12:10, 03/10/2018

Còn đâu đất rừng

Thời gian qua, tình trạng khai thác đất rừng sản xuất để san lấp mặt bằng, phân lô bán nền đất ở, xây dựng trái phép diễn ra ở nhiều khu vực trên địa bàn xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang, khiến người dân địa phương bức xúc…

Thời gian qua, tình trạng khai thác đất rừng sản xuất để san lấp mặt bằng, phân lô bán nền đất ở, xây dựng trái phép diễn ra ở nhiều khu vực trên địa bàn xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang, khiến người dân địa phương bức xúc…


Kỳ 1: Khai thác đất kết hợp bán nền


Nhiều ngọn núi ở các thôn: Như Xuân, Đắc Lộc, Tân Thành, xã Vĩnh Phương đã và đang bị “xẻ thịt” với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đất rừng bị đào bới đến đâu, đất nền được phân lô rao bán đến đó…


Rầm rộ bạt núi


Khu vực khai thác đất trái phép đầu tiên chúng tôi tiếp cận là trên các dãy núi Hòn Ốc, Hòn Xuân ở thôn Như Xuân, cách UBND xã không xa về phía tây. Đứng trước UBND xã có thể nhìn thấy rất rõ toàn bộ khu vực bằng mắt thường. Trước khi lên núi, chúng tôi ghé vào một nhà dân dưới chân núi. Ông K. - chủ nhà khi nghe chúng tôi giới thiệu liền tiếp chuyện: “2 năm trước, sau khi báo đăng về việc khai thác đất trái phép trên núi Hòn Ốc, tình hình tạm lắng một thời gian. Bây giờ thì tình trạng này đã tái diễn từ mấy tháng nay, có khi còn quy mô hơn trước rất nhiều. Bây giờ các chú có lên núi chụp hình thì phải hết sức cẩn thận, bởi các chủ khai thác đất cử người cảnh giới thường xuyên ngay từ đầu đường lên núi”.

 

Bạt núi, phân nền đất ở tại thôn Tân Thành.

Bạt núi, phân nền đất ở tại thôn Tân Thành.


Quan sát lên triền núi, đập ngay vào mắt là 5 chiếc máy đào đang cấp tập khoét núi, múc đất vào những chiếc xe “hổ vồ”. Tiếng nổ của máy đào và xe tải lớn ầm vang cả khu vực, sườn núi bị đào bới nham nhở, từng mảng cây rừng sạt đổ ngổn ngang… tạo nên khung cảnh như một đại công trường.


Khi chúng tôi đang ghi hình các hoạt động trên, một đối tượng đi xe máy phân khối lớn chạy đến, gằn giọng: “Chúng mày quay phim làm gì? Muốn êm chuyện thì dừng ngay và ra khỏi đây!”. Để tránh chuyện phiền phức, chúng tôi liền quay xuống, nhưng đối tượng này vẫn bám theo ra đến Quốc lộ 1.

 

Cảnh khai thác đất trái phép tại thôn Như Xuân.

Cảnh khai thác đất trái phép tại thôn Như Xuân.


Rời thôn Như Xuân, chúng tôi bám theo từng tốp xe tải loại 3 khối từ Quốc lộ 1 vào thôn Tân Thành. Vượt qua đoạn đường đất gồ ghề đầy bụi chạy giữa khu dân cư tự phát vào sâu trong các ngọn đồi phía sau, chúng tôi không khỏi kinh ngạc trước cảnh một sườn đồi đã được san phẳng với diện tích mặt bằng hàng ngàn mét vuông. Ở phía ta luy dương của sườn đồi này cũng đã được san ủi giật cấp theo dạng ruộng bậc thang lên tới đỉnh đồi. Tại đây, 2 chiếc máy đào loại nhỏ đang hoạt động hết công suất múc đất lên các xe tải. Tiếp cận một người lái máy đào, chúng tôi được biết, để san bằng hàng ngàn mét vuông sườn đồi, 2 chiếc máy đào này đã hoạt động liên tục nhiều tháng qua.


Đất rừng thành… đất ở


Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngọn đồi đã và đang bị “xẻ thịt” ở thôn Tân Thành thuộc loại đất rừng sản xuất. Tuy nhiên đến nay, gần như toàn bộ sườn đồi phía tây đã và đang bị san phẳng để phân lô bán nền đất ở. Trong vai người tìm mua đất, chúng tôi tiếp cận bà T. và được người này chào bán nhiều lô đất quanh khu vực ngọn đồi nói trên, với giá từ 1,7 - 2,7 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí từng lô. Đặc biệt, bà T. cho biết, bà vừa san phẳng gần 2.000m2 trên sườn núi này để phân lô bán nền đất ở và hiện tại đã bán cho một số người, chỉ còn hơn 200m2. Thấy chúng tôi tỏ vẻ e ngại, bà T. liền nói: “Hiện tại đang là đất rừng sản xuất nhưng tụi em cứ yên tâm vì không bao lâu nữa sẽ chuyển mục đích thành đất thổ cư. Các em thấy không, trên cao vậy mà người ta còn ban ra để phân lô bán đất ở và vẫn có người mua thì còn lo gì. Nếu các em không mua sớm thì mai mốt không còn đất mà mua nữa đâu”. Bà đã đưa chúng tôi xem sơ đồ các thửa đất này cùng giấy tờ mua bán đất viết tay với một số người trước đó, như thể để thuyết phục thêm chúng tôi.

 

Mảnh đất trên đỉnh núi bà Ph. rao bán 500 triệu đồng.

Mảnh đất trên đỉnh núi bà Ph. rao bán 500 triệu đồng.


Chúng tôi tiếp tục đến thôn Đắc Lộc 1 trong vai những người tìm mua đất. Từ trục đường chính của thôn, chúng tôi bám theo chiếc xe tải nhỏ chở gạch và xi măng theo con đường mòn hướng về một ngọn núi phía bắc. Khi chúng tôi leo đến lưng chừng núi, một người phụ nữ khoác áo tu từ trong một ngôi chùa gần đó đi tới hỏi: “Các chú ở đâu đến, lên đây có chuyện gì không?”. Nghe chúng tôi nói tìm mua đất, người này giới thiệu mình tên Ph. rồi tiếp lời: “Muốn mua dưới chân núi hay phía trên đỉnh. Phía trên thì giá rẻ hơn nhiều, cô có một lô trên đó rất đẹp, nếu mua thì cô bán cho”. Sau ít phút nghỉ mệt, chúng tôi theo bà Ph. đến một mảnh đất đã được san phẳng gần trên đỉnh núi. “Mảnh đất này 655,4m2 đã có sổ đỏ đứng tên tôi. Vừa rồi tôi bỏ ra hơn chục triệu đồng thuê máy đào san phẳng mới được đẹp thế này. Nếu các chú mua để cất nhà ở thì tôi bán rẻ với giá 500 triệu đồng. Đất này cao ráo mà cất nhà ở thì thoáng mát lắm!”, bà Ph. nói.


Quan sát khu vực trên, chúng tôi thấy một diện tích rất lớn của ngọn núi nói trên đã được phân thành vô số lô đất kéo từ dưới chân lên tới đỉnh núi, có những khoảnh rừng bị phát đốt còn cháy nham nhở, bảng quảng cáo bán đất nhan nhản... Cùng với đó, nhiều con đường cũng đã được mở đến tận các lô đất cao nhất phía trên đỉnh núi, có đoạn còn được đổ bê tông khá chắc chắn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ khu vực này đều thuộc đất rừng sản xuất, nhưng được các chủ đất rao bán với giá từ 1,4 đến hơn 2 triệu đồng/m2. Vậy nhưng các chủ đất mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng giá đất này không phải là cao bởi tương lai không xa sẽ chuyển đổi sang đất thổ cư. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên khu vực đất rừng này ngày càng có nhiều công trình xây dựng mọc lên, cả nhà ở và chùa..., khiến các chủ đất càng tin vào điều đó.


Vậy nhưng, theo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, hiện tại các khu vực rừng sản xuất nói trên đều không phù hợp với quy hoạch khu dân cư nên không thể có chuyện được chuyển đổi sang đất thổ cư. Đồng thời, các hành vi khai thác đất, phân lô bán nền đất ở và xây dựng công trình nói trên đều bị pháp luật nghiêm cấm.


NHÓM P.V


Kỳ 2: Xây dựng trái phép