một năm sôi nổi. Nhiều tập thơ đã được xuất bản, hàng trăm bài thơ đã được giới thiệu với độc giả. Trong số đó có rất nhiều bài thơ, tập thơ nhận được những giải thưởng cao ở trong nước. Tại lễ trao tặng thưởng văn học nghệ thuật tỉnh, có 4/6 tác phẩm của chuyên ngành văn học thuộc thể loại thơ đã được trao giải, trong đó có 1 giải A, 1 giải B và 2 giải C. Chỉ riêng trong cuốn Tạp chí Nha Trang đặc san xuân Kỷ Hợi đã giới thiệu 50 bài thơ của 50 nhà thơ. Điều này đã phần nào thể hiện được sức sống của thơ ca xứ Trầm. Ở đó vẫn có sự đóng góp của những nhà thơ lâu năm như: Giang Nam, Trần Vạn Giã, Lê Khánh Mai, Trần Chấn Uy, Phạm Dạ Thủy, Tạ Hùng Việt… và sự vươn lên của những người làm thơ trẻ.

 

Hoạt động kỷ niệm ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16. (Ảnh minh họa)

Hoạt động kỷ niệm ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16. (Ảnh minh họa)


Dù vậy, khi nói về thơ hôm nay, gần như ai cũng thấy sự quan tâm của công chúng đã không còn như trước đây. Điều này bắt nguồn từ độ vênh giữa nhu cầu thực tế xã hội với việc sáng tác thơ. Người đọc thơ bây giờ chủ yếu là những người lớn tuổi, giáo viên và chính các nhà thơ. 

 
Khoảng cách giữa các thế hệ nhà thơ vẫn còn quá lớn cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Tác phẩm của những người làm thơ trẻ dù có nhiều cố gắng tìm tòi, nhưng vẫn chưa thực sự để lại được dấu ấn. Theo nhà thơ Trần Chấn Uy, ở Khánh Hòa có đội ngũ các nhà thơ tương đối đông so với các địa phương khác trong khu vực. Các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng nhiều và đang có sức viết tốt, nhiều sáng tạo. Nhưng đội ngũ nhà thơ kế cận chưa thể hiện được sự nổi trội của riêng mình. Trước đây, cũng có những người trẻ làm thơ tương đối khá, nhưng đến giờ cũng dần mai một, thậm chí có người không viết thơ nữa. Khoảng trống thi ca này thực sự rất khó khỏa lấp khi nội lực của các nhà thơ trẻ vẫn còn chưa đủ mạnh và sân chơi dành cho các nhà thơ trẻ vẫn chưa có. Hiện nay, việc công bố tác phẩm của các nhà thơ khá thuận lợi, ngoài giới thiệu trên các báo, tạp chí, in sách thì có thể công bố trên mạng xã hội. Điều này sẽ mang đến hiệu quả tức thì với các nhà thơ khi có sự tương tác với độc giả. Nhưng dường như các bạn trẻ vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng cho mình một trang cá nhân hiệu quả.


Theo nhà thơ Tạ Hùng Việt, các nhà thơ trẻ hiện đang thiếu những sân chơi để thể hiện mình. Phong trào thơ trẻ vẫn chưa có được những cú hích để khuyến khích, động viên người trẻ làm thơ. Chẳng hạn, chúng ta vẫn chưa tổ chức định kỳ những buổi gặp gỡ, nói chuyện giữa các nhà thơ lâu năm với những nhà thơ trẻ để qua đó có thể truyền cảm hứng, tư duy, kinh nghiệm làm thơ. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh vẫn chưa tổ chức được một cuộc thi mang tính thường niên dành riêng cho các nhà thơ trẻ. Bởi nếu làm được thì đây vừa là sân chơi bổ ích, vừa là dịp để mỗi nhà thơ trẻ tự nâng tầm của mình...


Ông Nguyễn Sỹ Chức - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho rằng, dù rất muốn tạo ra các sân chơi cho văn nghệ sĩ trẻ nói chung và nhà thơ trẻ nói riêng, nhưng vẫn đề kinh phí thực sự là một bài toán khó. Hàng năm, nguồn kinh phí ngân sách cấp cho hội chỉ đủ thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Còn vấn đề kêu gọi xã hội hóa thực sự không nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, để kích thích được phong trào thơ và tạo đà cho các nhà thơ trẻ phát triển xem ra vẫn là câu chuyện còn được nói nhiều trong thời gian tới.


Giang Đình