05:07, 30/07/2014

Trái non chín ép...

Hiện tượng tảo hôn đã biến nhiều thiếu nữ người dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang tuổi "ăn chưa no lo chưa tới" thành những bà mẹ trẻ. Nhìn các cô loay hoay dỗ dành những đứa con nhỏ quấy khóc, chúng tôi thấy nuối tiếc cho những "trái non chín ép"…

Hiện tượng tảo hôn đã biến nhiều thiếu nữ người dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” thành những bà mẹ trẻ. Nhìn các cô loay hoay dỗ dành những đứa con nhỏ quấy khóc, chúng tôi thấy nuối tiếc cho những “trái non chín ép”…


Học hành dang dở


Chị Mai Thị Xuân - cán bộ chuyên trách dân số xã Ba Cụm Nam và chị Tro Thị Khoanh - cộng tác viên dân số đưa chúng tôi đến thăm chị em Bo Bo Thị T. và Bo Bo Thị H. (thôn Suối Me, xã Ba Cụm Nam). Cả hai chị em này đều làm mẹ ở tuổi vị thành niên. Thoáng thấy bóng khách trước cửa, Bo Bo Thị T. lập tức lẩn tránh. Chị Khoanh cho biết, T. có bầu khi mới học cấp 3 nên phải nghỉ học. T. suốt ngày mặc áo khoác rộng nên cả nhà không biết. Chỉ đến khi gần sinh, chuyện mới vỡ lở. Con của T. giờ đã gần 2 tuổi, em đành phải làm mẹ đơn thân khi cha đứa trẻ không chịu cưới T. mà đi lấy người khác. Em gái ruột T. là Bo Bo Thị H. và cậu bạn cùng lớp thương nhau khi đang học lớp 10. Thế là hai đứa cùng nghỉ học để cưới theo phong tục. Giờ con của H. đã 14 tháng tuổi, nhưng vợ chồng chưa đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi theo quy định.

 

Cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho các bà mẹ vị thành niên.
Cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho các bà mẹ vị thành niên.


Lấy chồng sớm, cuộc sống vất vả đã khiến các em già hơn nhiều so với tuổi, rụt rè và thiếu tự tin trong giao tiếp. Do vợ chồng H. chỉ có vài sào rẫy nên chồng phải đi làm phụ hồ thêm để lo cho gia đình. Dỗ đứa con nhỏ, H. kể, em phải dậy từ 5 giờ sáng; nuôi con nhỏ vất vả nhất là khi nó bệnh. Khi được hỏi: “Em có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô và bạn bè không?”, H bảo: “Nhớ chứ, nhưng không có điều kiện gặp vì không có thời gian mà đi”. Nếu còn đi học, chắc hẳn H. đã cùng các bạn trải qua kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi.


Được động viên mãi, cuối cùng Bo Bo Thị T. cũng chịu trò chuyện với chúng tôi. Ánh mắt buồn bã của em cứ mãi nhìn xuống, ngại ngần. Tiếng T. nhỏ như muỗi kêu, hỏi gì cũng chủ yếu trả lời: dạ, không. T. kể về nỗi vất vả khi phải làm mẹ đơn thân, nỗi sợ khi con bệnh phải ẵm lên Trạm Y tế xã xin thuốc. Hai mẹ con làm rẫy vẫn không đủ sống, phải dựa vào sự giúp đỡ của cha mẹ, ông ngoại. Hỏi T. có tiếc thời đi học không, em nhìn đi hướng khác: “Có chứ. Thỉnh thoảng ôm con nhìn các bạn đi học, em lại thấy nhớ trường. Giá thời gian quay lại, em sẽ chọn đi học”...


Con trẻ... làm mẹ trẻ con


Cưới chồng theo phong tục từ năm 15 tuổi, Mấu Thị L. (17 tuổi, thôn Hòn Gầm, xã Ba Cụm Nam) giờ đã có con 13 tháng tuổi. Vụng về dỗ con, L. hồn nhiên bảo: “Con mình đã phải đi viện 2 lần, nhưng toàn bà ngoại chăm. Nó không theo mình mà theo bà ngoại thôi. Đưa nó đi rẫy hay đi đâu với mình là nó khóc. Nó chỉ chịu mình khi cho bú thôi”. Hai vợ chồng L. được nhà chồng cho 9 sào rẫy trồng bắp nhưng bị khỉ hái mất trái, cuộc sống hàng ngày vẫn nhờ vào cha mẹ. Vợ chồng L. cũng chưa đăng ký kết hôn vì “mình còn nhỏ tuổi lắm”.


Mồ côi cha mẹ, Cao Thị T. (thôn Suối Me, xã Ba Cụm Nam) học hết lớp 7 thì nghỉ học, rồi lấy chồng (năm 2012). Khi ấy T. được 17 tuổi. Căn nhà nhỏ được bên chồng dựng nên cho vợ chồng T. trống tuềnh toàng. Phòng ngoài duy nhất chỉ có chiếc võng, phòng trong có 1 chiếc giường thêm chiếc võng nữa. Chồng đi rẫy, T. ôm con nhỏ ngại ngùng tiếp chuyện khách. T. bảo lúc mới sinh, chưa biết chăm con nên phải nhờ mẹ chồng và các chị dạy. Chồng T. sinh năm 1994, hai vợ chồng vừa đăng ký kết hôn vì mới đủ tuổi.

 


Vượt qua cây cầu treo, chị Trần Thị Kim Ly - cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình thị trấn Tô Hạp và chị Bo Bo Thị Phương - cộng tác viên dân số dẫn chúng tôi đến thăm nhà em Bo Bo Thị X. (thôn Hạp Cường, thị trấn Tô Hạp). Nhìn X. địu con trên lưng, chúng tôi cứ ngỡ cô bé đang địu em. Học hết lớp 7, X. nghỉ học, rồi lấy chồng năm 15 tuổi. Hỏi lý do lấy chồng sớm, X. bảo “lấy chồng để cùng làm ăn”. 16 tuổi sinh em bé, bây giờ, con của X. đã được 4 tháng tuổi. Chồng vắng nhà, hai mẹ con ở nhà ngoại để nhờ cậy vừa nuôi ăn vừa giúp chăm con.


Nhìn  Bo Bo Thị X. địu con, chị Bo Bo Thị Phương như thấy lại hình ảnh của mình thời con gái. Chị Phương bảo, chị cũng từng tảo hôn. Tuy muốn học để có việc làm nhưng nghe lời cha mẹ, chị nghỉ học từ năm lớp 4. Chị lấy chồng rồi sinh con đầu lòng khi mới 15 tuổi. “Đường học đứt đoạn, tương lai mơ hồ. Đẻ con cũng chưa biết ẵm bồng, chăm sóc, con khóc..., tất cả đều nhờ cậy mẹ. Những vất vả trên, tôi từng trải qua nên hiểu. Vì thế, chẳng cần đâu xa, tôi lấy ngay nỗi khổ của bản thân mình khi ấy để tuyên truyền cho các em trẻ bây giờ”. Vượt lên vất vả, chị Phương đã tiếp tục học hết lớp 12 và trở thành cộng tác viên dân số của thôn Hạp Cường này.  


Tảo hôn: Nhiều hệ lụy


Nhiều năm nay, ở Khánh Sơn, những cặp vợ chồng tảo hôn không phải là chuyện hiếm. Theo bà Nguyễn Trần Thúy Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tảo hôn gây ra nhiều hệ lụy. Những gia đình tảo hôn thường có cuộc sống khó khăn về vật chất và tinh thần. Các em phải làm cha, làm mẹ ở tuổi vị thành niên thường thiếu kinh nghiệm sống nên dễ phát sinh mâu thuẫn, kém hiểu biết, thiếu kiến thức nuôi dạy con cái... làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi trẻ em. Với các bà mẹ trẻ, khi mang thai ở tuổi vị thành niên, cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện, chưa đủ điều kiện nuôi dưỡng bào thai nên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, sinh con ở tuổi vị thành niên là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh. Đối với xã hội, tảo hôn là một trong những nguyên nhân làm gia tăng dân số, chất lượng dân số thấp, đói nghèo...


Nguyên nhân được nhiều người chỉ ra là do điều kiện kinh tế khó khăn, tình trạng trẻ em thất học, bỏ học vẫn còn xảy ra dẫn đến kết hôn sớm. Do phong tục, tập quán và ảnh hưởng của các phương tiện thông tin khiến trẻ dậy thì sớm. Tình trạng quan hệ tình dục và mang thai trước hôn nhân của vị thành niên cũng là nguyên nhân dẫn đến tảo hôn. Bên cạnh đó, còn do mặt bằng dân trí thấp, nhận thức của người dân còn hạn chế, có tư tưởng cho con kết hôn sớm để có thêm lao động. Việc quản lý con em trong gia đình chưa chặt chẽ, các bậc phụ huynh chưa quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em khi bước vào độ tuổi vị thành niên. Về phía chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi chưa thật sự đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình...

 

Theo báo cáo của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, năm 2011 có 20 cặp vợ chồng tảo hôn/225 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn (chiếm 8,89%); năm 2012 có 38 cặp tảo hôn (chiếm 19,39%); năm 2013 có 35 cặp tảo hôn (chiếm 23,98%). Tổng cộng 3 năm, có 93 cặp vợ chồng tảo hôn/567 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn (chiếm 16,41%). Tính theo độ tuổi, có 1 trường hợp có chồng khi mới 13 tuổi (xã Ba Cụm Nam), 9 trường hợp có chồng khi 14 tuổi, 14 trường hợp có chồng khi 15 tuổi, 32 trường hợp có chồng khi 16 tuổi và 37 trường hợp có chồng khi 17 tuổi.

Hiện nay, thực trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề nóng trên địa bàn huyện Khánh Sơn, trong đó có cả con em cán bộ. Theo ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, hiện tượng tảo hôn và một số trường hợp hôn nhân cận huyết thống sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dân số như: Trẻ em còi cọc, suy dinh dưỡng; người mẹ không được chăm sóc sức khỏe tốt; gia đình thiếu ăn, thiếu mặc, nghèo đói... Có những trường hợp bỏ học để lấy vợ lấy chồng làm các em mất cơ hội học tập. Đầu tiên là gia đình gánh chịu hậu quả, sau đó là gánh nặng lớn cho xã hội. Để giảm thiểu hiện tượng tảo hôn trong thời gian tới, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành nắm lại tình hình nhằm làm tốt công tác tuyên truyền. Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền miệng, năm 2014 là năm đầu tiên UBND huyện chỉ đạo triển khai đến từng hộ gia đình ký cam kết xây dựng gia đình đạt 4 tiêu chí để nâng cao chất lượng dân số. Trong đó có cam kết nam nữ thanh niên kết hôn đúng độ tuổi theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình (nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên; không để người thân trong gia đình tảo hôn và kết hôn cận huyết thống). “Huyện sẽ tập trung cho công tác truyền thông; quan tâm hơn đến chế độ chính sách cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở và cộng tác viên. Tuy nhiên, không thể khoán trắng cho ngành Dân số, mà phải có sự tham gia của nhà trường, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... Các địa phương, ban, ngành phải cùng vào cuộc” - ông Cư nói.


N.D - P.H