Thời gian qua, các đơn vị công an đã nỗ lực trấn áp nạn "tín dụng đen", nhưng kết quả chưa như mong đợi. Để khống chế được hoàn toàn vấn nạn này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp, ngành.
Kỳ 2: Cần vào cuộc quyết liệt
Thời gian qua, các đơn vị công an đã nỗ lực trấn áp nạn “tín dụng đen”, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Để khống chế được hoàn toàn vấn nạn này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp, ngành.
Lãi mẹ đẻ lãi con
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, chỉ có các NH hoặc công ty tài chính được cơ quan điều hành cho phép mới được huy động vốn và cho vay. Nhưng trên thực tế, một số công ty chưa được cấp phép vẫn huy động vốn rồi cho vay, thậm chí còn câu kết với nhóm đòi nợ thuê để hoạt động, khiến nhiều người vay lâm vào cảnh… khốn cùng.
N.V.H. là ví dụ. H. vốn là sinh viên, hộ khẩu TP. Nha Trang, gia đình khá giả. Vì ham cá độ bóng đá nhưng bị thua liên tục, H. phải vay nóng nhiều lần, số nợ gộp lãi lên gần 500 triệu đồng. Chủ nợ nhiều lần đến nhà H. đòi nợ, đánh H. ngay trước mặt cha mẹ để dằn mặt. Thương con, cha mẹ H. nhiều lần trả nợ thay với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Cuối cùng, gia đình phải cho H. nghỉ học đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.
Còn bà P.T.T (thị xã Ninh Hòa) hiện nay chỉ còn biết vác đơn đi kêu cứu. 7 năm trước, để giúp bà M. đáo hạn NH, bà T. vay bà Phạm Thị Thanh (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) và một phụ nữ khác 200 triệu đồng/người nhưng chỉ thỏa thuận miệng; đồng thời, đem giấy tờ nhà vay NH thêm 200 triệu đồng. Sau 4 năm đều đặn trả lãi, cuối năm 2016, bà M. đổ nợ. Gánh lãi thay không nổi, bà T. năn nỉ bà Thanh miễn lãi bởi sau 4 năm, bà Thanh cũng đã nhận hơn 700 triệu đồng tiền lãi! Bà Thanh lại bày vợ chồng bà T. giả ghi giấy vay nợ 2 lần, tổng cộng 450 triệu đồng “để có căn cứ dẫn đi mua nhà bà M. trừ nợ”. Nhưng chỉ 1 ngày sau khi có giấy nhận nợ, bà Thanh đã kiện bà T. ra tòa. Quá trình thương lượng, bà Thanh đề nghị “nhẹ nhàng”: nếu thế 2 sổ đỏ khác sẽ cho vay ngay 400 triệu đồng! Cùng đường, bà T. đi vay nóng 200 triệu đồng, tính trả nợ NH rồi xin vay tiếp 250 triệu đồng trả bớt cho bà Thanh. Nhưng do bà Thanh đang kiện và có đơn ngăn chặn nên bà T. chỉ được trả giấy tờ nhà mà không thể giao dịch, chuyển nhượng. Bà T. cho biết, hiện nay, nhà bà đã bị đấu giá, nếu không có 420 triệu đồng thì vài bữa nữa sẽ bị cưỡng chế! Bà T. rầu rĩ: “Hồi đầu, mỗi lần vay giùm, tôi cũng được bà Thanh cho vài trăm ngàn đồng, sau đó, cứ vay 100 triệu đồng được 500.000 đồng. Chút tiền đó, so với cái nhà sắp mất chẳng đáng gì”.
Còn bà N.T.C. (TP. Nha Trang) thì cùng quẫn sinh phạm tội vì khoản nợ 20 triệu đồng chữa tai biến cho chồng. Tâm sự với một đối tượng tên Hòa, bà được nhiệt tình tư vấn: muốn có tiền nhanh thì thế chấp giấy tờ nhà để vay. Không có nhà, bà C. nảy ra “tối kiến” cầm thế căn nhà đang thuê. Bà liên hệ Hòa làm giả giấy tờ, chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu theo địa chỉ nhà thuê, lấy tên Trần Thị Thu Vân và trả công Hòa 10 triệu đồng. Sau đó, bà C. dẫn người cho cầm thế đến xem nhà, giao toàn bộ giấy tờ giả để vay 30 triệu đồng trong 2 tháng. Khi người cho cầm thế tố cáo, bà C. khóc ròng: “Các đối tượng đòi chém, đòi giết, tôi muốn trốn, nhưng còn gia đình? Tôi tính liều mượn 1 - 2 tháng rồi xoay tiếp, nào ngờ…”. Hiện nay, bị cáo C. đang chuẩn bị hầu tòa về 2 tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Nỗ lực trấn áp
Thượng tá Lê Bửu Lộc - Phó Trưởng Công an TP. Cam Ranh cho biết, từ cuối năm 2015, trên địa bàn nổi lên nhiều đối tượng đến từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội… tới thuê nhà, mở dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính, bán vé máy bay, thực chất cho vay lãi suất cao. Chúng câu kết với người dân để thuê nhà rồi nhờ họ đứng tên chủ cơ sở mua bán xe máy cũ, hỗ trợ tài chính. Khi người vay gọi điện thoại, chúng hẹn địa điểm gặp, xác minh chỗ ở, cầm chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… và giao tiền. Đa số người vay trả góp. Các đối tượng cộng lãi vào gốc, chia đều tiền phải trả theo ngày và ấn định thời gian cho đến khi thu hồi hết. Nếu người vay không trả đúng ngày, các đối tượng phạt bằng tiền. Để ràng buộc người vay, đối tượng luôn chuẩn bị sẵn hợp đồng cho vay không ghi lãi suất hoặc ghi chung chung. Chúng còn làm sẵn cho người vay bản cam kết với nội dung: nếu không trả đủ tiền và đúng hạn sẽ tự nguyện để thu giữ tài sản có giá trị tương đương, người cho vay không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi người vay không thể trả nợ, các đối tượng gọi điện, dán hình nơi công cộng nhằm bôi nhọ nhân phẩm, hoặc đe dọa trực tiếp.
Để trấn áp, Công an TP. Cam Ranh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, xã, phường tăng cường tuyên truyền về các thủ đoạn lôi kéo cho vay và nhận biết hậu quả để người dân phòng tránh. Qua phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, năm 2018, đơn vị đã phát hiện 6 nhóm đối tượng có biểu hiện cho vay kiểu “tín dụng đen”. Công an đã kiểm tra 4 cơ sở; còn lại 1 cơ sở thường xuyên đóng cửa, 1 cơ sở đã trả mặt bằng ở số 1708 Hùng Vương, phường Cam Phú. Qua đó, công an đã xử phạt hành chính 3 cơ sở mua bán xe máy cũ, có giấy phép kinh doanh nhưng cầm thế xe không chính chủ; thu của 2 cơ sở 104 bộ hồ sơ vay, danh sách khách hàng vay cùng nhiều vật chứng khác và củng cố hồ sơ xử lý. Đơn vị cũng đã làm việc với 25 người vay, xác định họ phải trả lãi suất 20% trong 25 - 40 ngày. Hiện tại, đơn vị đã có văn bản gửi NH đề nghị xác định lãi suất cho vay này đã vượt mức cho phép hay chưa, từ đó có phương án xử lý theo quy định.
Thượng tá Nguyễn Đức Thành - Phó Trưởng Công an TP. Nha Trang xác nhận, đơn vị đang tăng cường đấu tranh, lên danh sách quản lý các đối tượng, nhất là các đối tượng có biểu hiện cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê…; đang củng cố hồ sơ khởi tố một số nhóm đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi. Trong số này, nhiều nhóm cho vay, đòi nợ thuê đến từ khu vực phía bắc. Ngày 15-5, Công an TP. Nha Trang đã bắt khẩn cấp Trần Văn Tình (sinh năm 1991, quê tỉnh Hà Nam, thuê căn hộ Mường Thanh Viễn Triều, Nha Trang) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản của con nợ.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Lãnh đạo một số đơn vị công an kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý hoạt động cho vay tín dụng; khuyến khích mở rộng các dịch vụ cho vay của Nhà nước; phát động quần chúng tích cực tố giác hoạt động cho vay kiểu “tín dụng đen” cũng như các hành vi vi phạm của các đối tượng đòi nợ; tăng cường kiểm tra hành chính nhằm phát hiện những cơ sở cho vay kiểu “tín dụng đen” để xử lý theo quy định. Đối với người dân, khi gặp khó khăn về kinh tế nên tới các cơ sở tín dụng chính thống để liên hệ. Khi bị các đối tượng đòi nợ cố ý gây thương tích, bắt cóc, hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản…, cần kịp thời báo ngay cho cơ quan công an. |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số đơn vị công an, rất khó đấu tranh với nạn “tín dụng đen”, bởi các đối tượng vi phạm hầu hết là người ngoài tỉnh, không có nơi ở cố định nên khó xác minh lai lịch, cũng không mời lên làm việc được. Thời gian qua, công an chỉ xử lý được các đối tượng có hành vi kèm theo khi tổ chức đòi nợ, siết nợ thuê như: hủy hoại, cưỡng đoạt tài sản; cố ý gây thương tích; bắt cóc để buộc trả nợ... Liên quan đến hoạt động cho vay kiểu “tín dụng đen”, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định 2 tội phạm: tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài (Điều 206) và tội cho vay lãi nặng (Điều 201). Nhưng khung hình phạt của Điều 201 lại chưa đủ sức răn đe: phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Ngoài ra, để có cơ sở xác định lãi suất cho vay nặng cần có văn bản của NHNN.
Thượng tá Lê Bửu Lộc xác nhận, đến nay, đơn vị chưa hề nhận được đơn của người vay tố giác các đối tượng. Còn Thượng tá Nguyễn Đức Thành cho biết, trong giấy nhận nợ thường ghi không đầy đủ họ tên hoặc chỉ ghi tên thường gọi, nên khi công an phát hiện, các đối tượng dễ dàng tiêu hủy chứng cứ.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, hiện nay, các NH thương mại đều căn cứ theo Luật Các tổ chức tín dụng, hướng dẫn của Thống đốc NHNN Việt Nam để đưa ra các gói sản phẩm cho vay của từng đơn vị; đồng thời quy định về thủ tục, điều kiện cho vay đối với những gói sản phẩm đó. Nhưng theo chia sẻ của một lãnh đạo NH thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Khánh Hòa, với người dân lao động tự do có nhu cầu vay vốn tiêu dùng hình thức tín chấp, thường rất khó xét duyệt cho vay, vì phải xác nhận có thu nhập đều đặn hàng tháng. Ông Nguyễn Công Bằng - Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) cho biết, để tạo điều kiện cho người dân lao động tự do có nhu cầu vay vốn tín dụng, địa phương đều xác nhận về nghề nghiệp, địa chỉ thường trú; nhưng về thu nhập thì người dân tự khai. Lãnh đạo BIDV Chi nhánh Khánh Hòa thừa nhận, tuy đây là một loại hình cho vay vốn bình thường nhưng đơn vị chưa dám mở rộng vì tốn nhân lực, thời gian xác minh. Hiện nay, đơn vị đã xét duyệt cho đối tượng này vay vốn nhưng số lượng không nhiều.
NHÓM PHÓNG VIÊN