11:08, 12/08/2022

Những nông dân thời 4.0

Lâu nay, cứ nói đến nông dân là người ta liên tưởng đến những người luôn vất vả, nhọc nhằn với lao động tay chân, một nắng hai sương để tạo ra hạt lúa, củ khoai. Nhưng trong thời đại 4.0, đã có những nông dân nhanh nhạy, bắt kịp xu thế, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để làm giàu, góp phần tạo việc làm và tích cực giúp đỡ người nghèo tại địa phương.

Lâu nay, cứ nói đến nông dân là người ta liên tưởng đến những người luôn vất vả, nhọc nhằn với lao động tay chân, một nắng hai sương để tạo ra hạt lúa, củ khoai. Nhưng trong thời đại 4.0, đã có những nông dân nhanh nhạy, bắt kịp xu thế, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để làm giàu, góp phần tạo việc làm và tích cực giúp đỡ người nghèo tại địa phương.


Làm giàu theo hướng thương mại, dịch vụ


Trên cánh đồng rộng hàng chục héc ta của xã Diên Điền (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) đang rộn ràng thu hoạch vụ lúa hè thu, hình ảnh lão nông điềm đạm, rắn rỏi đang đôn đốc đội máy cắt, máy cuộn rơm khẩn trương làm xong việc để tránh cơn mưa dông cuối buổi chiều thu hút sự chú ý của chúng tôi. Đó là ông Lê Văn Nhân (71 tuổi, thôn Trung 2, xã Diên Điền), người đã làm giàu từ chính đồng đất quê hương. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại rộng hơn 2ha của gia đình, ông Nhân hào hứng giới thiệu từ các hồ nuôi cá nước ngọt, 300 cây dừa xiêm đang cho thu hoạch đến trại gà sạch và nhà kho rộng hàng trăm mét vuông để chứa rơm khô. Ông Nhân chia sẻ: “Gần 30 năm trước, từ bàn tay trắng, tôi khai hoang được 1-2ha gần đập Am Chúa để trồng lúa. Đến nay, tôi đã có 8ha trồng lúa cho thu nhập hơn 700 triệu đồng/năm; 0,7ha hồ nuôi cá trê, rô phi, cá chép cho thu nhập 800 triệu đồng/năm; thu từ nuôi gà 400 triệu đồng”.

 

Ông Lê Văn Nhân đôn đốc đội máy gặt thu hoạch lúa hè thu cho người dân.

Ông Lê Văn Nhân đôn đốc đội máy gặt thu hoạch lúa hè thu cho người dân.


Ở vùng đất thuần nông này, nguồn thu nhập của gia đình ông Nhân là niềm mơ ước đối với các hộ nông dân. Tuy nhiên, thu nhập lớn nhất của gia đình ông Nhân lại đến từ dịch vụ nông nghiệp với số tiền thu về khoảng 2,5 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, ông có đội máy cày, máy gặt với 12 máy để nhận làm dịch vụ cho nông dân ở các vùng: Diên Thạnh, Diên Phước, Diên Sơn, Diên Điền… Hiện nay, tổng doanh thu các nguồn của gia đình ông khoảng 4,5 tỷ đồng/năm, thu lãi 1,5 tỷ đồng.


Tại huyện Vạn Ninh, bà Phạm Thị Thuận - Chủ cơ sở sản xuất Chả cá Thuận ở thôn Phú Cang 2 Nam, xã Vạn Phú, đã có công góp phần đưa món chả cá dân dã trở nên nức tiếng trong và ngoài tỉnh. Bà Thuận chia sẻ: “Hơn 30 năm trước, tôi buôn bán cá ở chợ Giã. Thường ngày, tôi chọn vài ký cá tươi nhất, đem về làm chả dùng trong gia đình và chia cho xóm giềng, bạn hàng. Ai ăn cũng khen ngon. Dần dà, tôi làm thêm chả cá bỏ mối cho bạn hàng trong chợ, các quán ăn ở thị trấn Vạn Giã”. Khởi nghiệp ban đầu chỉ với vài ký chả cá, được nạo, quết bằng tay; đến nay cơ sở Chả cá Thuận đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, hệ thống xử lý nước thải trên diện tích 2.000m2. Mỗi ngày, cơ sở cung cấp 1 tấn chả cá cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Máy quết chả tự động của cơ sở chả cá Thuận

Máy quết chả tự động của cơ sở chả cá Thuận


Năm 2018, bà Thuận còn đầu tư 500 ô lồng trên diện tích 8.000m2 và 3 lồng vật liệu mới HDPE ở vùng biển Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) để nuôi cá chim, cá bớp, cá bè và cá mú. Nhờ tận dụng phụ phẩm từ làm chả cá để làm thức ăn cho cá nuôi, biết tổ chức cung ứng thức ăn nuôi cá, thu mua cá thương phẩm của các hộ nuôi trong khu vực để trở thành đầu mối lớn về nuôi trồng, buôn bán hải sản trong vùng, gia đình bà thu lãi khoảng 4 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất chả cá, nuôi trồng và thu mua hải sản.  


Bắt nhịp tiến bộ khoa học công nghệ


Để gặt hái thành công, các hộ nông dân tiêu biểu đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, máy móc để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Theo ông Nhân, muốn làm giàu từ nông nghiệp phải đi theo hướng thương mại, dịch vụ. Với quan điểm đó, từ năm 2017, ông đã đầu tư sản xuất lúa giống năng suất cao trên diện tích 9ha có liên kết với doanh nghiệp lúa giống. Nhờ chất lượng lúa giống tốt và năng suất đạt 68 - 70 tạ/ha, không phải lo lắng đầu ra nên cho thu nhập cao. Đồng thời, ông còn mạnh dạn đầu tư máy móc hỗ trợ sản xuất và cung cấp dịch vụ. “Tôi được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua máy móc phục vụ sản xuất gồm: 6 máy gặt đập liên hợp, 6 máy cày đại thế hệ mới, 4 máy cuộn rơm có trị giá 500 - 600 triệu đồng/máy. Ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất đã giúp nông dân giảm thời gian, chi phí, công lao động và tăng thu nhập” - ông Nhân nói. Bên cạnh đó, ông còn thu mua rơm cho các hộ dân, đưa máy cuộn rơm vào thu gom và chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm rơm cuộn phục vụ cho chăn nuôi, làm vườn, làm nấm… Khi nuôi gà sạch, ông tự nghiên cứu máy sơ chế nén thức ăn hỗn hợp thành viên cám cho gà ăn có thành phần gồm cám gạo, vỏ trứng, ruồi lính đen và ủ men vi sinh.


Cơ sở Chả cá Thuận phát triển quy mô như hiện nay phần lớn là nhờ vào hệ thống máy móc phục vụ sản xuất mà chủ cơ sở đã đầu tư hàng tỷ đồng. Đến nay, toàn bộ quy trình từ phân tách thịt cá, sơ chế, quết chả, định hình, đóng gói… của cơ sở đều do máy móc thực hiện. “Máy móc hỗ trợ rất nhiều cho quá trình làm ra sản phẩm chả cá thơm ngon, đồng đều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ tính riêng công đoạn tách thịt cá ra khỏi xương, nếu như 10 năm trước, cần tới 150 công nhân làm thủ công miệt mài ngày đêm mới tách được nguyên liệu để làm 200kg chả. Hiện nay, chỉ cần 5 công nhân vận hành máy tách xương mỗi ngày tách được 2 tấn nguyên liệu để làm ra 1 tấn chả. Hoặc như máy quết chả, máy móc làm rất đều, tự ngắt khi đã quết đủ độ sánh nên sản phẩm làm ra chất lượng đồng đều. Xưa quết bằng tay, vừa chậm vừa không đều, tỷ lệ chả bị hư rất lớn” - bà Thuận chia sẻ. Nhờ đó, chả cá Thuận được công nhận chất lượng thơm ngon, an toàn, được Viện Thực phẩm Việt Nam trao chứng nhận thực phẩm sạch - an toàn vì người tiêu dùng năm 2014; là sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia năm 2020 và là sản phẩm 3 sao OCOP của tỉnh.


Sẻ chia với cộng đồng


Xuất thân từ gia đình nghèo nên khi đã có sự thành công nhất định trong cuộc sống, ông Nhân, bà Thuận đã tạo việc làm và giúp đỡ nhiều hộ nghèo tại địa phương. Ông Nhân sử dụng 6 lao động thường xuyên với mức lương 10 triệu đồng/tháng; vào vụ cày, gặt sử dụng hơn 30 lao động với mức lương 12-15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, ông còn giúp 3 hộ tại địa phương thoát nghèo nhờ cho vay vốn phát triển kinh tế; vận động 30 hộ nông dân tham gia trồng lúa giống năng suất cao trên diện tích 7ha, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.


Bà Thuận được nhiều người dân xã Vạn Phú đánh giá có tấm lòng thiện nguyện, luôn quan tâm, hỗ trợ phụ nữ nghèo, hộ dân khó khăn đột xuất. Trong 100 lao động đang làm việc cho gia đình bà có hơn một nửa là phụ nữ. Không chỉ tạo việc làm, bà Thuận còn hỗ trợ gạo và thực phẩm vào những lúc khó khăn. Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19, bà đã có nhiều đợt cung cấp gạo, cá, rau xanh cho các khu vực bị phong tỏa. Chị Nguyễn Thị Viết Thảo (thôn Phú Cang 2 Nam, xã Vạn Phú) chia sẻ: “Chồng bị dị tật ở mắt, một mình tôi đi làm nuôi 2 con ăn học. Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, bà Thuận đã nhận tôi vào làm việc, còn giúp tiền đóng học phí cho con, thỉnh thoảng cho gạo, cá, thức ăn…”.  


Bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá, bà Phạm Thị Thuận và ông Lê Văn Nhân là 2 gương nông dân xuất sắc của tỉnh (bà Thuận đạt Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022; ông Nhân đạt nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi cấp Trung ương). Họ là những người đi đầu trong phong trào nông dân SXKD giỏi tại địa phương. Nông dân ngày nay đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Một số hộ nông dân SXKD giỏi đã đại diện cho người sản xuất ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn; phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng. Từ phong trào nông dân SXKD giỏi đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tâm tìm tòi hướng đi mới để nâng tầm thương hiệu sản phẩm.

 

Giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh Khánh Hòa có 62.363 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp (cấp Trung ương 157 hộ, cấp tỉnh 1.804 hộ, cấp huyện 9.909 hộ, cấp xã 50.493 hộ), tăng hơn 2.500 hộ so với giai đoạn 2011 - 2016. Các cấp hội đã vận động cán bộ, hội viên, đặc biệt là nông dân SXKD giỏi giúp cho 30.000 lao động có việc làm thường xuyên; giúp hơn 4.500 hộ nghèo, cận nghèo về con, cây giống, 3.500 tấn phân bón, 35.000 ngày công lao động với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng. Ngoài ra, còn xây dựng hơn 30 căn nhà đoàn kết nông dân, trị giá mỗi căn từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng tặng hội viên nghèo; giúp 1.300 hộ thoát nghèo, góp phần giảm số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
 

 
C.Đ - H.D