05:05, 07/05/2008

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và bài ca “Chiến thắng Điện Biên”

“Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Chiến công oai hùng của dân tộc đã đi vào thơ ca - nhạc - họa một cách chân thực và đầy xúc cảm...

Ảnh minh họa.

“Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Chiến công oai hùng của dân tộc đã đi vào thơ ca - nhạc - họa một cách chân thực và đầy xúc cảm. Ngoài bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” (Tố Hữu) đã được nhiều người biết đến, chiến thắng Điện Biên còn in dấu trong sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ khác. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những người theo sát chiến dịch Điên Biên Phủ, kịp ghi lại những giây phút lịch sử bằng các ca khúc: Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên.

Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Thu Đông năm 1953, khi ấy nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922 - 1991) còn là một thanh niên đi theo đại đội súng cối thuộc Sư đoàn 308 vượt đèo Khế. Việc hành quân rất bí mật, nên nhiều anh lính vẫn băn khoăn về địa điểm tập kết. “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi, cần gì phải hỏi!” - câu nói của một anh lính trẻ đã gợi ý cho nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết nên hành khúc Hành quân xa (còn có tên khác là Đâu có giặc là ta cứ đi): Hành quân xa dẫu còn nhiều gian khổ/Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/Mắt ta sáng, chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước/Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi… Ca khúc có cấu trúc rất chân phương, hơi nhạc dân tộc đậm đà rất dễ hát nên đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi. Không chỉ vậy, bài hát còn thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Điệp khúc: Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi… đã thúc giục biết bao người vượt gian khổ, hướng về Điện Biên.

Khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã lên đến tận mặt trận, tự tay đào hầm tránh bom đạn. Trận đánh đồi Him Lam mở đầu cho chiến dịch Điện Biên, đồng chí Phan Đình Giót  lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho quân ta tiến lên. Xúc động trước tâm gương hy sinh anh dũng của những người lính Việt Nam, nhạc sĩ đã nhanh chóng cho ra đời bài hát Trên đồi Him Lam: Hôm qua đánh trận Điện Biên/Chiến hào xuất kích/Đồi Him Lam ta tiến vào… Ở ca khúc này, nhạc sĩ nhắc tới “mở đường”, bộ đội “kéo pháo vào, kéo pháo ra” và chờ ngày “chiến thắng Điện Biên”. Bài hát này được đánh giá là chặt chẽ về nhạc điệu và lời ca, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.

Trong chùm ca khúc về chiến dịch Điện Biên, Chiến thắng Điện Biên là ca khúc hay hơn cả và mang dấu ấn lịch sử sâu đậm nhất. Trong cuốn hồi ký Âm thanh và cuộc đời, nhạc sĩ Đỗ Nhuận có kể về hoàn cảnh ra đời của ca khúc: “Chúng tôi tạm ngừng mọi hoạt động nghệ thuật, các chiến sĩ văn công trai gái đều phải sửa đường, vì mùa mưa sắp đến, nước lũ tràn về thì xe không đưa pháo vào trận địa được. Tôi là tổ trưởng đơn vị làm đường ở bản Mường Phăng cách Điện Biên 60km, ngày ngày vác xẻng ra mặt đường để đón chờ khí tài hiện đại Kachiusa. Một hôm, đồng chí Hoàng Xuân Tùy (lúc đó là Trưởng phòng Tuyên truyền - Tổng cục Chính trị) gặp tôi nói: “Đỗ Nhuận chuẩn bị sáng tác bài “Chiến thắng Điện Biên” đi!”. Gợi ý đó, tôi cũng suy nghĩ về cách viết bài này như thế nào, chứ chưa hạ bút sáng tác, vì còn phải chờ thời điểm… Chiều 7-5-1954, trong lúc đang hì hục lấp đá, vá đường thì một chiến sĩ đạp xe qua reo to lên: “Hồng Cúm hàng rồi! Chiến thắng rồi!”. Tin chiến thắng đưa về trung tuyến làm nức lòng quân dân. Thế là chúng tôi bỏ cả cuốc xẻng, cầm tay nhau nhảy không cần nhạc đệm. Tôi hạ quyết tâm: đêm nay phải sáng tác xong bài hát. Thế là bài hát ra đời vào đúng đêm chiến thắng lịch sử này tại bản Mường Phăng, bên bếp nhà sàn đỏ lửa…”. 

Nếu như với 2 ca khúc Hành quân xa, Trên đồi Him Lam nhạc sĩ đã vận dụng chất liệu âm nhạc truyền thống vùng đồng bằng, thì ở Chiến thắng Điện Biên nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã pha trộn chất nhạc truyền thống của người Kinh và người Thái ở vùng Tây Bắc bởi như nhạc sĩ lập luận: “Niềm vui chiến thắng này là của cả nước. Người Kinh, người Thái, người Mông, người Dao, người Tày và các dân tộc khác cùng góp công, góp của, góp cả tính mệnh mình làm nên lịch sử. Cần phải hòa sắc dân tộc, vì dân tộc Việt Nam là một”. Ca khúc Chiến thắng Điện Biên mở đầu bằng hình ảnh lịch sử của một dân tộc rạo rực vang bài ca chiến thắng: Giải phóng Điện Biên/Bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui… Nghe những lời ca ấy, ta cứ ngỡ như núi rừng, bản làng Tây Bắc đang reo vui hát ca theo bước đoàn quân giải phóng. Những lời ca sống động, điệu nhạc hùng tráng như những thước phim tư liệu đã vẽ nên một bức tranh tươi màu: Bản Mường xưa nương lúa mới trồng/Kìa đàn em bé đứng giữa đồng nắm tay xòe hoa/ Dọc đường chiến thắng ta tiến về/Đoàn dân công tiền tuyến/Vẫy chào pháo binh vượt qua… Lời một của Chiến thắng Điện Biên kết thúc bằng một hành ảnh rực rỡ: Núi sông bừng lên/Đất nước ta sáng ngời!/Cánh đồng Điện Biên!/Cờ chiến thắng tưng bừng trên trời.

Sau khi hoàn thành bài hát, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã đưa cho Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị hát mừng chiến dịch thắng lợi. Sau này, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sử dụng “bộ ba” ca khúc: Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên và Hò kéo pháo (Hoàng Vân) cùng dân ca Tây Bắc để làm nhạc cho bộ phim tư liệu Điện Biên Phủ. Bài hát này rất quen thuộc với khán giả của Đài Tiếng nói Việt Nam.

54 năm đã qua kể từ ngày 7-5 lịch sử ấy, nhưng mỗi khi nhớ về thắng lợi của chiến dịch Điên Biên Phủ, mỗi chúng ta không giấu được niềm tự hào. Với các ca khúc về Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, chiến thắng ấy vẫn còn tươi mới như hôm qua.

NHẬT LỆ