Kỳ chuyển nhượng Hè 2019 có vẻ như khá đặc thù, bởi đã qua gần 3 tuần mà số đội chấp nhận đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng là không nhiều, số bom tấn cũng chỉ hết sức khiêm tốn. Thay vào đó, vị trí huấn luyện viên lại là thị trường sôi động hơn rất nhiều, với không ít sự thay đổi và huấn luyện viên giỏi vẫn còn đang "rảnh rỗi".
Kỳ chuyển nhượng Hè 2019 có vẻ như khá đặc thù, bởi đã qua gần 3 tuần mà số đội chấp nhận đổ tiền vào thị trường chuyển nhượng là không nhiều, số bom tấn cũng chỉ hết sức khiêm tốn. Thay vào đó, vị trí huấn luyện viên lại là thị trường sôi động hơn rất nhiều, với không ít sự thay đổi và huấn luyện viên giỏi vẫn còn đang “rảnh rỗi”.
Tình hình thị trường chuyển nhượng Hè 2019 ở những giải đấu lớn hàng đầu châu Âu cho đến thời điểm hiện tại là khá yên ắng, không có quá nhiều những thương vụ lớn. Điều này đã gây nên khá nhiều bất ngờ, khi mà người hâm mộ bóng đá kỳ vọng vào một kỳ chuyển nhượng sôi nổi hơn rất nhiều. Chẳng hạn như tại Bundesliga (giải vô địch quốc gia Đức), nhà vô địch Bayern Munich vẫn đang im hơi lặng tiếng, chưa có bất cứ bản hợp đồng mới nào, dù cho đã phải chia tay một số ngôi sao như Arjen Robben, Franck Ribery… cũng như đội hình đã có phần già cỗi. Chỉ có Borussia Dortmund là còn có một số bản hợp đồng mới đáng chú ý như: Thorgan Hazard, Nico Schulz, Julian Brandt… nhưng cũng không có bản hợp đồng nào có thể xem là bom tấn.
Tương tự, Serie A (giải vô địch quốc gia Italia) cũng khá yên ắng, khi mà những câu lạc bộ có khả năng chi đậm như Juventus, AC Milan, Inter Milan… vẫn chưa tham gia thị trường chuyển nhượng. Ligue 1 (giải vô địch quốc gia Pháp) thì không cần phải nhắc tới, bởi đây là giải đấu thường xuyên lâm vào tình trạng bán ra nhiều hơn mua vào. Đáng chú ý nhất cho tới thời điểm hiện tại chỉ có La Liga (giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha), với Barcelona nổ bom tấn Frenkie de Jong 75 triệu euro, còn Real Madrid thì đã chi ra hơn 300 triệu euro để thay máu lực lượng. Còn giải đấu được mong chờ nhất do sự giàu có là Ngoại hạng Anh thì các ông lớn lại cũng đang im tiếng, câu lạc bộ chịu chi nhất cho tới thời điểm hiện tại lại là Wolverhampton Wanderers.
Trái ngược lại với thị trường cầu thủ, thị trường chuyển nhượng… huấn luyện viên lại khá sôi động với khá nhiều bản hợp đồng mới, cũng như những huấn luyện viên chất lượng vẫn còn đang… ở không. Có thể kể ra như huấn luyện viên Antonio Conte trở lại Italia dẫn dắt câu lạc bộ Inter Milan; câu lạc bộ Juventus sa thải huấn luyện viên Massimiliano Allegri và bổ nhiệm huấn luyện viên Maurizio Sarri làm huấn luyện viên trưởng… Đồng thời cũng có khá nhiều huấn luyện viên không tồi, thậm chí là xuất sắc đang “ngồi chơi xơi nước” như: Mourinho, Massimiliano Allegri, Luciano Spalletti, Gennaro Gattuso… Và cũng có không ít huấn luyện viên mà chiếc ghế huấn luyện viên trưởng không quá chắc chắn, có khả năng sẽ phải ra đi bất cứ lúc nào như: Ernesto Valverde (Barcelona), Ole Gunnar Solskjaer (Manchester United), Thomas Tuchel (Paris Saint-Germain), Niko Kovac (Bayern Munich)…
Có người lung lay thì cũng có kẻ chắc chắn. Có một số huấn luyện viên sau một mùa giải thành công thì vị trí của họ đang trở nên không thể thay thế, chính câu lạc bộ mới là phía phải “cầu cạnh” họ ở lại, lo ngại đối thủ tìm mọi cách khiến cho những huấn luyện viên này tìm kiếm bến đỗ mới. Có thể kể tới như Pep Guardiola của Manchester City, là kiến trúc sư trưởng của 2 chức vô địch Ngoại hạng Anh liên tiếp của câu lạc bộ này; đó là Jurgen Klopp sau khi dẫn dắt Liverpool lên ngôi vô địch Champions League trong mùa giải vừa qua; đó là Mauricio Pochettino không tốn một đồng nào vào thị trường chuyển nhượng mà vẫn dẫn dắt Tottenham đi tới trận chung kết Champions League; đó là
Carlo Ancelotti dẫn dắt Napoli về thứ 2 tại Serie A mùa giải vừa qua…
Có thể thấy, tình huống trước mắt trong kỳ chuyển nhượng Hè 2019, là có nhiều huấn luyện viên chất lượng đang chưa có việc làm, có nhiều huấn luyện viên đang không chắc chắn vị trí, có nhiều câu lạc bộ đang lăm le muốn thay đổi huấn luyện viên, thậm chí là có những câu lạc bộ lớn đang trong tình trạng không có huấn luyện viên như Chelsea hoặc AC Milan… Các câu lạc bộ lớn đều thấy rất rõ tầm quan trọng của một huấn luyện viên chất lượng, mà Pep Guardiola hoặc Jurgen Klopp chính là tấm gương rõ ràng nhất. Có được một huấn luyện viên giỏi và phù hợp, có thể xem như có được 50% sức mạnh của câu lạc bộ. Do đó, với tình huống hiện tại, chắc chắn việc giữ chân, tìm kiếm, thậm chí là tranh chấp huấn luyện viên giỏi đang được đưa lên hàng đầu. Việc mua bán cầu thủ có lẽ sẽ phải để sau, khi mà chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đã được ổn định.
Cao Duy