09:01, 22/01/2014

Bình yên Trường Sa

Giữa biển khơi trùng trùng sóng vỗ, quần đảo Trường Sa vẫn hiện lên nét yên ả, thanh bình như bao làng quê khác của đất mẹ Việt Nam. Nơi đây, ngày lại ngày, những cư dân Trường Sa vẫn cần mẫn lao động, xây dựng và bảo vệ từng tấc đất ông cha để lại. 
 

Kỳ 1: Trở lại Trường Sa
 
 
Xúc cảm Trường Sa 
 
 
Cách đây 5 năm, tôi có dịp đến Trường Sa trên con tàu HQ 996. Lần đầu được tiếp xúc với đại dương mênh mông, cùng những câu chuyện hào hùng về những người đã không quản máu xương giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, tôi bỗng thấy mình trở nên bé nhỏ. Trong chuyến đi đó, tôi đã được ngủ lại cùng các chiến sĩ ở đảo Trường Sa Đông. Trong căn phòng tứ bề lộng gió mà tiếng muỗi vo ve bên tai nghe như sáo thổi. Tôi cũng lên tầng cao nhất của ngọn đèn biển ở xã đảo Song Tử Tây để ngắm nhìn những con tàu mang ký hiệu của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa neo đậu tại âu tàu để tiếp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực thực phẩm. Tôi vẫn nhớ rõ lời lão ngư Trần Văn Nghĩa, quê ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quãng Ngãi): “Âu tàu Song Tử Tây thực sự là điểm tựa để ngư dân chúng tôi an tâm bám biển”. Đến thị trấn Trường Sa, tôi đã cùng đá bóng với các anh lính đảo mà sân bóng chính là đường băng trên đảo. Các anh bộ đội nơi đây cũng đã kỷ niệm tôi kiểu tóc “cắt cao cạo sạch” mang đậm chất lính…
 
 
 
Một góc đảo Song Tử Tây.
Một góc đảo Song Tử Tây.

 

Lần này, tôi lại được tham gia chuyến công tác của Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân mang hàng, quà Tết đến với đồng bào, chiến sĩ Trường Sa. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi tôi tiếp tục đồng hành cùng con tàu HQ 996 và may mắn được trở lại những đảo đã đến 5 năm trước. Xã đảo Sinh Tồn, nơi dừng chân đầu tiên sau gần 2 ngày đêm lênh đênh trên biển. Đứng trên boong tàu, tôi dường như bị mê hoặc bởi cảnh đẹp của đảo. So với cách đây 5 năm, đảo đã khoác lên mình diện mạo mới khang trang, hiện đại hơn. Đảo Nam Yết vẫn giữ được ấn tượng về một hòn đảo xanh và giờ đây càng xanh hơn khi mật độ che phủ được nâng lên gần 90% diện tích nổi của đảo. Không chỉ “xanh hóa” đảo, cư dân Nam Yết còn làm nhiệm vụ ươm những mầm xanh để gieo trồng trên những hòn đảo khác. Vào đảo Song Tử Tây, cảnh quan môi trường ở đây khiến tôi thực sự bất ngờ. Đường đi lối lại trên đảo được trải bê tông sạch sẽ, hai bên đường là những hàng cây tra, cây bàng trái vuông, cây phong ba thẳng tắp. Trước mỗi ngôi nhà của người dân đều có một bồn hoa hoặc tiểu cảnh để trang trí. “Quân và dân ở Song Tử Tây luôn nêu cao ý thức làm đẹp cho cảnh quan môi trường của đảo. Đẹp nhà, đẹp doanh trại, đẹp đảo là mục đích hướng tới của chúng tôi”, anh Nguyễn Tấn Kiệt - người dân sống trên đảo Song Tử Tây tâm sự.

 

 
Thay da đổi thịt
 
 
 
Trẻ em nô đùa trên đảo Sinh Tồn.
Trẻ em nô đùa trên đảo Sinh Tồn.

 

 

Trở lại Trường Sa, bất cứ ai cũng đều chung nhận định Trường Sa nay đã thực sự thay đổi và phát triển. Nếu trước đây, những trở ngại về phương tiện liên lạc, đi lại, điện thắp sáng, nước ngọt sinh hoạt… luôn là điều trăn trở, nay đã từng bước được giải quyết để Trường Sa ngày càng gần hơn với đất liền. “Trước đây, lính đảo chúng tôi luôn háo hức trông chờ từng lá thư từ đất liền gửi ra. Mỗi lần có tàu đến là chở theo bao nhiêu hy vọng. Vậy mà, có người cả mấy tháng trời không nhận được lá thư nào. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi, sóng điện thoại phủ khắp, nên việc liên lạc với gia đình, người thân, bạn bè trong đất liền trở nên dễ dàng hơn”, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng - Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây tâm sự. 

 

 
Người dân xã Sinh Tồn chuẩn bị ngư cụ.
Người dân xã Sinh Tồn chuẩn bị ngư cụ.

 

Trường Sa hôm nay, hơi ấm của đất liền đã phủ khắp. Trên các đảo, hệ thống năng lượng sạch với những tua-bin gió, bảng pin năng lượng mặt trời không chỉ cung cấp điện sử dụng 24/24 giờ mà còn thừa để tích trữ sử dụng vào những hoạt động khác. Mỗi khi màn đêm buông xuống, khắp các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa lại lung linh ánh điện. Tiếng nhạc phát ra từ ti vi, đài phát thanh rộn ràng từ mỗi nhà dân đến các đơn vị bộ đội.

 

 
 Ánh điện lung linh ở đảo Nam Yết.
Ánh điện lung linh ở đảo Nam Yết.

 

Nước ngọt ở Trường Sa bây giờ cũng không còn khan hiếm. Để giải cơn “khát” cho các đảo, hệ thống bồn chứa nước được chú trọng xây dựng, lắp đặt, tích trữ tối đa lượng nước mưa xuống đảo. Một số đảo còn đào được giếng để lấy nước ngầm tự nhiên. Nhờ đó, nguồn nước ngọt trên các đảo dồi dào, đủ cho người dân, bộ đội sử dụng. Ngoài ra, các đảo còn thực hiện việc tiếp tế nước ngọt cho tàu cá của ngư dân. “Điều kiện sinh hoạt ở đảo hiện nay không khác biệt nhiều so với đất liền. Từ điều kiện vật chất đến đời sống tinh thần đều được quan tâm đầy đủ. Chính vì thế, chúng tôi càng an tâm công tác để xây dựng và bảo vệ biển, đảo Tổ quốc”, chiến sĩ Nguyễn Văn Sang - Cụm chiến đấu số 2 đảo Sơn Ca chia sẻ. 

 
 
 
Đường sá ở đảo Song Tử Tây phong quang, sạch đẹp.
Đường sá ở đảo Song Tử Tây phong quang, sạch đẹp.

 

Nói về những đổi thay của Trường Sa, Đại tá Bùi Hải Phước - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, người từng nhiều năm công tác ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa cho biết: “Tuy điều kiện ở Trường Sa vẫn còn có những khó khăn nhất định, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân nên diện mạo Trường Sa đã có những thay đổi tích cực. Đời sống của người dân và bộ đội trên các đảo đã được nâng lên một bước và họ cũng đang ngày đêm hăng say lao động, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.

 

Một Trường Sa đang thay da đổi thịt từng ngày, một Trường Sa chính quy và hiện đại đồng nghĩa với việc chủ quyền Tổ quốc đang được bảo vệ vững chắc. 

 

 
NHÂN TÂM