Trong gian bếp, người phụ nữ mảnh mai thoăn thoắt chế biến, chỉ dẫn học viên. Cô là đầu bếp Hoàng Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Cơ sở dạy nghề chuyên ẩm thực HT, Giám đốc chuyên môn Công ty TNHH Thương mại Nhã Ngọc (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang), Phó Chủ tịch Hiệp hội Siêu đầu bếp quốc tế tại Việt Nam.
Trong gian bếp, người phụ nữ mảnh mai thoăn thoắt chế biến, chỉ dẫn học viên. Cô là đầu bếp Hoàng Thị Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Cơ sở dạy nghề chuyên ẩm thực HT, Giám đốc chuyên môn Công ty TNHH Thương mại Nhã Ngọc (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang), Phó Chủ tịch Hiệp hội Siêu đầu bếp quốc tế tại Việt Nam.
Trót yêu nghề bếp
Trời nắng, hơn chục hội viên phụ nữ phường Vĩnh Phước (Nha Trang) vẫn có mặt đông đủ tại cơ sở dạy nghề HT. Mọi người đều được phát tờ hướng dẫn nấu bún riêu cua đồng, nhưng vào làm vẫn lúng túng trước các câu hỏi của cô Tuyết: Cho mắm tép lúc nào để không bay mùi hôi; khử mùi của tôm ra sao; làm sao cho viên cua mềm, xốp và kết dính; cách để dành nguyên liệu qua đêm tươi ngon mà không dùng chất bảo quản; khẩu vị 3 miền thế nào… Cô Tuyết vừa lần lượt nêm từng loại gia vị, trộn nhân cho viên cua, vừa giải thích cặn kẽ. Giờ học kết thúc trong tiếng cười nói râm ran của các học viên đang cùng thưởng thức món bún riêu dậy mùi thơm, đẹp mắt, ngon miệng.
Đam mê làm bếp đã có trong cô Tuyết từ nhỏ. Hồi đó, cô bé Tuyết thích nhất làm bánh. Hễ rảnh, cô lại chạy sang hàng xóm, say sưa xem cách đánh bông đường với trứng, bắt (tạo hình) bông kem. Cảm giác vui sướng khi lần đầu tạo ra bông hồng kem với cô thật khó quên… Một lần, được hàng xóm nhờ làm giùm bánh sinh nhật, cô miệt mài gắn bông kem và úp nón che bánh cẩn thận. “Khi mẹ về, nhấc nón lên, quai nón mà tôi sơ ý không lấy ra đã quết kem bê bết. Tôi đứng sững. Mẹ cũng sững sờ. Chỉ còn 1 tiếng là đến giờ sinh nhật của hàng xóm! Mẹ đành đi mua 10 bánh kem nhỏ để có 10 bông kem trang trí cho chiếc bánh đầu tay của tôi”, cô Tuyết nhớ lại.
Suốt mấy chục năm qua, ngọn lửa nghề bếp trong cô luôn cháy. Cô tự xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho trẻ mầm non của trường mình. Khi bệnh lao khớp háng diễn biến xấu, phải nghỉ làm vào TP. Hồ Chí Minh điều trị, cô lại khiến bệnh viện sôi động phong trào học bắt bông kem. Lúc thiếu tiền trang trải chi phí chữa bệnh, dù biết không được làm nặng, đứng lâu, cô vẫn chọn làm thêm nghề bánh và xin học tạo hình thú kem. Cô chống nạng, khó nhọc nhấc từng bước chân đến lớp. Với cô, 2 chặng xe buýt, 1 đoạn đi bộ, rồi lên lầu 4 là hành trình đẫm mồ hôi mỗi ngày. Nhưng cô chỉ nghĩ “Một lần lên xe đã khó, lên lầu còn khó hơn, chẳng bằng mang theo bữa trưa, xin học luôn 2 ca”. Với quyết tâm đó, trong 1 tháng, cô học xong 2 khóa. Đây cũng là khóa ẩm thực bài bản nhất mà cô từng học.
Cô đã học nghề mọi nơi, mọi lúc. Tiệm bánh Âu lâu đời tại quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) là nơi làm thêm, cũng là lớp học của cô. Khỏi bệnh, về Nha Trang, xin vào bếp bánh, được khách sạn phân sang bếp ăn, cô học nấu ăn luôn. Giữa 2 ca làm, cô xin làm không công buổi trưa tại bếp bánh để học thêm. Ra Hà Nội, cô tranh thủ học món Pháp, Ý…
Truyền nghề
5 năm trước, chị Phạm Kim Tuyến (TP. Nha Trang) chỉ nghĩ học nấu ăn cho biết, nhưng càng học càng ham. Chị đã học từ nữ công gia chánh, bếp Á, đến các loại nước xốt, nước chấm, làm bánh, cắm hoa, tỉa rau củ… Cô Tuyết dạy cặn kẽ, vướng chỗ nào chỉ rõ chỗ đó. Học viên cũ lâu không gặp, gọi điện hỏi, cô cũng chỉ ngay. Học làm bánh, chị đăng hình lên mạng khoe, có người đặt, cô lại dặn qua cô kèm thêm mà bán hàng, để cô mua ủng hộ. “Học viên nào mở quán, cô cũng tới, rủ cả bạn tới mua ủng hộ, mình muốn mời cũng không cho. Khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng tôi nghỉ làm, không có thu nhập, cuộc sống rất chật vật, cô bảo sẽ dạy nghề cho tôi để mở tiệm. Cô dặn cứ yên tâm học, sau này bán được thì gửi lại trường tiền nguyên liệu. Món cơm tấm sườn bì chả của cô đã giúp gia đình tôi vượt qua mùa dịch. Tôi rất cảm động, bởi không dễ ai đó đề xuất hướng kinh doanh cho mình lúc khó khăn, càng không dễ truyền nghề cho mình. Không riêng tôi, cô cũng dạy nhiều người khó khăn khác làm món ăn để bán hàng”, chị Tuyến tâm sự.
Ngày đầu tiên xin cô Tuyết cho học nấu ăn cách đây 13 năm cũng là kỷ niệm đáng nhớ của anh Nguyễn Vinh Dự (huyện Diên Khánh). Toàn bộ tiền anh có là hơn 3 triệu đồng bán chiếc xe Wave, vừa đủ đóng học phí; nhưng đóng xong biết ăn, ở, đi lại ra sao. Biết chuyện, cô thông báo sẽ nhận một nửa học phí và dặn anh: “Cứ học đi, ngày nào có tiền thì quay lại trả nốt, coi như lời cảm ơn, còn không có cũng không sao. Nhưng cô vẫn mong em quay lại, vì như vậy là em đã thành tài và theo nghề cùng cô”. Sự động viên đó đã giúp anh Dự từ anh thợ sửa xe quyết tâm học nghề đầu bếp. Sau đó, anh được thực tập và làm phụ bếp bậc 3 dưới sự dìu dắt của cô Tuyết 1 năm tại Diamond Bay Resort và chinh phục tiếp những nấc thang mới. Năm 2016, anh Dự lần đầu tiên trở thành bếp trưởng Khách sạn Legend Sea Nha Trang. Cuối năm 2019, anh làm bếp trưởng Khách sạn Comodo Nha Trang, là giảng viên Trường Hướng nghiệp Á - Âu chi nhánh Nha Trang. “Tôi muốn đi theo con đường của cô, có thể phối hợp định hướng nghề cho thanh niên nông thôn, những người như tôi ngày xưa” - anh Dự nói.
30 năm dạy nấu ăn, cô Tuyết đã dạy nghề cho hàng ngàn học viên và người khó khăn chỉ với mong mỏi các công thức được đúc kết từ mấy chục năm làm nghề sẽ tạo cảm hứng cho những ai yêu nấu ăn mà còn ngại ngần, lo lắng. Cô Tuyết thổ lộ: “Trước đây, tôi đã từng khao khát được học, từng gặp nhiều khó khăn khi đi học nên sau này, tôi muốn truyền dạy hết mình cho học viên và hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn”. Tâm huyết của cô đã góp phần lan tỏa đam mê nghề bếp. Ngoài anh Dự, nhiều học viên của cô đã trở thành giảng viên dạy nấu ăn hoặc thành danh với nghề. Cô đã trở thành Phó Chủ tịch Hiệp hội Siêu đầu bếp quốc tế tại Việt Nam. Cô tiếp tục cùng các thành viên thực hiện mục tiêu “Cho đi là còn mãi”, liên kết hướng nghiệp nghề bếp cho trẻ em khó khăn, cơ nhỡ nhằm giúp các em có tương lai tốt đẹp hơn.
Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Khánh Hòa: Chị Hoàng Thị Ánh Tuyết thường xuyên đóng góp, hỗ trợ cho các cấp hội trên địa bàn đào tạo nghề, tạo sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; giảm 50% hoặc miễn học phí đối với học viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; hỗ trợ nguyên vật liệu cho học viên khởi nghiệp… Chị còn tích cực tham gia các hoạt động do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát động như: Gói bánh chưng tặng phụ nữ nghèo; tư vấn nghề nghiệp… |
TIỂU MAI - THANH TRÚC