10:07, 28/07/2020

Sốt đất làm vườn ở Khánh Sơn

Cứ qua mỗi mùa thu hoạch trái cây bạc tỷ, chuyện mua bán đất trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Khánh Sơn lại nóng lên. Hiện nay, có nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến Khánh Sơn mua đất của hộ đồng bào dân tộc thiểu số để làm vườn. Điều này đang để lại nhiều nỗi lo khi người dân không còn đất sản xuất, quay lại phá rừng chiếm đất.

Cứ qua mỗi mùa thu hoạch trái cây bạc tỷ, chuyện mua bán đất trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại nóng lên. Hiện nay, có nhiều người trong và ngoài tỉnh tìm đến Khánh Sơn mua đất của hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) để làm vườn. Điều này đang để lại nhiều nỗi lo khi người dân không còn đất sản xuất, quay lại phá rừng chiếm đất.

Lên núi mua đất


Trong vai những người lên núi tìm mua đất để lập vườn cây ăn quả, chúng tôi được ông Bo Bo T. ở xã Ba Cụm Bắc dẫn lên khu đất đồi rộng chừng 8ha, phần đã được phát dọn, phần vẫn đang trồng keo. Ông Bo Bo T. giới thiệu với chúng tôi về sự “đắc địa” của khu đất này, khi nằm cách Tỉnh lộ 9 chưa đến 10m, có suối chảy qua, đất thoải nên rất phù hợp để trồng cây sầu riêng. Không chỉ vậy, khu đất này cũng có thể đầu tư homestay hay làm du lịch vườn đều rất phù hợp. Hiện tại, mặt bằng giá đất rẫy ở Ba Cụm Bắc khoảng 300 - 350 triệu đồng/ha tùy vào vị trí, nhưng vì bán nguyên 8ha nên ông T. tính giá hữu nghị 280 triệu đồng/ha.

 

Những diện tích đất trên đồi cao cũng được người dân trồng cây ăn quả.

Những diện tích đất trên đồi cao cũng được người dân trồng cây ăn quả.


Được biết, trên địa bàn xã Ba Cụm Bắc hiện có nhiều trường hợp rao bán đất rẫy, vườn sầu riêng, trong đó chủ yếu là đất rẫy của các hộ ĐBDTTS. Theo ông Đỗ Huy Hiệp - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc, 3 năm trở lại đây, người dân trên địa bàn xã đã đầu tư mạnh vào các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Từ đó, giá trị đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp trên địa bàn cũng tăng cao. Cách đây khoảng 5 năm, những diện tích đất đồi, không thuận lợi về giao thông có giá chưa đến 100 triệu đồng/ha, hiện nay đã lên đến 300 - 400 triệu đồng/ha. “Qua theo dõi, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng có 2 - 3 trường hợp người dân đến UBND xã để xác nhận việc sang nhượng đất sản xuất nông nghiệp; chủ yếu là ĐBDTTS, diện tích sang nhượng không lớn, chỉ 4 - 5 sào mỗi trường hợp”.


Đến xã Sơn Bình, chúng tôi được N.V.T - một “cò đất” ở Khánh Sơn giới thiệu đến xem khu rẫy của ông M. (thôn Liên Bình). Ông M. kể, năm 2012, ông từ Vũng Tàu lên đây mua gần 3ha đất của hộ ĐBDTTS để đầu tư trồng sầu riêng, giá lúc đó chỉ 80 triệu đồng/ha. Hiện nay, cây sầu riêng trong vườn của ông trong thời kỳ kinh doanh ổn định. “Khu rẫy này mỗi năm cho thu hơn 1 tỷ đồng, do chuyển về lại Vũng Tàu sinh sống nên tôi quyết định bán. Vườn cây của tôi ít nhất phải 1,7 tỷ đồng/ha tôi mới bán do giá đất đang cao, vườn sầu riêng cũng đã cho thu hoạch ổn định”, ông M. nói.


Theo thống kê của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Khánh Sơn, 6 tháng đầu năm, văn phòng tiếp nhận và giải quyết hơn 870 hồ sơ thủ tục hành chính, trong số này có đến hơn 400 hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Lãnh đạo nhiều địa phương trong huyện cho biết, tình trạng sốt đất trồng cây ăn quả trên địa bàn đã diễn ra mấy năm nay, giá đất đã tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với trước. Hiện nay, không chỉ người dân trong tỉnh mà nhiều người từ các nơi khác như: Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Nghệ An, Hà Tĩnh… cũng tìm đến Khánh Sơn để mua đất trồng cây ăn quả.


Những nỗi lo


Đằng sau chuyện mua bán đất ở huyện miền núi Khánh Sơn đang đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Không chỉ phát triển cây ăn quả trên đất nông nghiệp, ngày càng xuất hiện nhiều vườn sầu riêng, bưởi da xanh ở trên đồi cao, xa nguồn nước, nhiều diện tích trong số đó được quy hoạch đất lâm nghiệp nhưng cũng được người dân chuyển sang trồng cây ăn quả. Không chỉ vậy, việc các hộ ĐBDTTS sau khi bán hết đất lại rơi vào cảnh thiếu đất sản xuất, để có kế sinh nhai họ lại quay lên rừng, phá rừng để lấy đất làm rẫy. Đơn cử như vụ việc xảy ra năm 2019, khi 4 hộ dân ở thôn Ko Róa (xã Sơn Lâm) sau khi không còn đất sản xuất đã phá rừng phòng hộ đầu nguồn tại các tiểu khu 264, 266 thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Sơn để lấy đất canh tác; hay mới đây nhất là vụ 1 hộ ĐBDTTS phá hơn 3.000m2 rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất ở Ba Cụm Bắc.

 

Cây thông ở Ba Cụm Nam bị triệt hạ để lấy đất sản xuất.

Cây thông ở Ba Cụm Nam bị triệt hạ để lấy đất sản xuất.


Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng lấn chiếm đất rừng mà đơn vị này được giao quản lý. Hiện tại, hàng trăm héc-ta đất rừng ở Khánh Sơn đã bị người dân lấn chiếm, trồng cây ăn quả nhiều năm mà đơn vị chưa đòi lại được. Những vụ việc cũ chưa giải quyết xong, thì cứ vào mùa phát nương đốt rẫy, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị lại thường trực với nỗi lo đất rừng bị xâm lấn. Không chỉ vậy, nhiều khu vực rừng thông ở Sơn Bình, Ba Cụm Nam cũng bị “gặm nhấm” theo kiểu “vệt dầu loang”. 


Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cũng lo lắng trước những khó khăn của việc chống hạn cho cây ăn quả trồng trên đất lâm nghiệp, xa nguồn nước. “Thực tế, qua đợt hạn hán năm nay, nhiều diện tích cây ăn quả ở độ dốc cao, xa nguồn nước đã bị ảnh hưởng nặng. Chủ trương của huyện là những diện tích ở trên đồi, dốc cao trên 25 độ chỉ phát triển cây lâm nghiệp chứ không phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, bởi không chủ động được nước tưới, trong khi Nhà nước không thể đầu tư các công trình phục vụ sản xuất nằm ngoài quy hoạch”, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn nói.


Giữ đất cho đồng bào


Được biết, phần lớn diện tích đất được sang nhượng ở Khánh Sơn thời gian qua chủ yếu có nguồn gốc của hộ ĐBDTTS địa phương. Trong số này, diện tích được mua bán đúng quy định rất ít, đa phần là những diện tích người dân tự thỏa thuận, sang nhượng với nhau bằng giấy viết tay hoặc lách luật bằng các hợp đồng cho thuê đất hàng chục năm… Điều này khiến cho nhiều hộ ĐBDTTS không còn tư liệu sản xuất, quay lại làm thuê trên chính mảnh đất của mình; nguyên nhân tình trạng nhiều hộ không thể thoát nghèo, liên tục kiến nghị việc thiếu đất sản xuất cũng xuất phát từ đây.


Để giữ đất cho các hộ ĐBDTTS, huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc giữ lại đất để canh tác; hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo các mô hình sản xuất để vươn lên. Huyện cũng nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức mua đất của các hộ ĐBDTTS; quản lý chặt việc sang nhượng đất của ĐBDTTS bằng cách: UBND cấp xã phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện xác nhận hộ chuyển nhượng có đất sản xuất hay không khi xử lý hồ sơ chuyển nhượng đất của người dân. Đối với đất bóc tách, giao cho hộ ĐBDTTS nghèo, thiếu đất sản xuất thì nghiêm cấm việc chuyển nhượng theo quy định…


Trong buổi làm việc tại huyện Khánh Sơn mới đây, ông Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo huyện Khánh Sơn cần có biện pháp hiệu quả để tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc giữ lại tư liệu sản xuất, bởi chỉ khi còn đất thì các hộ ĐBDTTS địa phương mới có cơ hội được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh, của Trung ương, từ đó vươn lên thoát nghèo. Nếu đồng bào vẫn tiếp tục bán đất, thì câu chuyện phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn huyện sẽ tiếp diễn không có hồi kết.


Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, Khánh Sơn có lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng diện tích đất nông nghiệp của huyện rất ít, chỉ 4.589ha; qua rà soát tổng diện tích đất có độ dốc dưới 25 độ, tầng dày từ 50cm trở lên là đất có khả năng sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp chỉ có 8.110ha, chiếm 24% diện tích tự nhiên. Do đó, để phát triển kinh tế, địa phương kiến nghị tỉnh xem xét bóc tách một số diện tích đất lâm nghiệp, chuyển mục đích để nâng diện tích đất nông nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.


T.L