Có một Trường Sa hiên ngang giữa phong ba, bão tố, và cũng có một Trường Sa dung dị, yên bình với những phong tục, tập quán tốt đẹp từ ngàn xưa của dân tộc...
Người dân Trường Sa đi lễ chùa. |
Đến với Trường Sa, cùng lắng mình trong tiếng chuông chùa ngân vang vào mỗi sớm mỗi chiều, tìm chút niềm vui trong tiếng đánh vần ê a của các em nhỏ và nao nao thổn thức với tiếng gà gáy trưa, lòng chợt thấy lâng lâng một tình yêu quê hương khó tả. Dạo bước ở Trường Sa dưới những tán lá bàng trái vuông, những rặng dừa cao vút, những cây phong ba mạnh mẽ mới cảm nhận được sự bình yên ở nơi đảo xa này... Đêm xuống ở Trường Sa, từ trong mỗi gia đình ánh điện chiếu sáng, chiếc tivi trở thành người bạn thân thiết của dân đảo. Xa xa, vọng lại tiếng mẹ dạy con học bài, tiếng người dân chuyện trò rôm rả sau một ngày lao động. Sự bình yên của Trường Sa hôm nay khiến không ít người ngỡ mình đang ở một làng quê nào đó trong đất liền, không phải giữa lòng biển Đông cuồn cuộn sóng.
Âu tàu Song Tử Tây - biểu tượng của tình đoàn kết quân dân trên biển. |
Đến xã Song Tử Tây sau khi cơn bão Hai Yan đi qua, chúng tôi được nghe chuyện cán bộ, chiến sĩ trên đảo giúp ngư dân đánh bắt thủy sản ở ngư trường gần đó vào tránh trú bão tại âu tàu trên đảo. “Khi nắm bắt được thông tin về cơn bão Hai Yan, chúng tôi lập tức cử cán bộ, chiến sĩ xuống các hộ dân giúp chằng chống nhà cửa, sơ tán các vật dụng cần thiết về nơi an toàn. Cùng với đó, chúng tôi liên tục phát các thông tin, tín hiệu để báo cho tàu cá của ngư dân về âu tàu tránh trú bão. Đồng thời chỉ đạo các bộ phận đảm bảo lương thực, thực phẩm phục vụ ngư dân trong những ngày lưu tại âu tàu”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường - Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi nhận được tín hiệu từ đảo, đã có 64 tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa với 376 người được lực lượng cứu hộ cứu nạn trên đảo hướng dẫn vào âu tàu an toàn. Suốt mấy ngày lưu lại trên đảo, ngư dân được phục vụ ăn uống, chăm sóc sức khỏe. Khi bão tan, một số tàu có nhu cầu còn được cấp phát nước ngọt, bán dầu với giá như ở đất liền để có thể tiếp tục an tâm bám biển.
Y sĩ đảo Song Tử Tây khám bệnh cho nhân dân. |
Có tới Trường Sa, mới cảm nhận được một cách sâu sắc hai tiếng “đồng bào” đầy thiêng liêng, nhưng cũng rất đỗi giản dị. Tình đồng bào ở Trường Sa được cụ thể hóa bằng sự gắn bó đoàn kết quân dân, cùng chung ý chí. “Sống ở đảo, người dân chúng tôi mỗi khi đánh bắt được cá đều gửi tặng các anh bộ đội. Mỗi khi có tàu vận chuyển hàng hóa ra đảo, chúng tôi đều tới phụ giúp bốc vác. Ngược lại, các anh giúp chúng tôi giống cây trồng, vật nuôi và những kỹ thuật tăng gia sản xuất. Cứ như thế, tình cảm giữa người dân với bộ đội gắn bó khăng khít”, anh Nguyễn Văn Lương - người dân xã Sinh Tồn tâm sự. Để tăng mối đoàn kết, gắn bó quân dân, các đơn vị bộ đội trên đảo còn thực hiện việc kết nghĩa với các hộ dân. Những đơn vị kết nghĩa có nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân từ những việc nhỏ như hướng dẫn tăng gia sản xuất, sửa chữa nhà cửa... “Từ khi có đơn vị bộ đội kết nghĩa, một số công việc trong gia đình tôi đều được các anh giúp đỡ. Người dân chúng tôi cảm thấy vui hơn, tình cảm giữa bộ đội và nhân dân thêm mặn nồng”, chị Dương Thị Thu Thủy - người dân xã Song Tử Tây cho biết.