06:04, 22/04/2017

Những bộ tem kỷ niệm ngày sinh V.I.Lênin

Sưu tập tem đề tài danh nhân là nhu cầu không thể thiếu trong album tem của các nhà sưu tập và được nhiều triển lãm quốc gia, quốc tế hoan nghênh đón nhận…,

Sưu tập tem đề tài danh nhân là nhu cầu không thể thiếu trong album tem của các nhà sưu tập và được nhiều triển lãm quốc gia, quốc tế hoan nghênh đón nhận…, nhất là những danh nhân có công tích lớn được vinh danh, lưu truyền trong sử sách, đặc biệt trên hệ thống tem thư của các nước trong Liên minh Bưu chính thế giới đã phát hành.

 

Trang tem của Bưu chính Việt Nam
Trang tem của Bưu chính Việt Nam


Dưới đây là một bộ sưu tập tem chuyên đề danh nhân của tác giả Hồng Hạnh với tiêu đề “V.I.Lênin - Lãnh tụ thiên tài của thế giới hòa bình, dân chủ và cần lao”. Bộ sưu tập gồm 5 khung, 80 trang tem và vật phẩm bưu chính minh họa cho 5 chương mục giải trình về cuộc đời, sự nghiệp và học thuyết Lênin. Nhân kỷ niệm lần thứ 147 ngày sinh V.I.Lênin (22-4-1870 - 22-4-2017), xin giới thiệu những bộ tem kỷ niệm ngày sinh V.I.Lênin mà Bưu chính Việt Nam phát hành từ năm 1960 đến 1995.


Bộ tem đầu tiên về lãnh tụ Lênin được phát hành ngày 22-4-1960, kỷ niệm 90 năm ngày sinh V.I.Lênin. Bộ tem gồm 1 mẫu 2 tem và 1 tem khối do họa sĩ Nguyễn Thế Vinh thiết kế với chân dung Lênin. Tem được in 3 màu đổi giá 5 xu và 12 xu, riêng tem khối có chữ ký của Lênin, cùng với bộ tem có dấu kỷ niệm và FDC.


Bộ tem thứ 2 - Kỷ niệm 95 năm ngày sinh Lênin (1870 - 1965) được phát hành ngày 22-4-1965. Bộ tem gồm 1 mẫu 2 tem do họa sĩ Huy Khánh thiết kế hình ảnh Lênin với Hồng quân Xô Viết, 2 tem thay màu đổi giá 8 xu và 12 xu, in 3 màu, tại nhà in Tiến Bộ (Hà Nội).


Bộ thứ 3 - Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lênin (1870 - 1970), phát hành ngày 22-4-1970 tại Bưu điện Bờ Hồ (Hà Nội). Bộ tem gồm 2 mẫu, 2 tem do họa sĩ Trần Huy Khánh thiết kế. Mẫu tem có giá mặt 12 xu với hình ảnh Lênin diễn thuyết bên ngọn hồng kỳ Xô Viết và bản đồ Việt Nam, tượng trưng cho học thuyết Lênin đang được phát huy trong cách mạng giải phóng thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Mẫu tem có giá mặt 1 đồng với chân dung Lênin trên nền quốc kỳ Liên Xô. Bộ tem in ốp sét 3 màu đỏ vàng đen, cùng với bộ tem còn có dấu kỷ niệm đặc biệt khắc họa hình Lênin nhìn nghiêng và FDC in lời nói nổi tiếng của Người “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại!”.


Cùng thời gian này, ngành Bưu chính của Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam phát hành trong vùng giải phóng bộ tem 1 mẫu 4 tem do họa sĩ Nguyễn Thị Quốc Khánh đặc tả khuôn mặt Lênin cương nghị, bên cạnh là ngọn cờ sao vàng trên nền đỏ xanh và khẩu súng của chiến sĩ quân Giải phóng miền Nam. Bộ 4 tem đổi giá 20 xu, 30 xu, 50 xu, 2 đồng và thay màu nền tím, vàng, xanh lá, hồng, dấu đặc biệt “Kỷ niệm 100 năm ngày sinh V.I.Lênin 1870 - 1970”


Bộ tem thứ 5 - Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Lênin (1870 - 1980) phát hành ngày 22-4-1980, gồm 1 mẫu 3 tem thay màu đổi giá do họa sĩ Trịnh Quốc Thụ thiết kế, mang hình Lênin cùng cành lá nguyệt quế tôn vinh.


Bộ tem thứ 6 - Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Lênin (1870 - 1995) gồm 1 mẫu, họa sĩ Võ Lương Nhi thiết kế khá đẹp theo nghệ thuật khắc thép in 2 màu đen, đỏ. Đặc biệt hơn là bộ tem thứ 7 phát hành ngày 15-11-1984 - đây là bộ tem duy nhất kỷ niệm 60 năm ngày mất của V.I.Lênin (21-1-1924 - 21-1-1984). Bộ tem gồm 4 mẫu do họa sĩ Trịnh Quốc Thụ thiết kế theo 4 tác phẩm hội họa nổi tiếng của các họa sĩ Nga: Sêrốp với hình ảnh Lênin làm việc (giá mặt 50 xu), tranh của Plôtnốp: Lênin với binh sĩ (giá mặt 1 đồng), tranh của Philatốp: Lênin với công nhân (giá mặt 3 đồng) và tranh của Sêrốp: Lênin với nông dân (giá mặt 5 đồng).


Lịch sử tem Bưu chính Việt Nam trong 35 năm đã có 7 bộ với 11 mẫu tem gồm 18 tem đã ghi lại nhiều hình ảnh lãnh tụ thiên tài V.I.Lênin trên nhiều mặt hoạt động của Người tại đất nước Nga Xô Viết và một số hình ảnh Lênin tượng trưng cho học thuyết Lênin đã ảnh hưởng lớn đối với cách mạng Việt Nam. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “… Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội khoa học và văn minh…”.


PHẠM KHÁNH HỒNG