22:39, 26/05/2023

Đảo "khát"

VĂN KỲ

Hơn 2 tháng nay, gần 1.000 hộ dân trên đảo Bình Ba (xã đảo Cam Bình, TP. Cam Ranh) khổ sở vì tình trạng khan hiếm nước ngọt do mùa nắng nóng kéo dài. Dự án đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt đảo Bình Ba đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2016, tuy nhiên vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa được triển khai.

Đảo Bình Ba - hòn đảo thơ mộng, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng luôn trong tình trạng thiếu nước ngọt.

Thiếu nước ngọt trầm trọng

Đến nhà bà Võ Thị Xuân Làm (thôn Bình An) vào những ngày cuối tháng 5, đập vào mắt chúng tôi là trong nhà, dưới bếp, đâu đâu cũng thấy thùng, can nhựa đựng nước. Chỉ vào góc bếp xếp gọn gàng 10 chiếc can nhựa cũ kỹ, bà Làm cho biết, đây là lượng nước ngọt dự trữ dùng để nấu ăn và nấu nước uống của gia đình 5 nhân khẩu. Mỗi can chứa 30 lít được mua với giá 7.000 đồng từ những thương lái chở nước ở đất liền qua. Cứ hết nước, bà Làm lại thuê xe ba gác chở từ dưới gần cầu cảng lên với giá 150.000 đồng/lượt. Còn nước tắm, giặt, vệ sinh thì bà phải mua từ giếng khoan của một hộ dân ở thôn Bình Ba Tây với giá 60.000 đồng/m3. “Gia đình tôi dùng nước rất tiết kiệm. Ví dụ vo gạo thì dùng nước máy nhiễm mặn, rồi dùng nước ngọt để nấu; hay khi giặt đồ phải giữ lại nước để dội nhà vệ sinh… Thế mà tháng nào cũng tốn gần 1 triệu đồng tiền nước”, bà Làm tâm sự.

Dù đã cố gắng tiết kiệm, nhưng mỗi tháng gia đình 9 người của ông Kiên cũng tốn khoảng 3 triệu đồng để mua nước. 

Hộ ông Trần Văn Kiên (thôn Bình Ba Tây) còn khốn khổ hơn. Trước kia, ông mua nước ngọt của một thương lái từ đất liền chở qua với giá 100.000 đồng/m3. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, họ không chở nước ngọt về đảo để bán nữa. Nắng nóng kéo dài khiến bể chứa nước mưa của gia đình ông cũng đã cạn. Ông Kiên phải cầm cự bằng cách mua nước bình loại 20 lít/bình để uống và nấu ăn. Còn nước tắm, giặt thì ông mua của một hộ dân có giếng khoan trong xã. “Gia đình tôi có 9 người, mỗi ngày dùng hết 2 - 3 bình nước, giá 20.000 đồng/bình. Còn nước tắm, giặt mỗi ngày dùng tiết kiệm lắm cũng hết khoảng 1m3. Tuy nhiên, mùa nắng nóng kéo dài như hiện nay thì nước giếng khoan có độ mặn rất cao, tắm rất khó chịu, giặt thì hư hết áo quần”, ông Kiên cho hay.

Ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, đảo Bình Ba có gần 1.000 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu, nhiều năm nay luôn trong tình trạng thiếu nước ngọt, nhất là vào mùa nắng nóng. Giếng khoan ở đảo chỉ có những nhà có điều kiện kinh tế khá giả mới đầu tư vì phải khoan hơn 100m mới có nước, tốn hơn 100 triệu đồng; có khi khoan không có nước. Tuy nhiên, nguồn nước này độ mặn lên đến 5/1.000 - 10/1.000. Một số hộ dân không có điều kiện khoan giếng thì dùng nước giếng đào, nhưng đến mùa nắng giếng bị cạn, không có nước.

Ngừng chở nước ngọt ra đảo vì… lỗ

Theo tìm hiểu của phóng viên, một số gia đình có điều kiện đã đầu tư giếng khoan hoặc giếng đào vừa phục vụ gia đình, vừa kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người dân trên đảo. Theo ông Trương Văn Sinh (thôn Bình Ba Tây), gia đình ông rất may mắn vì khi đào giếng trúng mạch nước, chỉ cần 10 phút là có thể cung cấp cả trăm lít nước. Chính vì vậy, vài năm trước, ông đã đầu tư bể chứa trên cao, đấu nối hệ thống ống nhựa dẫn về tận nhà cho khoảng 30 hộ dân. Mỗi khi các hộ dân có nhu cầu là ông mở van để dẫn nước về với giá bán 60.000 đồng/m3. Nhờ những hộ kinh doanh nước như gia đình ông Sinh mà người dân ở đảo Bình Ba đã giải quyết được phần nào nhu cầu nước tắm, giặt.

Qua câu chuyện của người dân nơi đây, chúng tôi khá ngạc nhiên khi họ mua nước ngọt với giá 100.000 đồng/m3 mà người buôn vẫn lỗ, không muốn cung cấp. Ông Đỗ Thành Trung (đảo Bình Ba) cho biết, khoảng 5 năm trước, ông đã đầu tư một tàu chở nước ra đảo, bể chứa cùng hệ thống ống nhựa, đồng hồ, dẫn nước ngọt về cho khoảng 400 hộ dân có nhu cầu với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì thu tiền nước không đủ số tiền ông bỏ ra mua nước từ đất liền và mua dầu chạy tàu nên sau hơn 5 năm hoạt động phải tạm ngừng kinh doanh. "Tôi mua nước từ một doanh nghiệp ở đất liền có giá 35.000 đồng/m3 nên phải bán với giá 100.000 đồng/m3. Tuy nhiên, do lượng nước hao hụt đến 40% nên tháng nào cũng thua lỗ. Tôi kiểm tra lại hệ thống từ tàu chở, bể chứa và đường ống thì không phát hiện rò rỉ. Mặc dù người dân vẫn tha thiết mua nước nhưng nếu tôi nâng giá lên thì người dân không chịu nổi nên bắt buộc phải ngừng kinh doanh từ cuối năm 2022”, ông Trung nói.

Mòn mỏi chờ dự án cấp nước

Ông Nguyễn Ân cho biết, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, đảo Bình Ba chỉ có 2 cơn mưa, mỗi cơn mưa kéo dài khoảng 1 giờ. Chỉ có một số hộ có điều kiện kinh tế, diện tích đất rộng, xây bể chứa khoảng 30m3 thì còn nước mưa dùng, còn lại đều phải mua nước ngọt từ đất liền bằng nhiều hình thức khác nhau. Tình trạng thiếu nước ngọt trên đảo Bình Ba là câu chuyện không mới nhưng ngày càng nhức nhối bởi thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu của người dân ngày càng cao. Mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị nội dung này nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) thông báo xã Cam Bình không đạt xã nông thôn mới nâng cao năm 2023 (theo kế hoạch đăng ký của TP. Cam Ranh) vì không có hệ thống nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Xã có nghe thông tin dự án đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch qua đảo Bình Ba do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn không thấy triển khai.

Những can nhựa chứa nước được xếp ngay ngắn trong góc bếp nhà bà Làm. 

Theo ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT, dự án đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt đảo Bình Ba có tổng vốn đầu tư khoảng 119 tỷ đồng, đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2016. Tuy nhiên thời điểm đó, Sở NN-PTNT không xin được nguồn vốn từ Trung ương nên dự án giậm chân tại chỗ. Hiện nay, Sở NN-PTNT đã bàn giao dự án này cho ban làm chủ đầu tư, đồng thời UBND tỉnh giao ban làm việc với các cơ quan Trung ương để xin vốn đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, việc xin vốn từ Trung ương gặp rất nhiều khó khăn nên Sở Kế hoạch và Đầu tư không đưa dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, dự án đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt đảo Bình Ba dự kiến sẽ đầu tư hệ thống ống từ đất liền chạy ngầm dưới biển qua đảo Bình Ba. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tổng số vốn đầu tư dự án sẽ đội lên rất nhiều so với con số 119 tỷ đồng thời điểm năm 2016. Mới đây, trong buổi làm việc với TP. Cam Ranh, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị thành phố khảo sát lại phương án cấp nước cho người dân trên đảo Bình Ba để có hướng đầu tư phù hợp, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, thành phố đã giao Phòng Kinh tế thực hiện khảo sát, trong đó nghiên cứu theo phương án đầu tư hệ thống ống nước lộ thiên từ Vùng 4 Hải quân qua đảo Bình Ba để tiết kiệm chi phí.

Ông LÊ NGỌC THẠCH - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh: Trong thời gian chờ bố trí vốn đầu tư dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt đảo Bình Ba, thành phố đã tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư dự án nước sạch tại đảo. Mới đây, có doanh nghiệp ở Hà Nội vào khảo sát đầu tư dự án dùng công nghệ lọc nước biển sang nước ngọt trên đảo. Tuy nhiên, mức đầu tư dự án này rất lớn, trong khi dân số trên đảo Bình Ba không nhiều để đảm bảo thu hồi vốn. Vì vậy, doanh nghiệp này đang nghiên cứu lại phương án khả thi hơn. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi, nghiên cứu thêm các phương án cung cấp nước nhằm đảm bảo đời sống cho người dân nơi đây.

VĂN KỲ