11:03, 22/03/2022

Nỗi lo sốt đất vùng cao

Những ngày này, cơn sốt đất ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây, những mảnh đất vườn, đất rẫy ở địa phương này đã tăng giá lên đến gấp 5, gấp 10 lần. Giá đất  tăng liên tục đã kéo theo nhiều hệ lụy khi người dân thì không có đất sản xuất còn chính quyền lại gặp khó khăn trong công tác quản lý.

 

Những ngày này, cơn sốt đất ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây, những mảnh đất vườn, đất rẫy ở địa phương này đã tăng giá lên đến gấp 5, gấp 10 lần. Giá đất  tăng liên tục đã kéo theo nhiều hệ lụy khi người dân thì không có đất sản xuất còn chính quyền lại gặp khó khăn trong công tác quản lý.


Lùng kiếm đất vườn


Gặp nhau tại điểm hẹn trên Quốc lộ 27C, người môi giới đất tên Kiệt dẫn chúng tôi đi xem những lô đất tại xã Khánh Phú. Vừa đi, người này vừa nói: “Các anh đi mua thời điểm này còn mua kịp, chứ đang có nhiều dự án du lịch xin làm ở Khánh Vĩnh lắm, rồi giá còn tăng nữa cho coi”.

 

Một điểm thu mua đất tại xã Khánh Phú

Một điểm thu mua đất tại xã Khánh Phú


Dẫn chúng tôi đi một vòng đến các thôn Nước Nhĩ, Giang Mương, người này giới thiệu những lô đất có diện tích lớn với mức giá khác nhau. Lô đất ở vị trí thuận lợi, gần khu dân cư có diện tích hơn 1.000m2 có giá lên đến hơn 1 tỷ đồng; một lô đất vườn đang trồng bưởi da xanh diện tích khoảng 6.000m2 có giá lên đến 2,2 tỷ đồng; những mảnh đất đồi nằm trong khu sản xuất, có diện tích vài héc-ta cũng được chào bán với giá khoảng hơn 1 tỷ đồng/ha...Sau một hồi kì kèo không thành do tỏ ý giá hơi cao, ông Kiệt liền cho chúng tôi biết đây là giá chung của khu vực này, khó có giá thấp hơn nên cần cân nhắc suy nghĩ để mua sớm. Nói xong, người này lại tiếp tục đến điểm hẹn để đưa đoàn khách khác đi xem đất.


Đi dọc Quốc lộ 27C đoạn qua huyện Khánh Vĩnh hay trên Hương lộ 62 đoạn qua xã Khánh Phú, Sông Cầu, chúng tôi bắt gặp vô số tờ quảng cáo bán đất với nội dung như “Bán đất chính chủ, đường 7m xã Khánh Phú giá chỉ 680 triệu đồng, 588m2” hay “Bán đất 1.308m2 giá 390 triệu đồng”. Tại xã Khánh Phú, một “Điểm thu mua đất giá cao” với biển hiệu lớn cũng mọc lên.

 

Những biển rao bán đất được treo dọc Quốc lộ 27C đoạn qua huyện Khánh Vĩnh.

Những biển rao bán đất được treo dọc Quốc lộ 27C đoạn qua huyện Khánh Vĩnh.


Theo những người môi giới bất động sản, thị trường đất ở huyện Khánh Vĩnh đang trở nên sôi động khoảng hơn 2 năm trở lại đây do nhu cầu mua đất vườn để làm nhà vườn nghỉ dưỡng hoặc sản xuất cây ăn trái tăng cao. Hầu hết đất tại các xã trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đều tăng giá nhiều so với trước, đặc biệt những lô đất có mặt giáp sông, suối đa phần đều đã được mua hết, nếu muốn mua lại thì giá cũng rất cao. “Thậm chí, để nắm được nguồn đất giá tốt, mua tận tay chủ đất rồi bán lại, có những môi giới còn thuê trọ ở gần khu dân cư trên này, ngày ngày nghe ngóng thông tin rồi tiếp cận các chủ đất để mua” - anh Sang, một người chuyên môi giới đất ở Khánh Vĩnh cho chúng tôi biết.


Những nỗi lo


Tăng giá gấp 5, có khi là gấp 10 lần so với khoảng 2 năm trước, cơn sốt đất vườn ở Khánh Vĩnh là niềm vui của những người môi giới và những gia đình bán được đất, thì đồng thời cũng là trăn trở của nhiều người dân ở Khánh Vĩnh, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Một đường bê tông xây trái phép trên đất sản xuất tại xã Khánh Hiệp. Xung quanh khu vực này, việc mua bán đất đang diễn ra khá nhộn nhịp.

Một đường bê tông xây trái phép trên đất sản xuất tại xã Khánh Hiệp. Xung quanh khu vực này, việc mua bán đất đang diễn ra khá nhộn nhịp.


Nhà có 4 người con, nhưng gia đình ông Cao Thiện và bà Cao Thị Liên thôn Gia Răng, xã Khánh Thành chỉ có trong tay khoảng 7 sào đất đang trồng keo. Những người con đã lớn của ông giờ cũng theo chân bố mẹ lên nương, lên rẫy. Giờ đây, nỗi trăn trở của ông bà là không có nhiều đất để chia cho các con sản xuất. “Ngày trước, đất không có đắt như giờ, 1ha đất giá chỉ vài chục triệu đồng, giờ thì đã lên tới 600 - 700 triệu, có khi lên cả tỷ đồng, chúng tôi không thể mua nổi. Thậm chí mấy sào đất của nhà tôi, người ta cũng tới hỏi mua nhiều lắm, nhưng phải để dành lại cho con chứ bán đi rồi thì không có đất sản xuất” - ông Thiện bộc bạch.


Tương tự, bà Cao Thị Vưa ở đội 1, thôn A Xay, xã Khánh Nam vẫn còn tiếc nuối khi cách đây 1 năm, do gia đình khó khăn về kinh tế, bà phải bán hơn 7 sào đất với giá 200 triệu đồng để có tiền xoay sở. Giờ đây, cũng với số tiền đó, bà khó có thể mua lại được diện tích đất tương tự để sản xuất. “Lúc đó tôi bán để giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng không nghĩ chỉ sau một năm, có bỏ thêm gấp 2, gấp 3 số tiền đó cũng không mua lại được chừng đó đất nữa, vì sau khi mua lại của tôi, người mua đã bán qua tay các chủ khác, giờ giá đã lên cao lắm rồi” - bà Vưa chia sẻ.


Với người dân là vậy, còn với chính quyền địa phương, việc giá đất tăng cao so với những năm trước đây đã kéo theo những hệ luỵ khác như tình trạng hiến đất làm đường nhưng mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phân lô, bán nền; hay tình trạng xây dựng trái phép trên đất trồng cây. Gần đây nhất, tại xã Khánh Hiệp, một trường hợp tự ý làm đường bê tông trên đất sản xuất đã bị phát hiện và xử phạt; cũng tại địa phương này, một thửa đất đã bị phát hiện đang được chủ đất rải đá cấp phối để làm đường, chôn trụ bê tông có dấu hiệu nhằm mục đích phân lô, tách thửa, địa phương đã xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu khắc phục hiện trạng ban đầu và đề nghị cơ quan chức năng tạm dừng tất cả mọi giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất với các thửa đất liên quan.


Quản lý nghiêm không để muộn


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, khoảng 2 năm gần đây, giá đất trên địa bàn huyện liên tục “nhảy múa”, tăng cao so với trước. Nguyên nhân chủ yếu do người dân từ các địa phương khác tập trung về mua nhằm làm vườn, phát triển sản xuất, hoặc do các môi giới bất động sản mua bán nhiều, từ đó tạo ra cơn sốt đất. Trước tình hình trên, thời gian qua, UBND huyện đã đề nghị UBND các xã tăng cường tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số hiểu hơn về việc phát triển sản xuất lâu dài, hạn chế bán hết đất canh tác, không còn tư liệu sản xuất.


Trong công tác quản lý nhà nước, trong hai năm 2020, 2021, qua kiểm tra, toàn huyện có 4/14 xã, thị trấn có trường hợp hiến đất mở đường, phân lô. Huyện đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm với các tập thể, cá nhân có liên quan để gây ra thiếu sót trong công tác quản lý, giám sát hoạt động xây dựng; chấm dứt tình trạng xác nhận đơn đối với các trường hợp hiến đất mở đường không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo ông Thuận, trước tình hình giá đất tăng cao, kéo theo những hệ lụy khác, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng tăng cường kiểm tra, kịp thời tham mưu UBND huyện xử lý các trường hợp xây dựng trái phép. Đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện trong quá trình đo đạc, tách thửa theo nhu cầu của hộ gia đình, cá nhân cần phải có cán bộ địa chính xã tham gia để nắm bắt tình hình biến động tại địa phương, kịp thời thông báo những trường hợp có xảy ra tranh chấp cần giải quyết, tránh tình trạng phân lô, tách thửa với số lượng nhiều nhưng chính quyền cấp xã không nắm thông tin.

 

UBND huyện kiến nghị Thường trực Huyện ủy xem xét, xử lý đối với cấp ủy địa phương trong việc thiếu sâu sát trong chỉ đạo UBND cấp xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản và trật tự xây dựng. Nếu địa phương, đơn vị nào để UBND huyện có văn bản đề nghị xem xét trách nhiệm đến 3 lần thì sẽ xem xét, kỷ luật hành chính và xử lý kỷ luật về Đảng đối với tập thể lãnh đạo UBND và cá nhân liên quan. Trường hợp phát hiện bao che, tiếp tay cho các hoạt động trái pháp luật trong quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản và trật tự xây dựng thì xem xét kỷ luật hành chính hoặc chuyển cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét, xử lý.


VĨNH THÀNH