12:12, 07/12/2019

Nỗi niềm hoa Tết

Trong khi người người, nhà nhà tại làng hoa cúc Ninh Giang và các xã ở thị xã Ninh Hòa đang nhộn nhịp, tất bật chuẩn bị cho vụ hoa Tết, thì làng mai Võ Dõng (TP. Nha Trang) lại khá trầm lắng vì số hộ trồng và quy mô đã thu hẹp đáng kể.

Trong khi người người, nhà nhà tại làng hoa cúc Ninh Giang và các xã ở thị xã Ninh Hòa đang nhộn nhịp, tất bật chuẩn bị cho vụ hoa Tết, thì làng mai Võ Dõng (TP. Nha Trang) lại khá trầm lắng vì số hộ trồng và quy mô đã thu hẹp đáng kể.


Chi phí tăng


Còn khoảng tháng rưỡi nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý. Các hộ trồng hoa cúc ở phường Ninh Giang, xã Ninh Bình (thị xã Ninh Hòa) đang tất bật chăm sóc hoa vụ Tết. Tại các tổ dân phố: Phong Phú 1, Phong Phú 2, Thanh Châu của phường Ninh Giang, những khu đất trống đã được lấp đầy những chậu cúc xanh mướt, cao quá nửa người. Ở các thôn: Tuân Thừa, Bình Thành (xã Ninh Bình), Thuận Lợi (phường Ninh Hà)… người dân cũng tranh thủ cắm cây, tỉa lá, bón phân, tưới nước cho các chậu cúc đang trong thời kỳ đơm nụ.

 

Người dân làng cúc Ninh Giang tất bật chuẩn bị vụ hoa Tết

Người dân làng cúc Ninh Giang tất bật chuẩn bị vụ hoa Tết


Bà Nguyễn Thị Diễm Thơ (tổ dân phố Phong Phú 2), người có thâm niên 15 năm trồng hoa cúc cho biết, năm nay, gia đình bà trồng 500 chậu. Từ khi xuống giống (tháng 8 âm lịch) đến nay, thời tiết khá thuận lợi cho cây hoa phát triển, trong vườn đa số cây phát triển tốt, ít sâu bệnh. Năm nay, ông Trần Văn Thân (tổ dân phố Thanh Châu) cũng trồng khoảng 500 chậu cúc, đa số là cúc đại đóa, còn lại là cúc pha lê. Gia đình ông tập trung trồng chậu trung, mỗi chậu trung bình 100 cây, có 50 chậu đại, mỗi chậu khoảng 180 - 200 cây.


Theo người trồng cúc, rút kinh nghiệm từ những năm trước, những năm gần đây, các hộ trồng hoa cúc ở thị xã Ninh Hòa mua giống ở Đà Lạt với số lượng vừa phải, sau đó đem về nhân giống, tách chậu. Cách làm này vừa giảm được chi phí đầu vào, vừa giúp cây thích ứng tốt với thời tiết của địa phương. Cùng với đó, thời tiết năm nay khá thuận lợi, ít mưa, nắng ráo nên tỷ lệ cây bị chết, hư hại sau khi trồng chỉ khoảng 10% (năm ngoái tỷ lệ hao hụt gần 30%).


Bên cạnh niềm vui do thời tiết thuận lợi, các hộ trồng hoa cũng gánh nhiều nỗi lo khi các chi phí sản xuất đều tăng. Ông Đỗ Đình Đông (tổ dân phố Phong Phú 2) chia sẻ: “Năm nay, giá phân bón tăng không nhiều, từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg, giá cây giống tăng 20%. Tăng cao và chiếm nhiều chi phí đầu tư nhất là giá cây cắm tạo dáng, nhân công và tiền điện. Nếu năm trước, giá cây cắm tạo dáng (từ 1,1m đến 1,5m), dao động từ 130.000 đồng đến 350.000 đồng/thiên thì năm nay tăng lên 250.000 đồng đến 450.000 đồng/thiên. Tiền thuê nhân công lặt lá, cột cây tăng từ 120.000 đồng lên 150.000 đồng/ngày; tiền công bón phân, tưới nước, cắm cọc tăng từ 220.000 đồng lên 250.000 đồng/ngày”. Còn theo ông Nguyễn Văn Ty (tổ dân phố Phong Phú 2), năm nay, chi phí tiền điện tăng cao hơn so với mọi năm. Gia đình ông trồng 400 chậu bằng năm trước, sử dụng 40 bóng đèn để chong cây trong giai đoạn trưởng thành. Năm trước, ông chỉ phải trả 1,2 triệu đồng/tháng, năm nay tăng gần 2 triệu đồng. 3 tháng chong đèn, số tiền điện phải trả cao hơn năm trước khoảng 2 triệu đồng.


Theo các hộ trồng cúc, so với năm trước, tổng chi phí đầu tư cho 1 chậu hoa năm nay tăng khoảng 25 - 30%. Hiện nay, nhiều thương lái đã tìm tới hỏi mua, tuy nhiên, nhiều hộ chưa đồng ý bán vì muốn đợi cây trưởng thành, ra bông có chất lượng mới định giá bán. Do chi phí sản xuất tăng nên giá thành các chậu cúc năm nay cũng sẽ tăng 15 - 20% so với năm trước.

Mai một làng mai Võ Dõng


Khác với cảnh nhộn nhịp, tất bật của làng cúc Ninh Giang, không khí tại làng mai Võ Dõng lại trầm lắng, đìu hiu, không có tín hiệu của việc chuẩn bị cho vụ mùa Tết đang đến gần. Đang thong thả ngồi chơi trong nhà, thấy có khách, ông Trần Anh Hải (thôn Võ Dõng) tỏ ra khá trầm ngâm khi được hỏi về mùa hoa Tết: “Năm nay, nhà tôi chỉ có ít chậu mai. Năm trước, 3 sào đất mà tôi thuê để làm mai (đặt trên 200 chậu) đã hết hạn hợp đồng nên chủ đất lấy lại. Bây giờ tôi chỉ còn diện tích đất nhỏ ở nhà đặt được hơn 70 chậu và một vườn mai đất khoảng 2.000 - 3.000 cây. Tuy nhiên, vụ Tết, phần lớn chỉ bán mai chậu để người mua chơi Tết, còn mai đất trồng trong vườn chủ yếu bán gốc cho người làm mai mua về ghép”. Ông Hải được coi là người trồng mai nhiều nhất và lâu năm tại làng Võ Dõng. Mọi năm, vào thời điểm này, ông phải chạy đôn chạy đáo để tìm thuê người (khoảng chục lao động) chuẩn bị lặt lá cho vườn mai. Nhưng năm nay, mai chậu trong vườn chỉ còn 1/3 nên ông khá nhàn nhã. Tùy theo điều kiện thời tiết, đầu tháng Chạp, ông mới bắt đầu lặt lá cho vườn mai.

 

Người dân làng hoa cúc Ninh Giang chăm sóc hoa vụ Tết.

 


Chúng tôi trở lại nhà của ông Phạm Văn Tạo, người từng sở hữu vườn mai ghép hàng trăm chậu, lúc nào cũng nhộn nhịp người vào ra mỗi dịp cận Tết để đặt mua mai. Khác với viễn cảnh đó, vườn mai của ông Tạo hiện nay chỉ còn khoảng 100 chậu, trong đó có đến hơn một nửa là chậu mai nhỏ để bàn, còn lại là chậu mai lớn. Nhớ về thời hoàng kim, ông Tạo chia sẻ: “Lúc đó, tôi thuê đất để làm mai, nhưng sau này, người ta không cho thuê nữa. Tôi gom hết các chậu mai đem về trồng trên một sào đất ruộng của gia đình. Tuy nhiên, mảnh đất ruộng này cũng thuộc quy hoạch, đang kiểm kê, bồi thường nên tôi không thể đầu tư nhiều”. Hơn 30 năm trong nghề trồng và ghép mai, giờ đây, ông Tạo lực bất tòng tâm. Để giữ nghề, hiện nay, ông chuyển sang ghép và trồng mai trong chậu nhỏ bán cho khách với giá từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng/chậu, vừa dễ bán lại không tốn nhiều diện tích đất.

            
Sau khi dự án đường Cầu Lùng - Cao Bá Quát triển khai và một số dự án đang được quy hoạch, làng mai mất đi rất nhiều diện tích, giảm hơn 2/3 so với trước. Bởi trước đây, phần lớn các hộ trồng mai đều đi thuê đất, đất của gia đình rất ít. Những phần đất đó, một số nằm trong vùng quy hoạch của dự án, một số bị chủ đất lấy lại để bán do giá đất tăng cao. Hoặc có chủ đất cho thuê lại nhưng với giá cao gấp nhiều lần trước đây, trong khi nghề trồng mai thu nhập không cao, chủ yếu phụ thuộc vào mùa Tết, nên số lượng hộ trồng mai và số chậu mai của mỗi hộ cứ giảm dần qua từng năm.


Hiện nay, tại làng mai Võ Dõng, một số hộ dân mua mai Bình Định về chăm sóc trong vài tháng để bán Tết. Trong bối cảnh làng mai Võ Dõng ngày càng mai một do đất sản xuất bị thu hẹp, người trồng lâu năm ngày càng lớn tuổi, người trẻ không mặn mà với nghề, mai Bình Định được nhập về ngày càng nhiều. Điều này khiến những người làm nghề trồng mai lâu năm trăn trở về tương lai của làng mai Võ Dõng.  



LY DUNG

 

 


 

Ông Nguyễn Thành Nhi - Chủ tịch UBND phường Ninh Giang: Năm nay, toàn phường có gần 400 hộ trồng hoa cúc, trong đó có 200 hộ tham gia làng nghề. Mỗi năm, các hộ đưa ra thị trường hơn 150.000 chậu cúc lớn, nhỏ. Nhờ có kinh nghiệm trồng lâu năm và đã bảo hộ nhãn hiệu nên chất lượng hoa cúc của phường ngày càng nâng cao, được khách hàng ưa chuộng. Hoa cúc Ninh Giang không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà một nửa số hoa được các thương lái thu mua chuyển đi bán ở TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk…