12:07, 21/07/2018

Rút ruột rừng căm xe

Trước đây, rừng căm xe (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) chỉ bị người dân "ken gốc" làm chết dần để chiếm đất, giờ đây, lâm tặc công khai đưa cưa máy vào tận vùng lõi để hạ cây lấy gỗ.

 

Kỳ 1: Ngổn ngang vùng lõi 

 

Trước đây, rừng căm xe (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) chỉ bị người dân “ken gốc” làm chết dần để chiếm đất, giờ đây, lâm tặc công khai đưa cưa máy vào tận vùng lõi để hạ cây lấy gỗ.

 

Ngang nhiên phá rừng


Mới 8 giờ sáng, khu vực rừng căm xe ở thôn Buôn Tương đã inh ỏi tiếng máy cưa, tiếng xe độ chế gầm rú. Đi men theo con đường mòn dẫn vào vùng lõi, những cây gỗ lớn bị xẻ hộp bắt đầu xuất hiện.

 

Rừng căm xe đang bị chảy máu nghiêm trọng.

Rừng căm xe đang bị chảy máu nghiêm trọng.


Đang ngó nghiêng những gốc cây mới bị đốn hạ, nằm trơ gốc, bất ngờ từ bụi rậm, một người đàn ông luống tuổi chui ra, kéo theo mấy cành cây đã khô lá. Tưởng chúng tôi là cán bộ, ông vội thanh minh: “Tôi chỉ vào đây chặt ít cành khô về làm củi thôi. Chứ mấy cái cây kia là do bọn lâm tặc nó cưa từ hôm trước rồi”. Sau một hồi chuyện trò người đàn ông tiết lộ mình tên Ba Th. là dân ở thôn Buôn Tương, có rẫy mía nằm sâu trong rừng căm xe. “Lâu nay người dân chỉ làm cho cây rừng chết khô để chiếm đất làm rẫy chứ ít ai dám hạ cây lấy gỗ. Gần đây không hiểu có ai bảo kê mà có đám thanh niên ngang nhiên vác máy cưa vào rừng chọn những cây to đốn hạ để lấy gỗ đem bán. Bọn này nó liều lắm, giữa ban ngày vẫn đem xe máy chở gỗ ra khỏi rừng. Các chú là người lạ vào đây phải cẩn thận, chứ gặp mấy đứa lóc nhóc là nó đánh đó”, ông Ba Th. cảnh báo.


Đúng như lời người đàn ông này nói, khi chúng tôi đang tiến sâu vào vùng lõi, bất ngờ gặp 3 thanh niên đang vác máy cưa đi tìm gỗ. Thấy người lạ, nhóm người sấn lại hỏi: “Hai ông này đi đâu mà vào đây?”. Chúng tôi vội vàng nói lý do đi tìm mua rẫy mía trong khu vực rừng căm xe, nhóm người này mới bỏ đi và bình thản đi tìm gỗ. Chỉ trong khoảng 30 phút, chúng tôi đã bắt gặp khoảng chục người như thế, với đầy đủ xe độ chế và máy cưa hiên ngang đi vào rừng. Lần theo tiếng cưa máy, chúng tôi đi men theo lối mòn tới gần sát chân núi. Đến khu vực Tiểu khu 72, một “khoảng trắng” hiện ra. Trong bán kính vài trăm mét, hàng trăm cây căm xe có tuổi ở rừng phòng hộ bị đốn ngã ngổn ngang. Có những cây, cành lá chưa kịp héo, những dòng nhựa đỏ từ gốc bắt đầu rỉ ra. Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn lâm tặc chỉ lấy phần sát gốc cây với đường kính lớn và thẳng; phần còn lại, chúng bỏ lại. Khu vực lâm tặc cưa cây, ngoài cây lớn còn có nhiều cây con ngã theo.

 

Rừng căm xe đang bị chảy máu  nghiêm trọng.

Rừng căm xe đang bị chảy máu nghiêm trọng.


Khi chúng tôi đang ghi lại những hình ảnh rừng căm xe bị “xẻ thịt”, bất giác tiếng động cơ xe máy độ ngày càng gần hơn. Cánh lâm tặc đưa xe đến chở những khúc gỗ căm xe mới xẻ. Sau nửa tiếng chất đầy gỗ hộp lên những “chiến mã”, đám lâm tặc lại phóng như bay qua những con dốc gồ ghề. Bám ngay sau đám lâm tặc, chúng tôi phát hiện điểm tập kết gỗ để chờ thời cơ đưa đi là một ruộng mía ven rừng.


Theo nguồn tin riêng, những lâm tặc chuyên phá rừng căm xe chủ yếu là người thôn Buôn Tương, thôn Sông Búng và một tốp từ Dục Mỹ (xã Ninh Sim) lên. Việc phá rừng căm xe lấy gỗ chỉ mới diễn ra từ đầu năm 2018. Đây là những đối tượng chuyên khai thác gỗ trái phép ở Ea Krong Rou, nhưng vài tháng gần đây, công tác quản lý siết chặt nên lâm tặc liều lĩnh phá rừng căm xe.


Công khai nơi cửa rừng

 

Lâm tặc thoải mái vận chuyển gỗ trong rừng.

Lâm tặc thoải mái vận chuyển gỗ trong rừng.

 

Tổng diện tích rừng căm xe tại xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) là hơn 420ha. Đây là rừng đầu nguồn, cấm khai thác và có tuổi đời cao, được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa quản lý trong nhiều năm nay. Cây căm xe thuộc nhóm 2, là loại gỗ tốt, không bị mối mọt ăn. Căm xe trước đây phân bổ chủ yếu ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ, nhưng hiện nay đã bị khai thác gần như cạn kiệt. Quần thể căm xe lớn ở Ninh Tây là hiếm có và còn tồn tại duy nhất cả nước, rất cần được bảo vệ.

5 giờ chiều, từ khu vực rừng sát thôn Buôn Tương, chúng tôi chạy xe máy gần 30 phút để đi ra phía cửa rừng căm xe thuộc thôn Sông Búng. Vừa đến cửa rừng, bất ngờ hàng loạt tiếng xe độ chế rú lên từng hồi phía sau lưng. Chưa kịp định thần, cả đoàn xe 5 chiếc đã phóng bạt mạng lao lên phía trước khiến chúng tôi phải dạt vào vệ đường. Ngồi lại bên cửa rừng khoảng 15 phút, các xe chở gỗ của lâm tặc lại xuất hiện.


 Trên đường, người dân đi làm rẫy về cũng khá đông, song dường như không mấy ai quan tâm đến việc lâm tặc chuyển gỗ. Ngạc nhiên hơn, ngay ở khu vực cửa rừng là trang trại nuôi dê của Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây. Tất cả các xe gỗ nếu đi qua thôn Sông Búng đều phải đi qua trang trại này, nhưng việc lâm tặc ngang nhiên chuyển gỗ ra khỏi rừng kéo dài đã lâu nhưng không hề có sự can thiệp nào là điều bất thường.


 Người dân địa phương cho biết, đây chính là điểm hội tụ của các ngả đường. Mọi đường mòn dọc ngang chằng chịt từ vùng rừng đầu nguồn Tây Nam Ninh Hòa đều dẫn ra dốc Sài Gòn, lối mòn độc đạo vắt ngang rừng căm xe Ninh Tây, chạy qua thôn Sông Búng để ra Quốc lộ 26. Gặp chúng tôi, ông Y Tiêu (nhà gần cửa rừng thôn Sông Búng) lắc đầu ngán ngẩm: “Ngày nào cũng mấy chục xe lâm tặc chạy rầm rầm qua đây. Cứ tình trạng này kéo dài, rừng cũng mất mà tai nạn giao thông rất dễ xảy ra”.


Đình Lâm - Mạnh Hùng

 

 

Kỳ 2: Đường đi của gỗ