Năm 2019, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh triển khai Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng. Chương trình này đã giúp nhiều người bán dâm biết cách tự bảo vệ, chăm sóc bản thân, có thể tìm cho cuộc đời mình một đường về tươi sáng hơn.
Năm 2019, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Khánh Hòa triển khai Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng. Chương trình này đã giúp nhiều người bán dâm biết cách tự bảo vệ, chăm sóc bản thân, có thể tìm cho cuộc đời mình một đường về tươi sáng hơn.
Cuộc đời đưa đẩy…
Trong vai cộng tác viên xã hội đi hỗ trợ phương tiện cho người bán dâm, chúng tôi gặp chị H. tại một công viên trong thành phố. Trong ánh đèn đêm, vừa e dè chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình, chị vừa lo lắng nhìn quanh. Thì ra, chị sợ cơ quan chức năng phát hiện, sợ ế khách. Chị nói, bán dâm không phải là một nghề, mà là cuộc sống đưa đẩy sa chân, nhưng nỗi lo hiện lên gương mặt của chị là có thật, đêm nay vắng khách, ngày mai chị sẽ không có tiền đóng lãi nóng cho người cho vay nặng lãi, trả phòng trọ, hay đóng tiền học thêm cho con…
Chị H. kể, cách đây 6 năm, vì biến cố gia đình, chồng chị theo người phụ nữ khác, bỏ lại 2 mẹ con, chị dắt con rời quê hương Vạn Ninh với 2 bàn tay trắng và nỗi oán hận trong lòng. Chỉ vì không chấp nhận sự thật đổ vỡ đó, chị đã buông thả mình vào những cuộc vui chơi, trở thành gái phục vụ tại các quán hát karaoke trá hình. Sau đó, chị không nhớ đã chuyển bao nhiêu điểm làm mới và trở thành mắt xích trong dịch vụ đi khách. Nói đến đây, chị nghẹn ngào: “Lần đầu đi khách, tôi run rẩy, đứng co ro một góc phòng, nghĩ đến phải tiếp người lạ khiến tôi sợ hãi, sau đó thì chai sạn dần. Bây giờ, tôi đã gần 50 tuổi, muốn quay đầu nhưng không được, vì tôi vẫn còn khoản nợ, mỗi ngày phải trả lãi 100.000 đồng; trong khi tôi làm 1 đêm chỉ có vài trăm nghìn đồng, hôm nào ế khách, không có tiền trả thì bị đánh. Nhưng tôi không sợ, điều tôi sợ nhất là con tôi biết nghề mẹ nó làm, không biết khi ấy sẽ như thế nào”.
Kể với chúng tôi, chị H. còn có đứa con để nghĩ về, còn chị D., ngồi với chúng tôi trong quán cà phê để chia sẻ về cái nghề “bán phấn buôn hương” mà chị đang làm với đôi mắt ráo hoảnh. Hình như chị đã quá chai sạn với nghề, bây giờ có muốn làm lại cuộc đời chị cũng chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Bởi chị rời quê Đồng Tháp đã 25 năm, lúc những đứa em còn bé xíu, thỉnh thoảng chị còn dành dụm tiền gửi về quê. Còn bây giờ, vật đổi sao dời, bố mẹ đã mất, các em đã lớn, mỗi đứa một nơi, nhà cũ cũng đã bán chuyển đi nơi khác. “Năm ngoái, tôi có tranh thủ quay về quê mà tìm mãi không ra nhà. Ngậm ngùi bước lên xe quay về mà nước mắt không ngừng rơi. Khi đó, một người bạn gọi nói có biết chỗ nhà mới của tôi, nhưng xe đã lăn bánh nên tôi đành đi luôn, ôm theo nhiều nỗi sợ không dám đối mặt”, chị D. nói. Đó là sợ người thân không nhận ra mình; sợ phải nói dối với người thân yêu vì mình không còn là mình nữa, sợ người thân bị ảnh hưởng nếu ai đó phát hiện mình là gái bán dâm. Vì như chị chia sẻ, cái nghề không được xã hội chấp nhận này, ai đã dấn thân vào thì phải chấp nhận sống cuộc đời cô độc, chấp nhận nỗi đau một mình...
Những người kết nối
Nghề mại dâm là một nghề phức tạp, nhạy cảm, nên khó ai có thể tiếp cận được gái bán dâm. Ngoài khách hàng của họ, chỉ có các đồng đẳng viên, người từng cùng cảnh ngộ mới có thể tiếp cận được các chị. Các đồng đẳng viên thường hoạt động theo nhóm, cộng tác viên cho các dự án nhân đạo, hỗ trợ người bán dâm. Ròng rã theo chân các đồng đẳng viên, chúng tôi mới cảm thấu được phần nào thế giới “ban đêm” của những người bán dâm và công việc nhọc nhằn của các đồng đẳng viên.
Chị N. - trưởng nhóm đồng đẳng viên Sóng Biển cho biết, chị có thâm niên gần 30 năm làm cộng tác viên xã hội, hiện chị đang làm cộng tác viên cho Mô hình dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng do Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh thực hiện. Nhóm của chị thường xuyên có từ 4 - 5 đồng đẳng viên cùng nhau làm việc. Công việc hàng đêm của các chị là tìm cách tiếp cận với gái mại dâm, tuyên truyền cho họ nâng cao nhận thức bảo vệ bản thân, đề phòng bệnh tật, phát phương tiện tránh thai, hỗ trợ và dẫn đi khám bệnh định kỳ, tìm hiểu chị em nào có tâm tư nguyện vọng muốn hoàn lương thì giúp đỡ, tư vấn và hỗ trợ phòng lây nhiễm cho các trường hợp bị nhiễm HIV…
Chị N. kể, người bán dâm luôn cảnh giác với mọi người, ít mở lòng. Đặc biệt, bây giờ công nghệ thông tin phát triển, ngoài cách hành nghề truyền thống là đứng các tụ điểm dọc đường, làm tại các cơ sở mát-xa trá hình, gái mại dâm liên lạc với nhau qua điện thoại, mạng xã hội, khi khách có nhu cầu gọi là đi, việc ai làm nấy biết nên càng khó tiếp cận hơn. Tuy nhiên, có kinh nghiệm làm cộng tác viên xã hội nên chị N. cùng các cộng sự đã tiếp cận được gần như hầu hết giới gái mại dâm ở TP. Nha Trang. Bản thân chị cũng từng là gái mại dâm hơn 10 năm nên chị thấu hiểu và có thể chia sẻ nỗi đau với họ. “Khi gặp gái bán dâm, chúng tôi nói với họ rằng mình cũng đã từng làm gái bán dâm, nay đã hoàn lương, muốn giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Nhận được những lời chia sẻ, động viên của chúng tôi, họ vui lắm. Từ đó, nhiều chị em cũng bày tỏ ý muốn được hoàn lương. Giúp đỡ được họ, bản thân tôi cũng vui vì thấy mình làm được việc có ý nghĩa”, chị N. nói. Chính vì lẽ đó, nhiều gái mại dâm rất yêu quý chị N., gọi chị là “má”. “Tôi không có người thân thích, mỗi khi thấy bế tắc, có chuyện cần chia sẻ thì tôi gọi cho má N. Má đã từng dẫn tôi đi khám bệnh. Biết tôi có ý định hoàn lương, má đang cố xin cơ quan chức năng cho tôi được hỗ trợ sinh kế để có thêm chút kinh phí về sang lại quán ốc của chị hàng xóm làm ăn, từ bỏ nghề này”, chị T., một gái bán dâm nói.
Hỗ trợ cho người hoàn lương
Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, đầu năm 2019, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng tại TP. Nha Trang. Các hoạt động hỗ trợ của mô hình là tăng cường năng lực tiếp cận, truyền thông, can thiệp giảm tác hại, phòng, chống bạo lực giới cho nhóm đồng đẳng chuyên tiếp cận người bán dâm; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, bao gồm khám bệnh, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý và trợ giúp pháp lý, khôi phục và thay thế giấy tờ tùy thân, tư vấn học nghề và tạo sinh kế, bảo vệ khẩn cấp, cung cấp nơi tạm lánh khi có bạo lực xảy ra, hoàn lương và tái hòa nhập cộng đồng…
Thông qua các hoạt động hỗ trợ nhân đạo của mô hình, đến nay, nhóm đồng đẳng đã tiếp cận và hỗ trợ cho khoảng 150 gái mại dâm trên địa bàn TP. Nha Trang, trong đó 100 người được hỗ trợ về y tế, 30 người được hỗ trợ tư vấn về pháp luật, 10 người được hỗ trợ về tư vấn học nghề, 10 người được can thiệp bảo vệ khẩn cấp… Trong nhóm gái mại dâm được tiếp cận, có không ít trường hợp đã thay đổi nhận thức, đồng thời nỗ lực thay đổi hành vi, mong muốn được hỗ trợ để hoàn lương. Chị N. cho biết, như trường hợp của chị H. sau khi được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ, chị tha thiết mong được chính quyền hỗ trợ để hoàn lương. “Tôi đã nói với chị N., nếu như có chương trình nào hỗ trợ chuyển đổi nghề thì hãy giúp tôi để tôi có cơ hội làm lại cuộc đời”, chị H. nói.
Bà Lê Phương Thảo - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, đây là mô hình thí điểm mới và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thành công của mô hình là các đồng đẳng viên tham gia đã tiếp cận được gái bán dâm và họ đồng ý nhận dịch vụ hỗ trợ của chính quyền. Về lâu dài, mô hình hướng đến tuyên truyền làm sao để họ hiểu về hành vi lệch chuẩn của bản thân, nhận thấy được sự quan tâm của xã hội, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi, có ý thức về nhân quyền và chăm sóc sức khỏe, từ đó biết bảo vệ bản thân, hướng đến hoàn lương, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Cái khó của mô hình hiện nay là các biện pháp quản lý và hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng chưa có quy định cụ thể. Các chương trình hỗ trợ can thiệp cho nhóm người bán dâm dựa trên phương pháp tiếp cận mới còn đang trong giai đoạn thí điểm, nguồn lực chưa tập trung, địa bàn triển khai chưa đồng bộ trên toàn tỉnh nên số người tiếp cận dịch vụ còn hạn chế. Hy vọng thời gian tới, mô hình được triển khai rộng rãi hơn để đối tượng này được quan tâm, hỗ trợ tốt hơn, giúp họ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng.
M.T - T.T