Những ngày này, trên cánh đồng mía lớn ở "thủ phủ" mía đường Ninh Hòa, hàng trăm héc-ta mía được trồng, chăm sóc theo mô hình mới đang hứa hẹn vụ mùa bội thu. Niềm tin ấy được xây dựng từ mối lương duyên giữa người trồng mía và doanh nghiệp sản xuất mía đường thông qua dự án cánh đồng mía lớn.
Những ngày này, trên cánh đồng mía lớn ở “thủ phủ” mía đường Ninh Hòa, hàng trăm héc-ta mía được trồng, chăm sóc theo mô hình mới đang hứa hẹn vụ mùa bội thu. Niềm tin ấy được xây dựng từ mối lương duyên giữa người trồng mía và doanh nghiệp sản xuất mía đường thông qua dự án cánh đồng mía lớn.
Mê nhất là… máy cày
Lão nông Huỳnh Văn Thông ở thôn 3, xã Ninh Thượng không chỉ được mọi người biết đến nhờ diện tích mía thuộc “hàng khủng”, mà còn là một nông dân tích cực trong việc đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng máy móc, cơ giới hóa vào quá trình canh tác để mang về hiệu quả kinh tế tốt hơn. Ông là người tiên phong trong việc tự đầu tư 300 triệu đồng để lắp đặt đường ống dẫn nước dài hơn 4km từ trên núi xuống rẫy mía, hệ thống béc phun bán tự động cho cả vùng mía ngót nghét 50ha. Tất nhiên, với diện tích lớn, chuyện đầu tư vào cây giống, phân bón, áp dụng máy móc vào khâu cày bừa là điều đã được ông Thông thực hiện từ lâu.
Theo ông kể, sau khi thu hoạch xong niên vụ 2016, cũng là lúc dự án cánh đồng mía lớn của Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (BHS-NH) triển khai, ông lập tức đưa 15ha mía của mình tham gia dự án. Điều mà ông mê nhất chính là cái máy cày đại tới 185 mã lực mà BHS-NH áp dụng để cải tạo đất. “Hồi giờ, những chiếc máy cày nhỏ độ 90 mã lực chỉ xới sâu xuống đất từ 25 đến 30cm. Nhưng chiếc máy cày của BHS-NH cày sâu tới 45 - 55cm, giúp cho đất tơi xốp, giữ được độ ẩm, đỡ hao hụt phân bón, nước tưới hơn… Từ đó cho cây mía xanh tốt, đẻ nhiều nhánh và khỏe mạnh hơn. Cùng với nhiều cải tiến trong tất cả các khâu, nhất là khâu cày sâu, tôi cầm chắc diện tích 15ha tham gia cánh đồng lớn của mình năm nay phải đạt trên 100 tấn/ha, tăng khoảng 15 - 20 tấn/ha so với sản xuất thông thường”, ông Huỳnh Văn Thông cho biết.
Cùng chung nhận định, ông Đặng Hà ở cùng khu vực sản xuất với ông Thông chia sẻ: “Khó khăn về nước tưới đã cơ bản được giải quyết nhờ một vài hộ có tiềm lực kinh tế tự kéo nước trên suối về. Nhiều hộ sản xuất gần khu vực suối Đá thì đầu tư máy bơm tưới. Nhưng chất đất đặc trưng vùng này chủ yếu là đất cát pha sét với hàm lượng sét cao, đất rất cứng, ít màu mỡ. Vì thế, khi áp dụng máy cày đại, đất xới sâu, tơi xốp thì cây mía sẽ có điều kiện hút được nhiều dưỡng chất, phát triển xanh tốt hơn. Khi tưới nước sẽ thấm được sâu nên giữ được độ ẩm lâu hơn…”.
Theo ông Nguyễn Minh Thọ - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nông nghiệp, BHS-NH, mỗi chiếc máy kéo bao gồm cả giàn cày có chi phí gần 3 tỷ đồng. Đây là một số tiền lớn đối với hầu hết hộ trồng mía. Vì thế, BHS-NH sẽ tiến hành cơ giới hóa ruộng đồng theo 2 giai đoạn. Ban đầu, công ty bỏ vốn hoàn toàn mua máy móc, thiết bị rồi cung cấp các dịch vụ như: cày đất, trồng mía, làm cỏ, thu hoạch… cho người trồng mía. Khi người dân đã nhận thấy hiệu quả từ việc sử dụng máy móc, doanh nghiệp sẽ dần chuyển giao cho đến khi người trồng mía hoàn toàn làm chủ các máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình và làm dịch vụ cho người trồng mía lân cận.
Hào hứng từ máy thu hoạch mía
Những năm qua, vào mỗi vụ thu hoạch, người trồng mía ở Ninh Hòa gặp nhiều khó khăn do thiếu lao động chặt mía. Tuy không thu hoạch cùng một lượt, nhưng với diện tích lớn, đặc trưng thu hoạch cây mía cũng tốn nhiều công sức, nên khi vào vụ, chỉ có rất ít hộ thu hoạch đúng thời điểm, còn hầu hết đều thu hoạch chậm và kéo dài thời gian vì không thể tìm ra người chặt mía. Theo tính toán, mỗi nhân công chặt được từ 1 đến 1,2 tấn mía/ngày. Như vậy, mỗi héc-ta mía mất từ 50 đến 60 người chặt trong 1 ngày mới xong. Giá thuê người chặt trung bình là 170.000 đồng/tấn, nhưng khi cao điểm, có khi thuê 200.000 đồng cũng không kiếm ra người.
Ông Thông hồ hởi: “Cùng với yếu tố cày sâu giúp cải tạo đất tốt, cứ nghĩ đến công đoạn thu hoạch hoàn toàn bằng máy là chúng tôi hào hứng tham gia liền. Để cắt máy, người dân được hướng dẫn trồng mía theo hàng đôi, mỗi hàng cách nhau độ 1,1m. Qua chăm sóc, diện tích mía trồng theo phương pháp này đang phát triển rất tốt. Cây mía bây giờ đang ở độ vươn lóng mập mạp, căng mọng, lá xanh ngắt, nhìn rất đẹp, hơn hẳn các khu vực mía thực hiện theo các phương pháp canh tác thông thường”.
Tại vựa mía ở Ninh Tây, ông Nguyễn Văn Đen, một hộ trồng mía ở vùng mía của Công ty Bò giống miền Trung cho biết: “Vụ mía vừa qua, tôi thuê máy cắt mía của BHS-NH để thu hoạch hơn 2ha mía của gia đình. Chiếc máy cắt rất nhanh, đều, sát gốc. Mỗi giờ máy có thể cắt từ 15 đến 25 tấn mía tùy vào độ bằng phẳng của ruộng mía. Vừa chặt, máy vừa có chức năng xay nhuyễn đọt mía để phủ lên mặt ruộng rất tiện lợi. Trong khi chi phí để thuê máy cắt mía chỉ 160.000 đồng/tấn, cũng tương đương với công chặt nhưng lợi thế của cắt máy là chúng tôi không phải mất công đi bấm lại gốc do máy cắt đều, không tốn thêm lao động băm đọt mía để rải ra ruộng như mọi năm, giảm được chi phí khoảng 2,5 triệu đồng/ha. Điều quan trọng nhất là khi thuê máy chúng tôi thu hoạch được đúng thời điểm, rút ngắn thời gian giúp cho cây mía giữ được độ tươi khi chuyển đến nhà máy. Từ đó góp phần cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Kỳ vọng từ một dự án
Cánh đồng lớn là một chủ trương lớn của ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm qua, việc triển khai xây dựng cánh đồng lớn ở Khánh Hòa gặp không ít khó khăn. Một phần do điều kiện diện tích đất nhỏ hẹp, nhưng phần lớn là do thói quen canh tác và tư tưởng ngại thay đổi vẫn còn mang nặng trong suy nghĩ của không ít hộ nông dân. Theo thống kê, diện tích trồng mía hàng năm của thị xã Ninh Hòa là gần 8.800ha. Phần lớn hộ trồng mía vẫn theo tập quán canh tác cũ, chưa quan tâm nhiều đến việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, hoạt động đưa cơ giới hóa còn chậm, chưa đồng bộ, chỉ đạt từ 10 đến 20% chủ yếu là khâu làm đất; diện tích mía có tưới chỉ chiếm từ 6 đến 8% tổng diện tích mía của toàn vùng. Vì thế, năng suất mía thấp, chỉ đạt từ 52 đến 58 tấn/ha, chất lượng mía đưa về đến nhà máy chưa cao, hiệu quả kinh tế thấp.
Sau quá trình chuẩn bị khá dài, cùng với quyết tâm cao, cánh đồng mía lớn được xem là dự án tiên phong, có vai trò hình mẫu cho những cánh đồng lớn sau này đã chính thức triển khai từ niên vụ mía 2017 - 2018. Trao đổi với chúng tôi, ông Trầm Kim Dũng - Tổng Giám đốc BHS-NH cho biết: “Do đây là hình thức mới nên doanh nghiệp và người nông dân cần thêm thời gian để tìm được tiếng nói chung. Về cơ bản, xuất phát điểm của cánh đồng lớn đang ở mức khá thấp, diện tích đồng ruộng nhỏ lẻ, không bằng phẳng, hệ thống thủy lợi, điện, giao thông chưa được đầu tư… nên hoạt động tổ chức lại sản xuất còn phải đầu tư nhiều. Với mục tiêu hình thành mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ nông sản chất lượng cao, phân chia lợi nhuận giữa người trồng mía và doanh nghiệp theo nguyên tắc hợp tác cùng có lợi. Chúng tôi tin tưởng và quyết tâm đưa năng suất mía tăng từ 55 tấn/ha hiện nay lên trên 80 tấn/ha, chất lượng mía đạt trên 11CCS, lợi nhuận trồng mía từ 10 đến 12 triệu đồng/ha lên trên 23 triệu đồng/ha”.
Theo ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, những năm qua, BHS-NH đã chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đưa ra các chính sách, kế hoạch, phương thức đầu tư, đồng hành với người trồng mía một cách linh hoạt, hợp lý. Thực hiện dự án cánh đồng mía lớn là một bước tiến dài trong quá trình hình thành nên mối liên kết giữa 4 nhà, bao gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông một cách bền vững, phát triển, cùng có lợi. Về phần mình, UBND thị xã Ninh Hòa đã và tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND các xã, phường phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên địa bàn.
Đồng chí Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: “Đây là dự án cánh đồng lớn đầu tiên của tỉnh, có tính chất hình mẫu. Vì vậy, cánh đồng mía lớn còn mang trọng trách tiên phong, tạo tiền đề để từ đó nâng tầm quy mô, cách thức áp dụng vào sản xuất đối với các loại cây trồng khác”.
Công Định
Theo quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh ngày 31-5-2017, dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía đường tại vùng nguyên liệu mía thị xã Ninh Hòa do Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa làm chủ đầu tư. Dự án thực hiện tại 2 địa điểm là vùng mía Công ty Bò giống miền Trung tại xã Ninh Tây và vùng mía Suối Mơ, xã Ninh Thượng. Tổng diện tích dự án là trên 272ha, trong đó phần lớn tập trung ở xã Ninh Tây (194ha). Tại vùng mía Ninh Tây có 29 hộ, vùng Ninh Thượng có 16 hộ tham gia dự án. Dự án sẽ thực hiện quy hoạch, san ủi, cải tạo đồng ruộng, đưa gần 300 thửa hiện nay xuống còn 64 thửa, mỗi thửa có diện tích tối thiểu 3ha. Mở mới và nâng cấp 30 tuyến đường tổng chiều dài hơn 11km, xây dựng trên 600m kênh nội đồng, 7km đường ống dẫn nước, 11 ao hồ tích trữ nước và hệ thống tưới béc phun trên toàn diện tích… Tổng mức đầu tư của dự án trên 24,4 tỷ đồng. Trong đó, BHS-NH bỏ ra hơn 14 tỷ đồng, người trồng mía tham gia hơn 3,3 tỷ đồng và hơn 7 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ.