08:12, 28/12/2019

Rầm rộ phá rừng, chiếm đất

Chưa năm nào nạn lấn chiếm đất rừng lại rầm rộ như năm nay. Những cách thức mà các đối tượng sử dụng để "hạ sát" cây rừng không chỉ tàn nhẫn, mà rất bài bản, ngang nhiên.

Kỳ 1: Muôn kiểu lấn chiếm đất rừng


Chưa năm nào nạn lấn chiếm đất rừng lại rầm rộ như năm nay. Những cách thức mà các đối tượng sử dụng để “hạ sát” cây rừng không chỉ tàn nhẫn, mà rất bài bản, ngang nhiên.

 

Một góc rừng căm xe Ninh Tây bị tàn phá nặng nề.

Một góc rừng căm xe Ninh Tây bị tàn phá nặng nề.



Mắc võng  canh đất rừng


Những ngày cuối năm, công tác quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (Công ty Lâm sản Khánh Hòa) càng trở nên khó khăn. Không chỉ gồng mình chống chọi với nạn khai thác rừng trái phép dọc tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của công ty còn phải chia nhỏ để giữ các diện tích rừng trồng trước thực trạng người dân địa phương chực chờ sơ hở để nhổ cây, chiếm đất.

 

Người dân xã Giang Ly dựng lán trại  trên đất rừng lấn chiếm để ở, canh tác.

Người dân xã Giang Ly dựng lán trại trên đất rừng lấn chiếm để ở, canh tác.


Khi chúng tôi đến Tiểu khu 172, có 2 nhân viên quản lý bảo vệ rừng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa đang mắc võng ở lại rừng để canh giữ diện tích hơn 3,5ha keo vừa được trồng xong. Ông Phạm Thế Thanh, nhân viên bảo vệ rừng tại đây cho biết: “Các tiểu khu 172, 172a, 184a là khu vực rừng trồng những năm 1994, 1995 của công ty. Sau khi khai thác, một phần diện tích đã được bóc tách cho chính quyền địa phương giao cho người dân thiếu đất canh tác. Diện tích 18,47ha còn lại, công ty tiến hành phát dọn để trồng lại rừng, nhưng chưa kịp trồng vì nắng nóng kéo dài thì người dân xã Giang Ly đã lấn chiếm 12,2ha. Chúng tôi chỉ mới trồng được hơn 3,5ha nhưng phải tổ chức canh gác thường xuyên, nếu không họ sẽ lén lút vào nhổ cây để chiếm đất. Đến thời điểm này, chúng tôi đã xác định được danh sách cụ thể 10 hộ lấn chiếm, các hộ khác vẫn đang xác định”.


Cạnh diện tích đã trồng rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, phóng tầm mắt ra xa, những quả đồi đã được phủ kín bởi lúa rẫy, mì…, toàn bộ diện tích này đều là đất rừng sản xuất của công ty bị người dân lấn chiếm, một số hộ đã vào dựng lán trại để ở. Điều đáng nói là khu vực bị lấn chiếm nằm ngay trước trụ sở UBND xã Giang Ly và UBND xã đã phối hợp với chủ rừng để kiểm tra, tuyên truyền nhưng việc ngăn chặn vẫn không hiệu quả, bởi các hộ dân chống đối.


Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Chưa năm nào nạn lấn chiếm đất rừng lại rầm rộ như năm nay. Không chỉ ở khu vực Giang Ly, những diện tích rừng trồng trước năm 2000 của công ty ở Khánh Phú, Sông Cầu, Khánh Thành, cứ khai thác xong là người dân địa phương lại kéo đến lấn chiếm, với lý do đây là đất mà cha ông họ đã làm rẫy từ xưa. Đơn cử như khu vực tiểu khu 192 xã Khánh Phú bị lấn chiếm hơn 30ha, công ty đã phải hỗ trợ 52 hộ 200 triệu đồng họ mới chịu trả lại đất. Hiện nay, khu vực này đã được công ty tiến hành trồng rừng, để giữ rừng, nhân viên bảo vệ phải canh gác cả ngày đêm nếu không rất dễ bị nhổ cây. Trong khi đó, 16,5ha rừng tại Tiểu khu 180 (xã Sông Cầu) bị người dân Khánh Phú lấn chiếm từ năm 2016; UBND huyện Khánh Vĩnh đã nhiều lần chỉ đạo xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa lấy lại được, người dân vẫn canh tác tại khu vực này…”.



“Hạ sát” cây rừng để chiếm đất


Gần đây, nạn cưa cây, lấy gỗ rừng căm xe tự nhiên ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) lại tiếp tục rộ lên. Sự việc “nóng” đến mức chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa phải “kêu cứu” đến UBND thị xã Ninh Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Một diện tích rừng thông  tại xã Ba Cụm Nam bị cưa hạ.

Một diện tích rừng thông tại xã Ba Cụm Nam bị cưa hạ.


Không như hình dung ban đầu của chúng tôi, cánh rừng thuần loại căm xe duy nhất cả nước còn tồn tại ở xã Ninh Tây bây giờ hoang tàn, ngã đổ tràn lan. Tại các khu vực Trại Dê (thôn Sông Búng), suối Nước nóng (thôn Buôn Tương), Km24 (thôn Suối Mít)… số lượng gốc căm xe đã bị cưa hạ không đếm xuể. Cảnh rừng bị tàn phá còn nặng nề hơn cả cơn bão số 12 năm 2017. Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ninh Xuân, việc phá rừng căm xe Ninh Tây đang được tổ chức một cách rất bài bản, theo kiểu lâm tặc đi trước cưa hạ cây, lấy gỗ, một số đối tượng khác đi sau thu gom cành ngọn bán củi cho lò hầm than; một số đối tượng khác vào phát dọn, đốt để chiếm đất, nếu không có nhu cầu sản xuất thì bán cho các đối tượng khác.


Khi chúng tôi đến khu vực đường Miếu (thôn Suối Mít) thuộc Tiểu khu 70, bắt gặp 2 đối tượng đang dùng rựa để phát dọn một khoảng đất rừng, xung quanh có rất nhiều cây căm xe tái sinh đã bị chặt hạ. Thấy có người lạ, người đàn ông bỏ chạy còn người phụ nữ tự xung là H’ Béc thì lia vội cây rựa rồi thong thả bước ra như không có chuyện gì. Nghe cán bộ quản lý - bảo vệ rừng cất tiếng hỏi: “Sao lại lấn chiếm đất rừng thế kia?” H’ Béc thản nhiên trả lời: “Ơ, mình có làm gì đâu. Ở đây có khoảnh đất trống thì mình vào phát để trồng bắp thôi. Cả làng người ta đều đi phát rừng để lấy đất, chứ có riêng gì mình đâu”. Nói rồi H’ Béc kể, cả năm đi hái, chăm sóc cà phê thuê ở tỉnh Lâm Đồng về thăm nhà thấy “phong trào” chiếm đất rộ lên nên quyết định ở nhà cùng người thân đi tìm những khoảng đất trống trong rừng để phát dọn, lấy đất. Hỏi về nhu cầu đất sản xuất thì H’ Béc thật thà cho biết: “Nhà mình có 4 người, đã có 5 sào đất. Đi phát rẫy trong rừng căm xe nếu thích thì giữ lại trồng, không thích thì bán cho người khác”.

 

Một đối tượng phát dọn, lấn chiếm đất rừng  căm xe Ninh Tây bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng.

Một đối tượng phát dọn, lấn chiếm đất rừng căm xe Ninh Tây bỏ chạy khi thấy lực lượng chức năng.


Ở Ninh Tây việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng căm xe diễn ra theo kiểu “phong trào”. Theo ông Sử Hồng Quốc Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, với tốc độ này, qua Tết Nguyên đán năm nay, khả năng rừng căm xe sẽ biến mất. Điều lạ là đất rừng ở đây thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa nhưng các hộ dân địa phương lại tranh nhau lấn chiếm, thậm chí các hộ còn đánh nhau để giành đất. Nếu như trước đây, rừng căm xe bị “gặm nhấm” theo kiểu vệt dầu loang - tức là rẫy ở cạnh rừng, người ta ken cây, đốt gốc để cây căm xe chết dần rồi gãy, đốt bỏ, từ đó mở rộng diện tích rẫy. Còn bây giờ, các đối tượng lấn chiếm dùng luôn cưa máy, cưa luôn một thảm rừng, sau đó rong cây, đốt dọn và làm rẫy.

 

Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Năm 2019, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất, đối tượng vi phạm chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm địa phương rà soát, cập nhật diễn biến rừng năm 2019; xác định cụ thể diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm, qua đó phối hợp với chủ rừng và các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn, xử lý.

Theo ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, trước đây, diện tích rừng căm xe Ninh Tây lên đến 702ha, đến giữa năm 2019 chỉ còn 424ha, hơn 278ha đất rừng đã biến thành đất rẫy. Gần đây, tình trạng phá rừng lấy đất càng rầm rộ hơn, chỉ trong một thời gian ngắn, Đội Kiểm tra liên ngành chống phá rừng căm xe được thành lập, phát hiện hàng chục vụ xâm hại rừng căm xe. Riêng việc phá rừng để làm rẫy, lực lượng chức năng đã phát hiện 12 khu vực rừng bị phá, lấy đất làm rẫy với diện tích hơn 67.500m2. Việc xử lý hết sức khó khăn do người dân không thừa nhận, hoặc đưa phụ nữ, trẻ em ra nhận; thậm chí có đối tượng còn kéo đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ninh Tây để gây sự, đe dọa nhân viên bảo vệ rừng.


Chuyện ngang nhiên “hạ sát” rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất không chỉ diễn ra ở Ninh Tây mà còn “nóng” lên ở địa bàn Khánh Sơn trong mùa khô năm 2019. Ông Đỗ Lam Điền - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn cho biết, trong năm nay, đơn vị đã khởi tố 6 vụ hủy hoại rừng, trong đó có 4 vụ tại Sơn Lâm, 1 vụ tại Ba Cụm Bắc và 1 vụ tại Ba Cụm Nam; tổng diện tích rừng bị thiệt hại lên đến 23,86ha. Nguyên nhân của các vụ việc được nhận định xuất phát từ việc người dân phá rừng để lấy đất sản xuất. Không chỉ vậy, chính quyền và lực lượng chức năng địa phương còn hết sức lo lắng trước tình trạng nhiều diện tích rừng thông ở Sơn Bình, Ba Cụm Nam đang bị ken gốc, đốt gốc, cưa hạ để lấy đất làm rẫy.  


Hải Lăng


Kỳ 2: Giải pháp nào để giữ rừng?