Sau khi Báo Khánh Hòa đăng tải loạt phóng sự: "Rút ruột rừng căm xe", UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra. Qua đó, phát hiện nhiều sai phạm trong việc quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là việc lấy hơn 257ha rừng giao lại cho một cá nhân.
Sau khi Báo Khánh Hòa đăng tải loạt phóng sự: “Rút ruột rừng căm xe”, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra. Qua đó, phát hiện nhiều sai phạm trong việc quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là việc lấy hơn 257ha rừng giao lại cho một cá nhân.
Lấy hơn nửa cánh rừng giao cho cá nhân
Toàn bộ rừng căm xe ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa do Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Ninh Hòa quản lý hiện chỉ còn khoảng 421ha. Trong nhiều năm qua, toàn bộ cánh rừng này liên tục bị xâm hại, Báo Khánh Hòa đã nhiều lần phản ánh. Điều đáng nói, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm và nhiều lần chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường bảo vệ nhưng tình trạng rừng bị phá vẫn chưa được giải quyết triệt để. Thế nhưng, ngày 21-3-2017, BQL rừng phòng hộ Ninh Hòa đã lấy hơn 257ha rừng giao cho ông Nguyễn Thành Công Tuấn (thường trú phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh) bảo vệ không nhận công nhưng được phép nuôi dê dưới tán rừng. Trong đó, hơn 150ha đất có rừng căm xe, 6,55ha đất có gỗ tái sinh và hơn 100ha đất nương rẫy.
Ông H. - người dân thôn Sông Búng, xã Ninh Tây bức xúc: “Không hiểu sao BQL rừng phòng hộ Ninh Hòa giao hẳn hơn nửa cánh rừng cho cá nhân quản lý, trong khi ở Ninh Tây có không ít hộ thiếu đất sản xuất. Nói là giao bảo vệ, nhưng thực tế việc phá rừng vẫn diễn ra, rồi ai sẽ chịu trách nhiệm?”. Càng bất ngờ hơn, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cũng không biết chuyện này. “Về nguyên tắc, nếu BQL rừng phòng hộ Ninh Hòa giao đất rừng cho cá nhân thì phải thông báo cho hạt kiểm lâm. Tuy nhiên, trường hợp trên chúng tôi không hề hay biết”, ông Trần Ngọc Dục - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho biết.
Bên cạnh đó, mặc dù theo hợp đồng là giao cho ông Tuấn, song theo người dân địa phương, thực chất người trực tiếp bảo vệ rừng và nuôi dê dưới tán rừng là gia đình ông Sử Hồng Quốc Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây. Ông Tuấn chỉ là người làm thuê cho ông Tịnh. Trong những lần trả lời báo chí, ông Nguyễn Công Hà - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Ninh Hòa cũng cho biết là giao cho ông Tịnh nuôi dê. “Hợp đồng giao cho ông Tuấn chỉ là bình phong, ở đây ai chẳng biết trại dê là của gia đình ông Tịnh”, một người dân địa phương nói.
Điều đáng nói, ngay sau khi được giao đất, người nhận khoán bảo vệ đã xây dựng một căn nhà cấp 4 và trại dê trong phần đất có rừng. Hành vi này sai hoàn toàn so với đơn xin phép xây dựng (chỉ xây trong phần đất trống, không có rừng), nhưng không hiểu vì sao cơ quan chủ quản không xử lý? Đồng thời, kể từ khi hơn nửa cánh rừng được giao cho cá nhân bảo vệ, tình trạng phá rừng vẫn tiếp diễn. Diện tích rừng căm xe cạnh trại dê vẫn bị ken gốc, chết đứng.
Hàng loạt sai phạm
Ông Trần Ngọc Dục - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho rằng, việc BQL rừng phòng hộ Ninh Hòa cho một cá nhân thuê đất rừng đầu nguồn căm xe lên đến hàng trăm héc-ta như vậy là không đúng theo quy định. Cụ thể, ngày 21-3-2017, BQL rừng phòng hộ Ninh Hòa đã ký hợp đồng bảo vệ rừng căm xe số 36 với ông Nguyễn Thành Công Tuấn, cho phép sử dụng 257,25ha để lập chuồng trại và chăn thả gia súc dưới tán rừng. Tiếp đến ngày 14-7-2017, ông Nguyễn Công Hà có văn bản số 54 cho phép ông Tuấn làm chuồng nuôi dê khoảng 200m2 và xây nhà cho người chăn dê ở khoảng 30m2; việc làm này là sai quy định.
Cũng theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa, hợp đồng bảo vệ rừng căm xe số 36 và đề nghị nhận khoán của ông Tuấn đều không đúng mẫu quy định tại phụ lục kèm theo Nghị định số 168 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước. Không chỉ vậy, về hạn mức khoán, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 6 Nghị định số 168 thì hạn mức khoán cho cá nhân theo thỏa thuận, nhưng không quá 15ha. Tuy nhiên, ông Hà đã đồng ý cho ông Tuấn thuê tới hơn 257ha.
Chưa dừng lại ở đó, thời hạn khoán, hình thức khoán bảo vệ rừng giữa Giám đốc BQL rừng phòng hộ Ninh Hòa và ông Tuấn là hình thức khoán công việc, dịch vụ. Trong khi theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 6, Nghị định 168 thì thời hạn khoán đối với hình thức này tối đa không quá 1 năm, nhưng ông Hà đã cho ông Tuấn sử dụng 5 năm (từ ngày 1-4-2017 đến 1-4-2022). Ngoài ra, nội dung hợp đồng cũng có vấn đề, bởi sau khi nhận bàn giao diện tích khoán tại thực địa, bên nhận khoán không thực hiện tiếp nhận ranh giới, mốc giới, diện tích nhận khoán và các tài sản trên diện tích khoán (hiện trạng rừng được giao, số cây căm xe hiện có trên diện tích được giao, các cây bị chết, bị ken vỏ…) để có cơ sở quy trách nhiệm các bên khi thanh lý hợp đồng.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh ngày 23-8, ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, hợp đồng số 36 lập ngày 21-3-2017 giữa BQL rừng phòng hộ Ninh Hòa và ông Nguyễn Thành Công Tuấn, khoán bảo vệ 257,25ha căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 2005 đã hết hiệu lực kể từ ngày 1-1-2017. Đồng thời, hợp đồng khoán bảo vệ rừng không căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng mà căn cứ vào Bộ luật Thương mại là không phù hợp với quy định. “Do hợp đồng khoán bảo vệ rừng số 36 không có hiệu lực pháp lý, trái với pháp luật nên việc BQL rừng phòng hộ Ninh Hòa cho phép ông Tuấn làm chuồng dê là không đúng quy định”, ông Ninh khẳng định.
ĐÌNH LÂM - MẠNH HÙNG
Khi đề cập đến vấn đề giao rừng cho cá nhân, BQL rừng phòng hộ Ninh Hòa cho biết thực hiện theo chủ trương của Tỉnh ủy. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, việc làm này không thực hiện theo chủ trương của Tỉnh ủy. Cụ thể, hợp đồng giao rừng được ký trước thời điểm đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có buổi làm việc trực tiếp với Đảng ủy xã Ninh Tây (5-4-2017). Đồng thời, theo thông báo số 195 ngày 14-5-2017 của Tỉnh ủy về thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Đảng ủy xã Ninh Tây: “… trước mắt giao UBND tỉnh chỉ đạo địa phương tiếp tục giao cho 2 tổ hợp tác quản lý theo hướng kết hợp với phát triển chăn nuôi dưới tán rừng như hiện nay…” (UBND tỉnh chưa có văn bản chỉ đạo thực hiện). Tuy nhiên, BQL rừng phòng hộ Ninh Hòa vẫn tổ chức thực hiện việc khoán bảo vệ rừng với cá nhân ông Tuấn tại hợp đồng đã được ký trước đó.