11:03, 24/03/2021

Kỳ 2: Gian nan đi đòi bảo hiểm

Làm việc với Bảo Việt Khánh Hòa (Bảo Việt Khánh Hòa), chúng tôi được ông Hoàng Minh Huy - Trưởng phòng Giám định Bồi thường giải thích, để đi đến quyết định từ chối chi trả bảo hiểm, Bảo Việt Khánh Hòa đã thuê công ty giám định độc lập (Vitecontrol) xác định vị trí tàu đắm, loại tàu, cũng như vùng hoạt động của tàu. Trên cơ sở kết quả giám định, Bảo Việt Khánh Hòa đã trình và được Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt chỉ đạo không giải quyết bồi thường.

Kỳ 2: Gian nan đi đòi bảo hiểm
 

Làm việc với Bảo Việt Khánh Hòa (Bảo Việt KH), chúng tôi được ông Hoàng Minh Huy - Trưởng phòng Giám định Bồi thường giải thích, để đi đến quyết định từ chối chi trả bảo hiểm, Bảo Việt KH đã thuê công ty giám định độc lập (Vitecontrol) xác định vị trí tàu đắm, loại tàu, cũng như vùng hoạt động của tàu. Trên cơ sở kết quả giám định, Bảo Việt KH đã trình và được Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt chỉ đạo không giải quyết bồi thường.


Hiểu sao về “Nơi trú ẩn”?


Trước đó, trong những lần làm việc với Bảo Việt KH, ông Nguyễn Thuận đã không đồng ý với căn cứ mà phía bảo hiểm đưa ra. Ông lập luận, Bảo Việt chỉ căn cứ 3 mốc: Bờ, đảo Phú Quý và ngư trường Trường Sa để cho rằng tàu ông hoạt động vượt quá mốc 70 hải lý là chưa đầy đủ vì đã bỏ qua khái niệm “nơi trú ẩn”. Ông Thuận cho rằng, đảo Hòn Hải (cách nơi tàu chìm 68 hải lý) có thể xem là nơi trú ẩn của tàu thuyền và được Đồn Biên phòng đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) cũng như rất nhiều ngư dân, tổ đoàn nghề cá… xác nhận.

 

Đảo Hòn Hải nhìn từ trên cao.  Nguồn: Interrnet

Đảo Hòn Hải nhìn từ trên cao. Nguồn: Interrnet


Khi chúng tôi đề cập vấn đề này, ông Huy viện dẫn một bài báo của Báo Tuổi Trẻ nói về điều kiện khắc nghiệt ở đảo Hòn Hải, tàu bè không thể tiếp cận để ngụ ý đây không phải nơi trú ẩn của tàu thuyền. Như vậy, một bài báo có được coi là cơ sở pháp lý để giải quyết vụ việc (?). Tuy nhiên, những ngư dân đánh bắt xa bờ đều biết đảo Hòn Hải nằm trên đường cơ sở và có ngọn hải đăng, vẫn thường là nơi để họ tránh trú khi có sóng to, gió lớn.  

 

Đồn Biên phòng  đảo Phú Quý  xác nhận:  “…đảo Hòn Hải  là nơi tránh trú  tạm thời khi có sóng to, gió lớn”.

Đồn Biên phòng đảo Phú Quý xác nhận: “…đảo Hòn Hải là nơi tránh trú tạm thời khi có sóng to, gió lớn”.


Một điều đáng chú ý là trong công văn của Tổng cục Thủy sản trả lời cho Vitecontrol về việc xác định đảo Hòn Hải có phải nơi trú ẩn hay không đã nói rõ: “Đảo Hòn Hải được coi là “nơi trú ẩn” khi khu vực đảo có vùng nước tự nhiên hoặc nhân tạo để tàu có thể trú ở đó trong trường hợp sự an toàn của tàu bị đe dọa”. Tuy nhiên, cho đến nay, có vẻ Vitecontrol lẫn Bảo Việt đã không tham chiếu công văn này. Thực tế, trên hệ thống văn bản pháp quy cũng chưa có quy định nào liệt kê rõ các địa điểm có thể coi là điểm trú ẩn trên vùng biển Việt Nam nên 2 bên vẫn chưa thể thống nhất với nhau đảo Hòn Hải có phải là “nơi trú ẩn” hay không. Câu trả lời nước đôi của Tổng cục Thủy sản nên Bảo Việt KH lấy đó để loại bỏ phạm vi bảo hiểm với tàu 78.


Quy định chồng chéo


Khi tìm hiểu quy định về vùng hạn chế tàu, chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy trong “cà vẹt” tàu, một mục quy định là tàu hạn chế II, nhưng ở mục khác lại cho phép hoạt động ở vùng khơi. Đồng thời, trong giấy phép khai thác thủy sản thì tàu 78 chỉ được hoạt động ở vùng khơi. Theo quy chuẩn hiện hành, vùng biển chủ quyền Việt Nam được chia thành tuyến bờ, tuyến lộng và tuyến khơi. Tàu được phép hoạt động tuyến nào thì chỉ được hoạt động trong tuyến đó.


Theo quy định, tuyến khơi là từ ranh tuyến lộng đi ra đến 200 hải lý. Như vậy sẽ xuất hiện một mâu thuẫn là nếu theo “cà vẹt”, tàu 78 chỉ được hoạt động cách bờ không quá 50 hải lý, còn theo giấy phép thì tàu phải hoạt động từ tuyến lộng ra vùng 200 hải lý, mà ranh tuyến lộng thì đôi khi cũng đã cách bờ 50 hải lý. Vậy, nếu hoạt động đúng “cà vẹt” và giấy phép thì tàu 78 chỉ loanh quanh ở vùng ranh ngoài của tuyến lộng không thể đánh bắt xa bờ được? Đây là một điều hết sức phi lý. Sở dĩ phải nhắc đến vùng hoạt động của tàu 78 vì nếu tàu 78 được phép hoạt động ở vùng khơi thì vị trí chìm tàu sẽ không vi phạm nguyên tắc loại trừ của phía bảo hiểm. Tuy nhiên, phía Bảo Việt đã không tính đến quy định có lợi này cho người mua bảo hiểm.


Theo ông Lê Đình Khiêm - Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản), quy định vùng hạn chế với loại tàu được ban hành từ gần 20 năm trước, áp dụng cho các tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 20m. Thế nhưng, với kỹ thuật đóng tàu hiện tại, cỡ như tàu 78, dù nhỏ vẫn hoàn toàn đủ sức đến những ngư trường rất xa bờ nên quy định này đã bất cập. Về mâu thuẫn giữa vùng hoạt động trên giấy phép và vùng hoạt động theo yêu cầu kỹ thuật an toàn tàu cá thì chi cục cũng đã thấy và nhiều lần kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi. Tuy nhiên, có lẽ vấn đề này liên quan đến thẩm quyền cũng như việc sửa cả hệ thống quy chuẩn cần phải có lộ trình. Khi cơ quan có thẩm quyền chưa sửa thì vẫn phải áp dụng theo các quy định hiện hành.


Về việc áp dụng quy định nào trong các loại giấy tờ này để xác định vùng được phép hoạt động của tàu 78, luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng, trong trường hợp có 2 yếu tố mâu thuẫn, ảnh hưởng đến việc đánh giá ý nghĩa cũng như cách thực hiện hợp đồng thì việc xem xét, đánh giá các điều khoản ấy thuộc thẩm quyền đánh giá chứng cứ của tòa án. Lúc ấy, tòa sẽ mời các cơ quan chuyên môn giải thích rõ các quy định trong giấy chứng nhận an toàn tàu cá cũng như giấy phép khai thác thủy sản để có kết luận cuối cùng.


Còn Luật sư Nguyễn Quang Vinh cho rằng, khi gặp nạn, tàu 78 đang chạy đến ngư trường cho phép của mình. Như vậy, xét về mặt pháp lý, nó đang trên hành trình chứ không phải đang hoạt động đánh bắt. Vậy, Bảo Việt KH đánh đồng khái niệm “hoạt động” và khái niệm “trên hành trình” để cho rằng tàu chìm khi đang hoạt động ngoài vùng biển được bảo hiểm liệu đã hợp lý?


* * *


Sự bất cập, chồng chéo trong các quy định về vùng hoạt động trên giấy phép và vùng hoạt động theo yêu cầu kỹ thuật an toàn tàu cá được các cơ quan chức năng, Hội Nghề cá Việt Nam nhận thấy từ lâu nhưng sao cứ mãi tồn tại? Điều này khiến cho việc hiểu và vận dụng các quy định trong việc giải quyết bảo hiểm cho ngư dân vẫn còn những lỗ hổng. Hy vọng, thời gian tới, khi tòa án vào cuộc, những vấn đề này sẽ được giải đáp, giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho ngư dân. Nhưng quan trọng hơn, điều đó sẽ đảm bảo chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về khuyến khích người dân vươn khơi bám biển, sản xuất lớn được thực hiện nghiêm túc.

 


 

Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh: Quy định giữa vùng hạn chế và vùng được phép hoạt động được ban hành từ lâu, qua thời gian đã có sự chồng chéo, bất cập. Điều này làm hạn chế quyền lợi của ngư dân và không khuyến khích họ tích cực vươn khơi bám biển. Do đó, các ngành chức năng cần phải xem xét quy định này để phù hợp với thực tế hơn.
 

________________________________________

 

Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. Nha Trang Hồ Việt Cường: Vụ kiện tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tàu cá này đã được Tòa án nhân dân TP. Nha Trang thụ lý. Tòa đã phân công thẩm phán xét xử vụ án này. Trong thời hạn 4 tháng kể từ khi thụ lý, Tòa sẽ có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

 



Tổ P.V
 


Kỳ 1: Chuyến biển định mệnh