Đàn ông làm thợ xây đã vất vả, phụ nữ làm công việc này còn nhọc nhằn hơn rất nhiều. Thế nhưng, vì miếng cơm manh áo, không ít nữ thợ xây vẫn bất chấp nguy hiểm, miệt mài với chiếc bay từ ngày này sang ngày khác.
Công việc vất vả
Mới hơn 8 giờ sáng, nhưng cái nắng đầu hè đã chói chang, khiến bầu không khí oi bức khó chịu. Trên căn nhà đang xây ở phường Phước Hải (TP. Nha Trang), chúng tôi bắt gặp những nữ thợ xây đang cùng các đồng nghiệp nam hì hục tô, trát bức tường cho căn nhà mới. Vừa tô xong bức tường, trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, tranh thủ 5 phút nghỉ ngơi chỉ kịp uống ngụm nước để chờ các phụ hồ trộn mẻ hồ mới, chị Lê Thị Mỹ Nhân (trú xã Phước Đồng, Nha Trang) chia sẻ: “Nếu không vì hoàn cảnh khó khăn, chẳng phụ nữ nào muốn làm công việc này. Đàn ông làm đã vất vả, phụ nữ còn nhọc nhằn, nguy hiểm hơn gấp bội”. Chị Mỹ Nhân dẫn chứng, thợ xây bắt đầu công việc từ 7 giờ tới 11 giờ 30 phút; sau thời gian nghỉ ăn cơm trưa, buổi chiều bắt đầu làm từ 13 giờ 30 đến 17 giờ, đôi lúc các phụ hồ lỡ trộn hồ nhiều thì buộc phải xây, tô cho xong mới được về. Đã làm thợ xây, dù là đàn ông hay phụ nữ, công việc chính là xây, tô tường, leo dàn giáo đóng dầm, cốp pha, cắt đá, ốp tường…, việc nào cũng phải thành thạo. Đã ăn lương thợ, khi các thầu xây dựng yêu cầu bất cứ công việc gì, họ cũng phải hoàn thành.
Chị Mỹ Nhân đang dùng thước căn chỉnh bức tường xây. |
Đã từng có thời gian, nhu cầu xây dựng nhà ở, các công trình nở rộ, ai cũng bảo nghề thợ xây thu nhập cao. Mỗi ngày, thợ xây được trả 400 - 500 nghìn đồng, 1 tháng mức lương nhận được tầm 10 - 15 triệu đồng, cao hơn nhiều so với nhân viên văn phòng. Nhưng có làm mới biết, để kiếm được đồng tiền phải đổi bằng mồ hôi nước mắt. Đối với chị em, làm thợ xây lại càng vất vả, phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí còn nguy cơ rủi ro, tai nạn. Mối hiểm nguy của những thợ xây là leo dàn giáo xây các nhà cao tầng, hay cầm máy cắt men, đá, đón tời. Chỉ một chút bất cẩn, tai nạn lúc nào cũng có thể xảy ra, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế, hàng năm, tại các công trình xây dựng lớn, nhỏ trong tỉnh, đã có một số vụ tai nạn lao động từ nghề xây dựng. Nhẹ thì trầy xước, gãy tay, chân, nặng thì thương tật vĩnh viễn hoặc có khi mất mạng. “Nếu gặp chủ thầu thương, nghĩ cho chị em thì nữ thợ xây chỉ làm công việc nhẹ hơn như xây gạch, tô tường, đóng nền… ở dưới đất. Còn gặp phải chủ thầu khó chịu, những việc như: Leo dàn giáo, cắt đá, đóng cốt pha… chị em vẫn phải làm”, chị Mỹ Nhân nói.
Đó là chưa kể công việc này bấp bênh, một năm chỉ làm được 5 - 6 tháng, còn lại thời điểm Tết, tháng Giêng, mùa mưa họ ít việc làm. Làm công việc này đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian không có việc làm, họ phải vay, mượn khắp nơi trang trải cho cuộc sống. Đến lúc có việc thì tiền lương làm ra cũng chỉ đủ trả nợ, nợ chưa dứt thì công việc lại gián đoạn, cứ như một vòng luẩn quẩn, trong khi họ còn phải vun vén cho gia đình, chăm sóc chồng con nên rất vất vả.
Cuộc sống bấp bênh
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, đông con, thuở nhỏ chị Hoàng Thị Lý (42 tuổi, quê ở TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) không được đi học, lại phải vất vả làm đủ nghề mưu sinh, từ xin ăn đến thu mua phế liệu. Trưởng thành, có chồng con nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Vì nghèo, không được học hành đến nơi đến chốn, vốn liếng duy nhất chị Lý có là sức khỏe. “Vì không biết chữ, lại không có vốn liếng kinh doanh nên ngoài làm thợ xây tôi không biết làm gì khác”, chị Lý chia sẻ. Tuy vậy, theo chị Lý, phụ nữ muốn xin làm thợ xây không dễ. Bởi, bản thân chị Lý dù đã có thời gian dài làm phụ hồ, sau đó học dần để lên thợ xây (xây, tô thành thạo), nhưng mỗi khi đi xin việc đều nhận lấy sự ái ngại hay cái lắc đầu từ chối. Chị Lý tâm sự: “Tôi đi xin việc làm thợ xây nhiều nơi, nhưng cứ đến hỏi chủ thầu họ đều ái ngại và không nhận. Chỉ những ông thầu nào biết rõ mình làm được việc mới nhận vào xây, còn không đành chấp nhận làm phụ hồ rồi tranh thủ những lúc nghỉ trưa, tự học thêm các kỹ thuật khác để nâng cao tay nghề". Ngay cả như trường hợp chị Mỹ Nhân, dù đã là thợ chính từ lâu, song để có được công việc như hiện tại, chị cũng đã phải trải qua không ít chuyện dở khóc dở cười. Theo như lời chị kể, chỉ có những chủ thầu quen, biết mình làm được việc mới nhận, còn chủ thầu lạ không ai cho làm. Phụ nữ làm công việc này "chua" lắm, cầm máy bắn bê tông, đóng cốp pha, leo dàn giáo không thua kém gì so với cánh đàn ông, nhưng giá lúc nào cũng thấp hơn... Để dẫn chứng, chị Mỹ Nhân cho hay, lương thợ nam 1 ngày công theo giá thị trường hiện nay khoảng 420 nghìn đồng, còn nữ thợ xây chỉ được 380 - 390 nghìn đồng/ngày. Dù biết thiệt thòi, song vì để có công việc ổn định, kiếm đồng ra đồng vào xoay xở cuộc sống, các nữ thợ xây cũng phải chấp nhận.
Chị Hoàng Thị Lý đang trét hồ tô tường. |
Theo tìm hiểu, hiện nay, ở Nha Trang, những nữ thợ xây thạo việc như chị Lý, chị Mỹ Nhân còn miệt mài làm việc trên các công trình không nhiều. Ông Thái Ngọc Hoàng, chủ thầu xây dựng nhà ở Công ty TNHH Hoàng Trung cho hay, trước đây, có nhiều phụ nữ làm nghề thợ xây, nhưng chủ yếu là người ngoài miền Bắc vào, còn thợ chính ở Nha Trang không nhiều. Sau thời gian dịch bùng phát, các công trình xây dựng tạm dừng thi công, họ dần bỏ về quê. Những nữ thợ xây thành thạo, làm việc không khác gì nam thợ xây như chị Mỹ Nhân, chị Lý giờ rất hiếm. Song, về lâu dài, công việc vất vả này không dành cho phụ nữ, bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí rất nguy hiểm. Nói về mơ ước của mình, chị Mỹ Nhân, chị Lý đều ao ước một ngày nào đó có được ít vốn liếng mở quán nhỏ kinh doanh, hay học lấy nghề khác phù hợp hơn. Thế nhưng, ao ước ấy của các chị không biết bao giờ mới thành hiện thực, bởi đồng lương làm ra cũng chỉ vừa đủ chi trả các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày, rồi những khoản nợ mà họ phải tạm vay trong những tháng mà thợ xây "đói” việc.
An Nhiên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin