10:09, 12/09/2022

Kỳ 1: Nỗi lo khi sốt đất

Chỉ trong một thời gian ngắn, khắp các bản làng vùng cao ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh xôn xao chuyện sốt đất. Giá đất tăng cao nên nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán đi đất ở, đất sản xuất của mình. Niềm vui "trúng đất" ngắn chẳng tày gang, nhưng để lại nhiều hệ lụy tại các địa phương miền núi. 

 

 

Chỉ trong một thời gian ngắn, khắp các bản làng vùng cao ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh xôn xao chuyện sốt đất. Giá đất tăng cao nên nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) bán đi đất ở, đất sản xuất của mình. Niềm vui “trúng đất” ngắn chẳng tày gang, nhưng để lại nhiều hệ lụy tại các địa phương miền núi. 

 

Đất rẫy gần suối, giáp đường giao thông ở xã Khánh Phú có giá tăng gấp nhiều lần so với cách đây khoảng 2 năm.
Đất rẫy gần suối, giáp đường giao thông ở huyện Khánh Vĩnh có giá tăng gấp nhiều lần so với cách đây khoảng 2 năm.

 

Nhiều người tìm mua đất


Trong cơn sốt đất ở vùng cao vào thời điểm 6 tháng đầu năm nay, từ Tỉnh lộ 9 lên huyện Khánh Sơn xe cộ đi lại nhộn nhịp. Người đi xem đất, mua đất khá đông. Khi ấy, những quán cà phê, quán nhậu cũng mọc lên ở khu vực Đỉnh Đèo (xã Ba Cụm Bắc), trung tâm thị trấn Tô Hạp…, trở thành địa điểm gặp gỡ của “nhà đầu tư” miền xuôi với những “chuyên gia tư vấn” đất rẫy là người địa phương. Trong những quán cà phê, quán nhậu đó, câu chuyện chúng tôi nghe được chỉ liên quan đến đất: “Em có lô đất của người đồng bào ở mặt đường Tỉnh lộ 9 đến hơn 30m, rộng 7 sào, đã mấy người trả hơn 2 tỷ đồng nhưng chủ đất không bán, các anh coi sao”, hay “Nếu cần đất giá rẻ thì có hộ dân người Raglai mới gửi lô gần 2ha đất rừng có suối tự nhiên, bao đẹp, hợp với trồng sầu riêng, chỉ 700 triệu đồng; gần 7 sào đang làm sổ, còn lại đang nằm trong lâm phận Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa chưa làm sổ, nhưng bao tranh chấp”… Sau khi nghe “thổ địa” giới thiệu những lô đất ĐBDTTS đang cần bán, các “nhà đầu tư” nhanh chân lên xe đi xem đất, nếu ưng ý sẽ “xuống tiền” đặt cọc hoặc chốt mua ngay.

 

Một tờ giới thiệu thu mua đất kèm theo số điện thoại người cần mua  được treo trên tuyến đường từ thị trấn Khánh Vĩnh đi Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh).

Một tờ giới thiệu thu mua đất kèm theo số điện thoại người cần mua được treo trên tuyến đường từ thị trấn Khánh Vĩnh đi Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh).


Hôm chúng tôi vào xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh), giữa tháng 6 vừa qua, gặp ông Trần Văn H. (tự giới thiệu ở TP. Hải Phòng vào) mua được mảnh đất hơn 1ha ở thôn Nước Nhĩ với giá gần 1 tỷ đồng. Ông đã tìm người đến trồng trụ, kéo rào để giữ đất. Mấy cô gái người Raglai phát dọn nương rẫy bên cạnh hỏi vui: “Các anh rào đất làm vườn hay du lịch sinh thái, mà mua hết đất rồi lấy gì cho bọn em trồng mì, trỉa bắp?”. Nghe thấy thế, ông H. liền dẫn dụ: “Bán một đám rẫy, cầm vài trăm triệu đồng, các em không phải lo bán mặt cho đất, bán lưng cho trời! Về hỏi bố mẹ còn đất thì bán cho tụi anh, tụi anh mua đất giá cao nhé!”…

 

Một diện tích đất của đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Sơn  được người dân ở TP. Nha Trang mua lại, thuê xe san ủi để trồng cây ăn quả.

Một diện tích đất của đồng bào dân tộc thiểu số ở Khánh Sơn được người dân ở TP. Nha Trang mua lại, thuê xe san ủi để trồng cây ăn quả.


Trò chuyện với lãnh đạo các địa phương ở huyện Khánh Sơn, chúng tôi mới biết, sau mỗi vụ mùa sầu riêng được giá, tình trạng mua bán đất của ĐBDTTS lại rộ lên. Tuy nhiên, tình trạng đó vẫn không nóng bằng khi xuất hiện thông tin có doanh nghiệp đến Khánh Sơn khảo sát lập dự án du lịch quy mô lớn; thông tin đường Yang Bay - Tà Gụ sẽ được làm nay mai; rồi Khánh Sơn được xây dựng thành “tiểu đô thị sinh thái núi rừng”…


Một đồn mười, mười đồn trăm về những dự án sắp được đầu tư, mở ra cơ hội kiếm tiền từ đầu cơ đất đai đã kích thích nhiều người tìm đến Khánh Sơn để tạo nên những đợt “sóng”, đẩy giá đất tăng nhanh. “Cách đây khoảng 2 năm, 1ha đất có sổ đỏ, phù hợp với cây sầu riêng có giá khoảng 600 - 700 triệu đồng, nay đã lên đến 1,5 - 2 tỷ đồng. Không chỉ mua đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất không có giấy tờ họ cũng mua. Chỉ trong 6 tháng qua, trên địa bàn thị trấn đã có 20 trường hợp ĐBDTTS làm thủ tục bán đất. Đây chỉ là bề nổi, còn số mua bán không qua cơ quan chức năng thì còn nhiều hơn”, ông Đỗ Huy Hiệp - Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp cho hay.


Còn tại huyện Khánh Vĩnh, chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây, giá đất trên địa bàn tăng chóng mặt, những vị trí gần sông suối, thuận lợi cho việc mở các điểm dừng chân, khu du lịch sinh thái, làm vườn giá còn tăng cao hơn. Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho hay: “Giá đất tăng chủ yếu là do nhiều người từ địa phương khác đến lùng mua để làm vườn, làm du lịch hoặc đầu cơ… đã tạo nên cơn sốt đất rất khó kiểm soát. Giá đất tăng phi mã, nhiều hộ dân, trong đó có không ít ĐBDTTS đã bán đi đất ở, đất sản xuất của mình”.


Thời điểm hiện nay, tuy đất không còn nóng sốt như cách đây 2-3 tháng, nhưng hàng ngày vẫn còn nhiều người tìm đến các địa phương miền núi để hỏi mua đất, giá đất vẫn duy trì ở mức cao.


Chuyện đáng lo

 

Từ đầu năm đến nay, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Khánh Sơn đã tiếp nhận 2.964 hồ sơ đăng ký biến động đất đai; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Khánh Vĩnh tiếp nhận 10.306 hồ sơ. Trong đó, có rất nhiều hồ sơ liên quan đến đất đai của ĐBDTTS. Đây chỉ là phần nổi của sự biến động đất đai trong ĐBDTTS tại 2 địa phương này, bởi rất nhiều lô đất đã được giao dịch, mua bán mà không thông qua các cơ quan chức năng nên không thể thống kê được. 

Khi chúng tôi hỏi về những nỗi lo về những cơn sốt đất, việc ĐBDTTS bán đi tư liệu sản xuất của mình, ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Khánh Sơn trả lời dứt khoát: “Lo lắm chứ! Hiện nay, ở các địa phương miền núi, việc giữ đất cho ĐBDTTS rất cam go, bởi họ chưa nhận thức được việc giữ đất sẽ giữ được miếng cơm, manh áo lâu dài. Tôi đã chứng kiến trường hợp ĐBDTTS bán cả đất vườn, lẫn nhà được Nhà nước xây để lấy tiền tiêu xài, sinh nhật con tổ chức linh đình, nay phải đi làm thuê, dựng chòi tạm trong đất người quen để che nắng, che mưa…”.


Ở huyện Khánh Vĩnh cũng đã xảy ra trường hợp tương tự, đó là ông Y.Q ở xã Khánh Thượng. Sau khi bán mảnh đất của mình được 300 triệu đồng, ông Q. bỏ việc ở công ty lâm nghiệp, ở nhà rong chơi.


Không chỉ bán đất của mình, một số trường hợp còn rao bán luôn cả đất rừng Nhà nước giao cho các công ty lâm nghiệp, ban quản lý…


Với ĐBDTTS, sau những lần chốt bán lô đất hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng, cuộc sống thường ngày của họ dường như phóng khoáng hơn. Nhiều người đầu tư xe máy, dàn karaoke, loa hát di động mới tinh để phục vụ nhu cầu cuộc sống…

 

“Tôi có người bạn trong thôn tên Mấu H., cách đây hơn 1 năm đã bán hơn 5 sào đất rẫy được 200 triệu đồng, sau đó mua vàng đeo, sắm xe tay ga, sắm loa di  để nhậu và hát suốt ngày. Tôi khuyên nên tiết kiệm, dành tiền mua lại miếng đất xa hơn để làm ăn nhưng bạn không nghe; bây giờ thì đi bốc vác keo thuê cho người ta”, ông Bo Bo Khá - Tổ trưởng Tổ dân phố Hạp Thịnh (thị trấn Tô Hạp) kể với chúng tôi.


Tìm hiểu chuyện mua bán đất trong ĐBDTTS, chúng tôi dễ dàng tiếp cận được với nhiều hạng “cò đất”, có người là dân môi giới bất động sản chuyên nghiệp, có người là dân địa phương thấy “làm đất có ăn” cũng tập tành đi săn đất để giới thiệu cho khách, trong đó có không ít người đang làm trong các cơ quan, đơn vị nhà nước. Những lô đất được giao dịch ở các địa phương miền núi chủ yếu có nguồn gốc từ đất của ĐBDTTS; đất có sổ đỏ thì giao dịch công khai, còn đất chưa có sổ thì chủ yếu bán giấy tay. Nguyễn Văn V. - “cò đất” ở TP. Nha Trang, chuyên săn đất của ĐBDTTS cho những người đầu cơ ngoài tỉnh tiết lộ: “Gần đây, đất đai ở 2 huyện miền núi đang chững lại do vốn cho bất động sản đang bị các ngân hàng siết. Tới đây, khi kênh vốn này mở ra, sẽ có tiếp những đợt sóng mới vì ở những địa phương này đất trong ĐBDTTS vẫn còn, giá thấp, cơ hội kiếm lời cao hơn”. Nghe V. nói, chúng tôi càng lo sẽ phát sinh thêm những hộ ĐBDTTS bán đất. Tuy cầm trong tay hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng, nhưng nếu không biết cách làm ăn, sẽ dễ quay trở lại cảnh nghèo. Như lời tâm sự của Mấu H.: “Sau 2 năm bán đất, bây giờ, mình thực sự lo vì lỡ “hoa mắt” khi thấy người ta bán đất giá cao, mình cũng bán. Bây giờ, mình chẳng còn gì!”.

 

Ông Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh: Sẽ giám sát biến động đất đai ở các địa phương miền núi

Thời gian qua, cử tri tại các địa phương miền núi trong tỉnh, nhất là 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã phản ánh rất nhiều về tình trạng sang nhượng quyền sử dụng đất của ĐBDTTS và những hệ lụy của sốt đất ở vùng cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai các chính sách đầu tư của Nhà nước đối với các địa phương miền núi, nhất là những chính sách đầu tư trực tiếp cho hộ ĐBDTTS, trong đó có các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được HĐND tỉnh khóa VII thông qua.

Để nắm bắt thực trạng này, trong thời gian tới, HĐND tỉnh sẽ tiến hành giám sát những biến động về đất đai, tình trạng sang nhượng quyền sử dụng đất của ĐBDTTS ở các địa phương miền núi trong tỉnh. Từ kết quả giám sát, HĐND tỉnh sẽ có những ý kiến, kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó có đất đai của ĐBDTTS.


Hải Lăng

 

Kỳ 2: Cả hệ thống chính trị vào cuộc