07:05, 07/05/2017

Chiến thắng Điện Biên Phủ qua một góc nhìn

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành "thiên sử vàng" trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trong suốt hơn 60 năm qua, có rất nhiều công trình nghiên cứu, rất nhiều cuốn sách viết về chiến thắng lịch sử ấy với nhiều góc nhìn khác nhau.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành “thiên sử vàng” trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trong suốt hơn 60 năm qua, có rất nhiều công trình nghiên cứu, rất nhiều cuốn sách viết về chiến thắng lịch sử ấy với nhiều góc nhìn khác nhau.

 
Người đọc trong nước chủ yếu chỉ biết đến Điện Biên Phủ qua những trang hồi ký, công trình nghiên cứu của tác giả trong nước. Mãi đến năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Công an nhân dân đã cho in 3 tác phẩm viết về sự kiện này từ góc nhìn của phía “bên kia”: Điện Biên Phủ, 170 ngày đêm bị vây hãm (Erwan Bergot); Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ (Jean Pouget) và Điện Biên Phủ, một góc địa ngục (Bernard B.Fall). Bộ 3 tác phẩm này đã giúp người đọc hiểu hơn về quá trình sụp đổ của đội quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ.

 

Tác giả của Điện Biên Phủ, 170 ngày đêm bị vây hãm và Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ từng đứng trong hàng ngũ quân đội Pháp tham chiến ở chiến trường Việt Nam. Người dịch cả 2 cuốn sách này (Lê Kim) cũng từng là người lính Sư đoàn 308 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tác phẩm Điện Biên Phủ, 170 ngày đêm bị vây hãm, Erwan Bergot (Trung úy trong đội quân của Đờ Cát) ghi lại những diễn biến từ khi quân đội Pháp nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên đến khi đầu hàng (từ ngày 12-11-1953 đến 7-5-1954). Erwan Bergot đã gặp gỡ nhiều nhân chứng, tìm kiếm tư liệu để dựng lại một bức tranh sinh động và bi thảm trải dài suốt 170 ngày đêm, từ việc xây dựng tập đoàn cứ điểm, tổ chức các vị trí phòng ngự đến các trận đánh… cho đến khi thảm bại. Cho dù đã cố gắng đề cao tinh thần chiến đấu của quân Pháp mà Erwan Bergot là một phần trong đó, tác phẩm đã thể hiện sự tuyệt vọng, thất bại thảm hại của quân Pháp trong cuộc đối đầu với quân đội của Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ (nguyên bản tiếng Pháp: Chúng tôi đã ở Điện Biên Phủ) được viết bởi Jean Pouget - nguyên là sĩ quan tùy tùng, thư ký riêng của Navarre. Cuốn sách dày phản ánh Jean Pouget đã cùng Navarre trải nghiệm tất cả đắng cay của thất bại trên chiến trường Đông Dương mà Điện Biên Phủ là trận đánh quyết định. Trong cuốn sách của mình, Jean Pouget không chỉ viết những gì tướng Navarre tuyên bố công khai, mà còn tiết lộ những điều tướng Navarre viết trong báo cáo mật và cả những lời bộc lộ riêng tư thầm kín. Chính vì vậy, giới nghiên cứu đánh giá cuốn sách này cao hơn những cuốn hồi ký của tướng Navarre. Jean Pouget đã phản ánh “số phận bất hạnh” và “sự nghiệp hẩm hiu” của tướng Navarre - Tổng chỉ huy lực lượng Pháp ở Đông Dương, người chịu trách nhiệm chính trong sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ.

 

Độc giả xem sách về chiến thắng Điện Biên Phủ  trong ngày Sách Việt Nam tại Thư viện tỉnh

Độc giả xem sách về chiến thắng Điện Biên Phủ trong ngày Sách Việt Nam tại Thư viện tỉnh

 

So với 2 tác phẩm trên, cuốn sách Điện Biên Phủ, một góc địa ngục của nhà sử học người Mỹ, gốc Áo chuyên về lịch sử Đông Dương Bernard B.Fall mang tính khách quan hơn. Ngay trong lời nói đầu tác phẩm, Bernard B.Fall đã khẳng định lập trường của mình rõ ràng: “Chuyện kể lại chính xác một cách khoa học những gì đã diễn ra ở Điện Biên Phủ sẽ không là sự ca ngợi các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Pháp ở Viễn Đông”. Để thực hiện quyển sách của mình, nhà sử học này không chỉ tìm kiếm tư liệu ở Pháp mà còn sang tận Angieri và Việt Nam để gặp những người lính từng tham chiến ở Điện Biên Phủ. Năm 1962, Bernard B.Fall đến Việt Nam và “không gặp một khó khăn nào để tiếp xúc được với những con người kiêu hãnh kể lại chiến thắng của họ”. Đúng như tên gọi của cuốn sách, trong tác phẩm của mình, Bernard B.Fall đã tả cuộc sống “địa ngục” của những người lính viễn chinh Pháp trong vòng vây của đội quân giải phóng Điện Biên, với những hầm hào ngập nước, dưới những công sự bị đổ sập, trong tiếng rít của đạn bay, tiếng bom đạn nổ ầm ầm… Ông đã chọn góc nhìn khách quan, ghi lại tất cả dưới dạng lời kể trực tiếp. Khi ra đời, cuốn sách được đánh giá là một trong những tác phẩm tư liệu phổ biến nhất trên thế giới về chiến dịch Điện Biên Phủ. Đánh giá về cuốn sách, nhà văn Hữu Mai từng viết: “Tôi coi đây là một công trình trung thực, đầy đủ nhất của phương Tây viết về Điện Biên Phủ”.


63 năm đã trôi qua, kể về chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), có hàng vạn trang tư liệu, hàng trăm cuốn sách đã được xuất bản. Càng ngày, chiến tích lịch sử ấy càng được soi chiếu đa dạng hơn, được nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ hơn. Dù vẫn còn những đánh giá khác nhau, những độ vênh về mặt tư liệu, nhưng không ai có thể phủ nhận được ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ.


THÀNH NGUYỄN