10:05, 10/05/2019

Vui, buồn mùa muối

Bước vào vụ muối năm 2019, trong khi những diêm dân làm muối theo mô hình trải bạt ở thị xã Ninh Hòa vui mừng vì sản lượng ổn định, thì nhiều diêm dân sản xuất muối  trên nền đất lại lao đao vì năng suất thấp, giá bán giảm.

Bước vào vụ muối năm 2019, trong khi những diêm dân làm muối theo mô hình trải bạt ở thị xã Ninh Hòa vui mừng vì sản lượng ổn định, thì nhiều diêm dân sản xuất muối  trên nền đất lại lao đao vì năng suất thấp, giá bán giảm.


Lao đao nghề muối truyền thống


Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có mặt tại tổ dân phố 3, phường Ninh Diêm, một địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của thị xã Ninh Hòa. Thay cho những hình ảnh thường thấy của các năm trước là những đồng muối trắng xóa, nhiều gò muối cao ngất ngưởng chờ thu mua, trước mắt chúng tôi là hình ảnh diêm dân vội vã cào, gánh muối chạy đua dưới cơn mưa rào bất chợt đổ xuống giữa trưa, thưa thớt những gò muối đã được thu hoạch.

 

Việc sản xuất muối đất ngày càng khó khăn.

Việc sản xuất muối đất ngày càng khó khăn.


Trên ruộng muối rộng 5.000m2, dù đang 12 giờ trưa nhưng ông Nguyễn Ngân - phường Ninh Diêm vẫn tất bật cào muối ở các thửa ruộng. 3 nhân công thay nhau gánh các ụ muối vừa được cào xong, nhanh chóng chuyển lên những tấm bạt trải bên đường. “Muối vừa kết tinh, mưa ào xuống nên dù trưa hay sáng sớm đều phải tranh thủ thu hoạch, nếu không muối tan hết coi như bỏ”, ông Ngân giải thích và cho biết, vụ muối năm nay diêm dân làm muối đất gặp nhiều khó khăn. Ngoài thời tiết mưa nắng thất thường, do ảnh hưởng của các cơn bão những năm trước nên độ mặn nguồn nước để làm muối giảm, dẫn tới thời gian muối kết tinh dài, sản lượng thu hoạch thấp. Không chỉ thế, tuy mới đầu mùa nhưng giá muối đất hiện rất thấp, chỉ khoảng 550.000 - 600.000 đồng/tấn, trong khi giá thuê nhân công, nhất là công gánh tăng cao (tăng 30% - 40% so với năm ngoái). Quệt những giọt mưa vương trên mặt, ông Ngân nói: “Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi chỉ mới thu hoạch được 30 tấn, bằng 1/3 năm ngoái. Tiền bán muối được gần chục triệu chỉ đủ trả công gánh, còn công cào, sửa ruộng, đắp bờ của gia đình tôi đầu vụ đến giờ chưa thu được đồng nào. Không chỉ giá thấp mà muối đất còn rất khó bán”.


Cách ruộng muối của ông Ngân không xa, gia đình ông Nguyễn Hữu Hùng - tổ dân phố 3 cũng đang tất bật thu hoạch muối. Ông Hùng cho biết, gia đình có 1,5ha muối, từ đầu vụ đến nay sản lượng thu hoạch giảm gần 1/2 so với năm ngoái. “Nếu muối đất được thu mua với giá 800.000 - 900.000 đồng/tấn, may ra những người làm muối đất mới có lời chút ít, chứ với giá muối như hiện nay, tiền công lại tăng cao thì coi như gia đình không có thu nhập. Tôi đang hy vọng những tháng tới, trời nắng gắt, muối kết tinh nhiều, sản lượng tăng cao để gỡ lại chút vốn liếng”, ông Hùng nói.

 

Những ụ muối vừa được diêm dân thu hoạch.

Những ụ muối vừa được diêm dân thu hoạch.


Không chỉ diêm dân làm muối đất gặp khó, Hợp tác xã (HTX) Muối 1-5 Ninh Diêm cũng rơi vào tình trạng tương tự. HTX hiện có 105ha muối, đến thời điểm này, sản lượng muối thu hoạch được hơn 250 tấn, chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đầu vụ đến nay, có 15/42 sở ruộng của HTX chưa thu hoạch được tấn muối nào, do nước không đủ độ mặn để kết tinh muối.


Ông Trương Công Hiến - Giám đốc HTX Muối 1-5 Ninh Diêm cho biết: Hiện nay, hoạt động của HTX gặp nhiều khó khăn. Giá muối, sản lượng thu hoạch đều thấp, trong khi thành viên của HTX phần lớn trên 60 tuổi nên chỉ thực hiện được công cào, còn công gánh phải thuê, dẫn đến thu không đủ bù chi, nhiều thành viên của HTX phải bỏ tiền túi ra để trả công gánh. Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, sắp tới, HTX sẽ chuyển một số ruộng muối ở vị trí thấp, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, còn những ruộng cao sẽ chuyển sang làm muối bạt. Ngoài ra, HTX thí điểm mô hình giao khoán sở ruộng cho các tổ sản xuất, bước đầu đã thí điểm được 6 tổ. Sau khi giao khoán, các ruộng muối được khoán cho thu hoạch trung bình từ 5 - 7 tấn/tháng, cao gần gấp đôi so với các ruộng muối khác. Sau vụ muối năm 2019, HTX sẽ đánh giá lại hiệu quả hoạt động sản xuất của các tổ giao khoán để nhân rộng.


Muối bạt ổn định


Gặp nhiều khó khăn khi sản xuất muối đất, hơn 7 năm trở lại đây, nhiều diêm dân ở phường Ninh Diêm chuyển sang làm muối theo phương pháp trải bạt. Nhờ chất lượng, giá thu mua ổn định nên từ đầu vụ đến nay, nhiều hộ làm muối bạt thu lời hàng chục triệu đồng, có hộ lãi hơn 100 triệu đồng.


Vừa bán xong 10 tấn muối bạt mới thu hoạch, ông Nguyễn Hữu Tiến - tổ dân phố Phú Thọ 3, Ninh Diêm khoe, 5 năm nay gia đình ông chuyển 1,5ha ruộng muối đất sang sản xuất muối bạt với tổng chi phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Sau khi chuyển đổi, trừ chi phí đầu tư, nhân công, bình quân mỗi năm ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Riêng vụ đầu năm nay, mỗi tháng gia đình ông thu hoạch được khoảng 35 tấn. Với giá bán dao động từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/tấn muối bạt, gia đình ông lãi từ 20 - 30 triệu đồng. Ông Ngô Diện - tổ dân phố Phú Thọ 2, phường Ninh Diêm cũng không giấu được niềm vui: “Gia đình tôi có 3ha muối bạt, từ đầu vụ đến nay thu được gần 250 tấn. Với giá thu mua muối bạt như hiện nay, tôi lãi hơn 100 triệu đồng”. 


Theo nhiều diêm dân ở phường Ninh Diêm, toàn phường có khoảng 30 hộ làm muối. 7 năm trước, ở phường chỉ có 1 - 2 hộ làm muối bạt, nguyên nhân do mô hình này cần vốn đầu tư khá cao nên nhiều diêm dân còn e ngại. Nhưng qua thời gian, thấy được ưu thế về năng suất, chất lượng, giá cả nên một số hộ đã chuyển từ làm muối đất sang muối bạt.

 

Vụ muối 2019, toàn tỉnh có khoảng 900ha ruộng sản xuất muối, tập trung chủ yếu ở thị xã Ninh Hòa, phân bố ở các xã, phường: Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Hải và Ninh Thọ.

Ông Nguyễn Phước Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Diêm cho biết, hiện nay toàn phường có 10 hộ làm muối bạt với diện tích khoảng 50ha. Thấy được hiệu quả của công nghệ làm muối bạt, nhiều năm qua, địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn kỹ thuật cho diêm dân; tạo mọi điều kiện để diêm dân tiếp cận được Nghị quyết 26 HĐND tỉnh (ban hành năm 2016) về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay đầu tư sản xuất muối kết tinh trên bạt; mức cho vay không quá 50 triệu đồng/ha; hạn mức đối với cá nhân là 250 triệu đồng, HTX 500 triệu đồng, thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 2 năm. Tuy nhiên, do gánh nặng đầu tư ban đầu quá lớn nên số hộ chuyển đổi chưa nhiều.


Ông Nghĩa kiến nghị: “Để diêm dân sống được với nghề muối, hạn chế tình trạng giá muối bấp bênh, phụ thuộc hầu hết vào thương lái như hiện nay, Nhà nước nên có chính sách thu mua muối để bình ổn giá, có như thế diêm dân mới an tâm sản xuất”. Đây không chỉ là mong muốn của lãnh đạo địa phương mà là mong mỏi của tất cả diêm dân đang hàng ngày gắn bó với ruộng muối.


VÂN LY