11:07, 22/07/2018

Kỳ 2: Đường đi của gỗ

Những ngày vừa qua, việc vận chuyển và mua bán căm xe diễn ra liên tục. Thôn Buôn Tương, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa đã trở thành điểm giao dịch của các đầu nậu.

 

Kỳ 2: Đường đi của gỗ


Những ngày vừa qua, việc vận chuyển và mua bán căm xe diễn ra liên tục. Thôn Buôn Tương, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa đã trở thành điểm giao dịch của các đầu nậu.


Mua bao nhiêu cũng có


Trong vai người mua gỗ về làm quán cà phê, chúng tôi tiếp cận với Y Dúi (người đứng đầu một nhóm khai thác căm xe). Sau một hồi trò chuyện, Y Dúi khẳng định: “Các ông muốn mua bao nhiêu căm xe cũng có. Chỉ cần đặt trước kích thước, vài ngày sau là có đủ hàng. Mỗi đêm, chúng tôi có thể giao được 30 lóng gỗ tròn. Nếu gỗ hộp, mỗi đêm trên một khối rưỡi đáp ứng được hết. Mấy hôm nay, bọn tôi đang làm cho cánh ở Dục Mỹ, xã Ninh Sim”. Nói xong, Y Dúi đưa chúng tôi ra phía sau nhà xem gỗ. Khi đi qua bếp, chúng tôi thấy những hộp gỗ căm xe xếp chồng đang chờ xuất hàng.

 

Lâm tặc chở gỗ rầm rộ ra khỏi rừng.

Lâm tặc chở gỗ rầm rộ ra khỏi rừng.


Chỉ tay vào lóng gỗ tròn mới đem ra khỏi rừng đêm qua, Y Dúi liến thoắng: “Gỗ mới đấy, loại này cứng lắm, để to bằng chừng này phải hơn 30 năm tuổi. Ông thích lấy hộp thì tôi xẻ hộp, còn không thì để lóng tròn. Mua đi, tôi tính giá hữu nghị cho. Xẻ hộp một khối 10 triệu đồng, còn cây tròn dài 1,5m thì cứ 250.000 đồng một lóng”. Khi chúng tôi tỏ ra lo ngại về việc vận chuyển gỗ ra khỏi Ninh Tây, vợ Y Dúi ngồi bên chen vào: “Dễ mà, mấy anh muốn đi thuận lợi thì phải ngoại giao. Tụi này chỉ biết bán thôi. Hội Dục Mỹ, Đắk Lắk mua gỗ ở đây cũng tự lo lấy đường đi. Mình muốn đi an toàn thì phải cho người ta chút ít chứ, không làm liều được đâu. Mấy anh tự chở chỉ được một lần, chứ chuyến sau kiểu gì cũng có người báo biển số xe và chắc chắn bị bắt. Cái loại này bị bắt là đi tù đấy, Nhà nước cấm mà”.   


Giáp mặt nậu gỗ


Gần trưa, chúng tôi vòng một lượt dọc Quốc lộ 26 từ chân đèo Phượng Hoàng xuống hết Buôn Tương, tiếp cận với một số đối tượng buôn bán gỗ căm xe mới biết, gỗ được vận chuyển đi rất nhiều nơi, trong đó trọng điểm là Đắk Lắk, Ninh Hòa, Nha Trang, Vạn Ninh… “Hàng tụi anh về chưa kịp nóng chỗ là đã có người đến hỏi để bốc đi. Đám đầu nậu khu vực Dục Mỹ và Ninh Hòa rất thích loại này, do nhiều khách mê gỗ căm xe. Họ tự chịu chi phí vận chuyển, anh chỉ biết phụ đưa lên xe xong là lấy tiền”, Y Ngoan (ở Buôn Tương) tiết lộ.

 

Gỗ căm xe được lâm tặc đưa về nhà.

Gỗ căm xe được lâm tặc đưa về nhà.


Được biết, khoảng một tháng nay, hàng đi rất nhanh và khá dễ dàng bởi trúng vào mùa World Cup nên lực lượng chức năng không làm gắt như mọi khi. Những đầu nậu thường bốc gỗ về đêm và để qua mặt cơ quan chức năng, họ thường dùng xe tải đông lạnh 1,5 tấn chở hàng. Với mánh khóe này, hàng trăm khối gỗ căm xe lậu đã được tuồn về khắp các địa phương. “Hôm trận chung kết World Cup, cả chục nhà tập trung bốc gỗ cho đầu nậu ở Đắk Lắk xuống thu mua. Anh cũng bán được 12 lóng đường kính 35cm với giá 5,6 triệu đồng, chia cho 3 anh em”, Y Ngoan khoe. Trước khi chia tay, Y ngoan còn bật mí: “Trong vùng này bà T. cũng là một đầu nậu lớn tại địa phương. Bà ấy chuyên gom căm xe của anh em rồi bán lại cho các nậu lớn hơn”.


Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà bà T. Thấy bộ bàn ghế gỗ chưa gọt đẽo để cho khách ngồi, chúng tôi ngỏ ý muốn mua thì bà T. nói: “Đây là mấy gốc căm xe đợt bão ngã đổ, tụi thanh niên xóm đi rừng mang về bán cho tôi 50.000 đồng/gốc. Để thế chả ai để ý nhưng mà ngặt nỗi đưa đi bào, gác lên xe là mấy anh lâm trường bắt ngay, các ông ấy lại đòi truy tố, rồi phạt tiền nên tôi cũng sợ”.

 

Khi chúng tôi hỏi sâu về chuyện nhà gần rừng chắc có nhiều gỗ, bà T. lập tức phản ứng và chỉ tay về phía trước mặt rừng nói: “Các chú thấy rừng căm xe ngay đó, cây gỗ nhỏ như nắm tay thì làm được gì, mà được canh gác cẩn thận lắm! Gỗ căm xe cứ bảo quý, đại gia các nơi chuộng nhưng tôi thấy nó hay bị nứt. Mấy cây to bọn nó (lâm tặc - PV) cứ mang đi đâu bán chứ ở đây làm gì được khúc nào đâu”.


Mặc dù bà T. tỏ vẻ không liên quan gì đến chuyện buôn bán gỗ, nhưng chúng tôi phát hiện căn nhà của bà có những hộp gỗ lớn xếp ngay ngắn, cẩn thận. Không chỉ vậy, còn có một số lóng gỗ căm xe còn tươi nguyên, chưa kịp bán; có những lóng với đường kính hơn 50cm.

 

Những lóng gỗ căm xe nằm rải rác tại nhà đầu nậu.

Những lóng gỗ căm xe nằm rải rác tại nhà đầu nậu.

 

Chuyện chưa có hồi kết


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Hà - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa khẳng định: “Lợi dụng cơn bão số 12 năm 2017 làm rừng căm xe bị ngã đổ nhiều, lâm tặc vào rừng để chặt phá lấy gỗ. Việc phá rừng thì thời điểm nào cũng có, diễn ra thường xuyên nhưng hiện tại rừng căm xe tại Ninh Tây đã yên ổn, bình thường, không trở thành điểm nóng về phá rừng”.


Cũng theo vị này, việc quản lý, bảo vệ rừng căm xe hiện nay rất khó, thậm chí cực kỳ khó bởi quân số mỏng, trong khi diện tích rừng lớn, thẩm quyền xử phạt không có. Không chỉ vậy, nương rẫy của người đồng bào dân tộc thiểu số đan xen với rừng hình thành nên các mảng da beo, da báo càng khó quản lý rừng. “Tại khu vực rừng căm xe Ninh Tây, chúng tôi có bố trí một trạm quản lý - bảo vệ rừng. Cả trạm chỉ có 6 người, trong khi đó các con đường mòn từ rừng ra Quốc lộ 26 lại rất nhiều, chính vì vậy nhiều khi không thể quản xuể. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã bắt nhiều vụ việc vi phạm như: lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép… toàn bộ được chuyển cho Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa xử lý. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa ban và hạt kiểm lâm chưa chặt chẽ, nhiều vụ việc sau khi ban lập biên bản chuyển sang cho kiểm lâm xong cũng không thấy phản hồi về việc giải quyết như thế nào”, ông Hà thông tin.


Ông Trần Ngọc Dục - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Ninh Hòa cũng cho biết: “Chúng tôi đã xử lý nhiều vụ liên quan đến căm xe. Sau cơn bão số 12 có rộ lên tình trạng lâm tặc cưa căm xe nhưng sau đó, Hạt Kiểm lâm cùng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa truy quét nên đã tạm ổn. Mới đây, thấy bên Ban Quản lý báo tình hình ổn định, không thấy nói đến việc lâm tặc phá rừng”.


Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp những hình ảnh liên quan đến phá rừng căm xe Ninh Tây, ông Dục khẳng định: “Để xảy ra phá rừng như thế này thì Ban quản lý phải chịu trách nhiệm. Không biết tại sao Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ninh Tây lại không nắm được tình hình này. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cho truy quét, đồng thời lập đoàn kiểm tra thực trạng này”.


Rừng căm xe Ninh Tây là cánh rừng độc loại duy nhất tại Việt Nam. Nếu tình trạng này không sớm được ngăn chặn thì không bao lâu nữa, cái tên căm xe chỉ còn lại trong hồ sơ lưu trữ của kiểm lâm.


ĐÌNH LÂM - MẠNH HÙNG

 

 
 
----------------------------------------------