10:10, 18/10/2019

Viết tiếp ước mơ từ giảng đường

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong những câu chuyện dưới đây đều có chung một tâm niệm: chỉ có nỗ lực, phấn đấu, theo đuổi con chữ mới mong thay đổi nghịch cảnh và có một tương lai tươi sáng hơn…

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong những câu chuyện dưới đây đều có chung một tâm niệm: chỉ có nỗ lực, phấn đấu, theo đuổi con chữ mới mong thay đổi nghịch cảnh và có một tương lai tươi sáng hơn…


Đường đến trường  nhiều gian nan


Năm em Nguyễn Thị Tuyết Phượng (thôn Lạc Lợi, xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh) lên 6 tuổi, anh trai lên 7 tuổi, căn bệnh ung thư đã mang mẹ em đi, một mình ba phải lao động để nuôi hai anh em ăn học. Vài năm sau, ba đi thêm bước nữa, Phượng cùng anh trai về sống với bà nội. Sóng gió chưa nguôi, 4 năm trước, ba bị tai nạn lao động nằm liệt một chỗ, mẹ kế bỏ đi. Phượng vừa đi học, vừa chăm sóc ba, phụ giúp bà làm ruộng, nhưng em vẫn giữ vững thành tích học tập 12 năm đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Ngày nghe tin Phượng trúng tuyển Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh với số điểm 24,55, cả nhà ai cũng mừng, riêng ba nằm trên giường bệnh, miệng cười mà nước mắt rưng rưng. Nghĩ đến việc mình phải từ bỏ giảng đường đại học vì không đủ tiền đóng học đầu năm, Phượng khóc...

 

Nguyễn Thị Tuyết Phượng và ba.

Nguyễn Thị Tuyết Phượng và ba.


Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó thôn Phú Hòa, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, em Nguyễn Thanh Bình mồ côi cha từ nhỏ, sống cùng người bà nay đã ở tuổi 87 và người mẹ bị hỏng cả hai mắt. Tất cả mọi chi phí cuộc sống trông cậy chủ yếu từ tiền trợ cấp người khuyết tật của mẹ và trợ cấp người cao tuổi của bà. Ý thức hoàn cảnh gia đình, từ nhỏ, Bình vừa học vừa đi làm thêm. Lúc chạy bàn ở quán cà phê, khi trông giữ xe, lúc đi phơi lúa mướn, ai kêu việc gì Bình cũng gắng làm. Năm em học lớp 10, bà ngoại phải bán nốt mấy sào ruộng còn lại để lo trang trải chi phí cuộc sống và cho Bình đi học tiếp.

 

Em Nguyễn Thanh Bình hiện nay đã trở thành tân sinh viên Trường Đại học Nha Trang.

Em Nguyễn Thanh Bình hiện nay đã trở thành tân sinh viên Trường Đại học Nha Trang.


Căn nhà nhỏ xập xệ chưa đầy 17m2 ở thôn Văn Đăng 2, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang là nơi Lê Thị Ý Nhi cùng người cha và mẹ bị khuyết tật bẩm sinh nặng sinh sống qua ngày. Mái nhà được che chắn sơ sài bởi vài miếng bạt nhựa không ngăn nổi nước dột mỗi mùa mưa. Vài đồ đạc cũ kỹ trong nhà được người này, người kia đem cho, tặng. Sáng sáng, mẹ Nhi đã dậy từ 3 - 4 giờ để ra cảng cá gần nhà lột tôm, cắt cá kiếm chút đỉnh…


Em Mấu Thị Ngọc Châu (tổ dân phố Hạp Cường, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) mất ba từ lúc em 6 tuổi, một mình mẹ nuôi hai chị em. Cách đây không lâu, mẹ cũng bệnh mà qua đời, hai chị em sống với dì chưa được bao lâu thì dì cũng ra đi vì bệnh nặng. Không nơi nương tựa, em gái Châu đã được Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Khánh Sơn nhận nuôi. Về phần Châu, tuy thi đỗ vào ngành Công tác xã hội Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) nhưng nỗi lo toan chi phí để trang trải những ngày tháng đến trường vẫn không ngừng đeo bám.

 

Đam mê vẽ tranh, em Bùi Thanh Nguyệt  đã chọn học ngành thiết kế đồ họa.

Đam mê vẽ tranh, em Bùi Thanh Nguyệt đã chọn học ngành thiết kế đồ họa.


Hoàn cảnh của em Bùi Thanh Nguyệt (thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cũng không kém phần khốn khó. Ba bị tâm thần phân liệt, em trai hỏng mắt, mẹ phải đi nhặt phế liệu kiếm sống qua ngày. Căn nhà lụp xụp dựng từ vài miếng tôn, tấm bạt, thiếu trước hụt sau…

 

Theo con chữ để nuôi mơ ước


Chứng kiến cảnh mẹ qua đời, người thân đau bệnh đã làm Nguyễn Thị Tuyết Phượng nuôi đau đáu trong mình ước mơ theo học một ngành nào đó liên quan đến sức khỏe. Bà ngoại của Phượng nói trong tiếng nấc: “Thương cháu gái, tôi đã thuyết phục, động viên ba Phượng cho cháu đi học rồi hứa vay tạm tiền nhập học. Anh em, hàng xóm biết chuyện, người ít, người nhiều ủng hộ, động viên Phượng tới trường”. Nhờ khoản học bổng đặc biệt 15 triệu đồng từ chương trình “Tiếp sức đến trường”, cùng nguồn tài trợ học phí, chi phí sinh hoạt mỗi tháng 2,5 triệu đồng suốt khóa đại học của một đại diện doanh nghiệp dành cho Phượng, em đã có thêm động lực để tiếp tục hiện thực hóa mơ ước của mình.


Nguyễn Thanh Bình kể, gần nhà em, nhiều bạn học đến lớp 10, 11 đã phải nghỉ học để đi làm. Sợ không đủ chi phí theo học đại học, lại muốn có việc làm sớm để đỡ đần mẹ và bà nên em cũng nghĩ đến việc học hết lớp 12 sẽ đi làm. Nhờ sự động viên, hỗ trợ của cô Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã, em cố gắng theo đuổi việc học. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển ngành Kỹ thuật cơ khí Trường Đại học Nha Trang, Bình vừa mừng, vừa lo. Mừng vì cánh cổng đại học đã mở, lo vì bà và mẹ ở quê không có người thân chăm sóc, đành trông cậy bà con lối xóm đỡ đần…


Em Lê Văn Dũng (thôn Nhơn Thọ, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh), tân sinh viên Trường Đại học Đông Á cũng từng có ý định nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Dũng kể, em không còn cả cha lẫn mẹ từ năm lên 10, phải sống cùng ông bà nội đã già yếu và sự hỗ trợ từ người dì. Nhờ sự động viên từ mọi người, em nghiệm ra rằng, phải tiếp tục con đường học vấn để lo cho bản thân, gia đình và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khác. 12 năm đèn sách, Dũng đều đạt học sinh giỏi, luôn đi đầu trong công tác đoàn, hội, là điển hình thanh niên tiêu biểu của trường và địa phương.

 
Hoàn cảnh khó khăn nhưng em Bùi Thanh Nguyệt vẫn giữ thành tích học sinh khá, giỏi 12 năm liền và đỗ vào ngành Thiết kế đồ họa Trường Đại học Văn Lang. Với suất học bổng 15 triệu đồng từ chương trình “Tiếp sức đến trường”, cùng sự hỗ trợ toàn bộ học phí trong suốt 4 năm đại học từ một nhà hảo tâm, Nguyệt vững tin hơn vào lựa chọn theo đuổi giảng đường đại học.  


Ngày em Nguyễn Trúc Hà (tổ dân phố Nghĩa Phú, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) rời quê hương vào TP. Hồ Chí Minh nhập học, em đã mường tượng cuộc sống xa quê chẳng hề dễ dàng, nhất là với một cô tân sinh viên mang căn bệnh hiếm gặp, bề ngoài chỉ nhỏ bé giống một học sinh cấp 2. Hà tâm sự: “Ý thức bản thân không dễ xin việc làm, em tự nhủ phải học thật tốt để mai này có thể đỡ đần cho mẹ, chữa bệnh cho ba”. Còn cô tân sinh viên Trường Đại học Nha Trang Lê Thị Ý Nhi cũng chẳng ước mong gì xa vời, chỉ mong mai này tìm được công việc ổn định, có thu nhập để chăm lo lại cho ba mẹ, sửa sang lại căn nhà cũ kỹ. Mấu Thị Ngọc Châu thì thổ lộ sau này ra trường có thể tìm được việc làm và giúp đỡ các trường hợp khó khăn như em hiện tại.


Mỗi tân sinh viên là một câu chuyện về nghị lực vượt khó để kiếm tìm tri thức và đền đáp ơn nghĩa với gia đình. Chọn giảng đường đại học là nơi bắt đầu của những ước mơ tuổi 18, câu chuyện của Phượng, của Bình… là minh chứng cho thấy quyết tâm thay đổi cuộc đời của những số phận nghèo. Vẫn biết chặng đường phía trước còn rất nhiều gian nan, nhưng với ý chí, nghị lực cùng sự đồng hành của cộng đồng, sự chung tay của những tấm lòng nhân ái, các em sẽ có cơ hội được theo đuổi đến cùng con chữ để có một tương lai tươi sáng hơn…


NGÂN TRÚC