06:07, 19/07/2014

Dấu xưa lần giở

Sắp tới, hơn 400 tập hồ sơ cán bộ đi B của những người con Khánh Hòa sẽ được trao trả cho họ và thân nhân. Những trang tài liệu được lật giở sau mấy chục năm đã gợi lại ký ức hào hùng của một thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Sắp tới, hơn 400 tập hồ sơ cán bộ đi B của những người con Khánh Hòa sẽ được trao trả cho họ và thân nhân. Những trang tài liệu được lật giở sau mấy chục năm đã gợi lại ký ức hào hùng của một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Qua đó, giúp thân nhân cán bộ đi B hiểu và tự hào hơn về những đóng góp của thế hệ cha anh mình.

 

Ký ức một thời

 

Mấy chục năm đã qua, tên những địa danh hành chính đã thay đổi rất nhiều. Xem qua nhiều hồ sơ cán bộ đi B (là những cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, tham gia lao động sản xuất tại miền Bắc và những cán bộ miền Bắc, theo yêu cầu của cách mạng đã vào miền Nam công tác theo con đường dân sự), những địa danh như: phường ba thị xã Nha Trang, phường đệ nhị thị xã Nha Trang, khu Tây, khu Nam thị xã Nha Trang hay huyện Vĩnh Xương, Vĩnh Khánh, huyện Bắc Khánh... đều quá xa lạ với thế hệ trẻ chúng tôi. Có trường hợp, tuy chúng tôi đã được cơ quan chức năng cung cấp địa chỉ hiện tại và mất rất nhiều thời gian tìm kiếm, nhưng khi đến nơi, hóa ra chỉ là người cùng tên, cùng tuổi chứ không phải nhân vật cần tìm. Vì thế, cầm tập hồ sơ màu nâu khá dày và nặng trên tay, ngoài bìa đề tên Nguyễn Văn Minh; bí danh Chính, Nguyễn Văn Nô, Hà Xuân Hải; quê quán thôn Đại Điền Nam, xã Khánh Điền, huyện Vĩnh Khánh, tỉnh Khánh Hòa (nay thuộc xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh), chúng tôi có chút hồi hộp khi gõ cửa ngôi nhà 53B đường Yersin, TP. Nha Trang. Thật may mắn, chúng tôi gặp đúng người, đúng địa chỉ.

 

Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Minh với hồ sơ đi B.
Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Minh với hồ sơ đi B


Hơn 90 tuổi, bị yếu nửa thân người, không thể tự xúc cơm, nhưng khi nghe chúng tôi nói về hồ sơ cán bộ đi B, cụ Nguyễn Văn Minh bảo con gái đỡ ngồi dậy. Cùng cụ bà mở tập hồ sơ gần 100 tờ, bàn tay còn cử động được của cụ Minh run run lật lại những trang tài liệu năm xưa. Từng là Phó Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh năm 1949, Bí thư Thị ủy Nha Trang năm 1950...; đến năm 1954, cụ Minh tập kết ra Bắc. Lật những trang hồ sơ ghi thời điểm từ 1958 đến 1965, cụ Minh bồi hồi chia sẻ: “Trong ký ức cán bộ, chiến sĩ đi B luôn đau đáu nỗi niềm ngày Bắc đêm Nam. Rất nhiều đêm không ngủ được, tâm trí chúng tôi luôn hướng về nơi quê nhà còn chưa im tiếng súng. Chúng tôi đều mong ước được trở về chiến đấu giải phóng quê hương. Năm 1965, sau khi giao lại hồ sơ để đảm bảo bí mật, tôi trở lại miền Nam chiến đấu. Hành trang chỉ là khẩu súng, ba lô với gạo, muối, lương khô, 2 bộ quần áo và vài vật dụng sinh hoạt. Ròng rã đi bộ 3 tháng xuyên rừng mới lên được căn cứ ở Hòn Dù, Hòn Dữ”.

 

Gần 50 năm, ông Phan Hữu Sâm mới được thấy lại hồ sơ đi B của mình.
Gần 50 năm, ông Phan Hữu Sâm mới được thấy lại hồ sơ đi B của mình.


Mân mê tập hồ sơ, cụ Minh chăm chú đọc lại những bản khai lý lịch, tiểu sử của bản thân, những giấy chuyển công tác, cả tờ giấy chứng nhận thôi cấp lương thực đã gợi nhớ lại những năm tháng tham gia lao động sản xuất, cống hiến xây dựng miền Bắc... Cụ Minh bảo: “Tôi đang soạn hồ sơ lý lịch để lại cho con cháu nên những tư liệu này rất quý đối với tôi”. Lật tờ lý lịch khai năm 1958, bà Hồng Hà - con gái cụ Minh thích thú: “Lúc đó, tôi mới 7 tháng tuổi, còn chưa có các em Đông Xuân, Tấn Hải. Bây giờ, tôi mới biết ba còn có bí danh là Chính”.


Trước những tài liệu, kỷ vật gắn liền với năm tháng không thể nào quên, các cán bộ, chiến sĩ ngày ấy đều bồi hồi xúc động khi bắt gặp lại hình ảnh chính mình thời còn trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết, hào hùng. Lẩm nhẩm đọc lại bí danh Hồ Thị Nên, bà Hồ Thị Vinh (sinh năm 1947, tổ Đông Môn 3, thị trấn Diên Khánh) nhắc lại quyết tâm trả “nợ nước thù nhà” thời trẻ. Bà nhắc đến người cha hy sinh năm 1968, 3 người chú đã hy sinh khi còn rất trẻ, dượng bà cũng là liệt sĩ. Khi tham gia cách mạng, bà đã bị địch bắt khi cùng cán bộ vận động nhân dân xuống đường cướp chính quyền dịp Tết Mậu Thân 1968. Ra tù, bà lên căn cứ và trở thành y tá. Đến giờ, bà vẫn nhớ lần cơ quan bị địch tập kích, bắn bị thương, phải chịu đói, chịu khát trong gộp đá để chờ địch rút đi mới có thể trở về băng bó vết thương. Năm 1971, bà được ra miền Bắc để chữa bệnh, học tập. Rồi 3 năm sau, bà được trở lại với căn cứ cách mạng Hòn Dữ, Hòn Dù tiếp tục công tác, chiến đấu cho đến ngày giải phóng.

 

Bà Hồ Thị Vinh vui mừng khi được  xem lại hồ sơ đi B.
Bà Hồ Thị Vinh vui mừng khi được xem lại hồ sơ đi B.


Kỷ vật còn mãi


Những hồ sơ, tài liệu của các cán bộ đi B đã phản ánh cả một giai đoạn hào hùng của dân tộc, gắn với số phận của bao người trong bối cảnh chiến tranh, đất nước phân chia, gia đình ly tán.

 

Các cán bộ, nhân viên Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh đã hoàn thành chứng thực, sắp xếp hơn 400 hồ sơ cán bộ đi B của tỉnh.
Các cán bộ, nhân viên Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh đã hoàn thành chứng thực, sắp xếp hơn 400 hồ sơ cán bộ đi B của tỉnh.


Khi chúng tôi đưa ra tập hồ sơ cán bộ đi B của mình, ông Phan Hữu Sâm (sinh năm 1930, quê làng Xương Huân, thị xã Nha Trang; hiện đang ở 24B Nguyễn Hữu Huân, TP. Nha Trang) không khỏi bất ngờ vì những tài liệu này đã mấy chục năm rồi. Từng là trinh sát mặt trận 23-10, khi hoạt động công an mật trong nội thành bị lộ, năm 1949, ông thoát ly tham gia kháng chiến rồi tập kết ra Bắc. Khi đang làm Bí thư Đoàn Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà (Hà Nội), cuối năm 1964, ông lên đường đi B. “Khi ấy, con trai đầu của tôi mới 4 tuổi, con gái chưa đầy 2 tuổi. Tối chia tay, chỉ đợi các con ngủ một chút rồi tôi lên đường. Mất 4 tháng xuyên rừng với ba lô nặng trĩu, rồi sốt rét; đầu năm 1965, tôi mới về lại quê hương. Vào đến đây, tôi nhận nhiệm vụ ở Ban Dân vận Tỉnh ủy. Tôi vừa lo công tác tuyên truyền vừa phụ trách xây dựng đoàn thanh niên. Suốt 10 năm, chiến dịch này đến chiến dịch khác cho đến tận ngày giải phóng, tôi không ra Bắc thăm vợ con được lần nào. Nỗi nhớ gia đình chỉ có thể gửi qua mấy dòng thư ngắn ngủi mà cũng mấy tháng mới đến, có khi cả năm mới nhận được”.

 

Cuối năm 2013, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh tiếp nhận từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III hơn 400 bộ hồ sơ cán bộ đi B của tỉnh Khánh Hòa do Ủy ban Thống nhất Chính phủ lưu trữ giai đoạn 1959 - 1975. Trong tháng 7 này, UBND tỉnh sẽ tổ chức trao lại cho cán bộ, chiến sĩ đi B hoặc thân nhân. Để thực hiện được điều đó, từ mấy tháng nay, các cán bộ, nhân viên Chi cục Văn thư - Lưu trữ đã tích cực chứng thực từng tờ tài liệu, sắp xếp hồ sơ; phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tìm kiếm, xác minh địa chỉ để liên hệ.

Qua những hồ sơ, tài liệu, thân nhân của những cán bộ đi B như gặp lại hình ảnh người thân của mình. Nhờ vậy, họ càng thêm hiểu và tự hào về những đóng góp của thế hệ cha anh. Lật những trang hồ sơ cán bộ đi B của người cha đã mất (cụ Lê Hân), ông Lê Xuân Hạnh (đường Tô Hiến Thành, TP. Nha Trang) không khỏi bùi ngùi xúc động. Đưa chúng tôi xem tấm ảnh đen trắng với hình người đàn ông bế một đứa trẻ hơn 1 tuổi và tấm ảnh người đàn ông trung niên bên cạnh một chàng thanh niên, ông Hạnh bảo đấy là hai cha con ông lúc xa cách và lần đầu gặp lại. Khi cha đi tập kết, mẹ ông được phân công ở lại. Hình ảnh về cha chỉ được ông tưởng tượng qua lời kể của mẹ. Mãi đến năm 23 tuổi, lần đầu, ông Hạnh được ôm và nghẹn ngào gọi tiếng “Ba!”. Ông tâm sự: “Đất nước chia ly bao nhiêu năm là cũng chừng ấy thời gian gia đình tôi ly tán. Đất nước thống nhất chính là ngày gia đình đoàn viên. Đối với tôi, ba tôi là người sắt son với đất nước, chung thủy với gia đình. Ba đặt tên hai anh em tôi là Hạnh và Phúc như ước mơ của cả dân tộc...”.


Tiếp xúc nhiều với các hồ sơ, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh chia sẻ: “Lật giở những trang ký ức của các cô, chú, anh, chị, tôi cảm thấy như mình đang được sống trong thời kỳ đất nước còn chia cắt bởi chiến tranh. Tôi bắt gặp trong ấy khát vọng giải phóng, nhiệt huyết của những người con miền Nam được trở lại cùng đồng bào miền Nam chiến đấu giành độc lập và cả niềm tự hào về những đóng góp tích cực cho thời kỳ xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa - hậu phương vững chắc để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam”.


N.D