01:05, 18/05/2019

Vang mãi bài ca Trường Sơn

60 năm đã qua kể từ ngày "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", ký ức về những ngày mở đường, bảo vệ con đường chiến lược để chi viện cho chiến trường miền Nam vẫn còn in đậm trong tâm trí những người lính Trường Sơn năm xưa.

60 năm đã qua kể từ ngày “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ký ức về những ngày mở đường, bảo vệ con đường chiến lược để chi viện cho chiến trường miền Nam vẫn còn in đậm trong tâm trí những người lính Trường Sơn năm xưa.


Năm xưa đi mở đường


Năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng ông Nguyễn Ngọc Hòa (48 Lê Thành Phương, TP. Nha Trang) vẫn nhớ như in về những ngày mở đường Trường Sơn. Cuối năm 1964, sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công binh, ông Hòa được biên chế vào Trung đoàn Công binh 229 tham gia mở đường đoạn ngã ba Lục Tùng Bé thuộc hạ Lào. Khi ấy, đường mòn Trường Sơn vẫn chưa thông tuyến. Việc vận chuyển hàng hóa, khí tài từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, qua đoạn đường này vẫn bằng phương pháp gùi và thồ bằng xe đạp. Ngay sau khi đến nơi, ông Hòa (khi ấy là Đại đội trưởng) chỉ đạo chiến sĩ vừa gấp rút xây dựng, củng cố hệ thống công sự hầm hào, vừa ra sức mở đường, đồng thời trực tiếp tham gia gùi, thồ hàng hóa. “Cả đại đội có 100 chiếc xe đạp để thồ hàng và chở người. Khi không thồ hàng thì tham gia mở đường. Máy móc không có nên anh em phải đục đá, nổ mìn để làm đường lớn… rất gian khổ. Bệnh sốt rét hoành hành, ăn uống kham khổ nhưng tất cả đều nỗ lực vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Hòa kể. Từ năm 1965, đường thông tuyến, bộ đội ta chuyển sang vận chuyển bằng xe cơ giới, Mỹ tập trung ném bom đánh phá và rải chất độc ngày càng ác liệt. Sau mỗi lần địch rải bom, đơn vị ông Hòa  lại lao lên mặt đường, chia nhau dò bom, lấp hố bom để xe qua.

 

Vượt đường Trường Sơn vào chiến trường.

Vượt đường Trường Sơn vào chiến trường.


Thuộc thế hệ trẻ hơn, bà Nguyễn Thị Hải Hậu (65 tuổi, phường Lộc Thọ) cũng từng xung phong đi bộ đội năm 1973, tham gia lực lượng công binh ở đường Trường Sơn. Lúc ấy, cuộc kháng chiến đã vào giai đoạn cuối, nhưng đơn vị của bà Hậu vẫn tham gia làm đường suốt từ Quảng Bình đến Kon Tum. “Cứ gặp khe suối chúng tôi lại dừng lại cưa cây, làm đường; rồi dùng bộc phá mở đường. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên đánh bộc phá…”, bà Hậu kể.

Quyết tâm bảo vệ con đường huyết mạch


Mở đường Trường Sơn đã khó, nhưng bảo vệ đường Trường Sơn còn gian nan hơn, bởi địch đánh phá suốt đêm ngày. Ông Nguyễn Bách Khoa (76 tuổi, trú phường Phước Long, TP. Nha Trang) vẫn nhớ như in quãng thời gian bảo vệ bến phà Long Đại (Quảng Ninh, Quảng Bình) - nơi được mệnh danh là “túi bom” của đường Trường Sơn ngày ấy. Từ đầu năm 1969, bom đạn dồn dập trút xuống địa bàn đơn vị ông Khoa kiểm soát, trong đó có rất nhiều bom từ trường. Để xử lý loại bom này, lính công binh phải dùng tấm tôn gò thành chiếc thuyền, bỏ đá vào rồi buộc dây 2 đầu, kéo qua kéo lại để kích nổ. Với những quả cắm quá sâu vào lòng đất, lính công binh phải cột dây vào chân rồi thòng người xuống để gỡ bom nên rất nguy hiểm. Đã có nhiều người lính hy sinh, bị thương trong quá trình gỡ bom, mìn. Đến bây giờ, ông Khoa vẫn không thể nào quên được nỗi ám ảnh vào một buổi sáng tháng 4-1969. “Hôm đó, trong lúc đi trinh sát thực địa, một đồng chí trong tổ của tôi giẫm phải mìn. Vụ nổ khiến 2 người hy sinh, 4 người bị thương nặng, trong đó bản thân tôi bị nhiều vết thương khắp người và mất đi bánh chè chân trái”, ông Khoa nhớ lại.

 

Vận chuyển vũ khí chi viện  cho chiến trường miền Nam trên đường Trường Sơn. (Ảnh tư liệu)

Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trên đường Trường Sơn. (Ảnh tư liệu)


Đầu năm 1968, đơn vị của ông Đậu Quốc Hương (75 tuổi, phường Phước Long, TP. Nha Trang) hành quân thần tốc từ Quân khu 4 vào Bản Đông (tỉnh Savanakhet, Lào) để đánh địch, bảo vệ bộ đội mở đường Trường Sơn và những đoàn xe vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam. Suốt 7 năm bảo ở Bản Đông, ông Hương cùng đồng đội đã nhiều lần chiến đấu cảm tử với giặc lái của  địch. Tháng 3-1969,  ông Hương được lệnh chỉ huy một trung đội nhận nhiệm vụ kéo 2 khẩu pháo vào một quả đồi cách đường Trường Sơn khoảng 5km ngay trong đêm để chuẩn bị đánh đoàn máy bay trực thăng địch tập kích bắn phá đoàn xe vận chuyển của ta. “10 giờ sáng hôm sau, khi vừa nhận được tin của trinh sát báo phát hiện đoàn 7 chiếc trực thăng địch thì chúng đã bay sát trên đầu. Do mục tiêu quá gần nên không thể sử dụng pháo, trung đội chúng tôi đã dùng 9 khẩu súng AK nhằm vào trực thăng địch mà nhả đạn. Kết quả không ngờ là đã hạ được một chiếc trực thăng”, ông Hương kể với giọng hào hứng...


Ký ức đau thương trong đời lính của ông Hương diễn ra sau đó không lâu. “Đêm ấy, chúng tôi đang sẵn sàng để bảo vệ một đoàn xe vận tải thì bị máy bay địch phát hiện trận địa và rải bom bi. Bị tập kích bất ngờ, tôi vẫn kịp nhảy lên khỏi hầm để chỉ huy trung đội đánh trả, nhưng 1 chiến sĩ đã hy sinh, tôi và 2 người khác bị thương nặng”, ông Hương kể.


“Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”


Năm 1964, đang là giáo viên dạy học ở Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Chững (78 tuổi, hiện trú tại phường Phước Long, TP. Nha Trang) xin nhập ngũ vào công nhân quốc phòng; rồi được đi học lái xe, tham gia vận chuyển hàng quân sự từ Thanh Hóa vào Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị), dọc đường 12 để đến trung Lào. Ngày ấy, lái xe đường Trường Sơn là đối mặt với mưa bom bão đạn, ấy vậy mà bà cùng các nữ đồng đội vẫn không hề run sợ. Trong chuyến xe vào năm 1967, khi đoàn xe đang qua phà Bến Thủy (Nghệ An) máy bay địch phát hiện, bắn rốc-két và tàu chiến từ ngoài biển nã pháo vào. Phà trúng pháo, bị đứt cáp và trôi tự do. “Cánh lái xe chúng tôi chỉ biết lao xuống sông, cùng với lực lượng điều phà nỗ lực cứu phà, cứu xe. Sau khi cứu được phà cập bến, nhiều người bị thương, nhưng vẫn nhanh chóng lên xe cầm vô lăng chạy đến nơi an toàn”, bà Chững kể. Lần khác, khi chở dầu chạy đến địa phận tỉnh Hà Tĩnh, đoàn xe của bà bị địch đánh phá. “Phát hiện xe bị trúng đạn, tôi trèo lên xe, lăn các phuy dầu xuống, rồi lại nhảy xuống dựng đứng các phuy dầu lên để không bị chảy ra. Bất ngờ, một tiếng nổ lớn bên tai. Hôm sau, khi tỉnh lại ở một trạm cứu thương, tôi mới biết mình đã bị trúng đạn, nhiều mảnh găm vào người, trong đó có 3 mảnh găm vào đầu”, bà Chững cho biết. Sau lần đó, bà Chững vinh dự được kết nạp Đảng và được Bộ Giao thông vận tải tặng danh hiệu “Dũng sĩ giao thông vận tải đánh thắng giặc Mỹ”.

 

Niềm vui hội ngộ của những người lính đường Trường Sơn.

Niềm vui hội ngộ của những người lính đường Trường Sơn.


Năm 1971, đang học năm cuối Đại học Sư phạm Hà Nội, ông Phạm Duy Khiêm (hiện là Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh) đã từ giã giảng đường vào Trường Sơn. Nhiều bạn bè của ông cũng lên đường ra trận. Tham gia lực lượng phòng không, chàng trai trẻ đã có mặt ở những điểm nóng đường Trường Sơn đoạn qua Quảng Bình như: đường 20, phà Xuân Sơn, phà Long Đại… Ông cùng đồng đội đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công của máy bay địch, bảo vệ việc vận chuyển hàng hóa. Có lần đơn vị đã bắn hạ được máy bay địch, bắt sống giặc lái tại ngã ba Thạch Bàn, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Bản thân ông Khiêm với sáng kiến trong việc bắn máy bay cũng vinh dự được dự Đại hội thi đua quyết thắng, được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Ký ức đường Trường Sơn của ông Khiêm còn là những hy sinh của đồng đội. “Một lần ở phà Xuân Sơn, địch cho máy bay đến bắn phá, một quả bom trúng thẳng vào khẩu đội khiến chiến sĩ Thu quê ở Vĩnh Phúc hy sinh. Thi thể của anh không còn nguyên vẹn. Cách đơn vị chúng tôi không xa, địch cũng dội bom thẳng vào đội hình quân ta khiến 8 người hy sinh cùng một lúc….”, ông Khiêm kể.


Trong câu chuyện về đường Trường Sơn, những người lính, người thanh niên xung phong năm xưa đều tự hào vì đã cống hiến một thời tuổi trẻ cho con đường huyền thoại, góp chút sức nhỏ bé cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Phạm Duy Khiêm cũng như nhiều người lính khác đều nói rằng, nếu được chọn lại họ vẫn sẽ ra trận, vẫn sẽ sống chết với đường Trường Sơn bởi họ đã “đi theo ánh lửa từ trái tim mình”.

 


 THẾ ANH -  XUÂN THÀNH

 

 


 

Ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 nhiệm vụ mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam với lực lượng khoảng 500 cán bộ, chiến sĩ do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng. Đến năm 1965, Đoàn 559 đã phát triển thành Bộ Tư lệnh 559 - tương đương cấp quân khu. Năm 1970, Bộ Tư lệnh 559 phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn - đơn vị cấp quân khu với lực lượng hùng hậu gồm: 9 sư đoàn cùng với 21 trung đoàn trực thuộc, quân số hơn 100.000 cán bộ, chiến sĩ và 10.000 thanh niên xung phong. Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh trở thành chiến trường có không gian rộng lớn trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc của Campuchia.