09:09, 28/09/2018

Phập phồng... những xóm đường ray

Dọc tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh, có cả ngàn hộ sinh sống thành những xóm nhỏ. Cuộc sống của họ tạm bợ và luôn đối diện với những rủi ro...

Dọc tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh, có cả ngàn hộ sinh sống thành những xóm nhỏ. Cuộc sống của họ tạm bợ và luôn đối diện với những rủi ro...


Mối nguy chực chờ


3 giờ chiều, chuyến tàu SE từ ga Nha Trang đi Hà Nội kéo những hồi còi dài rời ga. Chạy được 500m, khu dân cư 2 bên đường ray (khu Đề Pô, phường Phước Tân) với sát nhà cửa đã hiện ra trước mắt. Tiếng vài người phụ nữ hốt hoảng kêu những đứa trẻ vào nhà tránh tàu nhanh chóng chìm vào những thanh âm xình xịch, xình xịch. Thế nhưng, khi toa tàu cuối cùng chưa kịp khuất tầm nhìn, nhịp sống trên đường ray đã được thiết lập lại. Người tranh thủ sửa xe, người nhặt rau, nhóm bếp, trẻ con nô đùa, đường ray biến thành những sân bóng bất đắc dĩ…

 

Nguy hiểm luôn chực chờ với những đứa trẻ này.

Nguy hiểm luôn chực chờ với những đứa trẻ này.


Bà Trần Thị Một sống ở nơi này hơn 50 năm, tâm sự: “Biết là nguy hiểm nhưng bây giờ cũng không có sự lựa chọn. Người lớn thì quá quen với giờ tàu chạy, lo nhất là mấy đứa nhỏ, bất cẩn chút là gặp tai nạn ngay. Mùa này còn đỡ, chứ cận Tết, cứ 15 phút có một chuyến tàu chạy qua, lo nơm nớp. Nhưng biết làm sao được, đa phần dân ở đây đều là người nghèo, có được một chỗ ở thế này là phúc lắm rồi”.


Nói về căn nhà 20m2 cạnh đường ray của mình, bà Một cho biết, năm 1965, vì khổ quá nên gia đình bà được nhà thờ Núi cho mượn khoảnh đất này để làm nhà ở. Lúc đó nhà thờ yêu cầu khi nào có điều kiện để mua nơi ở mới thì trả lại đất cho nhà thờ, không được bán. Toàn bộ các hộ có nhà cạnh đường ray phía đường Thái Nguyên cũng đều mượn đất nhà thờ, song không nhà nào trả lại. Nhà nào có điều kiện mua nơi khác cũng bán lại bằng giấy tay hoặc cho người khác thuê.

 

Trẻ chơi đá bóng trên đường ray.

Trẻ chơi đá bóng trên đường ray.


Ông Nguyễn Huỳnh (quê Quảng Nam, thuê nhà ở khu đường ray Đề Pô) chia sẻ: “Lúc đầu khi mới đến đây thuê nhà, nửa đêm tiếng xình xịch tàu chạy, rồi tiếng còi hú khiến lũ trẻ con giật mình khóc thét. Vợ chồng cũng lo lắng chuyện trẻ con gặp tai nạn vì sống ngay đường tàu nhưng vì miếng cơm manh áo nên chúng tôi đành chấp nhận. Sinh sống ở đây rất nhiều rủi ro nhưng không còn cách nào khác”.


Cuộc sống tạm bợ


Chúng tôi ghé ga Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) vào một buổi chiều. Ga xép Đại Lãnh nằm giữa khu dân cư yên bình, hàng chục em nhỏ đang chơi đùa ngay trên đường ray. Ngồi bên chiếc bàn tự chế, kê sát mép đường ray, ông Lê Văn Thảng (xóm 2, thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh) kể cho chúng tôi nghe về những năm sau ngày giải phóng, gia đình ông từ Quảng Ngãi vào Đại Lãnh. “Ngày ấy nơi này heo hút lắm. Gia đình chọn ở sát đường tàu để còn nghe tiếng người và những thanh âm dồn dập mỗi khi tàu đi qua. Mấy mươi năm sinh sống ở đất này, giờ tàu chạy tôi thuộc như lòng bàn tay. Nhưng cũng chẳng vì thế mà chủ quan bởi không ít lần do gặp sự cố tránh tàu dẫn đến tàu tới ga không đúng theo hành trình; nếu không cẩn thận tôi đã xém bị tông rồi”, ông Thảng chia sẻ.

 


Theo ông Thảng, ban đầu xóm đường tàu chỉ có vài hộ ở nơi khác đến cư ngụ. Thế nhưng khoảng hơn chục năm sau, xóm nhỏ ấy đã đông kín người sinh sống dọc theo đường tàu. Ở đây, toàn bộ các gia đình sinh sống ven đường tàu gần ga Đại Lãnh đều là những trường hợp lấn chiếm trái phép.


Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã Đại Lãnh xác nhận, việc người dân làm nhà, sinh hoạt ngay sát hai bên đường tàu, khu vực ga là “sản phẩm” của thời kỳ trước. Hiện nay, xung quanh ga Đại Lãnh nhà dân mọc lên san sát, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, gây ra những bất cập và mất an toàn giao thông. Thế nhưng, việc di dời những hộ này đi nơi khác gần như là điều không thể bởi việc đền bù, giải tỏa, tái định cư quá lớn. “Những người ở hai bên đường tàu khu vực ga Đại Lãnh thường là những ngư dân đi biển. Đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, đất không có sổ đỏ. Vì vậy, họ không được phép sửa chữa, xây dựng nhà. Nhiều gia đình chỉ sửa sang qua loa cho có nơi che mưa, che nắng”, ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết.


Để bảo đảm an toàn giao thông, những năm qua, địa phương phối hợp với ga và các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền vận động để người dân nâng cao cảnh giác, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường sắt. Từ năm 2010, để đảm bảo an toàn cho khu dân cư sát đường tàu, địa phương đã triển khai làm đường gom cho dân đi, nhưng do kinh phí hạn chế nên mãi đến mấy năm gần đây các đường gom đường sắt mới cơ bản hoàn thành.


Mong có giải pháp


Toàn tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh hiện có cả ngàn hộ sinh sống rải rác cạnh đường tàu. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đồng thời mất an toàn cho những chuyến tàu. Lái tàu Nguyễn Cảnh Dương (Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn), người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề cho biết: “Những hộ sống gần đường ray là quá nguy hiểm. Thậm chí có thanh niên bất chấp còi tàu, vượt xe qua trước đầu tàu. Gặp những tình huống như thế, chúng tôi thót tim. Nhiều vụ tai nạn do trẻ em và thanh niên nghịch dại, một số do bất cẩn, chủ quan. Có khi lái tàu nhìn thấy từ xa đã kéo còi, nhưng khi tàu sát tới nơi, người lớn mới vội kéo trẻ ngồi chơi trên đường ray ra. Để an toàn cho người dân cũng như những chuyến tàu, cần phải tạo được hành lang an toàn cho đường sắt”.


Những gia đình có đất nằm ngoài hành lang an toàn đường sắt thì mong muốn được cấp sổ đỏ và có đường đi riêng, nhằm tránh nguy hiểm rình rập. Ông Trần Văn An (tổ 2, đường Thái Nguyên) bày tỏ: “Nhà tôi ở gần đường ray, vẫn đủ điều kiện để cấp sổ đỏ nhưng bao năm nay vẫn chưa được xét. Tôi mong Nhà nước sớm tạo điều kiện để chúng tôi được cấp sổ, như vậy mới có thể xây nhà kiên cố được. Gia đình tôi có 10 người mà bao năm nay cứ ở nhà lụp xụp, dành được ít tiền muốn xây nhà lớn hơn cũng chịu”.   


Ông Vũ Văn Nở - Chủ tịch UBND phường Phước Tân xác nhận, ngoài các hộ ở phân khu A (Khu tập thể Bình Khê) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ còn lại đều chưa được cấp sổ. Người dân đã sống ở đây từ chế độ trước, thậm chí có gia đình ở từ thời Pháp. Trong các lần tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị vấn đề này với UBND tỉnh để được giải quyết. Tuy nhiên, do hiện nay phía đường sắt Việt Nam chưa bàn giao đất cho tỉnh nên vẫn chưa thể cấp sổ. “Đối với các gia đình sinh sống cạnh đường ray, hiện đã có quy hoạch hành lang mỗi bên đường sắt vào 15m. Như vậy riêng ở phường Phước Tân có cả trăm hộ thuộc diện di dời, nhưng điều này không đơn giản. Để hạn chế tai nạn đường sắt, trước mắt phường liên tục tuyên truyền cho các hộ về việc đảm bảo an toàn giao thông. Mới đây, phường cũng thành lập đoàn đến từng hộ yêu cầu cam kết không xâm hại, không mở các đường ngang trên đường sắt”, ông Nở cho hay.


Như vậy có thể nói, để các hộ ở cạnh đường ray có cuộc sống an toàn, còn nhiều việc phải làm và cần một thời gian dài. Với người dân xóm đường ray, họ luôn mong một ngày nào đó họ sẽ thôi không còn ám ảnh bởi những nỗi nguy hiểm rình rập từ trước cửa nhà…



Đình Lâm - Mạnh Hùng

 



Ông Nguyễn Đức Mạnh - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh: Chi nhánh quản lý 26 ga từ Bình Định đến Ninh Thuận. Không chỉ khu vực ga Nha Trang, ga Đại Lãnh mà nhiều khu vực ga trên địa bàn đơn vị quản lý có tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt từ mấy chục năm trước. Chủ trương của các cấp, ngành là phải di dời các gia đình sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn do số lượng nhà vi phạm hành lang đường sắt lớn, trong khi kinh phí và quỹ đất để thực hiện lại hạn hẹp. Để hiện thực hóa việc này cần sự chung tay từ các cấp, ngành và chính quyền địa phương.

_________________________________________________



Theo Công ty Cổ phần Đường sắt Phú Khánh, chiều dài toàn tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh gần 150km, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố; có 167 đường ngang, lối đi dân sinh bất hợp pháp. 9 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 4 người chết. Toàn bộ số vụ tai nạn đều xảy ra trên địa bàn TP. Nha Trang.