09:04, 27/04/2008

Xem kịch “Người vợ ma”: Sợ hơn xem phim kinh dị!

Với cách dàn dựng độc đáo, sự phối hợp hiệu quả giữa ánh sáng và âm thanh, vở kịch kinh dị “Người vợ ma” đã khiến khán giả Nha Trang, Khánh Hoà hồi hộp, thót tim...

Một cảnh trong vở kịch “Người vợ ma”.

Với cách dàn dựng độc đáo, sự phối hợp hiệu quả giữa ánh sáng và âm thanh, vở kịch kinh dị “Người vợ ma” (sân khấu kịch Phú Nhuận, diễn đêm 24 và 25-4 tại Trung tâm Văn hóa 46 Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hoà) đã khiến khán giả hồi hộp, thót tim. Ở những cảnh căng thẳng quá mức, nhiều khán giả đã phải lấy tay che mặt vì quá sợ hãi… 

Giá vé chính thức khá cao: 120.000 - 150.000 đồng/vé nhưng tiếng vang về kịch kinh dị đã lôi cuốn khán giả thành phố biển tới rạp. Và có lẽ những ai đã bỏ tiền đến với đêm diễn đều cảm thấy nó đáng “đồng tiền bát gạo”.

Người vợ ma (kịch bản Xuyên Lâm, đạo diễn Thái Hòa) mở màn bằng một không khí rợn người: Tiếng gió rít mạnh, cánh cửa bỗng bật ra, một phụ nữ treo cổ tự sát với máu miệng chảy, tóc xõa che kín khuôn mặt trắng bệch. Bé Yến hét to hai tiếng “Mẹ ơi”… Từ khi người chồng lấy người vợ sau, đêm đêm người vợ trước trở về tâm sự với con gái của mình trong bộ dạng ghê rợn lúc thắt cổ tự tử. Từ thương nhớ mẹ, đứa bé bắt đầu cảm thấy sợ, hoảng loạn, gần như bị tâm thần, bỏ cả học hành. Đến cả lão Sửu - người giúp việc - đêm nào cũng thấy bà chủ cũ. Trong tình cảnh đó, người chồng luôn dằn vặt giữa tình cảm sâu đậm với người vợ cũ và tình cảm vợ chồng với người vợ mới. Rồi xung quanh ai cũng ghê sợ gia đình này vì nhà họ có ma. Cả gia đình rơi vào khủng hoảng…

Với Người vợ ma, Thái Hòa (một đạo diễn trẻ chưa qua trường lớp) đã khẳng định được mình với một bản dựng hết sức độc đáo. Không gian ma quái xuyên suốt vở diễn, sự phối hợp hiệu quả giữa âm thanh và ánh sáng đã khiến không ít khán giả hồi hộp, thót tim. Không khí rờn rợn chi phối khán giả ngay từ lúc mở màn với hình ảnh một người vợ bất hạnh treo cổ lủng lẳng và tiếng thét kinh hoàng của đứa con thơ. Trên sân khấu, âm thanh lúc nào cũng rợn người, màu sắc khi trắng toát khi lại mờ ảo ma quái. Những tấm rèm, chiếc ghế, bức ảnh người vợ cũ tự nhiên lay động. Tiếng ru hời thê lương, kỳ bí… Những bóng ma với gương mặt biến dạng xõa tóc rũ rượi xuất hiện bất cứ lúc nào một cách thình lình nhất làm người xem rớt tim. Trong đêm diễn, khán giả ngồi chật khán phòng, vỗ tay theo từng tình huống của câu chuyện. Có nhiều khán giả sử dụng điện thoại di động để chụp hình người vợ ma và thu âm những cảnh rùng rợn của vở kịch. Có khán giả đến lúc gay cấn lấy tay che mặt không dám nhìn vì sợ. Những khi sân khấu đến cảnh ngôi nhà sáng đèn, nhiều khán giả đã thở phào nhẹ nhõm vì căng thẳng quá. Có lẽ vì lường trước được sự căng thẳng đó, nên nhân vật người giúp việc Sửu lẫn 2 tên ăn trộm sợ ma được xây dựng hài hước và ý vị, tạo nên những tràng cười sảng khoái làm dịu bớt sự căng thẳng, hồi hộp.

Người vợ ma đọng lại nhiều điều đáng suy ngẫm về đời sống hôn nhân gia đình, quan hệ giữa người và người, sự vị tha và tình yêu bao dung đích thực, về việc phải chăm lo đời sống tinh thần cho con cái - nhất là khi trẻ lớn lên trong sự hụt hẫng về tâm lý do thiếu vắng cha, mẹ… Tác giả trẻ Xuyên Lâm và đạo diễn trẻ Thái Hòa đã tạo nên một vở kịch đáng xem cho khán giả với ý tưởng chủ đạo: không có ma, chỉ có con người đối xử với nhau đôi khi còn tệ hơn ma. Và, những kẻ xấu ấy sẽ bị sự trừng phạt của chính lương tâm mình trước khi luật pháp trừng trị họ! Góp phần thành công cho vở diễn, 2 diễn viên trẻ Kim Huyền và Thanh Vân thật xuất sắc trong vai đứa con và người vợ sau… Thanh Vân đã có một vai diễn rất tốt, đa dạng trong những dằn vặt nội tâm điên loạn, những đấu tranh giữa lý trí, cảm tính và lương tâm. Đoạn độc thoại bộc lộ tâm trạng người đến sau của cô làm khán giả vừa thương vừa trách. Với mái tóc ngắn xơ xác, bộ đồ xốc xếch, bộ mặt - giọng nói thất thần, ngơ ngác, bấn loạn, Kim Huyền đã thể hiện thành công hình ảnh cô bé Yến ngơ ngác và tội nghiệp giữa âm mưu đen tối bởi tình yêu ích kỷ của người phụ nữ đến sau mẹ mình làm khán giả ngậm ngùi. Có lẽ, cái cần thêm ở Người vợ ma là làm rõ tâm lý dằn vặt ở người chồng vì sự thiếu bao dung của mình với quá khứ của người vợ trước đã khiến cô chọn cái chết, hai cha con anh đánh mất hạnh phúc, tình thương yêu đích thực. Trách nhiệm của anh với hành vi lỗi lầm của người vợ sau bởi anh cưới cô mà vẫn sống với bóng hình của người vợ cũ?

Bất chấp nội dung kịch bản muốn nói “tình yêu đích thực cần lòng vị tha, tình yêu mù quáng sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng”, Người vợ ma vẫn đúng là một vở kịch ma, kịch kinh dị từ hiệu ứng sân khấu vở diễn có được ở khán giả. Sau buổi diễn, có khán giả nói: “Sợ còn hơn coi phim kinh dị”.

NHẬT LỆ