10:07, 25/07/2014

Trường Sa - ký ức không thể lãng quên

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm gặp các cựu binh và thân nhân liệt sĩ Trường Sa đang sống tại Nha Trang. Ký ức về những ngày gian khó ở Trường Sa, về người thân hy sinh ở đảo cứ đầy vơi, không bao giờ hết…

Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm gặp các cựu binh và thân nhân liệt sĩ Trường Sa đang sống tại Nha Trang. Ký ức về những ngày gian khó ở Trường Sa, về người thân hy sinh ở đảo cứ đầy vơi, không bao giờ hết…


Những mảnh ký ức...


Trong căn nhà nép mình cuối đường Nhị Hà (Nha Trang) rộn rã tiếng cười đùa của con trẻ, bà Lê Thị Hoa, mẹ liệt sĩ Trần Kim Ánh (hy sinh ở đảo Tốc Tan năm 1988) tất bật lo bữa cơm cho chồng, cho cháu. Nhắc tới tên liệt sĩ, bà Hoa rưng rưng nước mắt. Đến bây giờ, bà vẫn không muốn tin đứa con trai trưởng hiền lành đã nằm lại đâu đó trong lòng đại dương. Cầm cuốn nhật ký của con, bà nghẹn ngào, hồi lâu mới bình tĩnh lại: “Nó viết thư tình cảm lắm, chắc là muốn động viên cha mẹ, chứ nhật ký của nó quyết tâm lắm”. Trang nhật ký ngày đầu nhập ngũ của chàng chiến sĩ hơn 20 tuổi hừng hực lửa: “Ta sẵn lòng đem máu giữ Trường Sa... Là quân nhân tôi thề vì Tổ quốc/Sẽ phục vụ bất cứ nơi đâu/Dù Trường Sa hay là nơi khác/Thế mới là chiến sĩ bán đảo Cam Ranh”.

 

Ông Đoàn Đình Hồng (bìa trái) trong một lần ra làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn.
Ông Đoàn Đình Hồng (bìa trái) trong một lần ra làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn.


Ngồi lặng lẽ trên chiếc võng trong căn nhà cuối con đường Hà Thanh, bà Bùi Thị Định (mẹ liệt sĩ Trương Đình Bính, hy sinh tại đảo Đá Đông năm 1988) kể đứt đoạn, bà bị tai biến cách đây 2 năm, đi lại, cử động khó khăn, trí nhớ giảm sút nhiều, nhưng bà vẫn nhớ Bính bơi rất giỏi, và cũng rất đẹp trai, hiền lành. Ông Trương Đình An, cha liệt sĩ Bính, không còn khỏe sau lần mổ tim cách đây 3 năm. Nhưng trong dáng hình gầy gò và cách nói chuyện chậm rãi, chúng tôi vẫn thấy sự lạc quan, niềm tự hào về người con đã hy sinh. Ông khoe, Bính nối nghiệp cha, cũng làm thợ sắt ở Xí nghiệp Cơ khí Nha Trang, sau đó trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và ra Trường Sa. Mới đi hơn 1 năm, chàng thanh niên 22 tuổi đã hy sinh. Những gì còn lại chỉ là dòng chữ khắc tên anh trên tấm bia ghi tên liệt sĩ của phường và ít tư trang... Lặng một lúc, ánh mắt ông lại lấp lánh vui khi nhớ lại một đoạn thư con viết: “Con chuẩn bị được kết nạp Đảng. Sau này khi vào Đảng, con sẽ mang sức mình đóng góp cho Đảng, cho Tổ quốc nhiều hơn”. Nó còn dặn chúng tôi: “Bố mẹ hãy giữ gìn sức khỏe. Ở ngoài này, chuyện ăn uống không lo, ngày Tết bánh mứt đầy đủ, hoa mai không thiếu”. Ông còn chỉ vào một đoạn nhật ký ấm áp của con: “Mỗi lần có bạn được vào đất liền, mình rạo rực lắm, mong được về thăm gia đình... Bố viết thư hay quá, mỗi lần mình nhận thư là cả đảo lại giành nhau đọc chung”. Ông chợt chùng giọng: “Ở đơn vị, nó được mệnh danh là rái cá đấy! Bơi giỏi nên nó mới cố cứu một đồng đội đang cùng làm nhiệm vụ...”.


Nắng chiều lấp lóa trong ánh mắt ông Nguyễn Công Kiên, kế toán Kho bạc Nhà nước TP. Nha Trang khi ông hồi tưởng những kỷ niệm ở Trường Sa trước ngày trở thành thương binh 3/4. Ông tự hào vì có hẳn 3 năm (1985 - 1988) được công tác tại Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Nam Yết... Trường Sa trong ông là lần đầu say sóng, hay những lần thử đạn pháo sém mặt, và không thể thiếu những lần đối mặt với tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Lần mắt phải bị thương do đạn pháo (năm 1988), tàu đi ròng rã 9 ngày đêm đưa ông vào đất liền điều trị mấy tháng, nhưng vừa ra viện, người Thượng úy pháo binh ấy lại ao ước được tiếp tục ra Trường Sa.


Thương binh 3/4 Đoàn Đình Hồng thì cười hiền, nói ông “có duyên” với biển. Là vì trước ngày nhập ngũ theo nghiệp hải quân (1969), ông đã là sinh viên Đại học Hàng hải, từng cùng bạn bè đi vận tải hàng hóa bằng đường biển. Năm 1975, ông được điều động vào Nam tiếp nhận tàu, chiến đấu tại một số đảo, rồi về Cam Ranh (năm 1983) làm Chỉ huy tham mưu Học viện Hải quân Nga, trợ lý tác chiến Vùng 4 Hải quân, đi vận tải Trường Sa, làm Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146. Người cựu binh rắn chắc khỏe đã đi hầu hết các đảo ở Đông Bắc, Tây Nam và Trường Sa. Nhưng ông nhớ nhất giai đoạn 1988, với nhiều đêm thức trắng lo kế hoạch điều hành tàu chiến đấu: “Hồi đó, nước ta còn nghèo, đời sống chiến sĩ Trường Sa còn khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần của quân dân rất tốt. Chúng ta luôn chủ động nắm tình hình đối phó với mọi diễn biến an ninh xấu trên biển”.


Lớp cha trước, lớp con sau


Hôm tới nhà liệt sĩ Trần Kim Ánh, chúng tôi chỉ gặp người mẹ, ba của liệt sĩ đang đi làm thợ hồ. Bà Lê Thị Hoa khẳng khái: “Tuy già, nhưng chúng tôi còn sức, còn cống hiến, còn đóng góp cho xã hội; phải sống đàng hoàng cho xứng đáng với con”. Dường như người mẹ được an ủi nhiều với những dòng nhật ký của con: “Mai đây đất nước sạch bóng quân thù/Con sẽ trở về đền đáp lại công ơn... Cha mẹ hãy lắng dịu tình thương mẫu tử/Để lòng con lên đường được thắng lợi”.

 

Ông Trần Kim Thông và bà Lê Thị Hoa luôn tự hào về con trai -  Liệt sĩ Trần Kim Ánh đã hy sinh vì Tổ quốc.
Ông Trần Kim Thông và bà Lê Thị Hoa luôn tự hào về con trai - Liệt sĩ Trần Kim Ánh đã hy sinh vì Tổ quốc.


Ông Trương Đình An vui hẳn lên khi kể chuyện: “Hôm rồi, Ban Liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh mời tôi dự sinh hoạt. Mọi người bật nhạc, khiêu vũ và bảo hồi xưa anh Bính nhà bác dạy đấy. Thằng Bính biết nhảy cũng là do tôi dạy, đâu ngờ con còn kịp truyền cho đồng đội...”.


Ông Nguyễn Công Kiên luôn ao ước được thăm lại Trường Sa, chụp tấm hình kỷ niệm. Cuộc sống hôm nay với ông khá giản dị, như hồi còn ở quân đội. “Tôi chỉ góp chút sức nhỏ cho Trường Sa thôi”, ông nói. Chút tự hào của ông là việc các anh em ông đã tiếp bước 2 thế hệ trước (bà nội ông từng đi biểu tình chống thực dân Pháp xâm lược ở Đà Nẵng và bị địch bắn chết; cha trước làm nhiệm vụ tại Trung đoàn Thủ đô), chị cả làm ở Bộ Tư lệnh Hải quân, người em công tác ở Quân khu 3.

 

Ông Đoàn Đình Hồng kể cho các cháu nghe về những năm tháng làm nhiệm vụ  ở Trường Sa.
Ông Đoàn Đình Hồng kể cho các cháu nghe về những năm tháng làm nhiệm vụ ở Trường Sa.


Ánh mắt lấp lánh niềm vui, Đại tá về hưu Đoàn Đình Hồng khoe bây giờ ông vẫn tham gia nhiều hoạt động: Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh phường, thành viên Ban Chấp hành Câu lạc bộ (CLB) Dưỡng sinh, CLB Ông bà cháu, CLB thơ nhạc... Ông còn vui hơn vì chàng chiến sĩ hải quân năm nào, nay đã là con rể ông, đang công tác tại đơn vị tàu ngầm thuộc Vùng 4 Hải quân.


Ký ức Trường Sa trong họ cứ đầy vơi, không bao giờ hết. Họ, những cựu binh và thân nhân của liệt sĩ - những thương binh, liệt sĩ đã gửi gắm một phần xương máu cho Trường Sa thân yêu, đang sống bình dị giữa lòng phố biển và đều nói chỉ cống hiến chút sức nhỏ cho Trường Sa. Nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận một niềm tự hào truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là được bảo vệ non sông bờ cõi, là nguyện thầm phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội, của con em họ.


Dõi ánh mắt ra phía biển ầm ào sóng, ông An lưu luyến: “Tấm hình thờ con hiện giờ vẫn là hình chụp năm học lớp 12. Chúng tôi chỉ ao ước có được tấm hình thờ con mặc bộ đồ hải quân...”. Rờ rẫm bàn tay lên chiếc mũ cối - di vật của con, ông An chậm rãi: “Ngày làm lễ truy điệu, tôi không khóc. Bởi chúng ta ai cũng phải chết, nhưng con tôi đã hy sinh vì nước, cái chết của nó thật ý nghĩa. Tôi vẫn còn 2 người con trai. Nay mai, nếu các con trúng tuyển, tôi sẽ sung sướng tiễn con làm nghĩa vụ quân sự”...

 

NGUYỄN VŨ - VĂN GIANG