10:04, 08/04/2022

Xóm "chạy sóng"

Mấy chục hộ dân trong xóm nhà chồ phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang) luôn sống trong cảnh phập phồng trên đầu ngọn sóng. Mỗi năm, họ phải rời nhà "chạy sóng" không biết bao nhiêu lần. Giờ đây, tất cả chỉ mong công trình kè biển sớm hoàn thành hoặc có đất để di dời, an cư.

Mấy chục hộ dân trong xóm nhà chồ phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang) luôn sống trong cảnh phập phồng trên đầu ngọn sóng. Mỗi năm, họ phải rời nhà “chạy sóng” không biết bao nhiêu lần. Giờ đây, tất cả chỉ mong công trình kè biển sớm hoàn thành hoặc có đất để di dời, an cư.


Phập phồng bên mép sóng


Cả tuần nay biển động liên tục. Gió mùa đông bắc thổi thông thốc, những con sóng đánh vào chân gành đá tung bọt trắng xóa. Mấy trụ chống đỡ phía dưới các ngôi nhà chồ nằm nửa dưới nước, nửa trên bãi cát đung đưa. Tất tả thu dọn đồ đạc trong nhà, ông Nguyễn Văn Vinh (tổ dân phố Tây Hải 1) thúc hối vợ con: “Dọn hết mùng, mền lại. Lấy áo mưa trùm kỹ mấy cái quạt máy. Biển không biết đâu mà lường, tối triều lên là sóng phủ lên mái nhà luôn đấy”. Tiếng bàn chân chạy thình thịch trên sàn ván nhà chồ, tiếng sóng đập ầm ầm từng đợt khiến căn nhà khoảng 15m2 của gia đình ông Vinh rung lắc. “Tháng 3 bà già đi biển, vậy mà năm nay trời giở chứng, sóng phủ ngang nhà. Mấy cái ghe đem đi trú kịp không thì cũng bị đập tơi tả rồi” - ông Vinh chép miệng, ngao ngán.

 

Những căn nhà chồ chênh vênh bên mép biển.

Những căn nhà chồ chênh vênh bên mép biển.


Mới trở về sau chuyến biển dài ngày, ông Vinh bất ngờ về diễn biến nghịch mùa của thời tiết. Thông thường biển động vào mùa đông. Thời điểm đó, sóng đánh lên đến tận mặt đường, trùm qua cả mấy chục căn nhà chồ. Nhà nào cũng phải canh con sóng để “chạy”, chỉ sơ sẩy một chút là bị sóng kéo ra ngoài xa. Những ngày có áp thấp nhiệt đới hoặc bão, sóng biển có thể đánh sập nhà bất cứ lúc nào. Mùa biển động, người dân xóm nhà chồ Vĩnh Nguyên lúc nào phải bỏ đồ đạc vào trong bao, sẵn sàng “chạy” lên phường hoặc vô trong chợ ngồi bất cứ lúc nào.


“Chạy” miết rồi thành quen. Gần 70 hộ, với 230 nhân khẩu của tổ dân phố Tây Hải 1 và Tây Hải 2 bao năm nay luôn sống trong cảnh “chạy sóng” mỗi khi biển gầm gừ. Rảo một vòng quanh xóm, trong số khoảng 70 ngôi nhà chồ, tất thảy đều có chung đặc điểm là nhỏ hẹp, tạm bợ và chênh vênh bên mép sóng. Phía trong những ngôi nhà ấy, hầu hết chỉ còn người già vì những gia đình trẻ đã đi kiếm chỗ khác. Theo những người cao tuổi, khu nhà chồ ở phường Vĩnh Nguyên đã tồn tại từ thời Pháp thuộc. Bà Phạm Thị Nhị (tổ dân phố Tây Hải 2) nhẩm tính: “Tôi lấy chồng về đây ở cách đây hơn 40 năm. Khi đó khu này đã hình thành. Gia đình nhà chồng tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Khi trước, khu vực này là cồn cát nhô ra biển với mấy trăm căn nhà làm nền đất trên bãi cát. Hiện giờ, bờ biển bị sóng xâm thực đến cả 30 chục mét. Biển lấn tới đâu, nhà dân thụt vào tới đó. Thật ra, những hộ còn bám trụ ở đây đều là những nhà nghèo khổ, suốt ngày ăn rồi phập phồng chạy sóng”.


Mong kè biển sớm hoàn thành


Len lỏi theo con đường nhỏ hẹp ở Tây Hải 2, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Hường (75 tuổi) đang ngồi trước căn nhà như túp lều được chắp vá bởi nhiều loại vật liệu khác nhau. Sàn nhà có chỗ làm bằng gỗ, có chỗ được lắp ghép bởi những vật liệu tạm bợ. Theo lời bà Hường, căn nhà rộng chừng 20m2 mà bà đang ở mấy hôm nay bị nhiều con sóng trùm lên tận mái. Trước đây, nhà bà nằm ở phía trong mép nước, cách mấy dãy nhà mới ra đến biển. Nhưng mấy năm nay, nước biển vào sâu nên các nhà bên ngoài đã bị đổ sập, phải chuyển đi nơi khác, nhà bà còn lại nằm chênh vênh. Bà Hường lo lắng: “Không biết mùa mưa bão năm nay căn nhà có trụ lại được với biển không. Chỉ mong Nhà nước sớm hoàn thành công trình kè dọc biển cho bà con xóm này hết cảnh sống trong phập phồng sợ hãi”. Nói đoạn, bà Hường chỉ tay về phía mấy chục cọc bê tông đang cắm ngoài biển của Dự án kè bờ phường Vĩnh Nguyên. Nếu xây dựng xong, toàn bộ khu nhà chồ ở Tây Hải 1 và Tây Hải 2 sẽ không còn sợ bị sóng đánh nữa. “Nhưng chẳng hiểu thế nào, cọc đã cắm từ lâu nhưng đến nay cũng mới chỉ được một đoạn ngắn. Cứ tốc độ này thì không biết khi nào mới hoàn thành?” - bà Hường băn khoăn.

 

Bà Nguyễn Thị Hường bên căn nhà tạm bợ.

Bà Nguyễn Thị Hường bên căn nhà tạm bợ.


Không chỉ các nhà tạm, ngay cả những ngôi nhà kiên cố cũng không tránh khỏi hư hại nghiêm trọng do sóng đánh quanh năm. Ông Bảy Nhân (ở Tây Hải 2) chỉ cho chúng tôi xem những mảng tường nứt toác, toàn bộ ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông đã bị nghiêng hẳn về phía biển. Bên dưới phần móng căn nhà đã bị sóng xâm thực hở hàm ếch sâu vào thân móng đến cả mét. Ông Nhân chia sẻ: “Cứ mỗi đợt sóng lớn đánh vào bờ tường, ngôi nhà như rung lắc, biết là nguy hiểm, nhưng không sống ở đây thì biết sống ở đâu? Thấy Nhà nước làm kè, chúng tôi mừng lắm, mong là kè sớm hoàn thành, chứ cứ kéo dài như thế này mãi người dân lo lắng cho an toàn tính mạng”.


Sẽ khẩn trương thi công bờ kè


Đem nỗi lo của người dân xóm nhà chồ Vĩnh Nguyên đến gặp cơ quan chức năng, ông Nguyễn Duy Quang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chủ trương xây dựng kè bảo vệ khu vực Tây Hải 1 và 2 của phường Vĩnh Nguyên đã được đề cập từ cách đây nhiều năm. Đến năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình kè bờ phường Vĩnh Nguyên, với chiều dài khoảng 535m, bắt đầu từ Kho xăng dầu 662 của trạm bơm xăng dầu Phú Khánh chạy về theo hướng nam dọc bờ biển, bọc bên ngoài lớp nhà chồ của tổ dân phố Tây Hải 1 và Tây Hải 2, điểm cuối là Khu du lịch Bảo Đại. Tổng mức đầu tư gần 202 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 200 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh. “Dự án bắt đầu triển khai thi công từ tháng 9-2020, mục tiêu đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành. Đến nay, dự án đóng cọc tại phạm vi mặt nước của công trình được 60% và một số hạng mục liên quan. Sở thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công tích cực, khẩn trương huy động máy móc thiết bị, nhân sự để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nhằm hoàn thành trong thời gian sớm nhất, phát huy hiệu quả đầu tư” - ông Nguyễn Duy Quang cho biết.


Liên quan đến tiến độ dự án, trao đổi với phóng viên, ông Lê Chí Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Khánh Anh (đơn vị thi công dự án) cho biết: “Trong quá trình thực hiện, dự án nhận được sự đồng thuận của người dân, sự hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương và chủ đầu tư. Tuy nhiên, 2 năm qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đơn vị phải chấp hành nhiều đợt giãn cách xã hội, quá trình thi công bị gián đoạn nhiều lần. Đồng thời, trong điều kiện thi công dưới nước sâu, khu vực thi công thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi gió to, sóng lớn, mỗi lần như thế phải kéo sà lan thi công qua đảo Hòn Tre tránh trú, mất nhiều thời gian, công sức. Chúng tôi nỗ lực hoàn thành việc đóng cọc kè trong năm nay. Đây là hạng mục chính, mất nhiều thời gian nhất. Khi hệ thống cọc kè hoàn thành, việc thi công thân kè và các hạng mục đi kèm sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn”.


Có lẽ không lâu nữa, bờ kè Vĩnh Nguyên sẽ hoàn thành, những ngôi nhà bên mép sóng sẽ được đảm bảo an toàn. Thế nhưng, người dân ở đây còn mong mỏi điều khác, đó là Nhà nước có chính sách hỗ trợ di dời, hỗ trợ sinh kế khác để cuộc sống ổn định hơn. Bà Hồ Thị Kim Hoa - Tổ trưởng tổ dân phố Tây Hải 1 giãi bày: “Khi bờ kè hoàn thành, người dân được an toàn hơn. Nhưng cần phải xem xét lại việc tồn tại những căn nhà chồ cũ nát ở ngay bờ biển. Nhà nước cần có phương án hữu hiệu hơn để giải quyết căn cơ cho người dân, vừa để an sinh vừa thay đổi bộ mặt đô thị”.


Đ.L - C.Đ