10:06, 24/06/2019

Cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến mức độ 3: Còn nhiều khó khăn

Với những giải pháp đẩy mạnh cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến mức độ 3, kết quả giải quyết của Sở Tư pháp đã được trung ương ghi nhận. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc.

Với những giải pháp đẩy mạnh cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trực tuyến mức độ 3, kết quả giải quyết của Sở Tư pháp đã được trung ương ghi nhận. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc.


 Nhiều giải pháp đẩy mạnh


Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm cấp phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến (Đề án 19), trong đó có cấp phiếu LLTP trực tuyến mức độ 3. Theo đó, người dân gửi hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP trực tuyến và nhận kết quả trực tiếp tại sở tư pháp.

 

Công chức Sở Tư pháp giới thiệu dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến với người dân.

Công chức Sở Tư pháp giới thiệu dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến với người dân.


Thực hiện Đề án 19, lãnh đạo Sở Tư pháp Khánh Hòa xác định, việc cung cấp dịch vụ cấp phiếu LLTP trực tuyến mức độ 3 là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính và chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến. Sở đã làm việc với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế (VIB) Chi nhánh Nha Trang, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) để hỗ trợ người dân thanh toán lệ phí trực tuyến. Về nhân sự, ngoài công chức bộ phận một cửa, sở còn phân công 1 công chức phụ trách lĩnh vực cải cách hành chính tư vấn, giúp đỡ người dân qua điện thoại di động. Mô hình điểm truy cập Internet, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại bộ phận một cửa của sở cũng mang lại hiệu quả thiết thực và đạt giải khuyến khích tại cuộc thi Mô hình, sáng kiến cải cách hành chính của công chức, viên chức trẻ lần thứ III năm 2017 của tỉnh.  


Theo thống kê của Bộ Tư pháp, sau 3 năm thực hiện Đề án 19, đến hết tháng 10-2017, Sở Tư pháp Khánh Hòa đã tiếp nhận và giải quyết thành công 1.956 hồ sơ cấp phiếu LLTP trực tuyến mức độ 3, dẫn đầu cả nước. Số hồ sơ LLTP trực tuyến mà sở giải quyết cũng tăng mạnh. Năm 2018, sở tiếp nhận, xử lý thành công 2.167 hồ sơ trực tuyến, tăng 24,4% so với năm 2017.


Cần tháo gỡ vướng mắc


Tuy vậy, lĩnh vực này hiện nay bộc lộ nhiều vướng mắc. Đa số người dân vẫn muốn làm theo cách truyền thống là nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa của sở để không phải chờ trả lời qua mạng Internet. Thực tế, việc trả lời đã có lúc chậm trễ do biên chế của sở liên tục giảm trong khi công việc ngày càng nhiều và phức tạp. Năm 2018, tổng số hồ sơ hành chính phát sinh của sở tăng 41,4% so với năm 2017; quý I năm nay tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, bộ phận một cửa của sở vẫn chỉ có 1 biên chế vừa hướng dẫn, vừa tiếp nhận hồ sơ nộp trực tiếp và trực tuyến. Ngoài ra, phần mềm dịch vụ cấp phiếu LLTP trực tuyến do Bộ Tư pháp triển khai thường xuyên bị lỗi, không truy cập được. Phần mềm của Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh đang trong giai đoạn tiếp tục hoàn thiện một số tính năng.


Đặc biệt, việc cấp phiếu LLTP trực tuyến mức độ 3 theo Đề án 19 còn hạn chế. Cụ thể, khi nộp hồ sơ trực tuyến, người dân vẫn phải đến Sở Tư pháp 1 lần để đối chiếu hồ sơ gốc và nhận kết quả. Còn nếu nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tư pháp và nhận kết quả qua bưu chính, người dân cũng chỉ đến sở 1 lần. Ông Lê Hiếu Thảo (53 tuổi, ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) cho biết, ông chọn nộp hồ sơ trực tiếp cho con tại Sở Tư pháp bởi sợ thao tác trên mạng không thành thạo dễ bị sai sót. Còn chị Cao Thị Đương (27 tuổi, ở xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh) chọn nộp trực tiếp cho dù nhà xa bởi được nghe giải thích nếu nộp trực tuyến vẫn phải đến trực tiếp nhận kết quả.


Có thể thấy, việc nộp trực tuyến chủ yếu do người dân quyết định nếu thấy phương thức này ưu việt hơn. Nhưng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến lại là một chỉ tiêu giao và là một nội dung chấm điểm công tác cải cách hành chính. Vì vậy, tuy đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhưng năm 2018, Sở Tư pháp vẫn không hoàn thành chỉ tiêu. Đó là bởi, tuy cùng tỷ lệ giao hồ sơ trực tuyến, nhưng ở Sở Tư pháp và một số đơn vị có tổng số hồ sơ tiếp nhận rất lớn, thì lượng hồ sơ trực tuyến tính theo tỷ lệ giao cũng rất đáng kể. Năm 2018, Sở Tư pháp được giao tỷ lệ tối thiểu 35% hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ LLTP phát sinh, nhưng sở chỉ đạt khoảng 26%. Năm nay, chỉ tiêu hồ sơ trực tuyến tăng lên tối thiểu 40%, nhưng đến ngày 19-6, sở mới đạt 688 hồ sơ, giảm 286 hồ sơ, tương đương giảm 29% so cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, tổng số hồ sơ tiếp nhận đã tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.


Theo lãnh đạo Sở Tư pháp, để thu hút người dân nộp hồ sơ LLTP trực tuyến, sở kiến nghị Bộ Tư pháp cho phép người dân nộp hồ sơ LLTP trực tuyến mức độ 3 không phải gửi hồ sơ gốc đến sở và được nhận kết quả qua bưu chính, nghĩa là kết hợp trực tuyến và bưu chính. Thực tế, Quyết định số 877/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 43/2011 của Chính phủ và Thông tư số 32/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ, trong các tiện ích người dân được hưởng, có việc nhận kết quả tại cơ quan cung cấp dịch vụ hoặc qua bưu chính. Nhưng Đề án 19 vẫn yêu cầu người dân phải đến sở tư pháp đối chiếu hồ sơ và nhận kết quả nhằm xác định chính xác nhân thân của người xin cấp phiếu LLTP, đảm bảo tôn trọng bí mật đời tư cá nhân. Tuy nhiên, pháp luật cũng đã dự liệu trường hợp cá nhân vi phạm vấn đề này bằng chế tài quy định tại Điều 51 Luật LLTP.


Mặt khác, từ tháng 1-2018, Sở Tư pháp và Công an tỉnh đã kết nối liên thông tin học, việc phối hợp xác minh thông tin LLTP trên môi trường mạng duy trì ổn định. Phần mềm Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh cũng cho phép cấp 1 tài khoản duy nhất và bảo mật thông tin cho người nộp hồ sơ.


NGUYỄN BÌNH