11:03, 23/03/2021

"Lắt léo" bảo hiểm tàu cá

Nghề đi biển nguy hiểm, rủi ro khôn lường nên chủ tàu phải mua bảo hiểm. Đặc biệt để vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 thì gói bảo hiểm thân tàu bắt buộc phải mua. Tuy nhiên, khi ngư dân gặp nạn biển lại bị từ chối bảo hiểm với những quy định mà khi mua bảo hiểm, họ không được giải thích kỹ. Việc chậm sửa đổi những quy định khiến ngư dân gặp khó. Điều này khiến họ chưa thật sự yên tâm khi ra khơi xa…

Nghề đi biển nguy hiểm, rủi ro khôn lường nên chủ tàu phải mua bảo hiểm. Đặc biệt để vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 thì gói bảo hiểm thân tàu bắt buộc phải mua. Tuy nhiên, khi ngư dân gặp nạn biển lại bị từ chối bảo hiểm với những quy định mà khi mua bảo hiểm, họ không được giải thích kỹ. Việc chậm sửa đổi những quy định khiến ngư dân gặp khó. Điều này khiến họ chưa thật sự yên tâm khi ra khơi xa…


Kỳ 1: Chuyến biển định mệnh


Gặp nạn trên biển


Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Thuận - thuyền trưởng  dày dạn kinh nghiệm ở phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) cũng là lúc chuyến xe cuối cùng chở đồ đạc trong nhà ông lăn bánh. Ông cho biết, gia đình ông chuyển về nhà vợ ở tạm vì căn nhà của ông đã bị cấn nợ. Ông Thuận chua chát nói: “Vay tiền để đóng 2 chiếc tàu, chiếc bị chìm, chiếc mắc cạn phải sửa chữa. 2 năm bỏ biển, tiền ngân hàng vẫn phải trả mà lại không được bảo hiểm chi trả, không có thu nhập nên gia đình tôi không trả nổi nợ. Vì thế, người ta xiết nhà trừ nợ”.

 

Con tàu KH 95678 TS trước thời điểm bị chìm khoảng 30 phút (ảnh cắt từ clip).

Con tàu KH 95678 TS trước thời điểm bị chìm khoảng 30 phút (ảnh cắt từ clip).


Nguyên nhân bắt đầu từ chuyến biển định mệnh cách đây gần 2 năm. Ngày 17-8-2019, 2 chiếc tàu (gồm tàu KH 95678 TS và tàu KH 98888 TS, mỗi tàu có công suất 755CV, sau đây gọi tắt là tàu 78 và tàu 88 đều của ông Thuận - 1 chiếc ông Thuận nhờ em đứng tên) rời cảng Vĩnh Trường khởi hành đi đánh bắt xa bờ. Hai chiếc tàu giữ khoảng cách 7 - 8 hải lý chạy xuống phía nam. Sang ngày thứ hai, họ vượt qua đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận). Lúc này trời bắt đầu trở gió. Bầu trời đen kịt, gió rít, sóng bắt đầu dâng lên. Với kinh nghiệm mấy chục năm đi biển, ông Thuận biết rõ quy luật, trong 1 ngày đến, sóng sẽ lớn dần đến cấp 6, 7 nhưng chỉ cần chạy xuống vùng biển Vũng Tàu, biển sẽ lặng. Vì thế, ông cho 2 tàu trực chỉ đảo Hòn Hải (cách đảo Phú Quý tầm hơn 35 hải lý) thẳng tiến.

 

Vị trí tàu chìm cách đảo Hòn Hải 68 hải lý (Google maps).

Vị trí tàu chìm cách đảo Hòn Hải 68 hải lý (Google maps).


Rạng sáng ngày thứ ba, 2 tàu đã vượt qua Hòn Hải tầm 60 hải lý. Biển động cấp 6, 7, sóng dâng cao 2 - 3m vỗ vào mạn tàu. Bất ngờ, thuyền trưởng tàu 78 thông báo tàu bị phá nước. Thuyền trưởng Thuận lệnh cho tàu 78 thả neo dù và tự mình điều khiển tàu 88 quay trở lại ứng cứu. Lúc này, ông dùng điện thoại vệ tinh gọi về bờ xin cứu nạn, cứu hộ nhưng chưa liên lạc được. Khi tiếp cận tàu 78, ông cho toàn bộ thuyền viên tàu 88 sang tàu 78 để tát nước cứu tàu. Chính ông Thuận nhiều lần lặn xuống hầm, lúc này đã ngập nước và lạnh buốt do đá tan nhưng không thấy được chỗ rò. Mỗi lần xem lại clip quay lại quá trình 14 giờ ròng rã các ngư dân chiến đấu để cứu tàu, ông Thuận chỉ biết uất nghẹn.


Khi nước ngập mạn tàu 78, toàn bộ bạn tàu đã mệt lử và cũng không còn chút hy vọng nào để cứu tàu nên rút về tàu 88. Điện thoại vệ tinh với hơn chục triệu đồng tiền cước cũng đã vô dụng vì đã hết sạch tiền cước. Tàu 78 bắt đầu chìm, ông Thuận vẫn ngồi thẫn thờ trên mạn tàu, đau khổ. Con tàu trị giá gần chục tỷ đồng phút chốc chìm sâu vào lòng biển. Cho đến lúc ấy, ông Thuận mới ôm phao trở về tàu 88 rồi ngất xỉu.


Mập mờ Phạm vi bảo hiểm


Kể từ tàu chìm, ông Thuận đã liên hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng, Công ty Bảo Việt Khánh Hòa (gọi tắt là Bảo Việt Khánh Hòa) và thực hiện đúng mọi hướng dẫn để sau này nhận bảo hiểm. Với gói bảo hiểm thân tàu bắt buộc phải mua khi vay tiền để đóng tàu theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, ông hy vọng vào số tiền bảo hiểm chi trả để vớt vát phần nào làm vốn đóng con tàu khác tiếp tục ra khơi. Thế nhưng hơn 1 năm sau, ngày 10-12-2020, Bảo Việt Khánh Hòa đã từ chối trả bảo hiểm. Lý do Bảo Việt Khánh Hòa đưa ra để từ chối chi trả bảo hiểm là: Vị trí tàu chìm ở vùng biển Bình Thuận, cách bờ gần nhất của đảo Phú Quý 98 hải lý về phía đông nam/cách Vũng Tàu 182 hải lý/cách đảo Đá Tây (Trường Sa) 107 hải lý. Trong khi đó, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá của tàu 78 thuộc tàu hạn chế II, tức là tàu chỉ được phép hoạt động ở vùng biển hạn chế cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn không quá 50 hải lý. Nếu tàu đi theo đội thì được cộng thêm 20 hải lý. Như vậy, giới hạn tối đa của tàu 78 trong trường hợp này chỉ ở trong vùng biển cách xa bờ hoặc nơi trú ẩn 70 hải lý. Vì vị trí chìm tàu so với 3 mốc giới nói trên đều vượt quá 70 hải lý nên tàu 78 đã nằm ngoài phạm vi bảo hiểm.


Khi xem xét hợp đồng bảo hiểm của ông Thuận và hỏi chuyện một số ngư dân, chúng tôi phát hiện ra một điều đáng buồn. Đó là, đa số các thuyền trưởng rất rành sóng gió, vùng biển, luồng tôm cá nhưng lại mù tịt các quy định về vùng hoạt động của chính tàu cá của mình. Trong hợp đồng bảo hiểm của ông Thuận, phạm vi bảo hiểm chỉ được ghi vỏn vẹn một câu rất chung: “Vùng biển Việt Nam theo quy định của đăng kiểm”. Khi được hỏi có biết về giới hạn của phạm vi này không thì không chỉ ông Thuận mà nhiều ngư dân đều lắc đầu. “Tôi nghĩ đó là toàn bộ vùng biển Việt Nam chứ nếu mà biết chỉ giới hạn 70 hải lý từ bờ thì tôi đã không ký bảo hiểm vì tàu tôi chuyên đánh bắt xa bờ”, ông Thuận nói. Còn ông Phan Hùng (thường gọi là Hai Téo) - ngư dân lão luyện ở Hòn Rớ (Phước Đồng, Nha Trang) với hơn 30 năm đi biển cho biết: “Ngư dân chỉ biết xin giấy đăng kiểm tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản rồi ra khơi đánh bắt theo đúng giấy phép. Tàu lớn thì đi xa, tàu nhỏ đi gần chứ ai có rành mấy vụ vùng biển được phép hoạt động. Ra ngoài khơi mênh mông, cứ vùng nào có cá thì đánh bắt, miễn sao là đúng ngành nghề được cấp phép và nằm trong vùng biển của nước mình, đừng chạy qua vùng biển nước khác là được”.


Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Quang Vinh thuộc Văn phòng luật sư Phan Bạch Mai (TP. Nha Trang) cho biết, theo nguyên tắc, trong trường hợp phía bán bảo hiểm không giải thích các điều khoản rõ ràng, khi có tranh chấp, hợp đồng bảo hiểm sẽ được giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm. Vì thế, trong trường hợp có tranh chấp, cần phải xem xét lại phía bảo hiểm đã giải thích cho người mua bảo hiểm rõ về phạm vi bảo hiểm hay chưa?


Nghiên cứu sâu hơn về các quy định của pháp luật, chúng tôi thấy những căn cứ Bảo Việt Khánh Hòa đưa ra chưa hẳn hoàn toàn thuyết phục. Bởi vì trong vụ việc này, phía bảo hiểm dường như chỉ vận dụng những quy định có lợi cho mình. Chẳng hạn khi chúng tôi hỏi ông Hoàng Minh Huy - Trưởng phòng Giám định Bồi thường của Bảo Việt Khánh Hòa, vì sao không ghi rõ phạm vi bảo hiểm là bao nhiêu hải lý trong hợp đồng để ngư dân biết hoặc Bảo Việt giải quyết như thế nào đối với những tàu thực hiện chủ trương vươn khơi nhưng bị sự cố ngoài vùng bảo hiểm, rồi chủ trương của Nhà nước khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ mà chỉ bảo hiểm trong phạm vi gần bờ liệu có phù hợp… thì nhận được câu trả lời thiếu thỏa đáng hoặc chung chung theo kiểu “bảo hiểm thực hiện chi trả theo đúng nguyên tắc”.


Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là khuyến khích ngư dân đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; còn ngư dân cũng đầy nhọc nhằn với những chuyến vươn khơi bám biển. Thế nhưng, sau những câu chuyện chưa có hậu này, người viết băn khoăn, chủ trương khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển của Đảng, Nhà nước đã được thực hiện đồng lòng, nghiêm túc?


Tổ P.V

 

Kỳ 2: Gian nan đi đòi bảo hiểm