03:04, 26/04/2017

Tôi đã viết chữ ngược trên mặt đá

Thoát ly gia đình theo cách mạng lên chiến khu năm 1949, tôi được cấp trên điều về công tác tại Phòng Thông tin huyện Ninh Hòa. Lúc đó, tổ chức thấy tôi được học hành chút ít và chữ viết cũng được, nên phân công tôi tập viết chữ li-tô (chữ trái) để in tờ Thông tin.

Thoát ly gia đình theo cách mạng lên chiến khu năm 1949, tôi được cấp trên điều về công tác tại Phòng Thông tin huyện Ninh Hòa. Lúc đó, tổ chức thấy tôi được học hành chút ít và chữ viết cũng được, nên phân công tôi tập viết chữ li-tô (chữ trái) để in tờ Thông tin.
 
Để viết được chữ trái, tôi phải tập luyện rất nhiều, lúc đầu tập viết trên giấy cho quen và thật thành thạo, sau chuyển sang tập viết trên mặt đá. Thời kỳ đó, in ấn rất thủ công, dụng cụ quá thô sơ, lạc hậu và thiếu thốn trăm bề. Muốn in li-tô trên mặt đá, trước hết phải lựa mặt đá, sau đó mài cho bằng rồi viết chữ lên đó để in. Viết chữ trái trên giấy đã khó, nay phải viết trên mặt đá lại càng khó gấp bội nhưng với sự kiên trì và lòng nhẫn mại, kết quả đã không phụ lòng người. Sau gần một tháng tôi viết đã thành thạo, quen dần với công việc và rất hăng say công tác.
 

 

 
Do công việc in ấn đã quen và thành thạo, nên khi anh Ẩm rút về Khu, tôi được điều về Ty Thông tin Khánh Hòa và thay vào vị trí của anh Ẩm, tiếp tục làm nhiệm vụ lên khuôn và in tờ báo Thắng. Trước khi anh Ẩm chuyển đi có bàn giao lại công việc và nói với tôi: “Tuy chưa viết tờ báo Thắng lần nào, nhưng vì mình chuyển công tác, nên giao lại cho Dưỡng làm tiếp phần việc của mình”. Lúc bấy giờ tôi lo lắm, vì đây là tờ báo lớn của tỉnh, là tiếng nói của Đảng, mà mình lại chưa làm bao giờ, liệu mình có hoàn thành được nhiệm vụ?
 
Khó khăn ban đầu tôi gặp phải, đó là tôi chỉ quen viết chữ nhỏ, mà chữ Thắng là tên của tờ báo phải viết lớn, tôi viết chưa quen. Lúc đầu chưa viết được, tôi phải lấy viết đồ lại chữ Thắng ở các số báo in trước. Chẳng lẽ lại đồ mãi, tôi quyết phải tập viết cho kỳ được, tập riết rồi tôi cũng viết được và trở nên thành thạo tự lúc nào không biết. Nhiệm vụ của tôi lúc bấy giờ là lên khuôn báo và in ấn, các tin bài quan trọng do các anh: Nguyễn Minh Vỹ, Giang Nam chịu trách nhiệm. Ở cơ sở có vấn đề gì hay viết bài gửi về, được anh Giang Nam biên tập lại và cho đăng trên báo.
 
Một thời gian sau, trên điều anh Bùi Hồng Phúc về làm việc cùng tôi, anh Phúc có khiếu viết chữ lớn rất đẹp, cho nên từ khi có anh Phúc, những tít lớn trên báo đều do anh Phúc đảm nhận, còn viết chữ nhỏ là phần của tôi. Hai anh em chúng tôi cùng viết, rồi trình bày các trang, sau đó đem in. Số lượng báo Thắng in lúc đó khoảng 300 số/kỳ, nhiều lúc thiếu giấy, thiếu mực in, chúng tôi phải nhờ cơ sở mua giấy, mực in ở bên ngoài chuyển vào bằng nhiều đường khác nhau. Có những lúc địch kiểm tra gắt quá, chúng tôi phải nhờ cơ sở ở tỉnh Phú Yên chuyển bằng đường thủy để tránh tai mắt của địch.
 
Thời kỳ đó, để in được tờ báo thật vô cùng vất vả. Phương tiện ấn loát thiếu đủ mọi thứ, nhất là mực charbonel, loại mực đặc biệt để viết trên bản đá, được cơ sở bí mật mua và chuyển lên núi, chúng tôi quý như vàng. Hoặc những khi báo ra số đặc biệt kỷ niệm các ngày lễ lớn, số xuân chẳng hạn, báo phải in 2, 3 màu. Chúng tôi phải viết thành nhiều bản, để khi in ra từng nét chữ, bức tranh chồng khít lên nhau, không xô lệch, mắt thường khó phát hiện ra. Lúc bấy giờ chỉ cần một sơ suất nhỏ, không thận trọng, bức tranh bị nhòe, nét chữ không hiện lên trên mặt đá như ý muốn là chúng tôi phải làm lại từ đầu. Tuy vậy nhưng chúng tôi đều rất vui, vì đều có chung một ý nguyện là làm sao cho tờ báo khi in xong phải thật đẹp, không để xảy ra sai sót.
 
Đến bây giờ, khi nhắc lại những điều đó, tôi không sao quên tổ in 6 người của chúng tôi là anh Bùi Hồng Phúc, anh Nguyễn Văn Tý, anh Trương Đình Quý, anh Bùi Quận, anh Nguyễn Văn Vinh, đã cùng chia ngọt xẻ bùi khắc phục khó khăn, một thời cùng nhau làm báo Thắng, từ chiến khu Hòn Hèo đến chiến khu Đá Bàn. Nhân đây, tôi cũng xin được nhắc một kỷ niệm mà có lẽ không bao giờ tôi quên được, đó là khi còn ở nhà lúc đó tôi 14 tuổi, một hôm anh trai tôi bí mật mang tờ báo Thắng về nhà và tôi được xem. Khi đọc tờ báo, tôi rất thích và tự hỏi không biết làm sao lại viết và in được, sao mà tài quá vậy? Đến khi tham gia cách mạng thì tôi lại được giao nhiệm vụ viết và in chính tờ báo Thắng mà mình vốn rất thích. Một sự trùng hợp đến kỳ lạ và kỷ niệm này tôi nhớ mãi.
 
Thời gian công tác ở báo Thắng không lâu, nhưng tình cảm của tôi với tờ báo khó có thể quên. Những ngày tháng gian lao mà anh dũng ấy là niềm tự hào của thế hệ chúng tôi, đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng đất nước. Kỷ niệm về tờ báo Thắng mãi mãi ở trong tôi.
 
 Ngô Dưỡng
Nguyên Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa, tham gia làm báo Thắng từ 1950 -1951