08:10, 05/10/2018

Gian nan hồi sinh vú sữa Diên Bình

Cơn bão số 12 cuối năm 2017 đã làm hư hại phần lớn những vườn cây vú sữa ở xã Diên Bình, huyện Diên Khánh. Việc khôi phục lại loài cây đặc sản này cần có thời gian dài với nhiều khó khăn.

Cơn bão số 12 cuối năm 2017 đã làm hư hại phần lớn những vườn cây vú sữa ở xã Diên Bình, huyện Diên Khánh. Việc khôi phục lại loài cây đặc sản này cần có thời gian dài với nhiều khó khăn.


Sẽ thất thu nhiều năm


Ông Phạm Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết, cơn bão số 12 đã khiến 60ha cây ăn quả của xã bị hư hại nặng, trong đó có 40ha cây vú sữa bị hư hại đến 70 - 80%. Niên vụ vừa qua (kéo dài từ Tết Nguyên đán đến hết tháng 3 âm lịch) các nhà vườn trồng vú sữa gần như không thu hoạch được gì. “Độ này, những năm trước, các vườn vú sữa ở các thôn: Nghiệp Thành, Lương Phước trái đã đầy cành. Cứ đầu tháng Chạp, thương lái các nơi đã đổ xô về đây gom hàng đem đi khắp nơi. Ấy vậy nhưng năm nay, vì bị ảnh hưởng của bão, sức cây yếu nên hoa nở muộn, đến giờ cũng chưa thấy quả”, ông Phong nói.

 

Ông Lê Văn Dũng chăm sóc số cây vú sữa còn lại sau cơn bão số 12.

Ông Lê Văn Dũng chăm sóc số cây vú sữa còn lại sau cơn bão số 12.


Tôi đến nhà ông Lê Văn Tín - thôn Lương Phước, một trong những hộ trồng nhiều vú sữa nhất ở Diên Bình. Trong máy tính của tôi vẫn còn những khuôn hình chụp khu vườn ông Tín tan hoang sau bão mà ai nhìn cũng thấy xót xa, nuối tiếc. Hiện nay, màu xanh đã trở lại với những cây chuối xanh um đang cho quả nhìn rất thích mắt, nhưng gương mặt ông Tín không mấy vui. Nhắc đến chuyện bão bùng, ông Tín buồn rười rượi: “Nhà tôi có 7.000m2 đất chuyên trồng vú sữa, mỗi vụ cho thu nhập hơn 150 triệu đồng. Cơn bão số 12 đã làm gãy đổ hết nên vụ qua không thu được gì. Thà nhà tốc mái mình bỏ ra vài chục triệu đồng sửa, còn cây vú sữa bị gãy đổ là mất trắng cả chục năm còn chưa phục hồi lại như trước bão”, ông Tín nói. Sau bão, ông Tín tiếc cây tiếc của nên cũng tìm cách chống đỡ những cây bị nghiêng nhưng rồi theo thời gian cây cũng chết lần chết mòn, chỉ còn lại 7 cây sống sót.

 

Người dân cắt bỏ cây vú sữa bị gãy đổ sau cơn bão số 12.

Người dân cắt bỏ cây vú sữa bị gãy đổ sau cơn bão số 12.


Cách vườn ông Tín không xa là khu vườn 8.000m2 của ông Lê Văn Dũng. Vườn cây vú sữa cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm của ông hiện nay chỉ còn lác đác vài cây. Khu vườn của người anh Lê Văn Hùng ở kế bên cũng chẳng khá khẩm hơn bao nhiêu… Dẫn đi sâu vào khu vườn, ông Dũng chỉ cho tôi những gốc vú sữa 25 - 30 năm tuổi đã bị đốn hạ vì gãy đổ. Ngày đó, nhìn vườn cây vú sữa dày công chăm sóc, sắp đến vụ thu hoạch Tết thì bị gãy đổ, ông nuốt cơm không trôi. Nhưng rồi cũng phải gắng gượng dọn dẹp lại khu vườn, tìm sinh kế trong khi đợi phục hồi lại vườn cây. Sau đợt bão, ông làm thêm nấm rơm, rơm làm nấm xong thì đem rải ra vườn để trồng chuối. Trồng chuối cho thu hoạch nhanh, ngặt nỗi là cả làng đều trồng chuối nên giá chuối cũng rẻ quá!. “Vừa rồi trồng được 100 cây bưởi da xanh. Tôi dự tính tới đây sẽ trồng lại vú sữa, khi vú sữa khép tán thì vòng đời cây bưởi (15 năm) cũng hết…”, ông Dũng nói về dự tính.


Các khu vườn của những hộ trồng vú sữa nổi tiếng ở thôn Nghiệp Thành như: Nguyễn Đình Sơn, Lê Thủy… cũng đang trong tình trạng tương tự. Hỏi chuyện thu nhập từ vú sữa ai cũng lắc đầu “có còn gì đâu mà thu nhập”.



Thiếu cây giống để phục hồi…


Cây vú sữa Diên Bình cho trái lớn (có trái nặng đến 0,7kg), ngọt không thua kém chất lượng vú sữa Lò Rèn nổi tiếng ở tỉnh Tiền Giang. Vú sữa Diên Bình có 2 loại: quả trắng và quả tím, trong đó quả trắng ngon hơn nhưng vỏ mỏng nên khó vận chuyển đi xa. Từ mấy chục năm nay, người dân nơi đây rất kỹ trong việc chọn giống. Họ phải chọn quả vú sữa ngon đặc trưng của Diên Bình, lấy hột, tự ươm cây mới đảm bảo vú sữa đạt chất lượng. Sau cơn bão, vú sữa giống trở nên khan hiếm.

 

Số ít cây vú sữa còn lại ở khu vườn của bà Hồ Thị Thanh Tâm.

Số ít cây vú sữa còn lại ở khu vườn của bà Hồ Thị Thanh Tâm.

 
Thống kê của UBND xã Diên Bình, từ sau cơn bão số 12 đến nay, người dân trồng mới lại được khoảng 2ha cây vú sữa. Theo bà Hồ Thị Thanh Tâm (thôn Hội Phước), diện tích vú sữa được trồng mới lại còn ít là do thiếu cây giống. Trước đây, bà con quý nhau có thể cho nhau vài cây giống vú sữa là chuyện bình thường, còn hiện nay cây vú sữa giống lại trở thành của quý hiếm. “Tôi đang đợi vụ vú sữa sắp tới để chọn giống, ươm lại cây con để trồng mới. Một cây vú sữa chăm sóc đến 7 năm mới cho quả nên phải tuyển chọn kỹ lưỡng chứ không thể trồng bừa. Trước đây, một số người đã mua giống cây vú sữa ở miền Nam chuyển ra để trồng nhưng không hiệu quả”, bà Tâm chia sẻ.


Cùng với việc trăn trở vì thiếu cây giống, những người dân Diên Bình cũng lo về chất lượng của vú sữa được trồng lại. Kinh nghiệm cho thấy cây vú sữa trồng lại trên đất cũ chưa chắc trái đã ngon như trước đây. “Tôi đang tính trồng cây mới để lấy gốc, sau đó sẽ chọn những cây vú sữa có trái ngon để ghép vào… Làm như vậy có thể giữ được chất lượng”, ông Lê Văn Dũng chia sẻ.  


Trao đổi với tôi, ông Lê Tài - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh cho biết, theo Nghị định 02/2017 của Chính phủ về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, huyện đã chi tiền hỗ trợ cho người dân với mức 4 triệu đồng/ha. Số tiền này không đáng là bao so với thiệt hại của người dân, nhưng không thể chi hơn. Huyện và xã đã vận động người dân ở Diên Bình sớm khôi phục lại loài cây vú sữa nhưng cần phải có thời gian. Trong khi chờ đợi cây vú sữa lớn lên, người làm vườn trong xã đã chuyển sang trồng chuối và chanh để lấy ngắn nuôi dài. “Chúng tôi đang tính đến chuyện phát triển thêm diện tích cây vú sữa để đăng ký thương hiệu vú sữa Diên Bình thì lại xảy ra cơn bão số 12. Cây vú sữa trồng mới phải 7 năm mới cho trái… Không biết bao giờ, vú sữa Diên Bình mới được như xưa”, ông Tài ngậm ngùi.


XUÂN THÀNH