11:12, 31/12/2019

Chào năm mới 2020!

Năm mới đã đến, những bản nhạc "Happy New Year" vang lên từ các nhà hàng, khách sạn, những tuyến phố đẹp hơn bởi hoa và những ánh đèn lung linh sáng rực khắp các nẻo đường…

Năm mới đã đến, những bản nhạc “Happy New Year” vang lên từ các nhà hàng, khách sạn, những tuyến phố đẹp hơn bởi hoa và những ánh đèn lung linh sáng rực khắp các nẻo đường…


Tết hội nhập…

 

Khi tiếng nhạc nổi lên, những chàng trai, cô gái Lào trong trang phục truyền thống của đất nước hoa Champa ríu rít kéo nhau lên sân khấu, cất vang lời hát trong ca khúc “Tình Việt - Lào”. Những người bạn Việt Nam và bạn bè nước ngoài cùng lên chung vui, nhún nhảy theo điệu nhạc với những điệu múa Lăm Vông vừa duyên dáng, vừa uyển chuyển. Các em nhỏ người Ấn Độ theo cha mẹ đến Nha Trang công tác hồn nhiên hát múa những khúc ca dễ thương của trẻ thơ. Những người bạn Pháp, Nga, Nhật, Campuchia... cũng hòa mình trong không gian chan hòa, ấm cúng, không chút khoảng cách và cũng chẳng có rào cản ngôn ngữ nào.

 

Đường phố Nha Trang lung linh về đêm.

Đường phố Nha Trang lung linh về đêm.


Đó là buổi chung vui khó quên của gần 100 người bạn nước ngoài đang học tập, làm việc, sinh sống trên địa bàn tỉnh tại tiệc mừng năm mới 2020 do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh tổ chức tối 30-12. Đây là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Khánh Hòa - Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm, tri ân của chính quyền địa phương và nhân dân Khánh Hòa đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Du khách dạo phố Nha Trang.

Du khách dạo phố Nha Trang.

 
Ông Shiomi Masato, tình nguyện viên giảng dạy tiếng Nhật thông qua Hội Hữu nghị Việt - Nhật và người vợ Việt Nam - bà Nguyễn Thị Xuân Hằng cho biết, từ lâu người Nhật đã không còn đón Tết âm lịch như các nước châu Á khác. Họ đón Tết Dương lịch như người phương Tây và chỉ có 3 ngày nghỉ Tết để bắt đầu công việc ngay từ ngày 4-1. Tuy nhiên, người Nhật vẫn giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng Á Đông và cách đón năm mới có nhiều nét tương đồng với người Việt. Tết là dịp quây quần, tụ họp bên gia đình; mọi người sẽ cùng gia đình đi đền thờ, cầu nguyện, mừng tuổi cho em bé và người lớn tuổi... Năm nay, gia đình bà sẽ tổ chức buổi tiệc nhỏ và mời bạn bè tới dự. Bữa tiệc ngoài các món ăn đặc trưng của Việt Nam thì không thể thiếu món đặc trưng trong ngày Tết của người Nhật là: osechi, món ăn làm từ thịt heo, tôm, cá, đậu đen, củ cải, cà rốt… với ý nghĩa hy vọng may mắn trong năm mới. Trẻ con bình thường không được uống rượu sake nhưng trong dịp này cũng được nhấm nháp một chút.

 

Những người bạn chụp ảnh lưu niệm tại tiệc mừng năm mới 2020  do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh tổ chức.

Những người bạn chụp ảnh lưu niệm tại tiệc mừng năm mới 2020 do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh tổ chức.


Nâng ly chúc mừng năm mới, A.Phy, Viraic, Panhcharong, nhóm bạn Campuchia, học viên Trường Sĩ quan Không quân trò chuyện với chúng tôi khá “sõi” bằng tiếng Việt. Lắc lư theo điệu nhạc chúc mừng năm mới, A.Phy hào hứng kể: “Tôi học ở đây được 2 năm và đón Tết Dương lịch ở đây 2 lần. Đường xá treo đèn rực rỡ, không khí rất nhộn nhịp, người dân đổ ra đường đón Tết nên rất vui. Tham gia buổi tiệc mừng năm mới giúp tôi gặp gỡ được nhiều bạn bè quốc tế, làm quen thêm được một số bạn người Campuchia theo học tại Học viện Hải quân. Cả nhóm dự định, tối 1-1 sẽ tới một quán bar nào đó, tiếp tục cùng nhau đón chào năm mới”.


Anh Vwihaye Festus, 39 tuổi, đến từ đất nước Rwanda (châu Phi) là học viên cao học ngành Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Nha Trang. Theo Vwihaye Festus, người châu Phi cũng đón Tết Dương lịch giống các nước châu Âu. Ở Rwanda, Tết đến mọi người sẽ ra đường đón chào năm mới, sau đó đi thăm gia đình, họ hàng. Còn ở đây, anh được cùng mọi người dự buổi tiệc cuối năm, được giao lưu, gặp gỡ nhiều bạn bè, biết nhiều hơn về cuộc sống của bạn bè quốc tế. “Đây thật sự là một trải nghiệm thú vị. Tôi cũng biết Tết âm lịch mới là Tết truyền thống của người Việt Nam, nhưng những gì các bạn đang làm giúp cho những người xa quê như chúng tôi thấy ấm cúng, vơi bớt đi phần nào nỗi nhớ quê hương… Sau khi học xong thạc sĩ, nếu có điều kiện được nhận học bổng tiến sĩ, tôi sẽ chọn Việt Nam để tiếp tục học tập”, Vwihaye Festus cho biết.


… và sẻ chia


Chiều buông xuống, TP. Nha Trang rực rỡ hơn bởi những ánh đèn màu dọc các con đường, cửa hiệu, trung tâm mua sắm... Mỗi người đều có cách đón năm mới của riêng mình. Nhiều du khách đến Nha Trang vào dịp này thích thảnh thơi dạo biển để ngắm cảnh, thư giãn. Người thì chọn cách ngồi nâng ly với bạn bè, người lại muốn đến bar để trò chuyện thâu đêm. Ở khu phố Tây và nhiều nhà hàng, khách sạn, những bữa tiệc chỉ thực sự bắt đầu từ 11, 12 giờ đêm. Người khác lại tìm đến các cửa hiệu, quán xá nhỏ xinh để nhấm nháp ly cà phê, nghe nhạc “sống”. Nhiều người tìm đến những mảnh đời khó khăn để san sẻ chút quà ngày Tết…

 

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng quà Tết cho người dân ở huyện Vạn Ninh.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng quà Tết cho người dân ở huyện Vạn Ninh.

 

“Nha Trang đẹp quá nên quyết định ở lại”, bà Đỗ Thị Bê (còn gọi là Lamorlette Pierrette, kiều bào Pháp) cùng chồng là ông Ge’rard Lamorlette, người Pháp tươi cười chia sẻ về lý do chọn Nha Trang là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình du lịch khắp dải đất hình chữ S từ Bắc chí Nam. Bà Bê có mẹ là người Việt, cha là Việt kiều Pháp. Bà cũng đã được nhập quốc tịch Việt Nam từ hơn 1 năm qua. 17 năm sống ở thành phố biển, bà Bê đã đón 17 cái Tết ấm áp không chỉ bởi có những người bạn nơi này, mà còn bởi nhiều gia đình nghèo, những bệnh nhân ở Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh… đã có một cái Tết đủ đầy hơn từ những phần quà mà bà san sẻ. Tết năm nay, bà bước sang tuổi 73, và vẫn còn rất say mê với những hoạt động thiện nguyện. Trước Tết Dương lịch 2020, bà đã trao 100 suất quà là các nhu yếu phẩm cho người dân xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang, nơi bà đang sinh sống. Còn ông Rene Boulanger, 84 tuổi, Chủ tịch Hội Les amis de Nha Trang (Những người bạn của Nha Trang) tươi cười bày tỏ mong muốn, năm 2020 và nhiều năm sau nữa, sẽ có thêm nhiều trẻ em hoàn cảnh khó khăn được bảo trợ, hỗ trợ học phí trong suốt quá trình học phổ thông đến cao đẳng, đại học. 17 năm qua, hội đã giúp cho hơn 350 trẻ em được tiếp tục con đường học vấn, học nghề.


Hòa trong không khí đón chào năm mới, mong muốn người dân, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đón Tết đầm ấm, an vui, những ngày này, các cấp hội chữ thập đỏ (CTĐ) của tỉnh đã và đang vận động các doanh nghiệp đơn vị, nhà hảo tâm tham gia phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam năm 2020”. Đến nay, phong trào đã vận động được gần 1.000 phần quà trao tặng cho các hộ. Ngoài ra, ngày 30-12, Trung ương Hội CTĐ đã trao 100 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt và các nhu yếu phẩm) cho các hộ gia đình nghèo, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách ở 2 xã Vạn Thạnh và Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh).


Bà Trịnh Thị Tréo (77 tuổi, thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) nói trong xúc động: “Tôi ở một mình, già rồi nên sống nhờ vào con cháu. Kinh tế gia đình tụi nó cũng khó khăn, chỉ lo cho bà được bữa cơm, bữa cháo. Nhận được phần quà này, tôi mừng lắm. Vậy là Tết này, tôi có ít tiền mua bánh trái cúng tổ tiên cho tươm tất”. Còn với bà Lê Thị Liên (thôn Đông Bắc, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh), phần quà hỗ trợ bà sẽ dành để mua áo quần mới cho 3 đứa con và lo thuốc thang cho chồng, phần nào giúp bà vơi bớt đi nỗi lo khi Tết đến xuân về.


Trước đó, thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam năm 2020”, Hội CTĐ TP. Nha Trang đã tổ chức trao tặng 200 phần quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn của phường Phương Sơn và Phương Sài (TP. Nha Trang), nguồn kinh phí vận động từ các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh. Ông Lê Quốc Thịnh - Chủ tịch Hội CTĐ TP. Nha Trang cho biết: “Theo kế hoạch, Tết Dương lịch và xuân Canh Tý năm 2020, Hội CTĐ thành phố phân bổ cho hệ thống hội CTĐ cơ sở 5.500 suất quà Tết để tặng cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở 27 xã, phường với tổng trị giá hơn 1,6 tỷ đồng. Trong đó, mỗi địa phương 200 suất, mỗi suất trị giá 300.000 đồng. Hoạt động nhằm hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố được đón Tết Dương lịch và Tết cổ truyền đầm ấn, an vui”.


LY - NGÂN