02:04, 26/04/2017

Chúng tôi làm báo trong kháng chiến

Tôi muốn kể lại những năm tháng đầy khó khăn gian khổ và ác liệt trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước về sự ra đời của tờ báo Giải phóng Khánh Hòa. Tờ báo non trẻ đã cùng chúng tôi lao vào cuộc chiến đấu không kém phần quyết liệt, có lúc tưởng chừng mất đi nhưng rồi gượng dậy được bằng ý chí quyết tâm và sự sáng tạo, báo tiếp tục phát triển cùng với cách mạng ....

Tôi muốn kể lại những năm tháng đầy khó khăn gian khổ và ác liệt trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước về sự ra đời của tờ báo Giải phóng Khánh Hòa. Tờ báo non trẻ đã cùng chúng tôi lao vào cuộc chiến đấu không kém phần quyết liệt, có lúc tưởng chừng mất đi nhưng rồi gượng dậy được bằng ý chí quyết tâm và sự sáng tạo, báo tiếp tục phát triển cùng với cách mạng cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
 
Năm 1965, Tỉnh ủy đã chỉ thị các cơ quan tỉnh chuyển xuống đóng tại khu Đá Đen thuộc huyện Diên Khánh để chỉ đạo phong trào. Lúc này tôi được Tỉnh ủy điều động về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy để xây dựng nhà in và phát triển báo. Báo Giải phóng Khánh Hòa ra đời từ năm 1965 - 1966 in bằng máy rô-nê-ô, khổ 20x30cm có 4 trang, phát hành còn hạn chế.

 

 
Để đối phó với sức mạnh tấn công quân sự và đấu tranh chính trị của quân và dân Khánh Hòa, tháng 11-1966, Mỹ ngụy mở trận càn đánh phá ác liệt vào căn cứ Đá Đen, chúng cho đây là mật khu quan trọng của Việt Cộng. Các cơ quan của tỉnh được lệnh chuyển an toàn về Hòn Dữ, thuộc huyện Vĩnh Khánh(*), là căn cứ có ưu thế gộp đá sâu, nhiều tầng liên hoàn, thuận lợi cho chiến đấu và bảo tồn lực lượng. Về đây chưa ổn định xong chỗ ở, cuối tháng 1-1967, địch huy động Sư đoàn Bạch Mã Nam Triều Tiên có sự phối hợp của pháo binh, máy bay kể cả B52 mở cuộc càn quy mô lớn vào căn cứ Hòn Dữ hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của tỉnh. Chúng tôi bị đánh bất ngờ từ mờ sáng và bị bao vây 5 ngày đêm liền. Tỉnh ủy quyết định tổ chức hành quân đêm, đưa 50 cán bộ các cơ quan của tỉnh ra khỏi vòng vây, đến  ngày thứ 7 chúng tôi mới thoát ra khỏi vòng vây của địch về đến căn cứ Hòn Dù, thuộc huyện Vĩnh Khánh an toàn đúng tối 28 Tết Bính Ngọ. Qua trận càn này, máy in rô-nê-ô, phương tiện in chính của báo Giải phóng Khánh Hòa đã bị mất. Đây là thời kỳ lận đận khó khăn nhất, không thể mua ngay máy từ đồng bằng lên được. Báo Giải phóng Khánh Hòa là nhu cầu, là lợi khí tuyên truyền của cách mạng, thách thức với quân thù không thể thiếu được. Đó là câu hỏi hóc búa đặt ra cho chúng tôi phải trả lời, trong lúc đó trên người tôi chỉ còn một bộ quần áo và một chiếc võng mà thôi. Qua nhiều tháng trăn trở suy nghĩ, bỗng tôi nhớ lại cách in bằng bột nếp, in li-tô trên bảng đá từ thời kháng chiến chống Pháp có thể nghiên cứu ứng dụng thử. Tôi thay máy in quay bằng in lăn tay trên tấm nỉ đặt trên bảng đá. Không có ru-lô, tôi dùng ống nứa bọc ruột xe đạp thay thế và in theo cách in li-tô trên bảng đá. Kết quả sau khi in không kém gì in máy rô-nê-ô, đặc biệt là có thể in được nhiều màu. Trang báo Giải phóng Khánh Hòa có được nhiều màu bắt đầu từ đây. Phương tiện in này tiết kiệm được mực, rẻ tiền, dễ vận chuyển, dễ giấu khi chống càn và phổ biến cho các huyện ứng dụng tốt. Nhờ thế mà báo Giải phóng Khánh Hòa sau 10 tháng bị đình trệ lại tiếp tục ra như thường lệ. 
 
 
 
Từ năm này, được tăng cường cán bộ từ miền Bắc vào, quân đội đưa sang và hình thành bộ phận biên tập báo gồm 4 đồng chí: tôi, Trần Kim Dũng, Phan Văn Kính, Phạm Thế Kỷ do đồng chí Phạm Thành Huyên (tức Ba Huệ) Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban Tuyên huấn phụ trách. Sau khi đồng chí Huệ hy sinh, đồng chí Nguyễn Tiến Thanh, Trưởng ban Tổ chức kiêm Tuyên huấn một thời gian ngắn và đồng chí Triết Giang thay thế. Chúng tôi tiếp tục mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho trên 20 thông tin viên và cộng tác viên báo. Báo Giải phóng Khánh Hòa khởi sắc hơn, bài vở phong phú, trình bày đẹp hơn, có số in từ 2 đến 3 màu. 
 
Cuối tháng 12-1967, sau khi học và triển khai Nghị quyết 13 bổ sung của Trung ương Đảng chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 giành thắng lợi quyết định, nhiệm vụ cơ quan báo chúng tôi rất nặng nề, phải phân tán lực lượng, một bộ phận đi phía trước phục vụ chiến dịch, phía sau lo sản xuất tự túc và ra tờ báo Tết xuân 1968.
 
Ngày 1-1-1968, lời chúc Tết của Bác Hồ phát ra từ Đài Tiếng nói Việt Nam qua chiếc máy thu thanh bán dẫn National của chúng tôi:
 
Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
 
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
 
Nam Bắc thi đua đánh giắc Mỹ
 
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!
 
Như tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc chúng tôi lên đường xung trận theo tiếng gọi của Bác, mệnh lệnh của Đảng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Chúng tôi được ăn Tết trước Tết Mậu Thân 28 ngày để chuẩn bị chia tay đi làm nhiệm vụ mới. Ngày ấy mọi người chúng tôi rất vui vẻ, phấn chấn lạ thường, nét mặt ai cũng rạng rỡ đầy quyết tâm. Chúng tôi tâm sự với nhau suốt đêm…
 
Trong lúc chúng tôi khẩn trương in báo Tết thì ngay đêm 19 và chiều đêm 20-1-1968, máy bay phản lực và trực thăng của địch kéo đến dội bom và bắn đạn tới tấp vào khu vực rộng lớn có một số cơ quan đóng. May quá, chúng tôi không ai việc gì nhờ có gộp đá bảo vệ. Đêm 22-1-1968, chờ trăng lên cao, cơ quan di chuyển. Đêm có trăng nhưng phải đốt đèn dầu và đi đến trưa hôm sau mới đến chỗ ở mới tại gộp đá suối Bạch Đằng thuộc huyện Vĩnh Khánh. Báo tiếp tục được in tại địa điểm mới và ra kịp cuối tháng 2-1968.
 
Cuộc tấn công và nổi dậy nổ ra đã lôi cuốn chúng tôi vào cuộc thật mạnh mẽ, khẩn trương, gần như không được nghỉ ngơi, kịp thời phục vụ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, của chỉ huy Mặt trận, đưa tin cho đài, báo của Trung ương và Khu 5, thông tin kịp thời tin chiến thắng của quân dân Khánh Hòa và miền Nam trên báo Giải phóng Khánh Hòa, bản tin và truyền đơn…
 
Sau thắng lợi Xuân Mậu Thân 1968, địch thất bại nặng nề, chúng phản kích đánh phá ác liệt và càn quét liên tục vào căn cứ địa thuộc huyện Vĩnh Khánh. Cơ quan Ban Tuyên huấn, bộ phận báo chí phải dời liên tục nhiều nơi, bảo toàn được lực lượng và bảo đảm được công tác.
 
Từ năm 1970 trở đi, cán bộ từ miền Bắc vào, thanh niên thoát ly từ đồng bằng lên, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Khánh Hòa đã hình thành đủ các tiểu ban chuyên môn: Tiểu ban tuyên truyền, Tiểu ban văn nghệ báo chí, Tiểu ban giáo dục, Trường Đảng trực thuộc Ban Văn phòng, tổ sản xuất tự túc và các tổ chức mới như: nhà in, đội điện ảnh, đoàn văn công, đài Ninh ngữ vô tuyến 15w. Bộ phận biên tập báo có 5 đồng chí (thêm Triệu Phong), phối hợp hoạt động tốt với cộng tác viên báo nên bài vở phong phú, chất lượng khá hơn. Công tác tuyên truyền và hoạt động báo chí luôn bám và triển khai các chủ trương của Tỉnh ủy, phục vụ đắc lực cho chiến dịch giành đất, giành dân, cắm cờ năm 1972, trao trả tù binh 2 bên năm 1973. Nhà in báo được thành lập và ổn định địa điểm từ năm 1970 cho đến năm 1975 tại thôn Đa Râm, xã Khánh Thượng, thuộc huyện Vĩnh Khánh, biên chế còn ít. Đến cuối năm 1973, Khu 5 chi viện máy in ti-pô - loại máy nằm, cải tiến gọn nhẹ, in bằng đẩy tay, dễ vận chuyển. Từ năm 1974, nhà in được tăng biên chế lên 10 cán bộ công nhân viên, báo Giải phóng Khánh Hòa chính thức in bằng ti-pô, khổ 30x40 từ 4 lên 6 trang, có số từ 2 đến 3 màu, số lượng in từ 200 lên 500 số, ngoài việc phát hành trong tỉnh còn phát hành đều đặn ra Thủ đô Hà Nội, tỉnh Bắc Thái kết nghĩa và các tỉnh thuộc Khu 5 như: Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.
 
Phan Hữu Sâm
Nguyên Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Khánh Hòa
 
_____________________
(*) Nay là huyện Khánh Vĩnh