08:05, 06/05/2017

Vè các lái, tri thức dân gian đi biển của người Việt

Đó là nhan đề quyển sách của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam liên kết với Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản.

Đó là nhan đề quyển sách của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam liên kết với Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc xuất bản. Quyển sách dày 530 trang, với gần 180 tài liệu trích dẫn và tham khảo đã lưu lại cho thế hệ mai sau một tư liệu quý báu và cho những ai quan tâm nghiên cứu, giảng dạy, học tập thể loại vè các lái có phương tiện tham khảo, học tập.

 

Vè các lái là thể loại vè mới lạ đối với một số người. Tác giả quyển sách đã cho ta biết thể loại vè này đã có từ lâu, làm theo thể lục bát, tác giả bài vè là những người lái ghe bầu chuyên chở hàng hóa, hành khách buôn bán tại các cửa biển ven biển nước ta, từ Bắc vào Nam và ngược lại. Việc đi biển thời xưa không có những thiết bị hiện đại như ngày nay, nên những người lái ghe bầu phải thuộc lòng loại vè này do những người lái ghe bầu lâu năm trên biển làm ra để hướng dẫn đường đi trên biển. Ngoài ra, những người lái ghe thuyền trên các sông lớn hay trên đường bộ đi lại giữa tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác, hay ở trong một vùng, một tỉnh… đều có những bài vè thuộc thể loại này hướng dẫn. Qua các bài vè, họ biết nơi nào có đảo, có vịnh tên gì để định vị trí, nơi nào gặp nguy hiểm để phòng tránh, nơi nào trú bão được, nơi nào lấy củi nước hay nghỉ ngơi, giải trí, mua bán những sản vật; hoặc biết nơi nào có am miếu để ghé vào dâng cúng lễ vật cầu mong được an bình thuận lợi, thu hoạch buôn bán có kết quả trong suốt cuộc hành trình.


Trên đường biển, có những bài vè kể ra (hay hát ra), có những bài vè kể vào (hay hát vào) theo những nhật trình đường biển nhất định, từ các tỉnh ven biển miền Bắc hay miền Trung vào miền Nam, hay từ các tỉnh ven biển miền Nam, miền Trung ra các tỉnh miền Bắc. Những bài vè các lái còn hàm chứa phong phú tri thức văn hóa dân gian về nghề đi biển, kỹ thuật lèo lái ghe thuyền, về xem hướng gió… Những người lái ghe bầu từ Bắc vào Nam hay ngược lại, ai cũng thuộc nằm lòng những bài vè các lái này. Vì đó là những kinh nghiệm được đúc kết của những người đi trước truyền cho đời sau, để họ biết rõ đường đi, tránh những nguy nan, bất trắc, tạo nhiều thuận lợi cho cuộc hành trình.

 

 

Nhiều năm, những bài vè các lái đã được những nhà nghiên cứu văn học dân gian công bố trên các sách báo với những văn bản khác nhau về những bài vè trên đường biển, đường sông cũng như trên đường bộ. Nhưng chúng ta chưa thấy có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về nội dung, giá trị của thể loại vè này.


Quyển Vè các lái, tri thức dân gian đi biển của người Việt là công trình đầu tiên nghiên cứu, tìm hiểu đầy đủ về thể loại vè các lái với những nội dung như: thời điểm ra đời cũng như tác giả những bài vè, nội dung và giá trị của bài vè, về ghe bầu trên đường biển… Tác giả còn đi sâu vào việc giới thiệu các đoạn vè các lái trên đường giao thương ngang qua từng vùng biển, cửa biển của từng tỉnh, thành dọc theo bờ biển Việt Nam: từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, qua các tỉnh miền Trung, miền Nam vào đến tỉnh Hà Tiên xưa, tỉnh Kiên Giang ngày nay (hát vô) và từ tỉnh Thừa Thiên - Huế qua các tỉnh phía bắc ra đến tỉnh Quảng Yên xưa, tỉnh Quảng Ninh ngày nay (hát ra). Qua các đoạn vè được trích, ta thấy đậm đặc các địa danh hành chính từng tỉnh, từng vùng, tên các cửa biển, các núi, đảo, hòn, gành, vịnh, am, đền, tên các thổ sản, đặc sản từng vùng… Tất cả đều được tác giả chú giải rõ ràng bằng những tài liệu trên các sách báo xuất bản xưa nay. Có những địa danh gắn liền với lịch sử, những truyền thuyết: Vụng Gầm thân dưới còn xa/Thờ đến thánh Độc trở ra bên ngoài/Nào ai buôn bán trong ngoài/Lấy vàng cúng tiến, cầu thời bình yên (Vụng Gầm ở địa phận huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, gần Sầm Sơn. Ở đây có đền thờ Thánh Độc tức Thánh Độc Cước); Đây vào lạch Bạng không sai/Đền thờ Tứ Vị hôm mai cúng chầu (Lạch Bạng ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, ở đây có đền thờ Tứ Vị, đó là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương: Bà Thiên Y A Na, Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Bà Thủy, Bà Thổ), ca dao, thơ văn (như các bài thơ ca tụng cảnh đẹp ở Hà Tiên)… Có những địa danh với những phong cảnh kỳ thú, những nơi cần mua bán, giải trí, đầy những sản vật, đặc sản của vùng, miền như: Nha Trang xuống Chụt bao xa/Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng; Thuyền qua Quảng Ngãi mía đường; Vác ra ngoài mũi sa vàng/Kìa kìa lại thấy Tam Quan nhiều dừa... Qua đó, giúp ta hiểu rõ hơn vùng biển đảo ven biển của nước ta về các mặt lịch sử, địa lý, văn hóa vùng…, là những tri thức cần thiết cho việc giáo dục truyền thống và phát triển du lịch. Ngoài những địa danh, trong các đoạn vè, ta cũng thấy được tình cảm, nỗi nhớ thương về gia đình của những người đi trên biển dài ngày: Thương con nhớ vợ trăm đàng/Nước mắt hai hàng lụy ứa thấm biên.


Giá trị của quyển sách là tác giả Ngô Văn Ban đã dày công sưu tầm, tập hợp những văn bản bài vè các lái đã được đăng trong các sách báo xưa và nay, gần 30 bài. Đặc biệt, có những bài vè do Trương Vĩnh Ký sưu tầm từ xưa. Phần cuối sách là phần sách dẫn (index) các địa danh vùng ven biển các tỉnh, thành trong nước có trong vè các lái, bước đầu đã sưu tập gần 560 địa danh. Phần phụ lục hình ảnh là những hình ảnh ghe bầu ngày xưa, những hình ảnh về tàu thuyền, sông núi, cửa ải, cửa khẩu Việt Nam được khắc trên Cửu đỉnh, là 9 cái đỉnh đồng đúc thời vua Minh Mạng đặt tại Thế Miếu Huế.


THẠCH BÀN