09:01, 14/01/2014

Như những đốm lửa…

Ấp ủ ước mơ "cho - nhận" đầy ắp yêu thương, không mong được biết tới, chẳng màng được ngợi ca, họ chỉ muốn chia sẻ bớt khó khăn với mọi người. Như những đốm lửa lan dần, họ kết nối để sưởi ấm trái tim của những người kém may mắn hơn...

Ấp ủ ước mơ “cho - nhận” đầy ắp yêu thương, không mong được biết tới, chẳng màng được ngợi ca, họ chỉ muốn chia sẻ bớt khó khăn với mọi người. Như những đốm lửa lan dần, họ kết nối để sưởi ấm trái tim của những người kém may mắn hơn. 
 
 
Học cách chia sẻ 
 
 
Nha Trang, chiều cuối năm se sắt gió. Phong phanh trong chiếc áo ngắn tay, Phùng Bảo Khanh - sinh viên Trường Đại học Nha Trang, nhóm trưởng nhóm Niềm vui và Hy vọng (NVHV) khu vực Chợ Mới đạp xe như bay từ vựa phế liệu về, hào hứng thông báo: “Sắt 18kg, lon 471 cái, nhựa 23kg, giấy 47,5kg, sắt lon 9kg; tổng cộng 594.500 đồng!”. Lập tức, tiếng hò reo vang lên. Sau một hồi râm ran, cả nhóm lên kế hoạch thăm hỏi, tặng quà: Một cụ già sống một mình trong túp lều tranh; một em trai 15 tuổi bệnh đã 8 năm, không đi lại được; bà C. bị còng 2 bàn chân vừa sinh con bị dị tật; em N.T.V., 17 tuổi bị tai nạn giao thông, mất 1 tay, 1 chân…
 
 
 
Tới tận nhà trao quà cho người nghèo.
Tới tận nhà trao quà cho người nghèo.

 

 

Nguyễn Văn Đang (làm rẫy, Diên Sơn, Diên Khánh, Khánh Hòa) kể, biết cô Ngô Thị Khanh (thường gọi là cô Thảo, ở thôn Tây 4, xã Diên Sơn) vừa bị mù hai mắt, chồng mới mất do bị điện giật, 4 con của cô, đứa út mới biết bò, nên cả nhóm tới thăm. Nhìn căn nhà trống hoác, dột trước dột sau, cả nhóm liền hò nhau kiếm đồ lợp lại mái nhà, dọn vườn… Ngoài thăm người nghèo, bị bệnh, tổ chức văn nghệ phát quà cho các em nhỏ nhân dịp Trung thu, Giáng sinh, quét dọn, giặt giũ, phát cỏ ở những gia đình có hoàn cảnh đáng thương, nhóm còn dạy kèm văn hóa, dạy nghề miễn phí trong dịp hè cho các em, đi ngoại tỉnh (Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Thuận…) thăm hỏi người khó khăn. Tết năm ngoái, nhóm mua gạo, đậu… về gói 3.000 cái bánh tét góp vào túi quà Tết biếu mọi người, khiến họ ấm lòng hơn khi xuân về. Đỗ Nguyễn Hoài Trang (nhân viên Công ty TNHH Xây lắp điện Nha Trang) kể, 5 năm nay, cứ nửa đêm mùng 2 Tết, cả nhóm lại lục tục tới nghĩa trang, cùng nhau thắp nến cho từng ngôi mộ trước khi đứng bán nhang. Bình minh lên cũng là lúc cả nghĩa trang lung linh ánh nến, như lời cầu chúc gửi tới ông bà, tổ tiên. Người đi viếng mộ, ai cũng mua nhang ủng hộ nhóm. Trên Facebook, Sysvester Võ tâm sự: “Tôi nhớ như in mỗi lần về Tết được đi bán nhang, được đập lon bia, xếp thùng carton, phân loại phế liệu… - cái công việc lem luốc nhưng chứa đầy tình yêu thương. Vẫn còn đó những cụ già neo đơn, những em nhỏ không nơi nương tựa.., cần lắm sự giúp đỡ từ chúng ta”.

 

 
Đỗ Dạ Lan Anh, cựu sinh viên Trường Đại học Nha Trang, thủ lĩnh của 10 thành viên sinh năm 1991 nhóm Tâm tình trẻ nhớ lại: Lần đầu tiên đi xin nhôm nhựa, có bạn trai còn mang khẩu trang cho bớt ngại. Nhưng vào việc, cả nhóm hăng hái hẳn, chẳng ngại gì nữa. “Ngày đầu tiên bán lon bia được 300.000 đồng, cả nhóm hớn hở còn hơn bắt được vàng!”, Lan Anh nói. Dịp lễ, các bạn còn có sáng kiến về Diên Khánh mua hoa rồi tự cắm và huy động người thân, bạn bè mua ủng hộ. Hôm 8-3-2013, các bạn lời được gần 2 triệu đồng, đủ để đi thăm hỏi người bệnh.
 
 
 
Nhận tình yêu, trải nghiệm cuộc sống 
 
 
 
“Thủ lĩnh tinh thần” của nhóm NVHV - ông Lê Văn Nghiêm (các em gọi là sư huynh, ở 137 Nguyễn Khuyến, Vĩnh Hải, Nha Trang) đã ngoài 80 tuổi nhưng tinh thần vẫn trẻ trung. Ông cho biết, bền bỉ suốt 10 năm, đến nay, nhóm đã mở rộng thành 4 nhóm nhỏ, lấy theo tên 4 giáo xứ ở Khánh Hòa (Cây Vông, Bình Cang, Chợ Mới, Phù Sa) và một nhóm ở TP. Hồ Chí Minh, tập hợp khoảng 160 thành viên, tuổi từ 6 đến 22. Khi cân đường, lúc hộp sữa…, quà của nhóm tuy không nhiều, nhưng sự quan tâm bất ngờ của những em nhỏ không quen biết đã mang lại hạnh phúc cho người được nhận. Cô Thảo lau mắt cười: “Chúng nó như cô Tấm vậy, tới nhà làm đủ việc. Chỉ cần chúng tới vườn sau, cô đã nhận ra tiếng từng đứa”. Bạn Trang bồi hồi, có lần, tới Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, bạn được một cụ bà ôm chặt hồi lâu và khóc, nói lâu rồi cụ không được ôm cháu mình vào lòng. Còn Nguyễn Thị Ngọc Triều, giáo viên mầm non ở Diên Sơn (Diên Khánh), nhóm trưởng nhóm NVHV khu vực Cây Vông nhớ như in lần đi thăm làng phong Quy Hòa (Phú Yên). Khi cô nắm lòng bàn tay của một cụ già bị phong ăn hết ngón tay, cụ đã bật khóc và nói, không ngờ cô dám cầm bàn tay như vầy…  
 
 
 
Chơi với các em nhỏ.
Chơi với các em nhỏ.

 

 

Nhật ký chung của nhóm Tâm tình trẻ cũng ăm ắp kỷ niệm. Biết cô thu mua ve chai của nhóm có con bị bệnh mà thiếu tiền, vét hết quỹ, nhóm quyết định kêu gọi mọi người rồi mang tới giúp con cô có tiền vào TP. Hồ Chí Minh khám chữa bệnh. Lan Anh chan chứa: “Giờ bạn ấy đã khỏe, nhóm không cần đến thăm nữa. Chúng em làm những việc này để được hiểu nhiều người, nhiều hoàn cảnh hơn”. Còn ông Lê Văn Nghiêm nói: “Chưa thống kê nhóm đã nhận được mấy ngàn nụ cười, riêng tôi được niềm vui thấy giới trẻ biết sống nhân bản, biết chia sẻ, cống hiến cho đời”. Phan Trịnh Thục Khánh, học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, quản lý Câu lạc bộ Vòng tay ấm Nha Trang thì hồn nhiên: Nhiều em nhỏ thích thú khi giải “bài toán” hóc búa: Làm sao bán hết số báo, bắp, kẹo? Bạn Hiko (xin giấu tên) chia sẻ: “Mình thấy may mắn được tham gia bán báo. Nó giúp mình yêu đời, tự tin hơn, lại có dịp cọ xát thực tế, điều mà ở trường học không thể có”. Tết 2014 này, các bạn đang dồn sức chuẩn bị chương trình Áo ấm cho em ở xã Sơn Thái. 

 

 

Nuôi ước mơ của mình và mọi người 
 
 
 
 
Lưu Thanh Thảo (biệt danh Lưu Thanh, sinh năm 1992, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang) chia sẻ, 2 năm trước, Lưu Thanh và 2 bạn trẻ đã khởi xướng rồi cùng khoảng 20 bạn khác xây dựng trên mạng một đồ án mang tên Ước mơ Việt, với mong ước nuôi dưỡng ước mơ, khơi gợi niềm tin, hoài bão trong các em nhỏ. Đi thực tế, liên hệ với chính quyền sở tại, làm game show, kêu gọi cộng đồng mạng và các tình nguyện viên ủng hộ về vật chất và tinh thần, Lưu Thanh và nhóm Ước mơ Việt đã nhiều lần lên Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, về miền Tây Nam bộ, ra miền Trung nắng lửa…, không nề hà khuân từng bao quần áo cũ, đóng gói sách cũ, tập vở, hộp chì màu, bịch kẹo, bánh…, bày nhiều trò chơi để các em chơi đùa, vẽ lên giấy ước mơ của mình. Tình nguyện viên Hải Văn Hoàng xót xa sau chuyến đi Khánh Vĩnh: “Chỉ những trò chơi đơn giản, nhưng với các em đều là mới nhất, lạ nhất, hay nhất! Những bài hát thiếu nhi không biết hát! Những cử điệu đơn giản chưa từng làm! Các em chỉ biết làm một điều: Đứng sát chen chúc nhau e dè!”.  
 
 
 
Lên Khánh Vĩnh thăm hỏi bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Lên Khánh Vĩnh thăm hỏi bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

 

 

Lưu Thanh quả quyết: “Một em ước mơ lớn lên làm tổng thống ư, không sao hết! Sợ nhất là sống không mơ ước!”. Cô bảo đã thấy nhiều bạn trẻ sống bê trễ, thậm chí lao đầu vào ma túy, tệ nạn xã hội, phạm tội, và đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình, do bị lôi kéo, ảnh hưởng phim ảnh, internet…, nhưng thực tế, họ thiếu lý tưởng sống. Có muôn vàn chuyện xảy ra không theo ý muốn. Quan trọng là cách ta đón nhận và tiếp tục hành động. Cuộc sống thay đổi khi bản thân ta thay đổi cách nhìn về nó. Lưu Thanh muốn cho các em ý niệm về cuộc sống lành mạnh, muốn cùng mọi người chung sức thực hiện vì Việt Nam ắp tiếng cười ấm tình người. Cô muốn đi để cảm nhận cuộc sống những người Việt khó khăn, thiếu thốn, góp phần nâng đỡ những ước mơ mong manh chưa được chắp cánh. “Dù bất cứ nơi đâu, em sẽ đi thắp lửa vì ước mơ Việt”, cô nói.

 

 
Nhìn các bạn trẻ sống và cống hiến mới thấy, làm thiện nguyện, đừng ngại mình không giàu có, đừng ngại mình ít sức lực. Vì trong những người nói trên, có cả những em nhỏ mới học lớp 1, lớp 2, có những bạn trẻ không được khỏe mạnh. Nhưng họ đều giàu nhiệt tâm, đủ để chia sẻ không mệt mỏi với những số phận kém may mắn hơn. Họ như những đốm lửa nhỏ sưởi ấm những trái tim bất hạnh, để cộng đồng Việt gắn kết yêu thương và ngày càng phát triển.
 
 
 
THIỀU HOA