08:06, 21/06/2014

Nhà báo và tình yêu biển đảo

Từ lâu, báo chí đã trở thành cầu nối giữa Trường Sa với đất liền. Cùng với giới báo chí cả nước, những người làm báo ở Khánh Hòa nối tiếp nhau đến với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Từ lâu, báo chí đã trở thành cầu nối giữa Trường Sa với đất liền. Cùng với giới báo chí cả nước, những người làm báo ở Khánh Hòa nối tiếp nhau đến với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc... Đặc biệt, những ngày này, khi tình hình Biển Đông đang căng thẳng, tình yêu biển, đảo của những người làm báo càng trỗi dậy mãnh liệt...


 Đồng hành cùng những người bám biển


Mới đây, nghe tin tàu Kiểm ngư KN 22 vừa từ Hoàng Sa trở về, 2 phóng viên trẻ Đình Lâm và Bích La của Báo Khánh Hòa đã lên tàu đi ngay trong đêm để kịp ra Đà Nẵng gặp các cán bộ trên tàu KN 22 (hầu hết đều đang sinh sống ở huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh). Cuộc chiến đấu can trường của các anh đã được 2 phóng viên thuật lại sinh động qua loạt bài “Rắn rỏi giữa biển trời Hoàng Sa”, làm bật lên ý chí kiên cường của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam. Phóng viên Đình Lâm chia sẻ: “Chúng tôi thật sự cảm phục các anh - những người nơi đầu sóng ngọn gió đối đầu với nhiều hiểm nguy nhưng ở họ luôn toát lên ý chí kiên cường, dũng cảm. Được trực tiếp nghe các anh kể về những lần bị tàu Trung Quốc đâm va, chúng tôi thấy rõ hơn sự hung hăng, ngang ngược của các tàu chấp pháp Trung Quốc và cảm nhận được sự can trường, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ Kiểm ngư...”. Những cảm xúc ấy đã được nhóm tác giả “thổi” vào bài viết, vừa chân thật vừa lắng đọng, đem đến cho bạn đọc những thông tin nóng hổi từ những người vừa trở về nơi đầu sóng ngọn gió.

 

 Lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền tại vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm 1988.
Lễ thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền tại vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao năm 1988.

 

Cũng trong loạt bài viết này, các tác giả đã tìm gặp gia đình của các cán bộ Kiểm ngư đang sống ở Cam Ranh, Cam Lâm để nghe tiếng lòng của họ. Những người vợ của kiểm ngư viên là những phụ nữ bình dị, lặng lẽ làm hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác. “Phụ nữ ai cũng muốn có chồng bên cạnh, nhưng yêu chồng thì phải là hậu phương vững vàng để anh yên tâm công tác”, tâm sự của chị Lường Thị Huê, vợ kiểm ngư viên Nguyễn Duy Trình đang làm nhiệm vụ trên tàu Kiểm ngư KN 22, được phóng viên Đình Lâm - Bích La ghi nhận cũng chính là tiếng lòng chung của hậu phương tất cả những kiểm ngư viên. Bài viết đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc của bạn đọc, giúp họ hiểu hơn về cuộc sống đời thường của các kiểm ngư viên.


Cũng trong những ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa, các phóng viên của Báo Khánh Hòa cũng đã có nhiều bài viết phản ánh tinh thần bám biển kiên cường của ngư dân Khánh Hòa, góp tiếng nói vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Với các nhà báo, viết về biển, đảo vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào của mỗi người.


Nhiệt huyết của những cây bút đến với Trường Sa


Một trong số những nhà báo được đến Trường Sa nhiều lần nhất là nữ nhà báo Tôn Nữ Thanh Bình. Năm 2010, lần đầu tiên chị đến Trường Sa. “Sau mấy ngày lênh đênh trên sóng nước, nhìn vệt đảo mờ xa nổi lên giữa trùng khơi ai cũng háo hức chạy lên boong tàu nhìn ngắm. Khi vào gần đảo, tàu phát bản nhạc hùng tráng, nhìn lá cờ Tổ quốc bay trong nắng mình tự hào đến trào nước mắt”, nhà báo Thanh Bình nhớ lại. Sau chuyến đi năm đó, nhà báo Tôn Nữ Thanh Bình đã lặn lội ra tận Quảng Bình gặp gia đình liệt sĩ Trần Văn Phương để làm phim tài liệu “Đất nước từ Trường Sa” - bộ phim là bài ca về phẩm chất tuyệt vời của những người lính đảo. Cùng với đó, chị còn có phim tài liệu “Nơi ấy Trường Sa” cùng 4 phóng sự, 15 phóng sự ngắn phản ánh cuộc sống của quân dân ở nơi đầu sóng. Năm 2012, rồi 2014 chị tiếp tục xin đi Trường Sa. Sau những chuyến đi, danh bạ điện thoại của chị lại đầy hơn những cái tên có đuôi là TS (Trường Sa). Những người lính trẻ mỗi khi có nỗi niềm, có tin vui lại nhắn tin, gọi điện để chia sẻ. Những ngày Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam làm dậy sóng Biển Đông, chị nhắn tin, động viên những người lính đảo.  

 

 Nhà báo Lê Bá Dương tại đảo Đá Nam trong chuyến đi cuối năm 2006.
Nhà báo Lê Bá Dương tại đảo Đá Nam trong chuyến đi cuối năm 2006.


Nhà báo Đình Thông (Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa) đã 5 lần đi công tác ở Trường Sa vào mùa giông bão. Có những chuyến đi anh bị say sóng, phải nằm bẹp trên giường nhưng vẫn chưa bao giờ có ý định ngừng việc đi đảo. Bởi anh biết, những vất vả của mình chẳng là gì so với sự hy sinh của những người lính đảo. Trường Sa đã dạy cho anh những bài học sinh động nhất về chuyện hy sinh, về lòng yêu nước. Anh kể: Cuối năm 2010, đảo Nam Yết đón tân binh, trong số những người lính trẻ vừa nhập ngũ có con trai của một trung tá đang công tác trên đảo. Biết trước điều này, nhưng khi ghi lại giây phút trùng phùng của cha con người lính, mắt anh cứ nhòe đi. Hình ảnh Lớp cha trước, lớp con sau/Cùng là đồng chí chung câu quân hành trong thơ Tố Hữu được tái hiện bằng xương bằng thịt qua những thước phim sống động, chứa đựng nhiều cảm xúc.


Một trong những người để lại dấu ấn về Trường Sa đầu tiên, chính là nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương. 3 lần đi Trường Sa ăn ngủ với cánh lính, anh đã “chộp” được những khoảnh khắc bình dị nhất về cuộc sống trên đảo. Trong buổi chiều muộn ở đảo Len Đao, nhìn thấy người lính trẻ Nguyễn Văn Phương (người Đà Nẵng) đang bồng súng đứng gác giữa bốn bề biển xanh, cách đó không xa là đảo Gạc Ma (bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), nhà báo Lê Bá Dương mới thấu hiểu khó khăn vất vả của người lính đảo. “Ngày xưa, chúng tôi chiến đấu ác liệt nhưng còn có đất để đào hầm trú ẩn, còn người lính đảo thì chơi vơi giữa bốn bề sóng nước”, anh nói. Chuyến đi cuối năm 2003, khi chuẩn bị rời đảo Sinh Tồn Đông, người lính chiến trường Quảng Trị năm xưa đã rơi nước mắt khi được một cậu lính cậy nhờ gửi hộ lá thư mà người nhận chính là người gửi. “Gạn hỏi, cậu lính trẻ kể rằng ở quê bố mẹ đang có chuyện nên đã lâu anh lính không hề nhận được thư nhà nên làm vậy cho đỡ tủi thân” - anh kể. Sau kỷ niệm đó, mỗi lần đi Trường Sa, nhà báo Lê Bá Dương đã chụp rất nhiều ảnh để khi về đất liền, anh rửa ảnh và gửi về gia đình những người lính, kèm theo dòng thăm hỏi để động viên các gia đình. Đến bây giờ, anh vẫn giữ một số lá thư mà các gia đình gửi cảm ơn anh...  


Nhà báo Nguyễn Đình Quân (Báo Tiền Phong) cũng là một người tâm huyết với Trường Sa. Với 6 lần đi đảo, gần như anh đã đặt chân lên tất cả các điểm đảo mà Việt Nam chốt giữ ở Trường Sa. Yêu Trường Sa như máu thịt, trong những năm qua, anh đã bỏ không ít công sức để tìm kiếm, phổ biến hình ảnh - tư liệu về Trường Sa. Anh đã gặp các cựu binh hỏi chuyện về giải phóng Trường Sa năm 1975; đến thư viện tỉnh lục tìm và chụp lại toàn bộ những trang báo Nhân Dân viết về các sự kiện ngày 14-3-1988 đưa lên blog, facebook của mình. Mới đây, anh cho đăng loạt bài - ảnh “Trường Sa qua từng bức ảnh” giới thiệu khái quát (vị trí địa lý, diện tích, lịch sử...) về các đảo, điểm đảo mà Việt Nam đang chốt đóng ở Trường Sa. Từ mấy năm nay, cứ đến ngày 14-3, nhà báo Nguyễn Đình Quân lại tập hợp đồng nghiệp đến viếng các liệt sĩ hy sinh ở vùng biển Gạc Ma năm 1988 tại Đài tưởng niệm quân nhân Việt - Xô/Nga. Anh còn vận động giúp đỡ các trường hợp gia đình những người lính ở Trường Sa gặp hoàn cảnh khó khăn...


Kể chuyện gắn bó với Trường Sa còn có cả danh sách dài như nhà báo Trần Minh Ngọc (Báo Ảnh Việt Nam), Trần Ngọc Phong, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Nam (Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa)... Riêng với Báo Khánh Hòa, suốt mấy chục năm các thế hệ phóng viên nối tiếp nhau đến với Trường Sa ghi lại những đổi thay của quần đảo này. Nhà báo Viết Thái (nguyên phóng viên Báo Khánh Hòa) đã đến Trường Sa ngay những ngày sự kiện 14-3-1988. Bộ ảnh của anh về Trường Sa năm 1988 trở thành một tư liệu quý, được nhiều báo sử dụng. Những năm gần đây, đều đặn mỗi năm Báo Khánh Hòa có 2 phóng viên được đến với Trường Sa, trong đó những phóng viên như Cẩm Vân, Nhân Tâm đã 2 lần đến với đảo. Phóng viên Nguyễn Đình Lâm chia sẻ: “Từ khi ra Trường Sa, mình thấy Tổ quốc như đẹp hơn, thiêng liêng hơn. Và mình thấy người cầm bút phải có trách nhiệm hơn đối với biển, đảo quê hương...”


Thời gian trôi qua, nhưng tấm lòng của các phóng viên Báo Khánh Hòa cũng như tất cả những người làm báo ở xứ Trầm Hương với biển, đảo sẽ còn đọng lại qua những khuôn hình, từng bài viết nóng hổi thời sự, ăm ắp tình yêu biển đảo...


XUÂN THÀNH