10:07, 21/07/2020

Người Ê đê "bắt chồng"

Nằm dưới chân dãy Trường Sơn, đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vẫn đang cố gắng giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, độc đáo của dân tộc mình. Lễ cưới hay còn gọi là tục "bắt chồng" được xem là nghi thức quan trọng gắn kết mối quan hệ gia đình, cũng là nơi thể hiện những sắc màu văn hóa đặc trưng.   

Nằm dưới chân dãy Trường Sơn, đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vẫn đang cố gắng giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, độc đáo của dân tộc mình. Lễ cưới hay còn gọi là tục “bắt chồng” được xem là nghi thức quan trọng gắn kết mối quan hệ gia đình, cũng là nơi thể hiện những sắc màu văn hóa đặc trưng.   


Niềm vui của nhà gái


Một ngày cuối tháng 6, khi ánh mặt trời còn khuất sau những dãy núi, gia đình ông Y Hy (thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây) đã chộn rộn khác thường. Gần 60 năm cuộc đời, hôm nay, ông mới được chuẩn bị cho cô con gái duy nhất đi “bắt chồng”. Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn với hai chữ “bắt chồng”, ông Y Hy nhấm ngụm trà rồi giải thích: “Như nhiều dân tộc khác dưới mái nhà Trường Sơn, đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây cũng theo tục mẫu hệ. Vậy nên, việc cưới hỏi do phía nhà gái chủ động theo đề đạt nguyện vọng của con gái mình. Cô gái khi đã ưng cái bụng chàng trai nào, sẽ nói cho gia đình biết để thực hiện các nghi thức cưới hỏi mà bà con trong buôn hay gọi là đi “bắt chồng””.

 

Ông mối dẫn đầu đoàn nhà gái đi sang nhà trai để “bắt chồng”.

Ông mối dẫn đầu đoàn nhà gái đi sang nhà trai để “bắt chồng”.


Trong lúc ông Y Hy đang trò chuyện, thuốc nước với khách thì ở sau nhà, bà H’Dri - vợ của ông chỉ dẫn cho mọi người làm gà, mổ heo, nấu xôi chuẩn bị mâm cúng và mâm lễ để đưa sang nhà trai.


Cô con gái của vợ chồng ông Y Hy là H’Ngọc Nhi Niê năm nay vừa 21 tuổi. Hơn 1 năm qua, H’Ngọc Nhi Niê quen và tìm hiểu chàng trai Y Khen ở thôn Buôn Lác (Ninh Tây). Con tim của H’Ngọc Nhi Niê đã mách bảo cho cô biết đây là chàng trai của đời mình. Chàng trai ấy, có vóc dáng thư sinh, được học hành đàng hoàng, lại chăm chỉ làm ăn, biết kính trên nhường dưới. Mọi người trong làng đều tấm tắc khen đây là chàng trai tốt. Nghe người làng nói thế và khi cái bụng đã ưng lắm rồi, H’Ngọc Nhi Niê mới mở lời cho Amĭ (mẹ), Ama (cha) cùng bà con trong họ biết.


“Bắt rể” về nhà


Lễ vật để người con gái Ê đê đi “bắt chồng” về cơ bản có một ché rượu cần, một con gà, một bát đồng, ba chiếc vòng đeo tay bằng đồng và một số tiền mặt. Tùy theo điều kiện kinh tế của từng nhà mà số lễ vật có thể nhiều hơn. Những lễ vật trên được giao cho ông mối là những người họ hàng gần với cha mẹ cô dâu mang đi. Nghi thức cưới hỏi truyền thống của đồng bào Ê đê tuần tự trải qua các bước như: Lễ hỏi chồng hay còn gọi lễ đưa vòng, lễ thỏa thuận, tục gửi dâu, lễ cưới. Với đám “bắt chồng” của H’Ngọc Nhi Niê cũng không nằm ngoài những luật tục đó. Thay mặt cha mẹ cô dâu, hai người bác trong dòng họ dẫn đoàn đi sang nhà chú rể. Những người được gia đình chọn làm ông mối là Y Ty và Y Vok đều có uy tín trong dòng họ, giỏi ăn nói, gia đình hòa thuận, am hiểu luật tục. Trong ngôi nhà dài, sau khi gia đình chú rể và cô dâu đã hòa nhập vui vẻ, ông mối của hai nhà bắt đầu bàn bạc chuyện hỏi cưới. Nhờ tài của ông mối, nên gia đình chú rể nhanh chóng nhận những chiếc vòng đồng của lễ ăn hỏi và bước vào cuộc “thương thảo” lễ vật. Nhà trai đã yêu cầu nhà gái đưa một số tiền mặt, cùng với đó là heo, gà, bò, chăn bông… để đền đáp công nuôi dưỡng của cha mẹ chú rể.

 

zzCô dâu, chú rể nghe ông mối của hai gia đình giảng giải về trách nhiệm của vợ chồng.

Cô dâu, chú rể nghe ông mối của hai gia đình giảng giải về trách nhiệm của vợ chồng.


Lễ vật được thỏa thuận xong, ông mối hai nhà giảng giải cho đôi trẻ về đạo vợ chồng, trách nhiệm của mỗi người đối với cha mẹ, gia đình, họ hàng. Họ cũng chỉ cho cô dâu, chú rể biết những khó khăn, thách thức trong cuộc sống hôn nhân để có cách ứng xử hài hòa. “Theo luật tục của người Ê đê, việc vợ chồng bỏ nhau sẽ là một sai phạm lớn. Nếu người vợ phạm phải tội này, sẽ bị mất toàn bộ phần tài sản đã trao cho nhà trai. Còn nếu người chồng vi phạm sẽ phải trả lễ gấp đôi so với lễ vật lúc cưới. Hai vợ chồng còn bị sự trừng phạt của các đấng linh thiêng và các tập tục quy định của già làng”, ông Y Ty cho biết.


Sau khi hai gia đình đã hoàn tất lễ trao vòng, lễ thỏa thuận, cô dâu nắm tay chú rể cùng với đoàn người “bắt rể” đi về nhà gái tiến hành lễ cưới. Dọc đường đi, cô dâu, chú rể nhận được nhiều lời chúc phúc của người dân trong buôn. Về đến nhà gái, thầy cúng giữ những chiếc vòng đang được đeo trên tay cô dâu, chú rể khấn vái cầu mong hạnh phúc, gắn bó với nhau suốt đời. Đám cưới diễn ra, nhà gái thết đãi mọi người 10 ché rượu ngon nhất, cùng với đó là những món ăn truyền thống của đồng bào Ê đê. Mọi người chung vui với gia đình hai bên trong âm thanh cồng chiêng rộn rã tưởng như không dứt.

 

Cô dâu, chú rể uống chung rượu cần trong lễ cưới.

Cô dâu, chú rể uống chung rượu cần trong lễ cưới.


Sắc màu văn hóa dần phai


Đã lâu lắm rồi, đồng bào Ê đê ở thôn Buôn Đung, Buôn Lác mới lại được chứng kiến một đám cưới diễn ra theo phong tục truyền thống. Bởi theo sự biến chuyển của thời cuộc, đám cưới của những cô gái, chàng trai Ê đê cũng dần được hiện đại hóa. “Đám cưới của bọn trẻ trong buôn bây giờ cũng đi phát thiệp mời, rồi đưa nhau ra nhà hàng tổ chức ăn uống, hát hò là xong. Nó đã làm giảm đi rất nhiều ý nghĩa thiêng liêng của một trong những nghi lễ trọng đại nhất đời người. Tính gắn kết họ hàng, làng xóm thông qua tục “bắt chồng” cũng không còn. Chính vì thế, gia đình tôi quyết tâm tổ chức đám cưới của con gái theo đúng nghi thức truyền thống ông bà để lại”, ông Y Hy chia sẻ.


Mặc dù vậy, đám cưới truyền thống của đồng bào Ê đê cũng ẩn chứa những yếu tố mang tính hủ tục, nhất là trong phần thỏa thuận lễ vật giữa hai gia đình. Nhiều câu chuyện tình cảm đã bị đứt gánh giữa đường bởi những yêu cầu lễ vật quá đáng của phía nhà trai mà nhà gái không đáp ứng được. Hoặc trong tục gửi dâu diễn ra trước khi gia đình hai bên đồng ý cho tổ chức tục “bắt chồng”. Đây là tập tục để phía nhà trai biết được nết ăn ở, cư xử của nàng dâu và cũng là cách thể hiện tình cảm biết ơn của cô dâu đối với cha mẹ chú rể. Vì lẽ đó, cô gái sẽ đến ở nhà chàng trai một thời gian. Nhưng thực tế, có những cảnh nhà trai bắt cô gái ở lại suốt mấy năm trời, hoặc sau thời gian gửi dâu thì lấy cớ nào đó không cho tổ chức lễ cưới. Bên cạnh đó, một số hình thức phạt vạ cũng khiến cho tục “bắt chồng” mất vui. Ngoài những yếu tố dễ dẫn tới hủ tục như thế thì đám cưới của người Ê đê là một nét sinh hoạt văn hóa tốt đẹp. Đây không chỉ là sự se duyên, kết tóc giữa hai con người, hai gia đình dòng tộc mà đã trở thành sự kiện chung của cả cộng đồng. Thông qua tục “bắt chồng”, đồng bào Ê đê có dịp để mặc những bộ trang phục dân tộc mình, thể hiện những làn điệu dân ca, những màn hòa tấu nhạc cụ cồng chiêng và ẩm thực truyền thống.


Đám cưới của đồng bào Ê đê bây giờ dù theo nghi thức truyền thống thì cũng đã được giản lược đi rất nhiều. Các nghi lễ được thực hiện gộp lại cho đỡ tốn kém. Thế nhưng, điều đó vẫn không ngăn được dòng chảy giá trị văn hóa tục lệ cưới hỏi của đồng bào Ê đê đang phai nhạt từng ngày. “Đồng bào Ê đê ở xã Ninh Tây sinh sống tại 4 thôn: Buôn Đung, Buôn Lác, Buôn Tương, Buôn Sim với khoảng 2.700 người. Thời gian qua, nhiều phong tục tập quán của đồng bào, trong đó có phong tục cưới hỏi đã dần mai một. Với thực trạng đó, địa phương đã có chủ trương từng bước thực hiện việc khôi phục những nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục của đồng bào Ê đê, đặc biệt là nghi lễ cưới hỏi”, ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết.


Nghi lễ cưới hỏi của đồng bào Ê đê với nhiều gam màu độc đáo thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa dân tộc. Đó còn phản ánh sinh động chế độ mẫu quyền của người Ê đê. Gìn giữ được nét đẹp tục “bắt chồng” của đồng bào Ê đê cũng có nghĩa chúng ta đang giữ bức tranh văn hóa cộng đồng 32 dân tộc anh em ở Khánh Hòa được phong phú, đa sắc màu.


Giang Đình - Quỳnh Anh