01:08, 30/08/2017

Cần một lối về

Cuối năm 2016, 77 bệnh nhân (BN) bị tâm thần phân liệt tham gia một nghiên cứu, điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh Khánh Hòa đã trở về nhà sau khi bệnh tình được cải thiện. Từ đó đến nay do không được điều trị liên tục nên những BN này đã tái phát bệnh nặng hơn…

 

Cuối năm 2016, 77 bệnh nhân (BN) bị tâm thần phân liệt tham gia một nghiên cứu, điều trị tại Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh Khánh Hòa đã trở về nhà sau khi bệnh tình được cải thiện. Từ đó đến nay do không được điều trị liên tục nên những BN này đã tái phát bệnh nặng hơn…


Tái bệnh


Chúng tôi tìm đến nhà ông Châu Kịch - gia đình có 2 người con đang bị tâm thần phân liệt ở thôn 1, xã Diên Đồng (huyện Diên Khánh) trong một buổi chiều mưa tầm tã. Khi chúng tôi đến, con gái của ông là chị Châu Thị H. - 43 tuổi mắc bệnh hơn 25 năm đang ngồi trong phòng, gương mặt lơ ngơ nhìn ra ngoài trời cười. Còn người con trai của ông, anh Châu Văn K. - 40 tuổi,  bệnh nhẹ hơn thì nằm ngủ trên võng ở chái nhà phía sau vườn. Thấy khách đến, anh K. uể oải ngồi dậy, sau khi được mẹ năn nỉ, anh K. mới chịu xách cuốc ra làm cỏ các luống sả ở trong vườn. Nhưng được một lúc anh lại bỏ vào võng nằm tiếp…

 

Một số bệnh nhân học trồng rau thủy canh tại bệnh viện

Một số bệnh nhân học trồng rau thủy canh tại bệnh viện


Ông Kịch buồn bã cho biết, vợ chồng ông sinh ra 6 người con đều lành lặn bình thường, đến tuổi trưởng thành có 3 người con bị phát bệnh, 1 người bị chết vì bệnh động kinh, 2 đứa con còn lại thì bị tâm thần phân liệt. H. bị mắc bệnh năm 19 tuổi do bị cú sốc trong tình cảm, suốt ngày cứ lơ ngơ cười nói một mình. Còn K., năm 21 tuổi tự dưng phát bệnh sau một cơn hoảng sợ khi đi ngang qua nghĩa địa gần nhà. “3 năm trước, Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh có hỗ trợ điều trị cho những BN bị xiềng xích, bỏ nhà đi thang lang trong cộng đồng bằng thuốc kết hợp với liệu pháp phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Cháu K. được tham gia điều trị 2 năm liền, bệnh giảm hẳn. Về nhà đã biết phụ cha mẹ cuốc cả vườn đất để trồng sả, sửa nhà, không còn quậy phá như trước. Nhưng khoảng 1 năm nay, chương trình kết thúc, cháu được đưa về lại nhà. Mấy tháng nay không có thuốc thi thoảng cháu có dấu hiệu lên cơn, hay nổi nóng với tôi. Hôm trước, nó còn bất ngờ đánh mẹ chảy máu mặt khi năn nỉ nó ăn cơm”, ông Kịch kể trong nước mắt…


 Chị Mai Thị C. - 43 tuổi,  BN tâm thần phân liệt ở xã Vĩnh Thái bị gia đình xiềng chân ở một góc phòng ẩm thấp. Khi chúng tôi đến, chị C. khá tỉnh táo, nhận biết mẹ, tên cán bộ y tế xã, thi thoảng lấy tay xoa bóp bàn chân bị bầm do bị xích lâu ngày. Thấy chúng tôi thắc mắc về việc xiềng chân con, bà Mai Thị Bay - mẹ của BN đau khổ giải thích: “Tôi mà không xiềng khi lên cơn cháu nó chửi bới, đập phá đồ đạc rồi bỏ nhà đi lang thang ngoài đường. Lúc cháu tỉnh táo thì rất hiền, nhưng khi lên cơn thì hung dữ lắm, không ai khống chế nổi”.

 

Cán bộ trạm y tế (bìa trái)   đến nhà hỏi thăm sức khỏe 1 nữ bệnh nhân tâm thần phân liệt

Cán bộ trạm y tế (bìa trái) đến nhà hỏi thăm sức khỏe 1 nữ bệnh nhân tâm thần phân liệt


Lau mặt, rót nước cho con uống, bà Bay kể, trước đây chị C. làm thợ may gia công cho 1 gia đình ở TP. Nha Trang, năm 17 tuổi không biết vì lý do gì chị bị mắc bệnh tâm thần phân liệt. Chị C. cũng được bệnh viện hỗ trợ điều trị cách đây khoảng 2  năm. Bà Bay cho biết: “Cháu nó được đưa về hơn 1 năm nay. Lúc mới về bệnh tình cháu đỡ nhiều, nhưng bây giờ thì có dấu hiệu trở nặng. Do kinh tế gia đình khó khăn, nên gia đình không có tiền đưa cháu lên bệnh viện điều trị tiếp. Hiện nay, thuốc điều trị cho BN được cấp về trạm y tế xã không đầy đủ, có nhiều thuốc gia đình phải ra ngoài mua nên cũng bất tiện, có lúc không có tiền mua”.


Theo ông Nguyễn Thành Tín - Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang, toàn xã có 15 BN bị mắc tâm thần phân liệt, trong đó, chị C. là 1 trong 2 BN bị nặng. Hiện nay, mọi sinh hoạt, chăm sóc bệnh tình cho chị C. đều do mẹ làm. Xã đã xét cho chị C. được hưởng trợ cấp người khuyết tật đặc biệt nặng.


Rất cần sự hỗ trợ


Bác sĩ Đặng Duy Thanh - Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh cho biết, từ năm 2013 đến năm 2016, bệnh viện đã tập hợp, theo dõi, điều trị và nghiên cứu trên 77 BN bị xích, cách ly và lang thang trong cộng đồng. Anh K. và chị C. là 2 trong 77 BN đã được bệnh viện điều trị giảm bệnh và trở lại cộng đồng sinh sống. Đây là những BN từng bị bệnh khá nặng, mất hết tự chủ, hay đập phá, la hét, đánh người nhà hoặc bỏ nhà đi lang thang. Sau khi được điều trị bằng thuốc kết hợp với phục hồi chức năng tâm lý xã hội tại bệnh viện, tình trạng bệnh được cải thiện đáng kể. Họ đã lấy lại được các kỹ năng sống cơ bản như: tự vệ sinh cá nhân, làm những công việc đơn giản như trồng nấm, làm vườn, các công việc thủ công. Đã gần 1 năm kể từ khi các BN này rời bệnh viện trở lại nhà sống chung với cộng đồng. “BN sau khi trở lại cộng đồng cũng cần được hỗ trợ, chăm sóc và điều trị bằng thuốc liên tục. Tuy nhiên, đa số hoàn cảnh của BN đều khó khăn nên ít được người thân quan tâm, chăm sóc đúng mức. Điều này dễ dẫn đến bệnh tái phát, BN bị người nhà xích, cách ly khiến bệnh ngày một nặng thêm”, bác sĩ Thanh cho biết.

 

Chị C. bị xích, cách ly trong phòng  sau khi rời bệnh viện một thời gian

Chị C. bị xích, cách ly trong phòng sau khi rời bệnh viện một thời gian

 

Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần nặng, tỷ lệ lưu hành của bệnh này ở Việt Nam từ 0,47 đến 1%. Tâm thần phân liệt thường gây ra các tàn phế về chức năng xã hội và nghề nghiệp, làm cho họ gặp khó khăn trong việc thỏa mãn các nhu cầu cơ bản, phải lệ thuộc các thành viên trong gia đình và các khoản chi trả cho sự tàn phế.

Bệnh viện Chuyên khoa tâm thần tỉnh mong muốn các cấp quản lý nhà nước cần ban hành các quy định cấm việc xích, cách ly BN tại nhà để ngăn ngừa việc sử dụng hoặc lạm dụng hình thức này. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần quan tâm chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp cho gia đình của BN để tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc chăm sóc và đưa BN tham gia các dịch vụ điều trị liên tục tại cộng đồng, được dùng thuốc chống loạn thần thế hệ mới hiệu quả tốt hơn; được huấn luyện nghề và tạo điều kiện ưu đãi về việc làm sau khi xuất viện. Đối với Sở Y tế, UBND tỉnh, bệnh viện đề xuất hỗ trợ về vật lực, tài lực, cũng như nhân lực để bệnh viện có thể triển khai đội lưu động và thiết lập các cơ sở điều trị ngoại trú cho BN tại các huyện, thị xã, thành phố nhằm giúp họ có cơ hội tiếp cận điều trị thuận lợi, hiệu quả và đỡ tốn kém hơn.


Hiện nay, bệnh viện không có kinh phí để tiếp tục theo dõi các BN từng điều trị tại bệnh viện nên tỷ lệ tái phát bệnh cao. “Bệnh viện mới chỉ cử nhân viên xuống khám định kỳ tại nhà cho BN và hỗ trợ điều trị cho các BN thuộc các trạm y tế gần bệnh viện. Trong thời gian tới, bệnh viện dự định sẽ cố gắng nghiên cứu thiết lập các trung tâm phục hồi chức năng cho BN tại cộng đồng và sẽ thí điểm thực hiện trước tại địa bàn TP. Nha Trang; đồng thời cũng mong muốn giữa bệnh viện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có cơ chế phối hợp trong việc thành lập trung tâm huấn luyện nghề nghiệp cho BN. Nếu làm được điều này sẽ rất tốt cho BN, giúp họ tự tin duy trì khả năng làm việc, ổn định bệnh, giảm mặc cảm, có thu nhập tự nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”, bác sĩ Thanh chia sẻ.


Thảo Ly - Minh Thiết